Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH TẠI ĐIỂM A, ĐIỂM B VÀ ĐIỂM C KHOẢN 2 ĐIỀU 35 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 95/2013/NĐ-CP NGÀY 22/8/2013 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 58/2013/NĐ-CP ngày 11/6/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là Nghị định số 95/2013/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có một trong các hành vi sau đây:

a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;

b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng;

c) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 3. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự trong Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền được thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ;

b) Nhận được văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước sở tại về hành vi vi phạm của người lao động;

c) Nhận được văn bản thông báo của người sử dụng lao động ở nước ngoài về hành vi vi phạm của người lao động. Nội dung văn bản thông báo phải được kiểm tra, xác minh tính chính xác trước khi lập biên bản.

2. Việc lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho người vi phạm và phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền để xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này:

a) Biên bản do công chức, viên chức trong Ủy ban nhân dân các cấp nơi người vi phạm cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài đang thi hành công vụ lập thì gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Biên bản do công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh Xã hội đang thi hành công vụ lập thì gửi cho Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước;

c) Biên bản do Thanh tra viên Lao động - Thương binh và Xã hội lập thì gửi cho Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

d) Biên bản do viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự trong Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập thì gửi cho Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 4. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp người vi phạm không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

2. Đối với vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gia hạn không quá 30 ngày theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được gửi cho người bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài để thi hành và gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính để theo dõi.

Trường hợp Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ra quyết định xử phạt thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, quyết định xử phạt phải gửi về Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để chuyển cho các cơ quan nói trên.

2. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thể giao trực tiếp cho người vi phạm do không xác định được nơi ở, nơi làm việc của người bị xử phạt thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị xử phạt trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã ra quyết định xử phạt và được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có).

Điều 6. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Người bị xử phạt vi phạm hành chính có thể nộp tiền phạt tại cơ quan thu tiền phạt ở Việt Nam hoặc tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

2. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cấm đi làm việc ở nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền cấp xã nơi người bị xử phạt cư trú không được xác nhận hồ sơ cho người đó để đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn đã ghi tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 7. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn quy định, thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài để ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ra quyết định xử phạt thì việc chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trong nước được thực hiện thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

2. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 01 năm 2014.

2. Định kỳ 06 tháng, cơ quan có thẩm quyền báo cáo kết quả xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư này như sau:

a) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả lập biên bản vi phạm hành chính tại địa bàn và kết quả xử lý vi phạm hành chính do Người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả xử lý vi phạm hành chính tại địa phương;

c) Cục Quản lý lao động ngoài nước báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả xử lý vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

d) Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả xử lý vi phạm hành chính do Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này; tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình và kết quả xử lý vi phạm hành chính đối với những người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này; định kỳ thông tin danh sách người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước và thông báo cho các cơ quan, tổ chức có liên quan để phối hợp thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị kịp thời báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu và có hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO GIAO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Sơn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hòa

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở LĐTBXH, các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại
giao;
- Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH; Bộ Ngoại giao;
- Các Doanh nghiệp XKLĐ;
- Lưu: VT, Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, b và c Khoản 2 Điều 35 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Ngoại giao ban hành

  • Số hiệu: 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 06/12/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hòa , Nguyễn Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản