Hệ thống pháp luật

Chương 4 Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999

Chương 4:

CHUYỂN NHƯỢNG THƯƠNG PHIẾU VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI THỤ HƯỞNG

Điều 26. Chuyển nhượng

1. Thương phiếu được chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp.

2. Thương phiếu được chuyển nhượng khi người thụ hưởng ký vào mặt sau thương phiếu và chuyển giao thương phiếu cho người được chuyển nhượng. Kể từ thời điểm việc chuyển giao thương phiếu được hoàn thành, người được chuyển nhượng trở thành người thụ hưởng thương phiếu.

3. Thương phiếu không được chuyển nhượng khi trên thương phiếu có ghi cụm từ "không chuyển nhượng".

4. Thương phiếu có thể được chiết khấu hoặc tái chiết khấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 27. Điều kiện có hiệu lực của việc chuyển nhượng

1. Việc chuyển nhượng thương phiếu có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chuyển nhượng toàn bộ số tiền ghi trên thương phiếu. Việc chuyển nhượng một phần số tiền ghi trên thương phiếu là không có giá trị;

b) Người chuyển nhượng không được ghi thêm trên thương phiếu bất kỳ điều kiện nào ngoài nội dung chuyển nhượng quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh này;

c) Được người bị ký phát ký chấp nhận toàn bộ đối với hối phiếu.

2. Thương phiếu quá hạn thanh toán không được chuyển nhượng.

Điều 28. Hạn chế chuyển nhượng

1. Người chuyển nhượng phải chịu trách nhiệm về việc thương phiếu đã được chuyển nhượng mà không được thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người chuyển nhượng có thể không cho chuyển nhượng tiếp thương phiếu bằng cách ghi thêm cụm từ "không chuyển nhượng" trên thương phiếu. Trong trường hợp này, người chuyển nhượng không chịu trách nhiệm về việc chuyển nhượng tiếp thương phiếu.

Điều 29. Hình thức ký chuyển nhượng

Việc ký chuyển nhượng phải được ghi trên mặt sau thương phiếu hoặc trên tờ phụ đính kèm và phải ghi đầy đủ tên, địa chỉ của người được chuyển nhượng, ngày chuyển nhượng và chữ ký của người chuyển nhượng.

Điều 30. Người thụ hưởng

Người thụ hưởng được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Thương phiếu chưa quá hạn thanh toán và không có thông báo về việc thương phiếu đã bị từ chối trước đó, nếu có;

2. Việc nắm giữ thương phiếu là hợp pháp;

3. Không có thông báo về bất kỳ hạn chế nào đối với quyền của người thụ hưởng đã chuyển nhượng thương phiếu trước đó.

Điều 31. Quyền của người thụ hưởng

1. Người thụ hưởng nắm giữ thương phiếu không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hạn chế nào đối với quyền của những người liên quan trước đó.

2. Người thụ hưởng có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu những người có liên quan thanh toán thương phiếu khi đến hạn;

b) Chuyển nhượng thương phiếu theo các quy định của Chương này;

c) Cầm cố thương phiếu;

d) Truy đòi, khởi kiện về thương phiếu.

3. Người đã thanh toán thương phiếu cho người thụ hưởng quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này khi đến hạn được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình.

4. Người thụ hưởng tiếp theo của thương phiếu có các quyền quy định tại khoản 1và khoản 2 Điều này.

Điều 32. Người thụ hưởng nước ngoài

Lệnh phiếu được phát hành hoặc chuyển nhượng cho người thụ hưởng là người nước ngoài không cư trú tại Việt nam, pháp nhân nước ngoài không được phép hoạt động kinh doanh tại Việt nam phải được sự chấp thuận trước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999

  • Số hiệu: 17/1999/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 24/12/1999
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH