Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/TTr-UBND | Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2007 |
VỀ TỔNG BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2008 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Kính gửi: Hội đồng nhân dân thành phố.
Thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Nghị định số 71/2003/NĐ- CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước; Nghị định số 112/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và Thông tư số 89/2003/TT-BNV ngày 24/12/2003 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2006/NQ-HĐND ngày 09/12/2006 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Phê chuẩn tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2007 của thành phố Hà Nội;
Thi hành Nghị quyết số 08/2006/NQ-HĐND ngày 22/7/2006 của HĐND thành phố Hà Nội về phân cấp một số lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách năm 2007;
Uỷ ban nhân dân Thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố việc thực hiện biên chế năm 2007 và định hướng sử dụng biên chế quản lý hành chính, sự nghiệp năm 2008 của thành phố Hà Nội, như sau:
I. HIỆN TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ CỦA THÀNH PHỐ NĂM 2007
1. Tổ chức bộ máy và biên chế quản lý hành chính:
1.1. Bộ máy quản lý hành chính của Thành phố có 43 đơn vị và tương đương, bao gồm: 20 sở, 09 đơn vị tương đương cấp Sở, 14 UBND quận, huyện);
1.2. Biên chế quản lý hành chính:
a) Năm 2007 Bộ Nội vụ giao biên chế quản lý hành chính (gồm: cán bộ, công chức, công chức dự bị) cho Thành phố là 4.797 người (không giao số lao động hợp đồng trong các cơ quan quản lý hành chính);
Căn cứ số biên chế được Bộ Nội vụ giao và thực tế sử dụng nhân lực của các đơn vị, UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố phê chuẩn giao biên chế quản lý hành chính cho các đơn vị quản lý hành chính thuộc Thành phố năm 2007 là: 5.764 biên chế, gồm 4.719 biên chế (là cán bộ, công chức và công chức dự bị) và 1.045 biên chế (gồm: Lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP và lao động hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ trong các đơn vị quản lý hành chính chờ dự thi tuyển công chức dự bị), trong đó:
- Khối sở, ban, ngành và tương đương thuộc Thành phố: 3.356 biên chế;
- Khối UBND các quận, huyện: 2.408 biên chế;
b) Số biên chế quản lý hành chính hiện có (tính đến ngày 01/10/2007) là 5.218 biên chế (gồm: 4.202 cán bộ, công chức, công chức dự bị và 1.016 lao động hợp đồng), trong đó:
- Số biên chế hiện có của các sở, ban, ngành và tương đương là: 3.020 biên chế hành chính (thấp hơn được giao 336 biên chế);
- Số biên chế hiện có của các quận, huyện là: 2.198 biên chế hành chính (thấp hơn được giao 210 biên chế);
Số biên chế hiện có của các đơn vị sử dụng ít hơn so với số biên chế Thành phố giao là 546 người, do các đơn vị thực hiện khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính sử dụng tiết kiệm số biên chế được giao để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
2. Tổ chức bộ máy xã, phường, thị trấn:
a) Hiện tại Thành phố có: 232 xã, phường, thị trấn, trong đó có: 128 phường, 98 xã và 6 thị trấn;
b) Biên chế được giao năm 2007 là 4.026 cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn ở xã, phường, thị trấn.
Số biên chế hiện có tính đến 01/10/2007 là 4.249 người, tăng hơn so với số được giao 223 người, là do chưa áp dụng định mức theo định biên quy định tại Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
3. Tổ chức bộ máy và biên chế của các đơn vị sự nghiệp
3.1. Về tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp của Thành phố, gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố: 18 đơn vị và tương đương (trong đó giao Công an Thành phố quản lý và sử dụng một số biên chế);
b) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành: 225 đơn vị;
c) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện: 1.208 đơn vị.
d) Các tổ chức Hội xã hội được giao biên chế (cũ): 9 đơn vị;
3.2. Biên chế:
Năm 2007, UBND Thành phố đã giao biên chế cho các đơn vị sự nghiệp của Thành phố là 48.818 biên chế;
Số biên chế hiện có (tính đến ngày 01/10/2007) của 1.460 đơn vị là 44.503 người (trong đó số tự trang trải là 3.150 biên chế; số do ngân sách nhà nước chi trả và hỗ trợ kinh phí là 41.353 biên chế) thấp hơn so với số được giao là 4.315 biên chế
Bảng chi tiết thực hiện biên chế sự nghiệp năm 2007 theo từng lĩnh vực:
LĨNH VỰC SỰ NGHIỆP | BIÊN CHẾ GIAO NĂM 2007 | Thực hiện đến 01/10/2007 | Chênh lệch so với BC được giao | |
Số đơn vị | Biên chế | |||
1. Giáo dục đào tạo và dạy nghề | 34.343 BC (trong đó: 255 BC tự trang trải) | 900 | 31.787 | - 2.556 |
2. Y tế | 7.755 BC | 283 | 6.717 | - 1.038 |
3.Văn hóa - Thông tin, phát thanh truyền hình | 1.362 BC (trong đó: 513 BC tự trang trải) | 39 | 1.036 | - 326 |
4. Thể dục thể thao | 341 BC (trong đó: 20 BC tự trang trải) | 19 | 364 | 23 |
5. Nghiên cứu khoa học | 242 BC (trong đó: 60 BC tự trang trải) | 8 | 193 | - 49 |
6. Sự nghiệp khác | 4.775 BC (trong đó: 2.302 BC tự trang trải) | 211 | 4.406 | -369 |
TỔNG SỐ | 48.818 BC (trong đó: 3.150 BC tự trang trải) | 1.460 | 44.503 | - 4.315 |
4. Nhận xét về quản lý và sử dụng biên chế của các đơn vị trong năm 2007
4.1. Ưu điểm:
a) UBND Thành phố đã tổ chức triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 17/2006/NQ-HĐND ngày 09/12/2006 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc Phê chuẩn tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Thành phố năm 2007; kịp thời điều chỉnh giảm đầu mối tổ chức bộ máy của Thành phố sáp nhập Chi cục Kiểm lâm nhân dân về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giải thể trường Phổ thông nội trú dạy nghề số 1 thuộc Công an Thành phố; Bổ sung biên chế cho các đơn vị mới được thành lập (14 Phòng y tế quận, huyện; 17 đơn vị sự nghiệp khác thuộc các sở, ngành, UBND quận, huyện: nâng cấp 02 trường trung cấp nghề thành trường Cao đẳng) và một số đơn vị được giao thêm nhiệm vụ, tạo điều kiện để các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;
b) Các đơn vị đã nghiêm chỉnh thực hiện tốt chỉ tiêu biên chế được giao, có nhiều đơn vị thực hiện tiết kiệm định mức biên chế được giao ;
c) Năm 2007, 100% các đơn vị quản lý hành chính của Thành phố đã thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính, có nhiều đơn vị thực hiện tốt, tiết kiệm số biên chế được giao; 870 đơn vị sự nghiệp đã thực hiện cơ chế tài chính mới là đơn vị sự nghiệp có thu, Thành phố chỉ hỗ trợ tiền lương, còn các chi phí khác đơn vị tự lo;
d) Trong năm 2007, Thành phố đã triển khai tổ chức kiểm tra thí điểm việc quản lý và sử dụng biên chế của 8 đơn vị, hướng dẫn, giúp các đơn vị làm tốt hơn công tác quản lý và sử dụng biên chế theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước và của Thành phố;
4.2. Hạn chế:
a) Do chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan đơn vị chưa đồng đều, nên vẫn có nơi thừa, có nơi thiếu, đã tạo ra sự bất hợp lý trong việc sử dụng biên chế;
b) Một số đơn vị chưa thực hiện hết định mức biên chế được giao, như :
- Ngành giáo dục đào tạo còn 2.556 biên chế, Thành phố giao đúng định mức biên chế theo quy định, nhưng một số đơn vị chủ yếu là ở khối mầm non đã tiết kiệm biên chế được giao để tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên hoặc như ở khối THCS chưa tuyển dụng được giáo viên một số bộ môn đặc thù (giáo viên thể chất, giáo viên giáo dục công dân,…) và một số chức danh nhân viên hành chính (như: Kế toán, thư viện, thí nghiệm, y tế trường học,...) trong các trường học;
- Ngành y tế còn 1.038 biên chế, cũng do các đơn vị chưa tuyển dụng được cán bộ, viên chức ở một số ngành đặc thù (tâm thần, điều trị bệnh HIV,…) đồng thời các đơn vị trong ngành cũng muốn tiết kiệm biên chế để tăng nguồn thu cho đơn vị;
- Đối với các đơn vị sự nghiệp văn hoá, thông tin, phát thanh truyền hình và các đơn vị khác của Thành phố, số biên chế chưa sử dụng hết của các đơn vị cũng do tính chất công việc của từng đơn vị ngoài việc tiết kiệm số biên chế được giao để tăng nguồn thu, các đơn vị dự trữ một số biên chế để tuyển dụng nhân lực cho một số vị trí cần thiết nên chưa sử dụng hết số biên chế được giao. Tuy nhiên, ngoài những lý do nêu trên, tình trạng các đơn vị sử dụng số lao động hợp đồng “ ngắn hạn” (không trong định mức biên chế được giao) do đơn vị tự ký với người lao động cũng khá nhiều, đã gây ra tâm lý không tốt trong đơn vị, chưa đúng với quy định về quản lý quỹ tiền lương, tiền công theo quy định hiện hành của nhà nước và của Thành phố;
c) Một số cơ quan, đơn vị việc sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, viên chức và lao động chưa thực sự khoa học, vẫn có hiện tượng bố trí trái ngành, trái nghề chưa theo đúng trình độ, chuyên môn được đào tạo;
d) Công tác kiểm tra việc quản lý và sử dụng biên chế, quỹ tiền lương của các đơn vị trong Thành phố còn ít, do vậy nên việc nắm bắt thông tin về quản lý và sử dụng biên chế của cơ sở có lúc chưa chính xác;
đ) Hiện tại Thành phố có 1.460 đơn vị sự nghiệp với số lượng biên chế chiếm 90% tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Thành phố, song việc kiểm tra, rà soát, đánh giá hoạt động có tính hiệu quả của các đơn vị này chưa được quan tâm xem xét, vì vậy chưa có giải pháp tích cực để kiện toàn tổ chức và biên chế của các đơn vị sự nghiệp.
II. ĐỊNH HƯỚNG VỀ SỬ DỤNG BIÊN CHẾ CỦA THÀNH PHỐ NĂM 2008
1. Những căn cứ để xây dựng kế hoạch biên chế:
- Quy định về định mức biên chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
- Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2008;
- Nguồn thu ngân sách của Thành phố được Chính phủ giao năm 2008;
- Kế hoạch tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý hành chính mới của các sở, ban, ngành thuộc Thành phố trong thời gian tới;
- Thực tế chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có và dự kiến nguồn cán bộ, công chức, viên chức thay thế;
- Kết quả việc thực hiện sử dụng quỹ biên chế được Thành phố giao của các đơn vị trong năm 2007.
2. Về tổng biên chế:
Xuất phát từ những căn cứ nêu trên và thực tế yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố trong năm 2008, Ủy ban nhân dân Thành phố trình HĐND Thành phố phê duyệt tổng biên chế của các đơn vị thuộc Thành phố là 63.678 biên chế, được phân bổ như sau:
2.1. Biên chế khối quản lý hành chính: 6.626 biên chế, trong đó:
- Biên chế quản lý hành chính cấp Thành phố: 3.361 biên chế;
- Biên chế quản lý hành chính cấp quận, huyện: 3.265 biên chế;
2.2. Biên chế cán bộ chuyên trách và công chức cơ sở: 4.725 biên chế;
2.3. Biên chế khối sự nghiệp: 52.327 biên chế, trong đó:
- Sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề : 35.888 biên chế;
- Sự nghiệp y tế: 9.057 biên chế;
- Sự nghiệp văn hoá - thông tin, phát thanh và truyền hình: 1.388 biên chế;
- Sự nghiệp thể dục thể thao: 413 biên chế;
- Sự nghiệp nghiên cứu khoa học: 258 biên chế;
- Sự nghiệp khác : 5.323 biên chế.
3. Cụ thể cho các ngành
3.1. Biên chế quản lý hành chính: UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố giao biên chế quản lý hành chính năm 2008 cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện là 6.626 biên chế, tăng 862 biên chế so với biên chế UBND Thành phố giao năm 2007, trong đó:
- Khối sở, ban, ngành và tương đương: 3.361 (tăng 05 biên chế so với số được giao năm 2007), do chuyển 41 biên chế của Trung tâm lưu trữ thuộc Văn phòng UBND Thành phố sang biên chế sự nghiệp; Chuyển 100 biên chế của các Phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp sang biên chế sự nghiệp; Chuyển 28 biên chế của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố (bộ phận hành chính) thành biên chế quản lý hành chính; đồng thời bổ sung biên chế để thành lập thêm Chi cục Công sản (Sở Tài chính), Chi cục bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất) Phòng quản lý kinh tế tập thể (Sở Kế hoạch và Đầu tư), đội Thanh tra giao thông công chính Sóc Sơn (Sở Giao thông công chính), Thanh tra công nghiệp (Sở công nghiệp); bổ sung biên chế cho các đơn vị mới được bổ sung nhiệm vụ hoặc có khối lượng công việc quá nhiều như ở các sở: Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra nhà nước Thành phố;
- Khối quận, huyện: 3.265 biên chế (tăng 857 biên chế so với số được giao năm 2007); Số biên chế tăng để bổ sung, kiện toàn cho Thanh tra xây dựng tại 14 quận, huyện và 232 xã, phường, thị trấn và bổ sung cho UBND các quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ: quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thanh tra môi trường và thanh tra lao động tại nơi có nhiều khu công nghiệp.
3.2. Biên chế cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn: Giao đủ số lượng biên chế cán bộ chuyên trách và công chức cơ sở theo đúng quy định tại Nghị định 121/2003/NĐ-CP, là 4.725 biên chế;
3.3. Biên chế sự nghiệp:
3.3.1. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề:
Thực hiện theo quy định về định mức biên chế đối với 900 trường trong hệ thống giáo dục - đào tạo và dạy nghề của Thành phố. Biên chế giao cho năm học 2007 - 2008: 35.888 biên chế (trong đó: số tự trang trải là 255 biên chế, số được ngân sách chi trả và hỗ trợ là 35.633 biên chế); Tăng 1.545 biên chế so với số giao năm 2007, là do áp dụng đúng định biên mới theo Thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ số 35/2006/TTLT- BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và bổ sung biên chế cho trường là Cao đẳng điện tử- điện lạnh Hà Nội, Cao đẳng công nghiệp mới được nâng cấp; Trường Văn hóa thể dục thể thao mới được kiện toàn.
3.3.2. Sự nghiệp y tế: Thành phố có 283 đơn vị y tế: trong đó 48 đơn vị y tế thuộc Sở Y tế (với 19 bệnh viện, 15 trung tâm chuyên khoa và 14 Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện), 232 trạm y tế xã, phường, thị trấn, và các đơn vị Y tế thuộc sở Xây dựng, sở Công nghiệp, sở Thể dục thể thao;
Thực hiện quy định hiện hành của nhà nước định mức về biên chế y tế, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố giao đủ định mức biên chế y tế năm 2008 là: 9.057 biên chế; Tăng 1.320 biên chế so với số giao năm 2007, là do thực hiện đúng định mức biên chế mới theo thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; đồng thời bổ sung biên chế theo định biên cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn sau khi tổ chức, sắp xếp lại Y tế quận, huyện.
3.3.3. Sự nghiệp văn hóa - thông tin, phát thanh truyền hình: Thành phố có 39 đơn vị, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố dự kiến giao biên chế năm 2008 cho các đơn vị là: 1.388 biên chế (trong đó: số tự trang trải là 513 biên chế, số được ngân sách hỗ trợ là 875 biên chế) tăng 26 biên chế so với số giao năm 2007, để bổ sung cho báo Thể thao ngày nay (Sở Thể dục thể thao), Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội.
3.3.4. Sự nghiệp thể dục thể thao: Ngành thể dục thể thao của Thành phố có 19 đơn vị, chỉ tiêu biên chế của các đơn vị thể dục thể thao về cơ bản là ổn định, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố dự kiến giao biên chế năm 2008 cho các đơn vị là 413 biên chế (trong đó có 20 biên chế tự trang trải, số được ngân sách chi trả và hỗ trợ là 393 biên chế); tăng 72 biên chế so với số giao năm 2007, để bổ sung cho đơn vị mới được thành lập là Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Mỹ Đình.
3.3.5. Sự nghiệp nghiên cứu khoa học: Thành phố hiện có 8 đơn vị, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố dự kiến giao biên chế năm 2008 cho các đơn vị là 258 biên chế (trong đó số tự trang trải là 60 biên chế, số được ngân sách Thành phố hỗ trợ là 198 biên chế); tăng 16 biên chế để bổ sung cho Viện Kỹ thuật xây dựng (Sở Xây dựng).
3.3.6. Sự nghiệp khác của Thành phố: Thành phố hiện có 211 đơn vị, dự kiến số biên chế giao cho các đơn vị là 5.323 biên chế (trong đó số tự trang trải là 2.302 biên chế, số được ngân sách hỗ trợ và chi trả là 3.021 biên chế), tăng 548 biên chế so số giao với năm 2007, là do chuyển các phòng Công chứng (thuộc Sở Tư pháp sang sự nghiệp có thu), Trung tâm Lưu trữ (thuộc Văn phòng UBND Thành phố sang sự nghiệp); Thành lập mới một số đơn vị: 08 trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Sở Công nghiệp), Quỹ Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất); bổ sung biên chế cho một số đơn vị, như: Văn phòng đăng ký đất và nhà, Ban Bồi thường GPMB thuộc quận, huyện; Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường.v.v...
III. NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ TĂNG, GIẢM BIÊN CHẾ TRONG NĂM 2008
1. Nguyên nhân khách quan:
- Hệ thống các văn bản quy định của nhà nước và của Chính phủ về mô hình tổ chức bộ máy của các đơn vị quản lý hành chính ở địa phương chưa được quy định rõ ràng; một số chức năng, nhiệm vụ quản lý hành chính còn trùng chéo,.., ví dụ như: Việc sắp xếp lại các sở, ban, ngành, các cơ quan đầu mối quản lý hành chính của Thành phố theo quy định mới của Chính phủ (đến nay chưa có, nên cũng chưa có cơ sở để xây dựng đề án và lộ trình tinh giản bộ máy, biên chế của Thành phố); một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về sản xuất, về quy hoạch mạng lưới phát triển công nghiệp trên địa bàn và trong các khu công nghiệp trên địa bàn chưa rõ ràng; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mới có hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý chi tiêu tài chính đối với các đơn vị này, nhưng chưa có hướng dẫn của Bộ Nội vụ về quản lý biên chế, chế độ, chính sách cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong các đơn vị này cho phù hợp với các quy định hiện hành, nên việc quản lý biên chế vẫn chưa có giải pháp cụ thể, .v.v…;
- Trong năm 2007, Thành phố thực hiện định mức biên chế theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg về thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại Hà Nội (quy định biên chế Thanh tra xây dựng cấp quận có từ 15 đến 20, biên chế TTXD cấp phường thuộc chỉ tiêu biên chế hành chính của cấp quận có từ 3 đến 4); áp dụng định mức biên chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng ( về biên chế đối với các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng) do vậy, số biên chế của các ngành này đã tăng một cách đột biến;
- Kinh tế - xã hội của Thành phố đang có mức tăng trưởng nhanh, tính chất và độ phức tạp trong công tác quản lý trên địa bàn Thành phố ngày một gia tăng, đặc biệt việc đô thị hóa nhanh đã làm cho bộ máy quản lý, điều hành của Thành phố luôn quá tải, một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức phải tham gia quản lý, phục vụ cho quá trình đô thị hoá như: Giải phóng mặt bằng, quản lý lao động ngoại tỉnh, quản lý an ninh, trật tự, an toàn giao thông, quản lý nhà, đất, kinh doanh….đang là một thực tế khách quan cũng là nguyên nhân để tăng biên chế của các cơ quan, đơn vị;
2. Nguyên nhân chủ quan:
- Mặc dù đã thực hiện tách nhiệm vụ quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý hành chính và thực hiện phân cấp quản lý cho cơ sở. Tuy nhiên, việc điều chuyển, sắp xếp giảm biên chế ở các sở, ban, ngành của Thành phố còn có những khó khăn, cũng chưa thực hiện được ngay;
- Thực hiện khoán biên chế và kinh phí hoạt động cho các cơ quan, đơn vị, mặc dù đã có kết quả tốt, nhưng nó vẫn chưa phải là động lực chính để các cơ quan, đơn vị thực hiện giảm biên chế;
- Điều kiện về trụ sở làm việc của các sở, ngành còn thiếu và phân tán ở nhiều nơi cũng gây khó khăn trong điều hành và tinh gọn bộ máy hành chính của Thành phố;
- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị chưa đồng đều, chưa có một cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, nên vẫn có nơi thừa, nơi thiếu đã tạo ra sự bất hợp lý trong việc sử dụng biên chế;
- Công tác cải cách hành chính của Thành phố tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa đi sâu nghiên cứu để tách một số công việc hành chính mang tính phục vụ sang hoạt động sự nghiệp để giảm biên chế trong các cơ quan quản lý hành chính;
- Việc thực hiện kiểm tra công tác quản lý, sử dụng biên chế còn ít, do vậy chưa kịp thời chấn chỉnh những thiếu xót trong việc quản lý sử dụng biên chế, quỹ tiền lương, tiền công và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động ở một số đơn vị.
Để việc quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ biên chế của Thành phố đã giao cho các đơn vị, trong năm 2008, UBND Thành phố đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
1. Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của Chính phủ về quản lý biên chế và định mức biên chế đã được xác định; trên cơ sở tổng biên chế của Thành phố được Hội đồng nhân dân Thành phố phê chuẩn, UBND Thành phố báo cáo Chính phủ xem xét giao biên chế quản lý hành chính cho Thành phố năm 2008 và tổ chức thực hiện;
2. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành theo đúng quy định mới của Thủ tướng Chính phủ kết hợp với việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ;
3. Hoàn chỉnh việc phân loại các đơn vị hành chính quận, huyện, xã, phường, thị trấn làm cơ sở để xây dựng định mức biên chế cho các đơn vị này;
4. Tiếp tục triển khai nghiên cứu xây dựng cơ cấu chức danh tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở để xác định biên chế, tạo điều kiện để sắp xếp, bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và làm cơ sở để phân bổ biên chế cho các đơn vị, điều chỉnh cân đối giữa các khu vực, các chuyên ngành;
5. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện, từ đó xây dựng kế hoạch tiến hành sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp của Thành phố khoa học và có hiệu quả hơn;
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, tiếp tục nghiên cứu xác định một số nhiệm vụ đơn thuần chỉ là dịch vụ công của cơ quan quản lý hành chính chuyển sang hoạt động sự nghiệp để giảm biên chế quản lý hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực (trong biên chế) hiện có của Thành phố để mỗi cán bộ, công chức, viên chức có thể đảm đương thực hiện tốt các nhiệm vụ khi được giao, làm cơ sở để sử dụng có hiệu qủa quỹ biên chế được giao;
7. Nghiên cứu đổi mới cách thức và cơ chế tài chính đối với khoán biên chế và chi phí hành chính cho các đơn vị quản lý hành chính căn cứ khối lượng, chất lượng công việc đơn vị hoàn thành trong năm để khoán nguồn chi tài chính cho đơn vị giúp đơn vị thực hiện giảm biên chế nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng thời có tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức và triển khai việc khoán biên chế và chi phí hành chính cho cấp xã, phường, thị trấn.
8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với việc quản lý, sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị, đồng thời xem xét kịp thời điều chỉnh biên chế để các đơn vị có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
1. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế mới của cơ quan, đơn vị quản lý hành chính của thành phố Hà Nội để Thành phố triển khai thực hiện và có kế hoạch điều chỉnh biên chế của các đơn vị thuộc Thành phố;
2. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khi hướng dẫn thực hiện quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) cần cụ thể rõ ràng và đồng bộ, để các đơn vị có cơ sở sử dụng bố trí biên chế phù hợp khoa học;
3. Thực hiện yêu cầu của cải cách hành chính nhà nước đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu quy định rõ những nội dung, nhiệm vụ nhà nước cần quản lý, còn những việc nhà nước không quản lý thì để tổ chức và công dân làm, không nên bao biện làm thay, tạo điều kiện để các tỉnh, Thành phố (trực thuộc Trung ương) dễ triển khai thực hiện, đây cũng là điều kiện để các đơn vị giảm biên chế;
4. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp tổ chức lại bộ máy quản lý của các sở, ban, ngành Thành phố, UBND Thành phố đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố chấp thuận số biên chế quản lý hành chính và số biên chế sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố năm 2008 do UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố, UBND Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch điều chỉnh sắp xếp lại biên chế của các đơn vị này phù hợp nhiệm vụ quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong giai đoạn mới theo hướng tinh gọn hiệu quả.
Ủy ban nhân dân Thành phố xin báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 2Thông tư liên tịch 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập do Bộ Giáo Dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước do Bộ Y Tế- Bộ Nội Vụ ban hành
- 4Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp
- 5Nghị định 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước
- 6Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn
- 7Thông tư 89/2003/TT-BNV thực hiện phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước do Bộ Nội vụ ban hành
- 8Nghị định 112/2004/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp nhà nước
- 9Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế
- 10Nghị quyết số 08/2006/NQ-HĐND về việc phân cấp một số lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách năm 2007 do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 11Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND bãi bỏ Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 47/2002/NQ-HĐND về các tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 6- Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI do tỉnh Bến Tre ban hành
Tờ trình số 69/TTr-UBND về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2008 của thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 69/TTr-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 29/11/2008
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Phí Thái Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra