Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH[1]

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2012.

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật thuế bảo vệ môi trường ngày 15 tháng 11 năm 2010; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính[2],

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Luật thuế bảo vệ môi trường.

1. Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Luật thuế bảo vệ môi trường là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch. Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch, chỉ thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch.

2. Đối với dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (ký hiệu là HCFC) quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Luật thuế bảo vệ môi trường là loại gas dùng làm môi chất sử dụng trong thiết bị lạnh và trong công nghiệp bán dẫn.

3.[3] Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật thuế bảo vệ môi trường là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (low density polyethylen) hoặc LLDPE (linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa quy định tại Khoản này (kể cả có hình dạng túi và không có hình dạng túi), bao gồm:

a) Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa nhập khẩu;

b) Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói;

c) Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua trực tiếp của người sản xuất hoặc người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.

4. Đối với thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng, quy định tại Khoản 5, 6, 7 và Khoản 8 Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường: Chi tiết thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Chương 2.

CĂN CỨ TÍNH THUẾ

Điều 3. Số lượng hàng hóa tính thuế

Số lượng hàng hóa tính thuế được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch và nhiên liệu sinh học thì số lượng hàng hóa tính thuế chỉ tính cho số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch trong nhiên liệu sinh học.

Điều 4. Mức thuế

Mức thuế cụ thể đối với từng hàng hóa chịu thuế thực hiện theo Biểu thuế bảo vệ môi trường do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.

Chương 3.

KHAI THUẾ, TÍNH THUẾ, NỘP THUẾ VÀ HOÀN THUẾ

Điều 5. Khai thuế, tính thuế và nộp thuế

Khai thuế được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật thuế bảo vệ môi trường và pháp luật về quản lý thuế.

1. Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp thuế theo tháng. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu ủy thác thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp thuế theo từng lần phát sinh.

2. Khai thuế, tính thuế và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn: Các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện khai, nộp thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước đối với lượng xăng dầu xuất, bán (bao gồm cả xuất để tiêu dùng nội bộ, xuất để trao đổi sản phẩm hàng hóa khác, xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, bán cho tổ chức, cá nhân khác; trừ bán cho công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối khác) tại địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.

Bộ Tài chính quy định công ty đầu mối kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

3. Khai thuế, tính thuế và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với than thực hiện theo nguyên tắc: Than tiêu thụ nội địa phải khai, nộp thuế bảo vệ môi trường; than xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể quy định tại Khoản này.

4. Thuế bảo vệ môi trường chỉ phải nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế bảo vệ môi trường nhưng phải nhập khẩu trở lại Việt Nam thì không phải nộp thuế bảo vệ môi trường khi nhập khẩu.

Điều 6. Hoàn thuế

Hoàn thuế bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật thuế bảo vệ môi trường.

Đối với xăng dầu, quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật thuế bảo vệ môi trường, người nộp thuế được hoàn số thuế bảo vệ môi trường đã nộp tương ứng lượng xăng dầu đã cung ứng. Người nộp thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác về số liệu kê khai hoàn thuế. Trình tự, thủ tục kê khai, hoàn thuế được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về hải quan.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[4]

Điều 7. Hiệu lực và hướng dẫn thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

2. Quy định về thu phí xăng dầu tại Nghị định số 78/2000/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về phí xăng dầu và Quyết định số 03/2009/ QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức thu phí xăng, dầu hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Nghị định sau:

- Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012;

- Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2012.

Nội dung tại Văn bản hợp nhất này không làm thay đổi nội dung và hiệu lực của 02 Nghị định trên.

[2] Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật thuế bảo vệ môi trường ngày 15 tháng 11 năm 2010; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường”.

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2012.

[4] Điều 2 Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2012 quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực và hướng dẫn thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2012.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này”.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BTC năm 2013 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 01/VBHN-BTC
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 20/09/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 663 đến số 664
  • Ngày hiệu lực: 20/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản