Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/VBHN-BTTTT

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, CẤP, GIA HẠN, CẤP LẠI, THU HỒI CHỨNG CHỈ VÔ TUYẾN ĐIỆN VIÊN HÀNG HẢI

Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 36/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020.

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải[1].

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định về đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải; chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải; đối tượng, điều kiện, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) là hệ thống thông tin hàng hải được hội nghị các nước thành viên của Tổ chức hàng hải Quốc tế thông qua năm 1988 trên cơ sở bổ sung, sửa đổi chương IV, Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển - SOLAS 74 (sau đây gọi là GMDSS).

2. Bản sao hợp pháp là bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp và được ký xác nhận bởi người đối chiếu).

Chương II

ĐÀO TẠO VÔ TUYẾN ĐIỆN VIÊN HÀNG HẢI

Điều 3. Các khóa đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải

Các khóa đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải hệ GMDSS bao gồm:

1. Vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng hạn chế.

2. Vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng tổng quát.

3. Vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng hai.

4. Vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng nhất.

Điều 4. Tổ chức đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải.

2. Cơ quan, tổ chức phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải (sau đây gọi là cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải) phải đáp ứng các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978, sửa đổi năm 2010 về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, giáo viên tham gia giảng dạy (chi tiết tại Phụ lục I của Thông tư này) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Hội đồng thi tốt nghiệp

1. Hội đồng thi tốt nghiệp (sau đây gọi là Hội đồng thi) do Thủ trưởng cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải ra quyết định thành lập.

Hội đồng thi gồm có 05 hoặc 07 thành viên gồm: Chủ tịch Hội đồng là Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải; ủy viên là các cán bộ của cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải.

2. Hội đồng thi có nhiệm vụ sau đây:

a) Lập danh sách các học viên tham gia kỳ thi tốt nghiệp;

b) Tổ chức, điều hành, kiểm tra, giám sát kỳ thi theo quy định hiện hành;

c) Xử lý các vụ việc xảy ra trong kỳ thi (nếu có);

d) Tổng hợp kết quả kỳ thi, báo cáo Thủ trưởng cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải để công nhận tốt nghiệp cho học viên.

Điều 6. Thi tốt nghiệp và đánh giá kết quả thi tốt nghiệp

1. Học viên tham dự ít nhất 90% thời lượng của khóa học mới được tham gia thi tốt nghiệp. Trường hợp học viên không đảm bảo thời lượng tham dự khóa học nhưng có lý do chính đáng học viên được bảo lưu thời lượng đã học và học tiếp tại khóa học kế tiếp của cùng một cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải.

2. Thi tốt nghiệp khóa đào tạo được chia thành hai phần: phần thi lý thuyết và phần thi thực hành theo quy định hiện hành của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Điểm thi của mỗi phần được chấm theo thang điểm 10.

3. Các bài thi theo hình thức tự luận có điểm đạt từ điểm 5 trở lên. Các bài thi theo hình thức trắc nghiệm có điểm đạt từ điểm 7 trở lên.

4. Đối với các phần thi chưa đạt, học viên được tham gia thi lại 01 lần trong kỳ thi tốt nghiệp kế tiếp.

5. Học viên có điểm đạt ở cả hai phần thi mới đạt yêu cầu khóa học và được xét tốt nghiệp.

6. Cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải công nhận tốt nghiệp cho các học viên đạt yêu cầu khóa học.

Chương III

CẤP, GIA HẠN, CẤP LẠI, THU HỒI CHỨNG CHỈ VÔ TUYẾN ĐIỆN VIÊN HÀNG HẢI

Điều 7. Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải

1. Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải hệ GMDSS bao gồm các loại sau đây:

a) Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng hạn chế;

b) Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng tổng quát;

c) Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng hai;

d) Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng nhất.

2. Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải có giá trị sử dụng trong thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày cấp.

3. Mẫu chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải được quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

Điều 8. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải

1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu, thuyền Việt Nam.

2. Trong độ tuổi lao động theo quy định của Luật lao động.

3. Có đủ sức khỏe.

4. Đáp ứng các điều kiện cụ thể về chuyên môn cho từng loại chứng chỉ theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 hoặc Điều 12 tương ứng của Thông tư này.

5. Tốt nghiệp khóa đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải tương ứng.

Điều 9. Điều kiện chuyên môn để được cấp “Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng hạn chế”

1. Tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc là sỹ quan boong, đại phó, thuyền trưởng tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Việt Nam (vùng A1).

2. Tối thiểu đạt trình độ tiếng Anh bậc A2 theo chuẩn 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiếng Anh hàng hải trình độ 1 theo quy định của Bộ Giao thông vận tải hoặc có chứng chỉ tiếng Anh tương đương khác.

Điều 10. Điều kiện chuyên môn để được cấp “Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng tổng quát”

1. Tốt nghiệp từ bậc trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề trở lên một trong các chuyên ngành hàng hải, điều khiển tàu biển, điện tử, viễn thông hoặc tương đương; hoặc là sỹ quan boong, đại phó, thuyền trưởng tàu thuyền từ 500 GT trở lên hoạt động trong và ngoài vùng biển Việt Nam.

2. Tối thiểu đạt trình độ tiếng Anh bậc B2 theo chuẩn 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiếng Anh hàng hải trình độ 2 theo quy định của Bộ Giao thông vận tải hoặc có chứng chỉ tiếng Anh tương đương khác.

Điều 11. Điều kiện chuyên môn để được cấp “Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng hai”

1. Tốt nghiệp Đại học một trong các chuyên ngành điện tử, viễn thông, hàng hải, chuyên ngành điều khiển tàu biển hoặc tương đương.

2. Tối thiểu đạt trình độ tiếng Anh bậc C1 theo chuẩn 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiếng Anh hàng hải trình độ 3 theo quy định của Bộ Giao thông vận tải hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương khác.

Điều 12. Điều kiện chuyên môn để được cấp “Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải - Hạng nhất”

1. Đã được cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải hệ GMDSS - Hạng hai.

2. Đã đảm nhận công việc theo chức danh phù hợp với chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải hệ GMDSS - Hạng hai với tổng thời gian ít nhất là 3 năm.

3. Tối thiểu đạt trình độ tiếng Anh bậc C1 theo chuẩn 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiếng Anh hàng hải trình độ 3 theo quy định của Bộ Giao thông vận tải hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương khác.

Điều 13. Hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải

1.[2] Hồ sơ cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải được lập thành 01 bộ, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải cho học viên theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này;

b) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp giấy chứng nhận sức khỏe của thuyền viên theo quy định của Bộ Y tế;

c) Bản sao hợp pháp các tài liệu, văn bằng chuyên môn chứng minh đáp ứng các điều kiện chuyên môn quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 hoặc Điều 12 của Thông tư này;

d) Ảnh 3 x 4 chụp trong vòng 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ (02 ảnh đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, 01 tệp (file) ảnh đối với trường hợp nộp hồ sơ trên môi trường điện tử);

đ) Quyết định công nhận học viên tốt nghiệp khóa đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải.

2. Cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải cho học viên trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu chính về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) theo địa chỉ: số 115 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 của Thông tư này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) phải có công văn thông báo hồ sơ không đủ điều kiện cho cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải đã nộp hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Điều 14. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và thời hạn gia hạn chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải

1. Điều kiện gia hạn chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải:

a) Đang trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Có đủ sức khỏe;

c) Đã đảm nhiệm công việc theo chức danh phù hợp với chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải với tổng thời gian ít nhất là 01 năm trong vòng 05 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hoặc ít nhất là 03 tháng trong vòng 06 tháng ngay trước khi chứng chỉ hết hạn;

d) Trường hợp không đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì phải tham gia và đạt yêu cầu trong kỳ thi tốt nghiệp của khóa đào tạo vô tuyến hàng hải hệ GMDSS hạng tương ứng với chứng chỉ.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn được nộp trong thời gian 12 tháng trước hoặc 03 tháng sau thời điểm chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải hết hạn.

3.[3] Hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải được lập thành 01 bộ, bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này;

b) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp giấy chứng nhận sức khỏe của thuyền viên theo quy định của Bộ Y tế;

c) Ảnh 3 x 4 chụp trong vòng 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ (02 ảnh đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, 01 tệp (file) ảnh đối với trường hợp nộp hồ sơ trên môi trường điện tử);

d) Bản sao hợp pháp sổ thuyền viên hoặc hộ chiếu thuyền viên hoặc văn bản tương đương; hoặc Giấy tờ chứng minh đạt yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp khóa đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải hệ GMDSS hạng tương ứng (đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này).

4. Hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu chính về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) theo địa chỉ: số 115 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) gia hạn chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) phải có công văn thông báo hồ sơ không đủ điều kiện cho cá nhân nộp hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc.

6. Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải được gia hạn với thời hạn tối đa là 05 năm kể từ ngày gia hạn.

Điều 15. Cấp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải

1. Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải còn hạn sử dụng chỉ được cấp lại trong các trường hợp sau:

a) Bị mất;

b) Bị hư hỏng.

2.[4] Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải được lập thành 01 bộ, bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này;

b) Ảnh 3x4 chụp trong vòng 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ (02 ảnh đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, 01 tệp (file) ảnh đối với trường hợp nộp hồ sơ trên môi trường điện tử).

3. Hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu chính về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) theo địa chỉ: số 115 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) cấp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải được cấp lại phải có nội dung giống như chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải bị mất hoặc hư hỏng.

Điều 16. Thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải trong các trường hợp sau:

1. Giả mạo một trong các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 13, khoản 3 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 để được cấp, gia hạn hoặc cấp lại chứng chỉ.

2. Tẩy, xóa nội dung chứng chỉ.

3. Cho thuê, cho mượn chứng chỉ hoặc sử dụng sai mục đích.

Điều 16a. Thực hiện thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải trên môi trường điện tử [5]

1. Việc kê khai hồ sơ điện tử và việc cấp, gia hạn, cấp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải thực hiện theo quy định của Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phải đáp ứng quy định về hồ sơ, thủ tục của Thông tư này.

2. Việc áp dụng hình thức cấp phép điện tử đối với việc cấp, gia hạn, cấp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Tần số vô tuyến điện (www.cuctanso.vnwww.rfd.gov.vn).

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan

1. Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a) Tham mưu triển khai công tác tổ chức đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Chủ trì thực hiện kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ việc tuân thủ các quy định tại khoản 2, Điều 4, Thông tư này của các cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải;

c) Hàng năm, báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác tổ chức đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải.

2. Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a) Cấp, gia hạn, cấp lại và thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải;

b) Hướng dẫn về kỹ thuật và nghiệp vụ vô tuyến điện trong đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải;

c) Chủ trì kiểm tra, giám sát các khóa đào tạo của các cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải theo quy định của Thông tư này;

d) Hàng năm, tổng kết, đánh giá và báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại và thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải.

3. Cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải có trách nhiệm:

a) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và cập nhật chương trình, tài liệu đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải;

b) Thông báo và tổ chức tuyển sinh đúng đối tượng;

c) Gửi thông tin tổ chức các khóa đào tạo bao gồm Quyết định mở khóa đào tạo kèm theo danh sách học viên, kế hoạch học tập (thời gian học, lịch giảng dạy và bố trí giáo viên) và kế hoạch thi tốt nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng khóa học; kết quả thi tốt nghiệp của khóa đào tạo trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thi tốt nghiệp về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số Vô tuyến điện, địa chỉ: 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội);

d) Tổ chức đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải đảm bảo đủ thời lượng, nội dung theo chương trình của từng khóa đào tạo; quản lý thời gian tham dự khóa học của các học viên;

đ) Tổ chức thi tốt nghiệp và ban hành quyết định công nhận học viên tốt nghiệp khóa học;

e) Gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải cho các học viên theo từng khóa học cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số Vô tuyến điện, địa chỉ: 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội);

g) Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy và giáo viên tham gia giảng dạy phục vụ đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải. Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, gửi báo cáo đánh giá đáp ứng quy định tại khoản 2, Điều 4 của Thông tư này về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ, địa chỉ: 18 Nguyễn Du, Hà Nội);

h) Lưu trữ hồ sơ liên quan đến công tác đào tạo vô tuyến điện viên hàng hải theo đúng quy định của pháp luật;

i) Xây dựng mức thu học phí và thực hiện thu, chi theo đúng quy định của pháp luật;

k) Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.

Điều 18. Hiệu lực thi hành[6]

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2017 và thay thế Quyết định số 12/2008/QĐ-BTTTT ngày 31 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chế đào tạo và cấp Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hàng hải.

2. Các giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hàng hải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng theo thời hạn được ghi trên giấy chứng nhận. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) thực hiện việc gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hàng hải thành chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải theo quy định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để giải quyết./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

 



[1] Thông tư số 36/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải.”

[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 36/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020.

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 36/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020.

[4] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 36/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020.

[5] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 36/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020.

[6] Điều 2 Thông tư số 36/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020 quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để giải quyết./.”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BTTTT năm 2020 hợp nhất Thông tư quy định về đào tạo, cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 06/VBHN-BTTTT
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 28/12/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 33 đến số 34
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản