Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 433/1997/TTLT--BTCCBCP-BTC-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ, BỘ TÀI CHÍNH, BỘ TƯ PHÁP SỐ 433-TTLT NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ VIÊN CHỨCTRỰC TIẾP THAM GIA CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Thực hiện Quyết định số 242/TTg ngày 17 tháng 4 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án; Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG MÀ MỨC BỒI DƯỠNG

Chấp hành viên, Cán bộ thi hành án, Kiểm sát viên, Cảnh sát, Dân quân tự vệ, đại diện Chính quyền địa phương, đại diện Tổ chức xã hội, trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án thì được hưởng chế độ bồi dưỡng, mức 20.000 đồng/người/ngày. Số lượng người và thành phần tham gia cưỡng chế thi hành án do Thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét, quyết định cho phù hợp.

II- NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ CHẾ ĐỘ BỒIDƯỠNG CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

1. Nguồn kinh phí do người phải thi hành án nộp:

Người phải thi hành án phải nộp tiền để chi trả chế độ bồi dưỡng cho các đối tượng trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án quy định tại Mục I Thông tư này (trừ trường hợp người phải thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án do ngân sách Nhà nước cấp được nói tại điểm 2 Mục II Thông tư này).

2. Ngân sách Nhà nước chi trả chế độ bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án trong trường hợp sau:

Ngân sách Nhà nước chi trả chế độ bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án thực sự có khó khăn về kinh tế và không thể thu được, được miễn giảm theo quy định của pháp luật.

Đối với các trường hợp miễn giảm phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú, hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác để làm căn cứ xem xét việc miễn giảm.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hàng năm cơ quan thi hành án dân sự địa phương xây dựng dự toán kinh phí do Ngân sách Nhà nước trả bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án gửi Bộ Tư pháp tổng hợp gửi Bộ Tài chính để trình Chính phủ. Sau khi được Quốc hội phê duyệt Ngân sách Nhà nước, Chính phủ sẽ thông báo kinh phí bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án trong dự toán chi ngân sách hàng năm cho cơ quan thi hành án.

Cơ quan thi hành án thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ tham gia cưỡng chế thi hành án phải đảm bảo đúng quy định tại Thông tư này, tổ chức thực hiện chế độ kế toán, báo cáo quyết toán theo quy định chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp hiện hành.

Riêng năm 1997 phần kinh phí chi thực hiện chế độ bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án được tính trong kế hoạch ngân sách năm 1997 đã được thông báo.

2. Các trường hợp khi cưỡng chế kê biên tài sản của đương sự, cơ quan thi hành án đã tạm ứng chi phí bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án từ Ngân sách Nhà nước thì sau khi phát mại tài sản đó, phải khấu trừ chi phí bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án để hoàn trả vào Ngân sách Nhà nước.

3. Chế độ bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án do cơ quan thi hành án trực tiếp chi trả cho các đối tượng tham gia.

4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02.5.1997.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc cần báo cáo về Liên bộ để xem xét hướng dẫn kịp thời.

Nguyễn Văn Sản

(Đã ký)

Tô Tử Hạ

(Đã ký)

Tào Hữu Phùng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 433/1997/TTLT--BTCCBCP hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ viên chức trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án do Ban Tổ Chức Cán Bộ Chính Phủ-Bộ Tài Chinh, Bộ Tư Pháp ban hành

  • Số hiệu: 433/1997/TTLT--BTCCBCP-BTC-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 25/09/1997
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Văn Sản, Tào Hữu Phùng, Tô Tử Hạ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 02/05/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản