Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-BYT/TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 1962

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 24-TTG NGÀY 27/2/1962 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN Y TẾ LÀM CÔNG TÁC PHẪU THUẬT

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố
- Các Sở, Ty y tế
- Các đơn vị trực thuộc

Từ hòa bình lập lại, nền kinh tế và khoa học của ta ngày càng phát triển, y tế phục vụ nhân dân ngày càng cao. Trong phương pháp phòng bệnh và điều trị càng được cải tiến theo khoa học, lại cũng có những bệnh phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Công tác phẫu thuật rất phức tạp: có nhiều loại bệnh trạng thái khác nhau, nên chuẩn bị trước khi mổ và thời gian mổ dài ngắn không nhất định. Ngoài việc mổ tại các cơ sở điều trị, lại có những trường hợp phải đi mổ cấp cứu tại chỗ. Trong khi làm nhiệm vụ, các phẫu thuật viên đều tập trung trí lực và thể lực cao để đảm bảo tính mệnh cho bệnh nhân. Vì vậy, nên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 24-TTg ngày 27/2/1962 về việc bồi dưỡng cho các phẫu thuật viên bằng hiện vật, nhằm làm cho cán bộ nhân viên có đủ sức khỏe để tiếp tục công tác tốt hơn.

Dựa theo tinh thần Thông tư, Bộ giải thích và hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG BỒI DƯỠNG

Trong mục I tiết 1 và tiết 2 về đối tượng có nói: các phẫu thuật viên trực tiếp cầm dao mổ, những cán bộ, nhân viên phụ mổ, giúp việc trong khi mổ, nay Bộ nói rõ thêm:

1. Mỗi trường hợp mổ có một phẫu thuật viên trực tiếp cầm dao mổ chịu trách nhiệm chính;

Nếu có trường hợp mổ đặc biệt xét cần có giáo sư đứng ra chỉ đạo để giải quyết khó khăn trong khi mổ thì được coi như phẫu thuật viên trực tiếp mổ.

2. Mỗi trường hợp mổ có một người phụ mổ để thay thế cho người trực tiếp mổ khi cần thiết, nếu có trường hợp đặc biệt do yêu cầu của chuyên môn có thể bố trí 2 người phụ mổ. Tuy vậy, cũng có trường hợp mổ bình thường thì cũng không nhất thiết phải có người phụ mổ.

3. Mỗi trường hợp mổ có một số nhân viên giúp việc như: gây mê, chuyển dụng cụ, truyền máu, hồi sức theo dõi điện tim (nếu có) thì việc phân công chức trách của mỗi người phải phù hợp với Thông tư đã quy định. Nếu có trường hợp mổ khó khăn phải có nhiều người giúp việc thì số người thêm đó không được vượt ra ngoài các chức trách quy định, ngược lại có trường hợp mổ bình thường số nhân viên giúp việc khi mổ cần ít hơn thì cũng không nhất thiết phải bố trí đủ người như Thông tư đã quy định. (Trừ những người giúp việc bên ngoài như: lấy thêm dụng cụ, thuốc v.v… thì không nằm trong đối tượng được hưởng bồi dưỡng).

II. TIÊU CHUẨN BỒI DƯỠNG

Trong mục II tiết 1 có nói: Những cán bộ nhân viên phẫu thuật trực tiếp mổ, phụ mổ, giúp việc trong khi mổ trong hay ngoài giờ chính quyền (6 giờ sáng đến 9 giờ tối) dù có mổ nhiều lần hay ít lần cũng chỉ được hưởng bồi dưỡng một lần; Bộ giải thích thêm một số trường hợp cụ thể như sau:

Ví dụ: Anh A từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối có trực tiếp mổ, hoặc phụ mổ, hoặc giúp việc trong khi mổ mà đã tham gia ba ca mổ thuộc ba loại bệnh khác nhau (loại 1, 2, 3) thì anh A cũng chỉ được bồi dưỡng một lần; lấy mức bồi dưỡng cao nhất để tính tiền bồi dưỡng.

Trong mục II tiết 2 có nói: Trường hợp có mổ đêm từ 21 giờ đến 5 giờ sáng cũng được hưởng bồi dưỡng một lần dù cán bộ đó đã có bồi dưỡng khi ban ngày rồi. Bộ hướng dẫn cho rõ thêm như sau:

Ví dụ: Anh B khi ban ngày đã có được bồi dưỡng 1 lần rồi, nhưng từ 21 giờ đến 5 giờ sáng nếu anh B có tham gia các ca mổ thì cũng được bồi dưỡng thêm một lần nữa, dù cho anh B tham gia nhiều hay ít ca trong đêm đó.

Trường hợp các cán bộ thường trực đêm, nhưng trong phiên trực đó có tham gia mổ (từ 21 giờ đến 5 giờ sáng) ngoài tiền phụ cấp thường trực theo tinh thần Thông tư số 1022-YT/TT ngày 15/9/1958 của Bộ Y tế thì các cán bộ đó cũng được hưởng bồi dưỡng như các phẫu thuật viên khác.

- Nếu có trường hợp cán bộ được mời đến cấp cứu thì cũng được hưởng bồi dưỡng (ngoài số tiền làm thêm giờ).

Trong mục II tiết 2 đối với trường hợp mổ cấp cứu lưu động, mỗi ca đều được hưởng bồi dưỡng. Các trường hợp mổ cấp cứu lưu động, có vất vả hơn tĩnh tại, phương tiện có khó khăn hơn, nên mỗi ca mổ đều được hưởng bồi dưỡng theo mức của loại bệnh đó; không kể trong ngày đó đã có bồi dưỡng rồi.

III. MỨC ĐỘ BỒI DƯỠNG

1. Mức tiền bồi dưỡng (bằng hiện vật) cho những cán bộ, nhân viên chia làm 3 loại.

a) Những ca mổ loại 1, người trực tiếp cầm dao mổ được bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 1đ, người phụ mổ bồi dưỡng 0đ60, mỗi nhân viên giúp việc trong khi mổ được bồi dưỡng 0đ40.

Ví dụ:

1 người trực tiếp mổ

1 người phụ mổ

3 người giúp việc mổ 3 x 0đ40

1đ00

0đ60

1đ20

2đ80

Ví dụ khác:

1 người trực tiếp mổ

1 người chỉ đạo mổ (ca đặc biệt)

1 người phụ mổ

4 người giúp việc mổ 4 x 0,40

1đ00

1đ00

0đ60

1đ60

4đ20

b) Những ca mổ loại 2, người trực tiếp cầm dao mổ được bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 0đ60, người phụ mổ bồi dưỡng 0đ40, mỗi nhân viên giúp việc trong khi mổ được bồi dưỡng 0đ30.

Ví dụ:

1 người trực tiếp mổ

1 người phụ mổ

3 người giúp việc mổ 3 x 0,30

0đ60

0đ40

0đ90

1đ90

c) Những ca mổ loại 3, người trực tiếp cầm dao mổ được bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 0đ50, người phụ mổ bồi dưỡng 0đ40, mỗi nhân viên giúp việc trong khi mổ được bồi dưỡng 0đ30.

Ví dụ:

1 người trực tiếp mổ

1 người phụ mổ

3 người giúp việc mổ 3 x 0,30

0đ50

0đ40

0đ90

1đ80

2. Trong bảnphân loại bệnh kèm Thông tư của Bộ có tính chất hướng dẫn để thực hiện, nên chỉ nêu lên một số loại bệnh. Trong khi thi hành các cơ sở gặp những trường hợp chưa được quy định trong bản phân loại thì cơ sở dựa vào bản phân loại đó mà xếp loại cho phù hợp để tính tiền bồi dưỡng, đồng thời báo cáo cho Bộ biết.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Trong mục IV về điều khoản thi hành Bộ nói rõ thêm một số điểm như sau:

1. Chế độ này là nhằm bồi dưỡng các phẫu thuật nên được phục sức lại sau khi giải phẫu một bệnh nhân, nên phải bồi dưỡng bằng hiện vật ngay tại chỗ, không được trả tiền.

2. Các Sở, Ty Y tế, các đơn vị trực thuộc có trang bị phòng mổ dựa theo phân bổ của Bộ làm dự trù chi tiêu đồng thời lập dự trù thực phẩm (có bản kèm theo gửi đến Sở, Ty Thương nghiệp cung cấp do Bộ Nội thương phân phối).

Ngoài việc cung cấp của Thương nghiệp theo bản đã quy định, các cơ sở có thể mua thêm số thức ăn khác bên ngoài như: cá, trứng, gà, vịt v.v.. và cũng cần chú ý bồi dưỡng thêm các loại trái cây.

- Các đơn vị và công đoàn cơ sở tổ chức bồi dưỡng kịp thời cho các phẫu thuật viên sau khi mổ.

Chế độ này áp dụng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Thông tư, nhưng vì áp dụng nguyên tắc bồi dưỡng bằng hiện vật và tại chỗ nên không đặt vấn đề truy lĩnh mà chỉ được hưởng bồi dưỡng kể từ ngày thực sựthi hành Thông tư hướng dẫn của Bộ. Không áp dụng đối với những cán bộ, nhân viên làm công tác giải phẫu cơ thể bệnh và mổ tử thi để khám nghiệm.

3. Các Sở, Ty Y tế, các bệnh viện mỗi tháng báo cáo kết quả việc thực hiện về Bộ để theo dõi, nghiên cứu.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Đinh Thị Cần

(1) thực sự là được chuẩn bị đầy đủ: thực phẩm, tổ chức bồi dưỡng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06-BYT/TT năm 1962 hướng dẫn Thông tư 24-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế làm công tác phẫu thuật do Bộ Y Tế ban hành

  • Số hiệu: 06-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/03/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đinh Thị Cần
  • Ngày công báo: 11/04/1962
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 30/03/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản