TUYÊN BỐ
VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT, 1975
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 9/12/1975 theo Nghị quyết số 3447 (XXX)).
Đại Hội đồng,
Ghi nhớ cam kết của các Quốc gia thành viên trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là tham gia vào các hoạt động chung và riêng trong việc hợp tác với Liên Hợp Quốc để nâng cao mức sống, việc làm đầy đủ và những điều kiện cho sự tiến bộ và phát triển kinh tế, xã hội,
Khẳng định lại lòng tin vào các quyền, tự do cơ bản của con người và theo các nguyên tắc hòa bình, lòng tin vào phẩm giá, giá trị của con người và vào công lý xã hội như Hiến chương đã công bố,
Nhắc lại những nguyên tắc của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, các Công ước quốc tế về quyền con người, Tuyên bố về quyền trẻ em và Tuyên bố về quyền của người khuyết tật về tâm thần cũng như những tiêu chuẩn đã được đề ra cho sự tiến bộ xã hội trong các Hiến chương, Công ước, Khuyến nghị và các Nghị quyết của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và những tổ chức khác có liên quan,
Cũng nhắc lại Nghị quyết số 1921 (LVIII) ngày 6/5/1975 của Hội đồng Kinh tế xã hội về phòng ngừa khuyết tật và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Nhấn mạnh rằng, Tuyên bố về sự tiến bộ và phát triển xã hội đã công bố sự cần thiết phải bảo vệ các quyền, đảm bảo phúc lợi và phục hồi chức năng cho những người thiệt thòi về thể chất và tâm thần,
Ghi nhớ sự cần thiết phải phòng ngừa những khuyết tật về thể chất và tâm thần, giúp đỡ người khuyết tật phát triển các khả năng của họ trong hầu hết những lĩnh vực hoạt động khác nhau và thúc đẩy tối đa sự hòa nhập của họ vào cuộc sống bình thường,
Nhận biết rằng đối với một số nước ở vào giai đoạn phát triển của họ hiện tại chỉ có thể dành một số nỗ lực hạn chế cho mục đích này,
Công bố Tuyên bố về quyền của người khuyết tật và kêu gọi tiến hành các hoạt động quốc gia và quốc tế đảm bảo rằng Tuyên bố sẽ được sử dụng làm cơ sở và khuôn khổ cho việc bảo vệ các quyền này.
1. Thuật ngữ “người khuyết tật” có nghĩa là bất cứ người nào mà không có khả năng tự đảm bảo cho bản thân, toàn bộ hay từng phần, những sự cần thiết của một số cá nhân bình thường hay của cuộc sống xã hội do sự thiếu hụt bẩm sinh hay không bẩm sinh về những khả năng về thể chất hay tâm thần của họ.
2. Người khuyết tật phải được hưởng các quyền nêu ra trong Tuyên bố này. Các quyền này được dành cho tất cả những người khuyết tật mà không có một sự ngoại lệ nào và không có một sự phân loại hay phân biệt nào trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay những quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tình trạng của cải, xuất thân gia đình hay bất cứ tình cảnh nào khác áp dụng với bản thân người khuyết tật hay gia đình họ.
3. Người khuyết tật có quyền được tôn trọng nhân phẩm của họ. Người khuyết tật, bất kể nguồn gốc, bản chất, mức độ nghiêm trọng của những khuyết tật hay khuyết tật của họ đều phải được hưởng những quyền cơ bản như những công dân khác cùng độ tuổi mà trước hết là quyền được hưởng một cuộc sống đầy đủ, càng bình thường và trọn vẹn càng tốt.
4. Người khuyết tật có các quyền dân sự và chính trị như những người khác; đoạn 7 của Tuyên bố về quyền của người khuyết tật về tâm thần được áp dụng trong trường hợp cần hạn chế hay loại bỏ bất kỳ quyền nào của người khuyết tật về tâm thần.
5. Người khuyết tật được quyền có những biện pháp nhằm giúp họ có khả năng trở nên tự lực cánh sinh càng nhiều càng tốt.
6. Người khuyết tật có quyền hưởng những điều trị về y tế, tâm 1ý và phục hồi chức năng, gồm cả việc lắp các bộ phận giả trên cơ thể, về phục hồi chức năng y học và xã hội, giáo dục, đào tạo và phục hồi chức năng, nghề nghiệp, trợ giúp, tư vấn, những dịch vụ sắp xếp việc làm và các dịch vụ khác để làm cho họ phát triển tối đa các khả năng, kỹ năng và thúc đẩy những quá trình hòa nhập hay tái hòa nhập xã hội của họ.
7. Người khuyết tật có quyền được hưởng sự đảm bảo về kinh tế, xã hội và có một mức sống đầy đủ. Tùy theo khả năng của họ, người khuyết tật có quyền được đảm bảo, duy trì việc làm hay tham gia vào công việc hữu ích, tạo sản phẩm, thêm thu nhập và gia nhập công đoàn.
8. Người khuyết tật được quyền có những nhu cầu đặc biệt được xem xét ở tất cả các giai đoạn của việc hoạch định chính sách kinh tế và xã hội.
9. Người khuyết tật có quyền sống cùng gia đình hay với cha mẹ, người bảo trợ của họ và có quyền tham gia vào tất cả các hoạt động xã hội sáng tạo hay vui chơi giải trí. Không người khuyết tật nào phải chịu sự đối xử phân biệt liên quan đến nơi sinh hoạt trừ khi bị đối xử khác đi do yêu cầu hoàn cảnh của người đó. Nếu như việc ăn ở của người khuyết tật ở trong một số cơ sở chuyên môn là cần thiết thì các điều kiện và môi trường sống ở đó phải giống với điều kiện sống và môi trường cuộc sống bình thường của những người cùng lứa tuổi với họ.
10. Người khuyết tật phải được bảo vệ chống 1ại các hình thức bóc lột, những quy chế và đối xử có tính chất phân biệt, lạm dụng hay giảm giá trị nhân phẩm.
11. Người khuyết tật phải được hưởng sự trợ giúp đầy đủ về pháp 1ý khi sự giúp đỡ như vậy là không thể thiếu được cho việc bảo vệ bản thân họ và tài sản của họ. Nếu có các biện pháp tố tụng chống lại họ thì thủ tục pháp lý được áp dụng phải xem xét đầy đủ đến những điều kiện thể chất và tâm thần của họ.
12. Các tổ chức của người khuyết tật có thể được tham khảo ý kiến một cách hữu ích tất cả những vấn đề về các quyền của người khuyết tật.
Tuyên bố về quyền người khuyết tật, 1975
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 09/12/1975
- Nơi ban hành: ***
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1900
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực