BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2524 TM/KV1 | Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2004 |
Kính gửi:
| - Bộ Ngoại giao |
Phúc công văn số 3083 BKH/KTĐN ngày 21 tháng 5 năm 2004 của quý Bộ về việc báo cáo tình hình hợp tác với Campuchia và thực hiện chương trình Tam giác phát triển Việt Nam, Lào và Campuchia, Bộ Thương mại báo cáo khái quát hợp tác thương mại với Campuchia và tình hình thực hiện chương trình đề án Tam giác phát triển Việt Nam, Lào và Campuchia như sau:
I. TÌNH HÌNH HỢP TÁC THƯƠNG MẠI VỚI CAMPUCHIA
1. Khái quát tình hình Campuchia năm 2003 và đầu năm 2004
- Năm 2003 tình hình Campuchia có nhiều biến động trong đó nổi lên là cuộc bầu cử Quốc hội. Cuộc bầu cử đã được tiến hành đúng theo thể thức và luật định, kết quả: đảng CPP được 73 ghế, đảng Funcinpec 26 ghế và đảng Sam Rainsy được 24 ghế. Ngày 27 tháng 9 năm 2003 Quốc hội Campuchia đã tiến hành khai mạc phiên họp đầu tiên nhiệm kỳ 2003 - 2008 để thành lập Chính phủ mới nhưng 2 đảng Funcinpec và Sam Rainsy không đến dự và đòi Samdech Hunsen không được làm Thủ tướng và đề nghị thành lập Chính phủ 3 đảng. Ngày 1 tháng 10 năm 2003 đảng CPP tuyên bố không thành lập Chính phủ 3 đảng và chỉ có Samdech Hunsen mới là Thủ tướng Chính phủ mới thôi. Cho đến nay, Quốc vương Sihanouk đã mời 123 nghị sĩ của 3 đảng trúng cử đến hoàng cung để làm lễ tuyên thệ và tiến tới thành lập Chính phủ mới, tuy nhiên vẫn chưa đạt được thống nhất.
- Đầu năm 2003, đã nổ ra cuộc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia và kết quả là đóng cửa biên giới, triệu hồi đại sứ cùng đốt phá một số cơ sở chính trị, kinh tế của hai nước. Sau sự kiện này, hai bên đã tiến hành các biện pháp làm dịu tình hình và bình thường hoá các mối quan hệ. Gần đầy, Chính phủ Thái Lan đã tích cực đề xuất biện pháp nhằm tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong đó có Campuchia, ví dụ như chương trình, dự án rất hấp dẫn để lôi kéo và tăng thêm ảnh hưởng của Thái với các nước làng giếng này trong khuôn khổ chiến lược ECS với 3 nước có chung biên giới.
- Đầu tư nước ngoài: kể từ đầu những năm 2000, Chính phủ Campuchia tiến hành tư nhân hoá cao độ, đầu tư nước này đã tăng nhanh đáng kể, tuy nhiên qua thực tế tình hình bất ổn định, giá điện nước và hạ tầng cơ sở còn rất cao cùng với nhiều tệ nạn tiêu cực nên đầu tư nước ngoài chưa phát triển lên được và có dấu hiệu đi xuống. Năm 2003, FDI giảm sút so với năm 2002.
2. Quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchia
Trong khối ASEAN, Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 3 của Campuchia sau Thái Lan và Singapore và đứng thứ 6 trong các nước buôn bán với Campuchia. Năm 2002, kim ngạch hai chiều đạt 243,2 triệu USD trong đó VN xuất 177,8 triệu USD, năm 2003 tổng kim ngạch hai chiều đạt 362 triệu USD tăng 49% so với năm 2002 trong đó xuất khẩu đạt 268 triệu USD tưng 50,56% và nhập khẩu đạt 94 triệu USD.
4 tháng đầu năm 2004, tổng kim ngạch hai chiều đạt 120 triệu USD, tăng 20%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia 92 triệu USD, tăng 18,5%, nhập khẩu từ Campuchia 27 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2003.
Việt Nam nhập khẩu từ CPC: Linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt, may, da (Chủ yếu hàng của nước thứ ba)
Hàng năm, CPC nhập khẩu khoảng trên 1,7 tỷ USD trong đó nhóm hàng nguyên liệu dệt, da, may khoảng trên 600 triệu USD; xăng dầu trên 300 triệu USD; ô tô, xe máy khoảng 220 triệu USD; vật liệu xây dựng 80 triệu USD; thuốc lá điếu 53 triệu USD; sản phẩm tiêu dùng khác khoảng trên 100 triệu USD...
Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia nhiều mặt hàng. Tại một số chợ, trung tâm thương mại của các tỉnh giáp biên giới của Campuchia với Việt Nam thì thị phần hàng hoá của Việt Nam chiếm hơn 60%. Điều này chứng tỏ rằng hàng hoá do Việt Nam sản xuất ngày càng được nhiều người dân Campuchia ưa dùng cả về chất lượng và mẫu mã.
Một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường Campuchia.
a. Xăng dầu các loại: Theo hình thức chủ yếu là quá cảnh và tạm nhập, tái xuất, thanh toán trả chậm cho các công ty Việt Nam. Đây là mặt hàng có trị giá lớn dễ tăng kim ngạch nhưng đối với các mặt hàng này các công ty ở Campuchia còn nợ rất nhiều các công ty Việt Nam. Thời gian cần chính chỉnh, xem xét kỹ các đầu mối được cấp quocta cũng như tạm nhập tái xuất, quản lý chặt chẽ biên giới... tránh để các doanh nghiệp gian lận thương mại, buôn lậu hoặc bị các doanh nghiệp CPC lợi dụng vốn, không thanh toán... Năm 2003, CPC nhập khẩu trên 300 triệu USD (chưa kể số nhập lậu qua biên giới Thái Lan và Việt Nam).
b. Hàng dệt may và nguyên phụ liệu cho dệt, may: hàng năm nhập khoảng từ 600 - 650 triệu USD một số nguyên phụ liệu như: Tấm bông PE, các loại Mex, phecmơtuya và khuy nút nhựa, chỉ khâu, chỉ thêu và đã xuất được sang CPC, ở Campuchia chưa có xí nghiệp dệt nào nên toàn bộ vải phải nhập khẩu như: Chăn, màn, gối và một số hàng may sẵn khác... bán tại các chợ đầu mối cũng toàn phải nhập từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2002, nhập từ Việt Nam 8,5 triệu USD năm 2003 trên 14 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2004 trên 5 triệu USD. Cạnh tranh với mặt hàng này của ta chủ yếu là hàng Thái Lan và Trung Quốc.
c. Nhóm hàng vật liệu xây dựng
- Xi măng: hàng năm CPC nhập khoảng trên 800.000 tấn. Trước kia xi măng Hà Tiên của Việt Nam chiếm ưu thể nhưng sau 1 thời gian xảy ra tình trạng bán hàng kém chất lượng, hàng giả, gian dối xi măng Hà Tiên đã phải nhường chỗ cho xi măng con Voi của Thái Lan. Gần đây xi măng Hà Tiên và Kiên Giang đã có những kế hoạch chiếm lĩnh lại thị trường đặc biệt là sau sự kiện 29 tháng 1 năm 2003, hiện ta vẫn đang xuất sang thị trường này nhưng còn nhỏ lẻ và chủ yếu qua đường tiểu ngạch; Sắt xây dựng: của nhiều công ty Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường Campuchia, năm 2003 xuất khoảng 10 triệu USD. Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng đang xuất khẩu tăng dần như Kính xây dựng, gạch men: tuy vậy, giá còn cao nên chưa cạnh tranh lắm so với hàng Thái, Trung Quốc. Nhóm hàng này Campuchia nhập hàng năm từ 60 - 80 triệu USD, trong đó từ Việt Nam khoảng 10 triệu USD.
d. Sản phẩm nhựa các loại: các loại đồ nhựa gia dụng như: bàn, ghế, xô, chậu, chén... của Việt Nam được bày bán ở khắp nơi 2003, Việt Nam xuất 19 triệu USD gấp gần 3 lần năm 2002. 4 tháng đầu năm 2004 đạt trên 8 triệu USD.
c. Mỳ ăn liền: 2003 Việt Nam xuất hơn 14 triệu USD (hơn gấp 2 lần năm 2002), 4 tháng đầu 2004 đạt trên 4 triệu USD. Các công ty Việt Nam hoạt động rất tích cực và có bài bản như: Mỳ Miliket, An Thái, Vissan, Vifon, Acecook... đã mở văn phòng đại diện, lập các mạng lưới tiêu thụ... cho nên mỳ ăn liền của Việt Nam bán rất tốt, vừa hợp thị hiếu, giá cả cạnh tranh có bán tại khắp các chợ đến các siêu thị.
f. Nhóm hàng Hải sản: Khá nhiều loại hải sản và sản phẩm nước mắm rất được ưa chuộng. Năm 2003 đạt 3,1 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2004 đạt 1,5 triệu USD.
g. Gạo: năm 2002, VN xuất gần 4 triệu USD và năm 2003 hơn 1,3 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2004 đạt gần 0,3 triệu USD, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh biên giới. Đối thủ cạnh tranh chủ yếu là gạo Thái Lan.
h. Nhóm hàng công nghệ cao: Mặc dù nhóm hàng điện máy và công nghiệp với công nghệ cao là độc quyền của các công ty lớn, nổi tiếng thuộc các nước; Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Thái, Trung Quốc... Năm 2002 Việt Nam đã có 2 mặt hàng chen chân được vào thị trường này là dây điện, cáp điện đã xuất được 1,5 triệu USD, năm 2003 mới xuất được là 888 nghìn USD và máy vi tính cùng linh kiện cũng được khoảng hơn 100 nghìn USD.
3. Một số cơ chế chính sách và đề xuất biện pháp phát triển thương mại Việt Nam - Campuchia
- Bộ Thương mại đã xác định và đưa Campuchia thành một trong những thị trường trọng điểm quốc gia hàng năm đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ triển lãm có hỗ trợ tài chính, các đoàn doanh nghiệp sang trao đổi ký kết hợp đồng buôn bán, giới thiệu doanh nghiệp với các đối tác Campuchia... Những hoạt động đó đã hỗ trợ và góp phần vào việc tăng thị phần hàng hoá Việt Nam trên thị trường Campuchia, năm 2003 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đã đạt gần 270 triệu USD.
- Chính phủ đã ban hành Quyết định 252/2003/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2003 về quản lý buôn bán hàng hoá qua biên giới với các nước có chung biên giới nhằm thống nhất quản lý và đưa hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới vào nền nếp. Theo quyết định này, Chính phủ đã uỷ quyền Bộ Thương mại thành lập Ban chỉ đạo hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới do Bộ Thương mại chủ trì với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới, chắc chắn với sự ra đời của Ban chỉ đạo, hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới thời gian tới sẽ có những chuyển biến theo hướng tích cực.
- Nâng cao cơ sở vật chất của cửa khẩu và thực thiện cải cách tích cực nhằm thuận lợi hoá thủ tục XNC, hải quan, kiểm dịch hàng hoá và thuận lợi hoá cho người, phương tiện qua lại.
- Nâng cao hiệu quả kinh tế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu. Rà soát lại cơ chế chính sách hiện hành để đề xuất Chính phủ cho áp dụng những biện pháp mạnh hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, ví dụ như ưu đãi về tiền thuê đất, miễn giảm các loại thuế và lệ phí, đơn giản hoá thủ tục, tăng mức phí để lại cho địa phương, khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, ưu đãi riêng cho ngành du lịch cửa khẩu...
- Liên kết chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thành lập khu ngoại quan để xuất khẩu qua Campuchia, tổ chức các tour du lịch vào sâu nội địa và sang nước bạn, liên kết sản xuất hàng xuất khẩu... nhằm tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh nói chung và khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nói riêng.
- Khuyến khích doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các hội chợ ở Campuchia nhằm tăng khả năng xuất khẩu hàng hoá của tỉnh.
- Bộ Thương mại đang dự thảo đề án kế hoạch tổng thể phát triển thị trường Campuchia trình Chính phủ phê duyệt sau khi đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương trong đó Tây Ninh và cửa khẩu Mộc Bài đóng vai trò cửa ngõ và động lực trong phát triển hợp tác kinh tế - thương mại của tỉnh nhà và với nước bạn láng giềng.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN TAM GIÁC PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - LÀO - CAMPUCHIA
- Định hướng phát triển thương mại qua các cửa khẩu của Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển nhằm đẩy mạnh giao lưu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và nâng cao đời sống của cư dân biên giới, góp phần xoá đói giảm nghèo ở mỗi quốc gia, mặt khác góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với hai nước láng giềng, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ biên cương của tổ quốc. Việc phát triển thương mại khu vực này trên cơ sở thiết lập đường giao thông thuận lợi, hàng hoá của mỗi nước có thể dễ dàng vận chuyển, mua bán, trao đổi thường xuyên, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận thị trường các tỉnh Nam Lào, vùng Đông Bắc Campuchia, Thái Lan, Lào và Mianma, đồng thời ta cũng tiêu thụ được nhiều hàng nông lâm đặc sản của các nước bạn và trở thành nơi quá cảnh hàng hoá cho các nước Lào, Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan.
- Một số trọng tâm định hướng phát triển khu vực tam giác phát triển là quy hoạch xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu như khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y - Ngọc Hồi (Kon Tum) (Chính phủ đã có quyết định thành lập 18 tháng 10 năm 2001), khu kinh tế cửa khẩu đường 19 (Gia Lai) (Chính phủ đã có quyết định thành lập 21 tháng 9 năm 2001); phát triển hệ thống trung tâm thương mại như Trung tâm thương mại cửa khẩu Bờ Y - Giang Giơn, trung tâm thương mại cửa khẩu đường 19 (Gia Lai), Trung tâm cửa khẩu Pubrăng (Đắc Lắc); phát triển hệ thống chợ cửa khẩu và khu vực biên giới chợ cửa khẩu Bờ Y, chợ cửa khẩu Pubrăng (Đăk Lắc), chợ cửa khẩu đường 19B (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) (đang san lấp) và một số chợ biên giới như chợ Quảng Trực và Thuận An (tỉnh Đắk Nông) (kế hoạch 2006 - 2010), chợ Đăk Long (tỉnh Kon Tum) (kế hoạch 2002 - 2005).
Tuy nhiên, do tình hình các tỉnh biên giới thuộc khu vực tam giác phát triển của ta là những tỉnh thuộc diện khó khăn nhất trong cả nước, các tỉnh bên nước bạn Lào và Campuchia cũng là những tỉnh nghèo, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng nghèo nàn (đường sá, điện nước, viễn thông, trình độ dân trí thấp...) cho nên cho đến nay vẫn chưa thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào khu vực này, đặc biệt là chủ trương xây dựng khu hợp tác sản xuất hàng xuất khẩu trong khu vực tam giác phát triển nhằm tranh thủ hạn ngạch mà EU dành cho Campuchia và Lào theo hệ thống GSP như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại công văn 221/CP-QHQT ngày 01 tháng 3 năm 2002. Hoạt động của các chợ biên giới còn rất nhỏ bé, ví dụ như tại cửa khẩu Bờ Y chợ chưa tổ chức được thường xuyên và chủ yếu là các cư dân trao đổi tự phát, quy mô rất nhỏ, tại cửa khẩu Đức Cơ cũng có chợ nhưng họp bất chợt, không đều do cư dân thưa thớt, hàng hoá trao đổi hạn chế, tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa có chợ biên giới...
Trong thời gian sắp tới để có thể thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất và phát triển giao lưu thương mại, đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn của nhà nước nhằm xây dựng một hệ thống đường sá, hệ thống điện và nguồn nước tạo ra một nền tảng cơ sở hạ tầng thuận lợi và hiệu quả, kết hợp với hệ thống chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, của trung ương và địa phương để có thể thực hiện định hướng và kế hoạch phát triển như đã trình bày trong đề án phát triển thương mại khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và Bộ Thương mại đã soạn thảo trình Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Công văn số 2524 TM/KV1 ngày 01/06/2004 của Bộ Thương mại về việc hợp tác thương mại với Campuchia và tình hình thực hiện chương trình đề án Tam giác phát triển Việt Nam, Lào và Campuchia
- Số hiệu: 2524TM/KV1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 01/06/2004
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Phan Thế Ruệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/06/2004
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết