Hệ thống pháp luật

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2001

 

TUYÊN BỐ CHUNG

CUỘC HỌP CẤP CAO LẦN THỨ TƯ GIỮA THỦ TƯỚNG BA NƯỚC CAMPUCHIA, LÀO VÀ VIỆT NAM VỀ TAM GIÁC PHÁT TRIỂN

1. Từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 12 năm 2006 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam đã diễn ra Cuộc họp Cấp cao lần thứ tư về Tam giác phát triển giữa Ngài Xăm-đéc Hun Xen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Ngài Bua-xỏn Búp-phả-văn, Thủ tướng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tham dự Cuộc họp có Ngài Hô Nam Hông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, Ngài Thông-lun Xi-xu-lít, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Ngài Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và nhiều quan chức cấp cao của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam.

2. Xăm-đéc Hun Xen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia và Ngài Bua-xỏn Búp-phả-văn, Thủ tướng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào nhiệt liệt chúc mừng Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC 14) và việc Việt Nam vừa trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

3. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thắm tình đoàn kết hữu nghị và láng giềng tốt đẹp. Ba Thủ tướng đánh giá cao và nhấn mạnh việc tăng cường hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện vốn có giữa nhân dân ba nước, coi đây là nhân tố quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của mỗi nước.

4. Ba Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi nước trong thời gian gần đây. Ba Thủ tướng khẳng định lại các sáng kiến, quyết định đã được thông qua tại các cuộc gặp Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam tại Viêng Chăn (Lào) năm 1999, tại Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) năm 2002, tại Xiêm Riệp (Campuchia) năm 2004 về xây dựng Tam giác phát triển nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tiến bộ văn hoá và xã hội trong khu vực Tam giác trên cơ sở phát huy tiềm năng và các lợi thế của mỗi nước.

5. Ba Thủ tướng tiếp tục khẳng định việc xây dựng thành công Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam không chỉ là bằng chứng thiết thực minh chứng cho nỗ lực của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam trong việc vun đắp, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam, mà còn đóng góp tích cực vào củng cố hòa bình, ổn định, hội nhập và phát triển trong tiểu vùng Mê-kông và khu vực.

6. Ba Thủ tướng kiểm điểm tình hình và kết quả triển khai Tuyên bố Viêng Chăn tháng 11 năm 2004 về xây dựng Tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam và hoan nghênh những kết quả đạt được trong tiến trình xây dựng Tam giác phát triển.

7. Ba Thủ tướng nhấn mạnh phương hướng hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển giữa ba nước trong thời gian tới là thúc đẩy việc thành lập Uỷ ban Điều phối chung, xây dựng Cơ chế chính sách ưu đãi chung đối với khu vực Tam giác phát triển và phối hợp giữa ba nước trong việc vận động các nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ và đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển.

8. Ba Thủ tướng nhất trí thành lập Uỷ ban Điều phối chung về Tam giác phát triển, mỗi nước cử một Bộ trưởng làm Đồng Chủ tịch Uỷ ban. Uỷ ban Điều phối chung gồm các Tiểu ban Kinh tế, Địa phương, Xã hội - Môi trường và An ninh - Đối ngoại. Uỷ ban Điều phối chung sẽ tổ chức họp hàng năm trên cở sở luân phiên để thống nhất điều phối, rà soát việc thực hiện Quy hoạch Tổng thể Tam giác phát triển. Cuộc họp thứ nhất Uỷ ban Điều phối chung sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào quý I năm 2007.

9. Ba Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi chung và đặc biệt đối với khu vực Tam giác phát triển như đã nêu trong Tuyên bố Viêng Chăn để tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư của ba nước và nước thứ ba đầu tư, kinh doanh trong khu vực Tam giác phát triển và giao Uỷ ban Điều phối chung về Tam giác phát triển xây dựng, thống nhất cơ chế, chính sách ưu đãi cho khu vực Tam giác trên cơ sở áp dụng những chính sách ưu đãi nhất mà ba nước hiện đang áp dụng trong khuôn khổ song phương và đa phương phù hợp với pháp luật của mỗi nước cũng như pháp luật và các cam kết quốc tế để trình Thủ tướng ba nước xem xét, quyết định tại Cuộc họp ba Thủ tướng lần tiếp theo.

10. Ba Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án trong Tam giác phát triển và khuyến khích việc tổ chức thường niên hội nghị giữa các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển nhằm tăng cường trao đổi thông tin, giao lưu kinh tế - xã hội, thảo luận và đề xuất biện pháp tháo gỡ vướng mắc của địa phương trong việc xây dựng Tam giác phát triển lên Uỷ ban Điều phối chung.

11. Ba Thủ tướng khẳng định nỗ lực của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam là yếu tố quyết định trong xây dựng Tam giác phát triển, song sự hỗ trợ bên ngoài cho các dự án ưu tiên trong Tam giác phát triển có vai trò quan trọng; đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ thiết thực của cộng đồng quốc tế trong quá trình xây dựng Tam giác Phát triển.

12. Ba Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Nhật Bản đã hỗ trợ 2 tỷ Yên cho khu vực Tam giác phát triển và ghi nhận các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị chuyên viên CLV + Nhật lần thứ nhất về Tam giác phát triển. Ba Thủ tướng đánh giá cao việc Nhật Bản chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao CLV + Nhật lần 3 tại Cebu, Philippines, tháng 12/2006 và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản để Hội nghị Cấp cao CLV + Nhật lần 3 thành công, vì lợi ích của bốn nước, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của cả khu vực.

13. Ba Thủ tướng kêu gọi Nhật Bản tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho khu vực Tam giác phát triển, trước mắt cam kết tài trợ cụ thể cho các dự án quy mô nhỏ và có lộ trình cụ thể tài trợ 12 dự án hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên đã được trao cho Nhật Bản tại Hội nghị Cấp cao CLV + Nhật lần thứ nhất. Ba Thủ tướng chỉ đạo các Nhóm công tác của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam cụ thể hóa các chương trình, dự án, biện pháp hợp tác để trao đổi với Nhật Bản tại Hội nghị chuyên viên giữa bốn nước lần thứ hai tổ chức tại Campuchia năm 2007.

14. Ba Thủ tướng vui mừng ghi nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh và hoan nghênh các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào ba nước, trong đó có khu vực đã được thống nhất trong Tam giác phát triển. Ba Thủ tướng quyết định ba nước cùng phối hợp sớm tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch chung cho khu vực Tam giác phát triển, với sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản và các nước khác. Hội nghị xúc tiến đầu tiên sẽ được tổ chức sớm tại Việt Nam. Ba Thủ tướng tuyên bố ba nước sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản tổ chức cho các đoàn doanh nhân và nhà đầu tư Nhật Bản đi khảo sát khu vực Tam giác trong năm 2007 để tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh trong khu vực này.

15. Xăm-đéc Hun Xen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia và Ngài Bua-xỏn Búp-phả-văn, Thủ tướng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc tổ chức Cuộc họp Cấp cao lần này tại Đà Lạt cũng như sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho đoàn đại biểu Campuchia và Lào trong thời gian tham dự Cuộc họp. Ba Thủ tướng nhất trí Cuộc họp lần thứ năm sẽ diễn ra tại Viêng Chăn, Lào năm 2008, thời gian và địa điểm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

Đà Lạt, ngày 5 tháng 12 năm 2006

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tuyên bố chung về cuộc họp cấp cao lần thứ tư giữa thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam về tam giác phát triển

  • Số hiệu: Khongso23
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 05/12/2006
  • Nơi ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản