Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 28/2018/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật công tác bay đo từ và trọng lực trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

CÔNG TÁC TRẮC ĐỊA ĐỊNH VỊ DẪN TUYẾN BAY ĐO TỪ VÀ BAY ĐO TRỌNG LỰC

Điều 11. Yêu cầu kỹ thuật công tác trắc địa định vị dẫn tuyến bay đo từ và trọng lực

1. Trước mỗi mùa bay, hệ thống định vị, dẫn đường (máy GPS) phải được kiểm tra các thông số về tọa độ, độ cao tại mốc trắc địa quốc gia và tại vị trí lắp đặt máy GPS trên máy bay.

2. Việc dẫn tuyến bay đo để thực hiện các dạng công tác bay đo quy định tại Điều 7 Thông tư này không lệch quá một phần ba (1/3) khoảng cách giữa hai tuyến bay đo liền kề đã thiết kế.

3. Độ chính xác xác định vị trí điểm đo: Về mặt phẳng (Mxy) ≤ ±15m; về độ cao (mh) ≤ ± 0,8m.

Điều 12. Công tác trắc địa trên mặt đất

1. Việc đo câu nối tọa độ, độ cao từ mốc trắc địa quốc gia đến hai điểm đặt máy GPS tại các vị trí cố định trên mặt đất (gọi chung là máy GPS tĩnh) phải đạt độ chính xác về mặt phẳng Mxy ≤ ±1m, về độ cao mh ≤± 0,3m trước khi bay đo từ và trọng lực trên mạng lưới tuyến đã thiết kế. Trong trường hợp thuận lợi được đặt máy GPS tĩnh tại vị trí điểm tọa độ độ cao Nhà nước.

2. Hai máy GPS tĩnh phải đo liên tục trong thời gian từ khi máy bay cất cánh bay đo từ, trọng lực đến khi máy bay hạ cánh.

Điều 13. Công tác trắc địa cho một chuyến bay đo

1. Trước khi thực hiện một chuyến bay đo từ, trọng lực, đơn vị thực hiện yêu cầu đội ngũ kỹ thuật bay đo phải triển khai các nội dung sau:

a) Lập kế hoạch bay đo trong ngày;

b) Chuyển đổi tọa độ thiết kế tuyến bay về tọa độ mặc định của máy GPS lắp đặt trên máy bay (gọi chung là máy GPS động);

c) Xác định tọa độ điểm đầu và điểm cuối các tuyến bay đo;

d) Nhập tọa độ mạng lưới tuyến bay đo đã thiết kế vào máy GPS lắp đặt trên máy bay.

2. Khi máy bay cất cánh để bay đo, cán bộ kỹ thuật trắc địa phối hợp với tổ lái dẫn máy bay vào tuyến bay đo, vận hành thiết bị ghi số liệu tọa độ, độ cao các điểm đo của tuyến bay đo; kiểm tra việc ghi số liệu đo và theo dõi hoạt động của các thiết bị đo trong toàn bộ quá trình bay đo.

3. Cán bộ kỹ thuật trắc địa có trách nhiệm phối hợp với tổ lái kiểm tra độ lệch về mặt phẳng và độ cao tuyến bay đảm bảo bay đúng tuyến bay đo đã thiết kế.

Điều 14. Văn phòng thực địa công tác trắc địa

Kết thúc một ngày bay đo từ, trọng lực, đội ngũ kỹ thuật bay đo phải thực hiện công tác văn phòng với các nội dung sau:

1. Chuyển số liệu, lưu giữ số liệu vào máy tính và thiết bị lưu giữ ngoài. Kiểm tra, đánh giá sơ bộ chất lượng số liệu đo hàng ngày.

2. Xử lý đồng bộ số liệu đo của hai (02) máy GPS tĩnh và máy GPS động bằng phần mềm chuyên dụng kèm theo.

3. Chuyển giá trị tọa độ và độ cao các điểm đo trên máy bay về hệ tọa độ quốc gia hiện hành.

4. Lập sơ đồ tuyến bay thực tế theo các dạng công tác bay đo quy định tại Điều 7 Thông tư này trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ đã thiết kế để phục vụ công tác xử lý các số liệu bay đo từ, trọng lực và hoàn thiện các bộ bản đồ theo yêu cầu của đề án bay đo.

5. Thống kê các tuyến bay đo từ, trọng lực trong ngày; kiểm tra, xác định các đoạn tuyến bay đo chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, đề xuất kế hoạch bay đo bổ sung.

Thông tư 28/2018/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật công tác bay đo từ và trọng lực trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 28/2018/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Quý Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 77 đến số 78
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH