Hệ thống pháp luật

Chương 6 Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999

Chương 6:

TRUY ĐÒI, KHỞI KIỆN VỀ THƯƠNG PHIẾU

Mục 1: TRUY ĐÒI DO THƯƠNG PHIẾU KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN HOẶC KHÔNG ĐƯỢC THANH TOÁN

Điều 38. Quyền truy đòi

Người thụ hưởng có quyền truy đòi đối với những người sau đây:

1. Người ký phát, người bảo lãnh trong trường hợp hối phiếu bị từ chối chấp nhận một phần hoặc toàn bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh này;

2. Người ký phát hoặc người phát hành, người chuyển nhượng, người bảo lãnh, khi thương phiếu đến hạn thanh toán mà không được thanh toán theo nội dung của thương phiếu;

3. Người ký phát, người chuyển nhượng, người bảo lãnh trong trường hợp người bị ký phát bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể, kể cả hối phiếu đã được chấp nhận hoặc chưa được chấp nhận;

4. Người ký phát, người chuyển nhượng, người bảo lãnh trong trường hợp người ký phát bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể, nếu hối phiếu chưa được chấp nhận;

5. Người phát hành, người chuyển nhượng, người bảo lãnh trong trường hợp người phát hành bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể.

Điều 39. Thông báo về việc từ chối

Trong trường hợp thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng phải thông báo bằng văn bản cho người ký phát, người chuyển nhượng về việc từ chối đó.

Điều 40. Thời hạn thông báo

1. Người thụ hưởng phải thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn 4 ngày, kể từ ngày bị từ chối.

2. Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, mỗi người chuyển nhượng phải thông báo bằng văn bản cho người chuyển nhượng cho mình về việc thương phiếu bị từ chối, kèm theo tên và địa chỉ của người đã thông báo trước đó. Việc thông báo này được thực hiện cho đến khi người ký phát hoặc người phát hành nhận được thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.

3. Trong thời hạn thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu xẩy ra trở ngại khách quan ngoài khả năng kiểm soát của người thông báo và không phải do lỗi của người đó thì thời gian diễn ra trở ngại khách quan không tính vào thời hạn thông báo.

Điều 41. Trách nhiệm của những người có liên quan

1. Người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng chịu trách nhiệm đối với người thụ hưởng về toàn bộ số tiền ghi trên thương phiếu.

2. Người bị ký phát hối phiếu, người bảo lãnh thương phiếu chịu trách nhiệm đối với người thụ hưởng về số tiền đã cam kết chấp nhận hoặc cam kết bảo lãnh.

3. Những người có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm đối với người thụ hưởng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 42. Chấp nhận truy đòi

Người chuyển nhượng, người ký phát, người phát hành nhận được thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người thụ hưởng. Người chuyển nhượng đã trả tiền cho người thụ hưởng được quyền truy đòi đối với người ký phát, người phát hành.

Điều 43. Số tiền được thanh toán

Người thụ hưởng có quyền yêu cầu thanh toán các khoản tiền sau đây:

1. Số tiền không được chấp nhận hoặc không được thanh toán;

2. Chi phí truy đòi, các chi phí hợp lý có liên quan khác, nếu có;

3. Tiền lãi trên số tiền chậm trả kể từ ngày thương phiếu đến hạn thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Mục 2: KHỞI KIỆN VỀ THƯƠNG PHIẾU

Điều 44. Quyền khởi kiện

1. Sau 10 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán, mà không nhận được đủ tiền, thì người thụ hưởng có quyền khởi kiện trước Toà án đối với những người có liên quan, trừ người nhận cầm cố. Hồ sơ khởi kiện phải có đơn kiện, thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.

2. Người thụ hưởng không xuất trình thương phiếu để thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 34 của Pháp lệnh này hoặc không gửi thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh này thì mất quyền khởi kiện đối với những người có liên quan, trừ người ký phát, người phát hành, người chấp nhận.

3. Việc khởi kiện đối với một người không cản trở việc khởi kiện đối với người khác.

Điều 45. Quyền khởi kiện của người có liên quan

Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Pháp lệnh này được quyền khởi kiện người chuyển nhượng cho mình hoặc người ký phát, người phát hành hoặc người bảo lãnh về số tiền quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh này, kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ thanh toán thương phiếu.

Điều 46. Thẩm quyền của Toà án

1. Toà án nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến quan hệ thương phiếu.

2. Thủ tục giải quyết các tranh chấp về thương phiếu được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Điều 47. Thời hiệu khởi kiện

1. Người thụ hưởng có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người bảo lãnh, người chuyển nhượng, người chấp nhận về số tiền quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh này trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc không được thanh toán hoặc không được thanh toán đầy đủ.

2. Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Pháp lệnh này có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng cho mình, người bảo lãnh, người chấp nhận về số tiền quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh này trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.

3. Trường hợp người thụ hưởng không xuất trình thương phiếu để thanh toán đúng hạn theo quy định tại Điều 34 của Pháp lệnh này hoặc không gửi thông báo về việc thương phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh này, thì chỉ có quyền khởi kiện người chấp nhận, người phát hành, người ký phát trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày ký phát hành thương phiếu.

4. Trong thời hiệu khởi kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, nếu xẩy ra trở ngại khách quan ngoài khả năng kiểm soát của người khởi kiện và không phải do lỗi của người đó, thì thời gian diễn ra trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999

  • Số hiệu: 17/1999/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 24/12/1999
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH