Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 629/BKHĐT-TH

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2015

 

GIẢI ĐÁP CÁC THẮC MẮC

VỀ LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 5 NĂM 2016 - 2020
(Tài liệu phục vụ Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tại Hà Nội ngày 02 tháng 02 năm 2015)

I. VỀ XÁC ĐỊNH MỨC VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG, MỨC VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Câu hỏi 1. Một số địa phương cho rằng, đến thời điểm hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thông báo mức vốn ngân sách trung ương và mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, nên việc lập Kế hoạch bố trí vốn cho các dự án gặp khó khăn. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể thêm

Trả lời:

1. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành và địa phương theo quy trình sẽ được lập và trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo 3 lần dự thảo như sau:

- Dự thảo kế hoạch lần thứ nhất: là giai đoạn dự kiến nhu cầu, danh mục và mức vốn cho từng dự án trên cơ sở tổng mức vốn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm 2014 (tương tự như dự thảo kế hoạch đầu tư hằng năm, các bộ, ngành và địa phương dự kiến kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng 7 hằng năm).

Đến nay, theo kết quả rà soát sơ bộ, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều dự kiến tổng mức đầu tư quá lớn so với khả năng cân đối. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành và địa phương căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg và văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH và hướng dẫn tại Hội nghị này, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch lần thứ nhất gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 28 tháng 02 năm 2015.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức làm việc và có ý kiến thẩm định về dự thảo kế hoạch lần thứ nhất gửi bộ, ngành, địa phương.

- Dự thảo kế hoạch lần thứ hai: Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn chỉnh và gửi dự thảo kế hoạch lần thứ hai về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6 năm 2015 (tương tự như trong việc lập kế hoạch hằng năm, các bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 9 hằng năm).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và phương án phân bổ vốn, bao gồm: tổng số vốn chia ra theo ngành, lĩnh vực, chương trình cho từng bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; đồng thời trước ngày 25 tháng 10 năm 2015 thông báo cho các bộ, ngành, địa phương để phân bổ chi tiết (tương tự như việc tổng hợp giao kế hoạch hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, ngành và địa phương dự kiến mức vốn theo mức Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 10 hằng năm).

Dự thảo kế hoạch lần thứ ba: Căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng số vốn, các bộ, ngành, địa phương dự kiến phân bổ vốn cho từng dự án và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 11 năm 2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp (có trao đổi với các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh những điểm chưa hợp lý), báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án phân bổ vốn chi tiết kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020.

2. Về tổng mức vốn đầu tư kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg và văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH , Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành rà soát loại bỏ các khoản vốn tăng bất thường trong năm qua như đã hướng dẫn. Cụ thể như sau:

- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của các bộ, ngành ở trung ương và vốn bổ sung có mục tiêu (chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu,...) tăng bình quân 10%/năm so với Kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao.

- Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách của các địa phương (không bao gồm tiền thu sử dụng đất): trong năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước phấn đấu tăng khoảng 10% so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong các năm tiếp theo, tính toán tăng theo khả năng cân đối thu, chi ngân sách địa phương, tăng bình quân hằng năm khoảng 7-10% so với kế hoạch năm trước.

- Vốn trái phiếu Chính phủ: cân đối trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung cho giai đoạn 2014-2016 sau khi trừ đi số kế hoạch đã giao năm 2014 và năm 2015. Ngoài số vốn còn lại nói trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư tháng 8 năm 2014, các bộ, ngành, địa phương có thể đề xuất một số dự án trọng điểm sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020.

Tổng số vốn dự kiến sơ bộ nói trên làm căn cứ dự thảo kế hoạch lần thứ nhất và lần thứ hai. Đến tháng 10 năm 2015, sau khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án phân bổ vốn kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 và trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chính thức dự kiến vốn đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương làm căn cứ phân bổ chi tiết vốn đầu tư cho từng dự án (dự thảo kế hoạch lần thứ 3)

Câu hỏi 2. Về việc tính mức vốn đầu tư cho kế hoạch đầu tư công trung hạn có phải trên cơ sở mức bình quân kế hoạch 3 năm 2013, 2014 và 2015 không?

Trả lời:

Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 10 cuối năm 2015. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng kế hoạch đầu tư, ngay tại thời điểm hiện nay, chúng ta đã phải dự kiến sơ bộ tổng mức vốn đầu tư công nguồn NSNN, trong đó có ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Về phương pháp xác định sơ bộ tổng mức vốn theo đúng quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị này. Cụ thể phải dự kiến tổng mức vốn hằng năm, từ năm 2016 đến năm 2020. Tổng cộng số vốn của từng năm, ta sẽ có tổng mức vốn 5 năm 2016-2020. Như vậy, tổng mức vốn đầu tư trung hạn sơ bộ được tính toán theo mức tăng trong 5 năm, không phải dựa trên số bình quân 3 năm 2013-2015.

Câu hỏi 3. Năm 2013, 2014 bộ, ngành và địa phương được giao mức vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương rất cao. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ giao thấp hơn nhiều so với các năm trước. Nếu lấy theo tốc độ tăng so với kế hoạch năm 2015 nhiều bộ, ngành và địa phương sẽ bị thiệt hơn so với một số bộ, ngành và địa phương được tăng vốn nhiều trong kế hoạch năm 2015

Trả lời:

Tại thời điểm hiện nay, do chưa có căn cứ để tính toán chính xác về cân đối ngân sách, cân đối vốn đầu tư, nên trong việc xây dựng dự thảo kế hoạch lần thứ nhất, lần thứ hai phải dựa trên cơ sở số dự kiến sơ bộ về tổng vốn đầu tư 5 năm tới theo tốc độ tăng như quy định trong Chỉ thị số 23/CT-TTg .

Theo quy trình xây dựng kế hoạch, trong Quý I và Quý II tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính xác định các cân đối thu chi ngân sách và đầu tư làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn. Như vậy, tổng số vốn đầu tư kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020, cũng như mức vốn giao cho các bộ, ngành sẽ được tính toán kỹ lưỡng, trình Chính phủ, Quốc hội trên cơ sở tăng trưởng của nền kinh tế, khả năng các nguồn thu và chính sách tài khóa, cơ cấu cân đối chi NSNN, các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư cho giai đoạn 2016-2020,... Theo đó, mức vốn thông báo chính thức để phân bổ chi tiết vào tháng 10 tới sẽ bảo đảm các nguyên tắc công bằng, phù hợp các mục tiêu phát triển và đặc điểm của từng địa phương; có thể có chênh lệch so với số dự kiến tăng bình quân nói trên.

Như vậy, các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch vốn đầu tư năm 2015 thấp sẽ không bị thiệt thòi so với các bộ, ngành, địa phương khác.

II. VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU

Câu hỏi 4. Theo Chỉ thị số 23/CT-TTg giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm nào các chương trình mục tiêu quốc gia này mới được phê duyệt và các dự án thành phần của các chương trình này gồm các dự án nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg , các bộ, ngành và địa phương phải đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và gửi báo cáo cho các bộ chủ chương trình trước ngày 30 tháng 9 năm 2014.

Các bộ chủ chương trình đánh giá tình hình thực hiện chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 10 năm 2014.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ của hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 10 năm 2014.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định hai chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31 tháng 12 năm 2014. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, nội dung đề xuất chưa theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản đề nghị Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh các nội dung Báo cáo này.

Theo quy định tại Quyết định số 2138/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán NSNN năm 2015, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về danh mục chương trình vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vào tháng 5 tới. Để có thể hoàn chỉnh trình Chính phủ, chậm nhất đầu Quý II năm 2015, phải thẩm định xong chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên. Như vậy, dự kiến sớm nhất giữa tháng 4 năm 2015 có thể biết sơ bộ dự kiến về mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình và đến khi trình Quốc hội thông qua danh mục và chủ trương chương trình mục tiêu quốc gia vào tháng 5 năm 2015 thì sẽ có các thông tin chính thức.

Câu hỏi 5. Hiện nay các bộ, ngành và địa phương chưa biết trong giai đoạn 2016-2020 có chương trình mục tiêu nào, nên không có cơ sở để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Trả lời:

Việc đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 và dự kiến các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, yêu cầu về thời gian báo cáo như chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay một số bộ, ngành đã đề xuất các chương trình mục tiêu cho giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp các đề xuất của các bộ, ngành cơ quan trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu phát triển của ngành, địa phương mình, các bộ, ngành, địa phương chủ động dự kiến các dự án theo từng chương trình cụ thể theo hướng giảm về số lượng chương trình, nhưng tăng tính đầu tư tập trung, hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Về tổng số vốn, ở địa phương căn cứ tổng số vốn của các chương trình mục tiêu năm 2015 để dự kiến bố trí cho từng chương trình cụ thể không nhất thiết giữ nguyên số lượng chương trình đã thực hiện trong giai đoạn trước. Đối với các chương trình mới do các bộ đề xuất thì đề nghị Bộ chủ chương trình, bổ sung về nguồn vốn tương ứng với mục tiêu, nội dung của chương trình.

Câu hỏi 6. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 phải căn cứ trên các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức này. Các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào đâu để lập kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN

Trả lời:

Việc xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 phải căn cứ vào các chương trình mục tiêu được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Trước mắt hiện nay, khi chưa có phê duyệt chính thức các chương trình mục tiêu và các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ cho giai đoạn 2016-2020, đề nghị các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch theo quy định tại phần trả lời câu hỏi 5 nêu trên.

Câu hỏi 7. Theo hướng dẫn đối với chương trình mục tiêu tăng 10%. Tuy nhiên hiện nay chưa xác định được chương trình nên địa phương lập kế hoạch tăng 10% đối với chương trình và danh mục theo từng chương trình mà địa phương đang được hưởng năm 2015. Đối với chương trình mới chưa có trong kế hoạch năm 2015 như đầu tư theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản và đầu tư hạ tầng các huyện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục và phân kỳ đầu tư thì tỉnh phải lập kế hoạch theo nhu cầu và theo Đề án đã được duyệt có đúng không?

Trả lời:

Đối với chương trình mới chưa có trong kế hoạch 2015, như chương trình đầu tư phát triển thủy sản,.., đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước hết đề nghị địa phương dự kiến sắp xếp trong tổng số vốn dự kiến cho các chương trình mục tiêu. Trường hợp không thể cân đối được, thì báo cáo dự kiến bổ sung thêm nhu cầu ngoài mức Thủ tướng Chính phủ đã quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg. Sau khi có dự kiến về cân đối thu chi và cơ cấu chi tiêu NSNN, cơ cấu đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến vốn cho từng chương trình trong giai đoạn 2016-2020.

III. VỀ PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

Câu hỏi 8: Một số bộ, ngành và địa phương có ý kiến: Tại Điều 55 Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) quy định các dự án được đưa vào Kế hoạch trung hạn phải có chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong khi đó theo quy định tại Chỉ thị 23/CT-TTg thì các bộ, ngành, địa phương phải lập xong Kế hoạch trung hạn và gửi đi trước 31/12/2014 nên không có căn cứ phê duyệt chủ trương trước khi xây dựng kế hoạch.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 55, Luật Đầu tư công, điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Quy định này sẽ áp dụng vào thời điểm tổng hợp và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vào tháng 11 và tháng 12 năm 2015. Đến thời điểm đó, nếu dự án nào chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, sẽ không đủ điều kiện để giao kế hoạch.

Còn tại thời điểm lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 dự thảo lần thứ nhất (gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm 2014), các bộ, ngành và địa phương phải xác định các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020, làm căn cứ bố trí vốn kế hoạch năm 2015 để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Nội dung này, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg và văn bản số 5318/BKHĐT-TH đã nêu rất rõ.

Câu hỏi 9. Một số bộ, ngành và địa phương lo ngại đối với dự án khởi công mới, từ nay đến thời điểm giao kế hoạch đầu tư trung hạn thời gian còn rất ngắn, sẽ không kịp thẩm định chủ trương đầu tư cho tất cả các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020

Trả lời

Theo quy định tất cả các dự án dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Do đó, đề nghị các bộ, ngành và địa phương trong năm 2015 phải tích cực thực hiện các quy định này. Trường hợp không thể hoàn tất các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư cho tất cả các dự án, đề nghị bố trí vốn chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án này. Khi các dự án hoàn chỉnh đủ các thủ tục, có thể sẽ bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn vào thời điểm điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn hoặc bổ sung vào kế hoạch đầu tư trung hạn từ nguồn dự phòng còn lại theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg .

Câu hỏi 10. Về các dự án quy mô lớn, quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư, có phải lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công?

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 106 của Luật Đầu tư công:

“1. Việc xử lý các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày Luật này có hiệu lực nhưng chưa được bố trí vốn được quy định như sau:

a) Đối với chương trình, dự án quan trọng quốc gia, tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết định đầu tư của Chính phủ;

b) Đối với chương trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiếp tục thực hiện theo kế hoạch;

c) Đối với chương trình, dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải thực hiện việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo quy định của Luật này.”

Tại Chỉ thị số 23/CT-TTg và văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 5318/BKHĐT-TH đã quy định: Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư trước ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực, chưa được bố trí vốn và chưa có trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Do đó, đối với các dự án khởi công mới đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư, đã có quyết định đầu tư và Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể mức vốn kế hoạch giai đoạn 2016-2020 bố trí cho dự án sẽ không phải thực hiện các thủ tục lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn các dự án Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, nhưng không quyết định mức vốn đầu tư cụ thể, giao các bộ hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định hoặc các dự án chưa phê duyệt quyết định đầu tư phải thực hiện việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Câu hỏi 11. Địa phương có được sử dụng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2016-2020 không?

Trả lời:

Về vốn chuẩn bị đầu tư đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách trung ương, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 31 tháng 01 năm 2015, các dự án khởi công mới trong thời gian tới thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ toàn bộ 100% vốn cho các dự án, bao gồm cả vốn chuẩn bị đầu tư.

Câu hỏi 12. Về quy trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và thẩm định dự án đối với các dự án khởi công mới được bố trí vốn kế hoạch năm 2015 sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương.

Trả lời:

Đề nghị thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 106 của Luật Đầu tư công. Đối với các dự án khởi công mới đã được cấp có thẩm quyền bố trí vốn kế hoạch năm 2015 không phải thực hiện các quy trình về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Câu hỏi 13. Một số địa phương có ý kiến đối với các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định (dự án đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn khởi công), phải thực hiện việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương chương trình, dự án theo Luật Đầu tư công sẽ rất tốn kém chi phí chuẩn bị đầu tư. Địa phương đề nghị vận dụng chỉ thẩm định lại nguồn vốn và không thẩm định, phê duyệt lại dự án đã phê duyệt

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 106 của Luật Đầu tư công, các dự án này phải lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, đối với dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư thì trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương có thể sử dụng toàn bộ các thông tin, số liệu đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư, không nhất thiết phải bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư để làm lại các thủ tục này.

Câu hỏi 14. Về trình tự, thủ tục, thời hạn phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng các nguồn vốn ODA, vốn TPCP, vốn ngân sách trung ương thực hiện theo quy định nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Mục I, Chương II của Luật Đầu tư công, quy định đầy đủ thẩm quyền và trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư của từng nhóm dự án và sử dụng các nguồn vốn khác nhau. Đề nghị các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu kỹ các quy định trong Mục này để triển khai việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định.

Câu hỏi 15. Quy trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới đảm bảo thời gian đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 23/CT-TTg và thẩm quyền của các sở ngành trong việc phê duyệt dự án đầu tư.

Trả lời:

a) Về thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới đã được quy định chi tiết tại Mục 1, Chương II của Luật Đầu tư công, đề nghị các địa phương căn cứ các quy định này để triển khai thực hiện.

Ở địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì việc thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án và thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

b) Về thẩm quyền của các sở ngành trong việc phê duyệt dự án đầu tư

Theo quy định của Luật Đầu tư công thẩm quyền phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 39 (như phân cấp hiện hành).

Câu hỏi 16. Theo quy định một số dự án khởi công mới do địa phương quản lý việc phê duyệt chủ trương đầu tư do Hội đồng nhân dân các cấp quyết định. Tuy nhiên, HBND cấp tỉnh chỉ họp 2 kỳ trong năm, như vậy việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư gặp khó khăn. Đề nghị nên quy định trình thường trực HĐNĐ là phù hợp hơn

Trả lời:

Trong Luật Đầu tư công quy định quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, Hội đồng nhân dân có thể ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo với Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp gần nhất.

V. VỀ BÁO CÁO NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN

Câu hỏi 17. Theo tiến độ báo cáo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo dự kiến lần thứ nhất kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm 2014. Tuy nhiên, tại thời điểm này chưa thể xác định được chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2014. Do đó, đề nghị cho phép các bộ, ngành và địa phương xác định số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31 tháng 10 năm 2014.

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Đầu tư công, kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành nếu cơ quan, đơn vị nào để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ vi phạm vào các hành vi bị cấm của Luật Đầu tư công. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, Điều 106 của Luật Đầu tư công quy định chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Do đó, việc xác định số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31 tháng 12 năm 2014 là bắt buộc.

Dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ nhất là trước ngày 31 tháng 12 năm 2014; lần thứ hai, trước ngày 30 tháng 6 năm 2015. Với thời gian như vậy, thì số liệu về nợ đọng trong báo cáo lần thứ nhất là ước tính sơ bộ, sẽ được cập nhật trong báo cáo dự kiến kế hoạch lần thứ hai vào tháng 6 năm 2015.

Sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải quán triệt nghiêm túc Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 23/CT-TTg về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phải rà soát kỹ, chốt chính xác tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương và nguồn ngân sách địa phương tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014; đồng thời đề xuất kế hoạch trả nợ trong 5 năm tới (cơ bản trả hết số nợ) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo kế hoạch lần thứ hai trước ngày 30 tháng 6 năm 2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội số nợ đọng xây dựng cơ bản này và kế hoạch thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản trong 5 năm tới.

Câu hỏi 18. Trong thực hiện kế hoạch vốn đầu tư hằng năm, các dự án những năm trước có phê duyệt quyết toán, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí vốn để tất toán dự toán. Như vậy, có được xem là nợ đọng xây dựng cơ bản không?

Trả lời:

Trong thực tế bố trí Kế hoạch vốn đầu tư hằng năm đối với dự án hoàn thành thường bố trí thấp hơn so với giá trị thầu khoảng 1-5% tùy theo từng gói thầu. Phần chênh lệch được thanh toán sau khi quyết toán gói thầu dự án trong kế hoạch của năm sau. Đây là biện pháp quản lý vốn đầu tư, bảo đảm sử dụng vốn tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí. Vì vậy, số vốn này không tính trong nợ đọng xây dựng cơ bản.

VI. VỀ CÁC QUẬN, HUYỆN PHƯỜNG ĐANG ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Câu hỏi 19. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể việc lập kế hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đối với các quận, huyện, phường đang áp dụng thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường: Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân sẽ là một đơn vị dự toán ngân sách nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp trên. Do đó, Ủy ban nhân dân các cấp này sẽ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 gửi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tổng hợp.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án của các quận, huyện, phường này thực hiện như một đơn vị dự toán của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp.

VII. CƠ QUAN THẨM ĐỊNH KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG Ở CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ

Câu hỏi 20. Luật Đầu tư công không quy định cơ quan thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp huyện, cấp xã. Như vậy cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm thẩm định?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 58 Luật Đầu tư công quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã lập, thẩm định hoặc giao cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư tổ chức lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của cấp mình, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Như vậy, trách nhiệm thẩm định kế hoạch đầu tư công cấp huyện, cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định: có thể trực tiếp Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tự tổ chức thẩm định hoặc giao cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư tổ chức thẩm định.

VIII. VỀ CÂN ĐỐI NGUỒN CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG KẾ HOẠCH THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Câu hỏi 21. Có địa phương đề nghị làm rõ cách thức xác định nguồn thu, chi trong trung hạn của địa phương

Trả lời:

Tại Chỉ thị số 23/CT-TTg , Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, các cơ quan thuế, hải quan và tài chính địa phương tính toán, xác định các nguồn thu và dự kiến cơ cấu chi ngân sách địa phương và các nguồn thu để lại cho đầu tư do địa phương quản lý.

Câu hỏi 22. Trung ương giao tiền sử dụng đất hàng năm nhưng thực tế thu từ nguồn sử dụng đất không ấn định, do đó cần có hướng dẫn xây dựng kế hoạch hàng năm như thế nào cho phù hợp

Trả lời:

Tiền thu về sử dụng đất là một trong các nguồn thu của NSNN và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các địa phương, được tổng hợp trên cơ sở dự kiến của các địa phương. Nguồn thu về sử dụng đất cũng như các nguồn thu khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhất là sự biến động của thị trường bất động sản. Để bảo đảm cân đối vốn đầu tư từ nguồn này, khắc phục tình trạng bị động, nhất là khi giá đất xuống thấp, đề nghị các địa phương phải rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng; khắc phục tình trạng đưa dự toán thu lên quá cao, gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch đầu tư như ở một số địa phương trong thời gian qua.

IX. VỀ VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Câu hỏi 23. Hiện nay chưa có chủ trương phát hành vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn sau năm 2016. Tuy nhiên, trong văn bản số 5318/BKHĐT-TH Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổng hợp nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Vậy các dự án nào thuộc đối tượng đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020?

Trả lời:

Tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày 7-8 tháng 8 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: Hiện nay, Quốc hội chưa có chủ trương về phát hành vốn trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn sau năm 2016. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chủ trương đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công trong giới hạn cho phép, Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 31 tháng 01 năm 2015 đã yêu cầu Bộ Tài chính xác định khả năng phát hành nguồn trái phiếu giai đoạn 2016-2020 và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổng hợp nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 cho một số dự án lớn, quan trọng của các bộ: Giao thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và các dự án trọng điểm của các địa phương, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành, lĩnh vực và có tác động liên vùng, khu vực. Riêng về danh mục dự án của địa phương, đề nghị mỗi địa phương dự kiến không quá 3 dự án.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát từng dự án cụ thể về quy mô, tổng vốn, hiệu quả đầu tư, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho chủ trương trên tinh thần bảo đảm tăng vốn cho đầu tư phát triển, đồng thời vẫn bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

X. VỀ ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN

Câu hỏi 24. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là hết sức mới mẻ. Trong năm 2015 khi xây dựng kế hoạch sẽ không thể dự báo được hết các biến động có thể xảy ra. Trường hợp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch trung hạn có các biến động đó, các bộ, ngành và địa phương có được phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn không?

Trả lời:

1. Điều 75 của Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó:

a) Quốc hội quyết định điều chỉnh tổng thể Kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia và vốn trái phiếu Chính phủ.

b) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia và vốn trái phiếu Chính phủ giữa các bộ, ngành và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

c) Thủ tướng Chính phủ căn cứ tình hình cụ thể trong kỳ kế hoạch quyết định điều chỉnh Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia và vốn trái phiếu Chính phủ của các bộ, ngành và địa phương được giao trong tổng mức vốn của từng bộ, ngành và địa phương đã được Quốc hội quyết định;

d) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.

đ) Ủy ban nhân dân các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình và trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các đơn vị sử dụng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư và báo cáo Hội đồng nhân dân cung cấp tại kỳ họp gần nhất.

2. Để thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, các bộ, ngành và địa phương phải báo cáo tình hình thực hiện, các vấn đề nảy sinh cần được sửa đổi, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định như đã nêu tại Điểm 1 trên đây.

Về nguồn vốn: có thể điều chỉnh giữa các ngành, lĩnh vực hoặc sử dụng nguồn vốn dự phòng 15% trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để xử lý.

Câu hỏi 25. Điều 75 trong Luật Đầu tư công quy định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, đề nghị làm rõ khoản 5, khoản 6: Ủy ban nhân dân quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm sau khi được Hội đồng nhân dân thông qua tại Kỳ họp gần nhất hay quyết định điều chỉnh rồi mới báo cáo Hội đồng nhân dân?

Trả lời:

- Khoản 5, Điều 75 của Luật Đầu tư công quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư. Đối với kế hoạch đầu tư trung hạn phải điều chỉnh Kế hoạch tổng thể, thì Ủy ban nhân dân các cấp trình Hội đồng nhân dân các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch tổng thể; sau đó điều chỉnh chi tiết danh mục dự án có thể cùng Kỳ họp hoặc điều chỉnh sau khi Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh Kế hoạch tổng thể và thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Điều 75 của Luật Đầu tư công.

- Đối với kế hoạch đầu tư trung hạn không điều chỉnh kế hoạch tổng thể, thì Ủy ban nhân dân các cấp có quyền quyết định điều chỉnh vốn trong nội bộ của từng đơn vị sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối và các khoản vốn vay khác của chính quyền địa phương. Như vậy, UBND các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị phương án điều chỉnh, thẩm định và quyết định điều chỉnh kế hoạch, không phải báo cáo Hội đồng nhân dân trước khi ra quyết định điều chỉnh trong phạm vi nói trên.

XI. VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ TRUNG HẠN NGUỒN VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Câu hỏi 26. Trong những năm qua, việc vay vốn tín dụng đầu tư phát triển còn chưa có tiêu chí rõ ràng, chưa có tính ổn định cao. Nguồn được vay phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận của các địa phương. Do đó, nếu dự kiến mức tăng vốn hàng năm như hướng dẫn của Bộ sẽ không khả thi. Nhiều dự án dự kiến đưa vào thực hiện sẽ không đảm bảo nguồn vốn, dẫn tới dàn trải hoặc gây nợ đọng và đề nghị không lập kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn tín dụng của địa phương.

Trả lời:

Theo quy định của Luật Đầu tư công, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển là yêu cầu bắt buộc.

Dự kiến mức tăng vốn hàng năm nguồn vốn nay là tốc độ tăng dư nợ chung của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với các địa phương căn cứ tình hình cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn này. Tuy nhiên, về mức độ chi tiết của kế hoạch này có thể khác với kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ,... do phải căn cứ vào nhu cầu và khả năng huy động vốn. Trong đó, đề nghị các địa phương lưu ý đối với các khoản vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách địa phương như: vay kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn,... thì phải thuộc danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn cân đối ngân sách địa phương để xác định khả năng hoàn trả (không được sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương để hoàn trả các khoản vốn vay này.

XII. VỀ THẨM QUYỀN TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Câu hỏi 27. Đề nghị phân biệt rõ thẩm quyền của Trung ương và thẩm quyền của địa phương. Những việc gì thuộc thẩm quyền của Trung ương mà không cần phải thông qua HĐND địa phương để giảm thời gian và không vướng về thẩm quyền xử lý trong triển khai thực hiện

Trả lời:

Theo quy định của Luật Đầu tư công, đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác do địa phương quản lý (chỉ trừ chủ trương đầu tư dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định) đều do địa phương quyết định từ việc phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phê duyệt và thực hiện kế hoạch đầu tư, thanh quyết toán,...

Còn đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách trung ương thì cả Trung ương và địa phương đều có trách nhiệm. Ví dụ, như trách nhiệm của Trung ương trong việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; rà soát phương án phân bổ các chương trình mục tiêu phần vốn trung ương; còn địa phương vẫn có trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện.

Cách thức tổ chức quản lý như vậy, bảo đảm cho việc phân bổ vốn đúng mục tiêu, tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải kém hiệu quả như trong thời gian qua, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong sử dụng nguồn vốn trung ương có hiệu quả nhất.

XIII. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC CỤ THỂ KHÁC

Câu hỏi 28. Đối với một số địa phương có nhiều dự án chuyển tiếp có tổng mức đầu tư lớn, việc đưa vào trung hạn nhưng khả năng nguồn vốn không đảm bảo. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có phương án xử lý chung cho các dự án loại này.

Trả lời:

Tồn tại này, trước hết là trách nhiệm của một số địa phương đã phê duyệt quá nhiều dự án, vượt quá xa cân đối ngân sách của địa phương và nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, gây mất cân đối nguồn vốn và kéo dài thời gian đầu tư, gây thất thoát lãng phí. Các địa phương này cần nhận thức rõ và rút kinh nghiệm. Giải pháp xử lý sắp tới là phải thực hiện nghiêm túc việc rà soát, cắt giảm, giãn hoãn đầu tư các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các giải pháp xử lý cụ thể như sau:

(1) Điều chỉnh giảm quy mô hoặc điều chỉnh phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp khả năng cân đối vốn.

(2) Đối với dự án trọng điểm, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nếu muốn giữ nguyên quy mô và tiến độ như trước, thì phải xem xét điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, giảm, giãn hoãn đầu tư các dự án chưa thật sự cấp thiết, để tập trung vốn cho dự án trọng điểm này.

(3) Nếu dự án quy mô vốn quá lớn, nhưng chưa thực sự cấp thiết, có thể giãn hoặc thậm chí dừng hẳn dự án, nhưng phải xem xét kỹ về điểm dừng kỹ thuật, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí số vốn đã đầu tư.

Câu hỏi 29. Tại Điều 5 Luật Đầu tư công có nêu đầu tư vào dịch vụ công ích, đầu tư PPP,... nhưng trong kế hoạch trung hạn không đề cập tới. Đề nghị nên bổ sung nội dung này vào việc lập kế hoạch trung hạn.

Trả lời:

Điều 5 của Luật Đầu tư công quy định các ngành, lĩnh vực có thể sử dụng nguồn vốn đầu tư công để thực hiện, trong đó được phép bố trí vốn đầu tư công để đầu tư các dịch vụ công ích và các dự án PPP.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đóng góp của Nhà nước được bố trí trong kế hoạch đầu tư công được bố trí theo ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, ngành, địa phương. Như vậy, trong phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công sẽ thể hiện danh mục dự án PPP và số vốn ngân sách hỗ trợ cho từng dự án cụ thể.

Câu hỏi 30.

a) Trong việc sửa đổi Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg , đề nghị cần xem xét ưu tiên cho các địa phương diện tích tự nhiên nhỏ, diện tích đất lúa thấp, điểm ưu tiên khác không có, các địa phương có điều tiết về trung ương,...

b) Các chương trình mục tiêu theo Quyết định 60/2010/QĐ-TTg sửa đổi nếu bị bỏ bớt thì các dự án nằm trong số các chương trình bị loại bỏ sẽ xử lý như thế nào.

Trả lời:

a) Về đề nghị sửa đổi Quyết định số 60/QĐ-TTg , Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

b) Về xử lý các dự án dở dang trong các chương trình mục tiêu không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, có các hướng xử lý chính: (1) Lồng ghép vào các chương trình có các mục tiêu tương tự nhau; (2) Chuyển vào đầu tư trong cân đối của ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; (3) Trong trường hợp không xử lý được theo 2 hướng trên, thì xem xét điều chỉnh cắt giảm quy mô đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý hoặc giãn, hoãn tiến độ thực hiện dự án.

Câu hỏi 31. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm tạo điều kiện cho các địa phương theo dõi thống nhất, toàn diện.

Trả lời:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu và sẽ tổ chức thảo luận lấy ý kiến các địa phương trước khi đưa vào thực hiện.

Câu hỏi 32. Trong những năm gần đây, Chính phủ và Bộ Tài chính thường giao chỉ tiêu cụ thể vốn đầu tư cho lĩnh vực Giáo dục - đào tạo và Khoa học - Công nghệ. Tỷ lệ vốn được giao so với tổng nguồn không cố định hàng năm mà thay đổi liên tục khiến các địa phương không chủ động chính xác được cơ cấu cho 2 ngành trên. Mặt khác, việc giao chỉ tiêu quá cụ thể sẽ rất khó cho các địa phương trong việc cân đối vốn đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thêm về cơ cấu và thời hạn thực hiện cơ cấu đầu tư của 02 ngành này trong giai đoạn 2016-2020.

Trả lời:

Việc giao kế hoạch vốn giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ trong cân đối ngân sách của địa phương là căn cứ vào các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nhằm bảo đảm nguồn vốn thực hiện 2 mục tiêu quan trọng này.

Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hướng dẫn phù hợp, để vừa thực hiện được các nghị quyết của Trung ương, vừa tạo điều kiện cho các địa phương vận dụng một cách linh hoạt hơn, sát với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

Câu hỏi 33. Dự án xây dựng Trụ sở xã đưa vào chương trình nông thôn mới nhưng trong chương trình nông thôn mới không hướng dẫn triển khai dự án xây dựng trụ sở xã. Cần thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, Chương trình nông thôn mới làm quá rộng, quá dàn trải.

Trả lời:

Các nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trình Chính phủ, Quốc hội quyết định.

Câu hỏi 34. Các nguồn thu để lại như tăng thu, dự phòng cần có hướng dẫn cụ thể

Trả lời:

1. Về nguồn tăng thu ngân sách hằng năm (nếu có) sẽ được xem xét xử cấp bách của từng năm, mà không có quy định cứng cho tất cả các năm; nhưng thông thường các ưu tiên sử dụng nguồn vốn này là: giảm bội chi NSNN, thanh toán các khoản ngân sách đã thực hiện nhưng thiếu nguồn, trả nợ Chính phủ, khắc phục hậu quả lũ lụt,...

2. Về nguồn dự phòng NSNN theo đúng quy định của Luật NSNN và Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ.

Riêng về dự phòng vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã có quy định tại Khoản 6, Điều 54 của Luật Đầu tư công để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Câu hỏi 35. Để triển khai Luật Đầu tư công đồng bộ với các luật khác, như: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi),... đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thống nhất với Bộ Nội vụ để có Thông tư liên bộ quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn triển khai thi hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trả lời:

Sau khi Quốc hội ban hành Luật Đầu công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Bộ Nội vụ thống nhất Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Thông tư gửi Bộ Nội vụ. Đến nay, đang chờ Bộ Nội vụ xem xét, ký Thông tư để ban hành, triển khai thống nhất trên cả nước./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản 629/BKHĐT-TH năm 2015 giải đáp thắc mắc về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 629/BKHĐT-TH
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/02/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản