Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 160/2003/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam

Chương 2:

ĐÓNG, MỞ CẢNG BIỂN, CẦU CẢNG

Điều 5. Mở cảng biển, cầu cảng

1. Việc mở cảng biển, cầu cảng phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được phép đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng biển theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là chủ đầu tư) đều có thể mở cảng biển, cầu cảng.

3. Việc chuẩn bị đầu tư xây dựng và thực hiện đầu tư xây dựng dự án mở cảng biển, cầu cảng của chủ đầu tư phải tuân thủ theo quy định có liên quan của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng.

Điều 6. Thủ tục mở cảng biển

1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng cảng biển :

a) Đối với dự án mở cảng biển, ngoài những thủ tục theo quy định có liên quan của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, khi chuẩn bị đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nội dung văn bản phải nêu rõ sự cần thiết, địa điểm, quy mô, vùng đón trả hoa tiêu, luồng ra vào cảng và mục đích sử dụng của cảng biển. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, các cơ quan quy định tại khoản này căn cứ chức năng, nhiệm vụ phải có văn bản trả lời cho chủ đầu tư; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Chủ đầu tư chỉ thực hiện các bước tiếp theo đối với việc đầu tư xây dựng cảng biển sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

b) Trước khi tiến hành xây dựng cảng biển, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình cảng. Khi tiến hành đầu tư xây dựng cảng biển, chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức giám sát việc thực hiện xây dựng cảng biển của chủ đầu tư, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực đó.

2. Công bố mở cảng biển :

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng biển, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam các giấy tờ sau đây :

- Văn bản xin công bố mở cảng biển có nội dung : tên cảng, vị trí, vùng đón trả hoa tiêu, loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép ra, vào hoạt động;

- Bản sao Quyết định đầu tư xây dựng cảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Biên bản nghiệm thu cuối cùng để đưa công trình cảng đã hoàn thành xây dựng vào sử dụng có kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cảng. Riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi thì không kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cảng;

- Biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và các cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền về kết quả khảo sát mặt đáy vùng nước trước cầu cảng (riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi không cần nội dung này);

- Thông báo hàng hải về luồng ra, vào cảng và vùng nước trước cầu, cảng kèm theo bình đồ. Riêng với cảng dầu thô ngoài khơi, thông báo hàng hải về vùng an toàn khu vực cảng dầu thô ngoài khơi;

- Văn bản chứng nhận công trình cảng biển đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan có thẩm quyền;

- Văn bản chứng nhận công trình cảng biển đủ điều kiện phòng chống cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền;

- Văn bản góp ý kiến của các cơ quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với dự án đầu tư xây dựng cảng biển.

b) Quyết định công bố mở cảng biển thực hiện như sau :

- Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại điểm a của khoản này, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Chậm nhất 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị cho phép công bố mở cảng biển. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định việc công bố mở cảng biển;

- Quyết định công bố mở cảng biển phải nêu rõ các nội dung chính : tên, vị trí, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch của cảng biển; loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép ra vào hoạt động. Riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi, nội dung Quyết định công bố mở cảng phải nêu thêm : giới hạn vùng an toàn khu vực cảng dầu thô ngoài khơi và các yêu cầu về bảo đảm an toàn hàng hải hoặc những hướng dẫn hàng hải khác đối với hoạt động của tàu thuyền.

Điều 7. Thủ tục mở cầu cảng, khu chuyển tải

1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng cầu cảng, khu chuyển tải :

a) Khi chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản đề nghị việc đầu tư xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải có kèm theo bản vẽ bình đồ mặt bằng bố trí cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng và luồng ra, vào cảng hoặc bình đồ bố trí khu chuyển tải đó. Nội dung văn bản nêu rõ sự cần thiết, vị trí, quy mô và mục đích sử dụng của cầu cảng, khu chuyển tải. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản trả lời chủ đầu tư, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

b) Trước khi tiến hành xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải của chủ đầu tư phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.

2. Thủ tục đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào sử dụng :

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam các giấy tờ sau đây :

- Văn bản xin phép đưa cầu cảng hoặc khu chuyển tải vào sử dụng;

- Bản sao Quyết định đầu tư xây dựng mới hoặc hoán cải, nâng cấp cầu cảng hoặc khu chuyển tải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Biên bản nghiệm thu cuối cùng để đưa công trình đã hoàn thành xây dựng vào sử dụng có kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cầu cảng hoặc bình đồ khu chuyển tải;

- Thông báo hàng hải kèm theo bình đồ của luồng ra, vào cầu cảng, khu chuyển tải; Biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về kết quả khảo sát mặt đáy vùng nước trước cầu cảng, khu chuyển tải;

- Văn bản chứng nhận công trình cầu cảng, khu chuyển tải đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan có thẩm quyền;

- Văn bản chứng nhận công trình cầu cảng, khu chuyển tải đủ điều kiện phòng chống cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền.

b) Quyết định đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào sử dụng :

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại khoản 2 của Điều này, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định việc đưa cầu cảng hoặc khu vực chuyển tải vào sử dụng. Nội dung Quyết định phải nêu rõ : tên cầu cảng hoặc khu chuyển tải, loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép vào hoạt động.

Điều 8. Xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển

Đối với các công trình như cầu, đường hầm, bến phà, đường dây điện, ống cáp ngầm và các công trình tương tự khác không thuộc dự án xây dựng cầu cảng, khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này, chủ đầu tư của các công trình này phải thực hiện quy định dưới đây :

1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng công trình :

a) Khi chuẩn bị đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản giải trình về công trình sẽ đầu tư xây dựng với nội dung : tên, vị trí, mục đích sử dụng, thời gian thi công, thông số kỹ thuật và các đặc điểm khác của công trình có liên quan đến hoạt động hàng hải tại khu vực đó. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

b) Trước khi tiến hành xây dựng công trình, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng công trình của chủ đầu tư nhằm bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.

2. Đưa công trình vào sử dụng :

a) Trước khi đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư phải cung cấp cho Cảng vụ hàng hải và Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam tại khu vực những thông tin sau : tên, vị trí, đặc điểm, giới hạn vùng nước của công trình (nếu có), các thông số kỹ thuật có liên quan như : chiều rộng khoang thông thuyền, chiều cao tĩnh không, các dấu hiệu cảnh báo, thời gian thông thuyền và độ sâu công trình so với mực nước "0" hải đồ, thời gian bắt đầu hoặc kết thúc (nếu có) hoạt động của công trình và các yêu cầu cần hạn chế khác nhằm bảo vệ công trình và bảo đảm an toàn đối với hoạt động hàng hải tại khu vực liên quan;

b) Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo các thông tin nêu tại điểm a của khoản này trên phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp;

c) Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thông báo hàng hải về các thông tin nêu tại điểm a của khoản này.

Điều 9. Đóng cảng biển hoặc tạm thời không đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào hoạt động

1. Vì lý do bảo đảm an ninh, quốc phòng hoặc các lý do đặc biệt ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đóng cảng biển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.

2. Vì lý do bảo đảm an toàn hàng hải hoặc sự cố môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường hoặc phòng chống cháy, nổ hoặc các lý do khác, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tạm thời đóng cảng biển trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Vì lý do bảo đảm an toàn hàng hải hoặc các lý do khác, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định tạm thời không cho phép cầu cảng, khu chuyển tải hoạt động trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

4. Sau thời hạn tạm thời đóng cảng biển quy định tại khoản 2 và tại khoản 3 Điều này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xem xét và ra quyết định mở lại cảng biển hoặc cầu cảng khu chuyển tải trên cơ sở đề nghị của các cơ quan có liên quan.

Điều 10. Danh bạ cảng biển Việt Nam

Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm lập, quản lý sổ Danh bạ cảng biển Việt Nam và giám sát việc quản lý, khai thác của chủ đầu tư đối với cảng biển, cầu cảng, khu chuyển tải trong sổ Danh bạ cảng biển sau khi được công bố mở cảng biển, cầu cảng, khu chuyển tải.

Nghị định 160/2003/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam

  • Số hiệu: 160/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/12/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 220 đến số 221
  • Ngày hiệu lực: 06/01/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH