Hệ thống pháp luật

Chương 5 Thông tư 28/2009/TT-BGTVT về phương thức bay hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương V

PHƯƠNG THỨC BAY CHỜ VÀ PHƯƠNG THỨC TRÊN ĐƯỜNG BAY

Mục A. PHƯƠNG THỨC BAY CHỜ

Điều 34. Nguyên tắc chung đối với phương thức bay chờ

1. Tổ lái chịu trách nhiệm sử dụng các trang thiết bị trên tàu bay và tham chiếu thiết bị mặt đất, tính đến ảnh hưởng của gió trong khi chờ để đảm bảo dung sai về vị trí tàu bay khi bay chờ nằm trong giới hạn cho phép.

2. Vòng chờ tiêu chuẩn là vòng chờ rẽ về bên phải. Đối với vòng chờ rẽ về bên trái, khu chờ và phương thức tiến nhập vào vòng chờ phải được thể hiện trên sơ đồ.

Điều 35. Các tham số xác định khu chờ

1. Tốc độ;

2. Góc nghiêng và tốc độ bay vòng;

3. Ảnh hưởng của gió;

4. Thời gian bay rời đài hoặc độ dài của đoạn bay rời đài dựa vào cự ly theo DME;

5. Giới hạn tia chỉ hướng của thiết bị dẫn hướng.

Điều 36. Phương thức tiến nhập khu chờ

Các phương thức tiến nhập vào khu chờ:

1. Phương thức bay vào theo hướng song song;

2. Phương thức tiến nhập lệch trục;

3. Phương thức tiến nhập trực tiếp.

Điều 37. Vùng đệm và độ cao chờ tối thiểu

1. Vùng đệm được mở rộng 9,3 km ra phía ngoài ranh giới vựng bảo vệ của khu chờ.

2. Khoảng thông thoáng chướng ngại vật tối thiểu ít nhất là 300 m trên chướng ngại vật cao nhất trong khu chờ. Tại khu vực có chướng ngại vật cao hoặc khu vực núi, khoảng thông thoáng chướng ngại vật tối thiểu ít nhất là 600 m trên chướng ngại vật cao nhất trong khu chờ.

3. Độ cao chờ tối thiểu công bố được làm tròn lên giá trị 50 m gần nhất.

Mục B. PHƯƠNG THỨC TRÊN ĐƯỜNG BAY

Điều 38. Khoảng thông thoáng chướng ngại vật tối thiểu

1. Tại vùng đồi núi:

a) Khu vực có độ cao địa hình từ 900 m đến 1.500 m so với mực nước biển trung bình, khoảng thông thoáng chướng ngại vật tối thiểu ít nhất là 750 m trên chướng ngại vật cao nhất trong khu vực.

b) Khu vực có độ cao địa hình trên 1.500 m so với mực nước biển trung bình, khoảng thông thoáng chướng ngại vật tối thiểu ít nhất là 900 m trên chướng ngại vật cao nhất trong khu vực.

2. Ngoài vùng đồi núi, khoảng thông thoáng chướng ngại vật tối thiểu ít nhất là 600 m trên chướng ngại vật cao nhất trong khu vực.

Điều 39. Độ cao bay an toàn thấp nhất

Độ cao bay an toàn thấp nhất trên đường bay phải được xác định và ban hành cho mỗi đoạn đường hàng không được tạo bởi hai điểm kế tiếp nhau trên đường bay.

Điều 40. Vòng rẽ trên đường bay

Các tham số xác định vòng rẽ trên đường bay bao gồm độ cao bay, tốc độ tàu bay, gió, dung sai kỹ thuật bay.

Thông tư 28/2009/TT-BGTVT về phương thức bay hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 28/2009/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 539 đến số 540
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH