Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 3-LTTT | Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 1997 |
Căn cứ Nghị định số 92-CP ngày 27-11-1993 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Căn cứ Nghị định số 171-HĐBT ngày 27-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về thủ tục hải quan và lệ phí hải quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong việc kiểm tra, giám sát hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh Việt Nam như sau :
1. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và quá cảnh Việt Nam thuộc diện kiểm dịch thực vật (dưới đây gọi là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật) được quy định chi tiết tại phụ lục kèm theo Thông tư này.
2. Những vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật chỉ được phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và cơ quan hải quan đã đóng dấu hoàn thành thủ tục hải quan. Đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu trong trường hợp đặc biệt không thể cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật ngay tại cửa khẩu thì có thể cấp Giấy tạm cấp kiểm dịch thực vật. Sau khi đưa vật thể phải kiểm dịch thực vật về nơi quy định chậm nhất là 07 ngày chủ hàng phải nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho hải quan cửa khẩu để bổ sung vào bộ hồ sơ hải quan.
3. Hành khách, chủ phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khi xuất, nhập cảnh nếu trong hành lý có mang theo vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải khai báo với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu để làm thủ tục kiểm dịch thực vật và phải chấp hành các quy định về xử lý của cơ quan kiểm dịch thực.
II. TRÌNH TỰ KIỂM DỊCH THỰC VẬT, KIỂM TRA GIÁM SÁT HẢI QUAN VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP
1. Đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật :
- Khi xuất khẩu : chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải hoàn thành thủ tục kiểm dịch thực vật trước, sau đó đến cơ quan hải quan làm thủ tục cho hàng xuất khẩu.
- Khi nhập khẩu (hoặc quá cảnh Việt Nam), trong quá trình làm thủ tục hải quan, nếu cơ quan hải quan phát hiện có vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thì yêu cầu chủ vật thể, chủ phương tiện vận tải hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải làm các thủ tục kiểm dịch thực vật trước, sau đó mới làm thủ tục hải quan.
2. Nếu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật cần phải xử lý theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu thông báo cho cơ quan hải quan biết trước địa điểm, thời gian xử lý, biện pháp xử lý.
3. Trong phạm vi chức năng và thẩm quyền của mình, cơ quan kiểm dịch thực vật, cơ quan hải quan tại các cửa khẩu cùng phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật nhằm ngăn chặn sự lây lan của sinh vật gây hại tài nguyên thực vật từ nước này sang nước khác theo quy định của pháp luật kiểm dịch thực vật của các nước và quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
4. Định kỳ 6 tháng một lần, cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu họp với hải quan cửa khẩu rút kinh nghiệm về quan hệ công tác và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa hai cơ quan, khi cần thiết thì có thể họp đột xuất.
5. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp với Tổng cục Hải quan để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và bàn bạc các biện pháp phối hợp công tác giữa hai ngành.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA TỪNG NGÀNH
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Thông báo cho Tổng cục Hải quan về Danh mục sinh vật thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố từng thời kỳ.
b) Niêm yết công khai tại các cửa khẩu Danh mục vật thể thuộc diện phải kiểm dịch thực vật quy định về thủ tục kiểm dịch thực vật và lệ phí, phí tổn về kiểm dịch thực vật theo quy định hiện hành và thời gian hoàn thành thủ tục kiểm dịch thực vật.
c) Thành lập các cơ quan kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Pháp lệnh về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu thực hiện các quy định của Thông tư này.
d) Thông báo cho Tổng cục Hải quan danh sách các cửa khẩu có hoạt động xuất, nhập khẩu mà chưa có cơ quan kiểm dịch thực vật hoạt động để Hải quan cửa khẩu căn cứ vào điểm 2 phần I của Thông tư này làm thủ tục hải quan.
e) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan cửa khẩu biết kết quả xử lý những lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và quá cảnh bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật để xem xét trước khi làm thủ tục hải quan cho lô vật thể đó.
2. Tổng cục Hải quan :
a) Hướng dẫn việc áp dụng Thông tư này cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo hải quan các cửa khẩu thực hiện.
b) Trong quá trình làm thủ tục nếu phát hiện có vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thì cơ quan hải quan cửa khẩu phải thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật biết để làm các thủ tục kiểm dịch thực vật theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
1. Cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu lập biên bản xứ lý theo Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật những vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật không đủ tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật khi xuất nhập khẩu và quá cảnh Việt Nam. Trong trường hợp vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải tiêu hủy thì có sự chứng kiến và giám sát của cơ quan kiểm dịch thực vật và cơ quan hải quan cùng cấp.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong công tác kiểm dịch thực vật đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được thực hiện theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định của Chính phủh về xử lý vi phạm hạnh chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật hiện hành.
Trưởng cơ quan kiểm dịch thực vật, Trưởng hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình trong việc xử lý, xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật.
3. Hải quan cửa khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hải quan thì lập biên bản và xử lý theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quay định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc mỗi ngành có trách nhiệm hướng dẫn nhằm quán triệt thực hiện Thông tư này. Nếu có vướng mắc cần báo cáo về cơ quan cấp trên trực tiếp của mình để nghiên cứu và phối hợp chỉ đạo giải quyết kịp thời.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
VẬT THỂ THUỘC DIỆN KIỂM DỊCH THỰC VẬT KHI XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ QUÁ CẢNH VIỆT NAM
(ban hành kèm theo Thông tư số 03-LTTT ngày 25-3-1997 liên tịch gồm Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn - Tổng cục Hải quan)
1. Thực vật :
a) Cây giống các loại và các bộ phận của cây dùng làm giống như : hạt, cành ghép, mắt ghép, thân ngầm, chồi, quả, rễ, củ, mô thực vật nuôi cấy trên môi trường nhân tạo.
b) Cây các loại là bộ phận của cây như : nụ, hoa, quả, cành, thân, lá, rễ, củ, hạt, vỏ cây và các bộ phận khác ở các dạng khác nhau.
2. Sản phẩm thực vật : gạo, tấm, bột mỳ, malt, lạc (đậu phụng), cám, khô dầu, các loại hạt : điều, cà phê, hạt tiêu, ớt bột, chè, sợi đay, bao bì các loại, giấy các loại, bột giấy, giấy cuộn, các loại bánh kẹo chế biến từ hạt ngũ cốc, thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, lá thuốc lá, men rượu, men thức ăn chăn nuôi, dầu, nhựa cây mới qua sơ chế, gỗ và các sản phẩm của gỗ chưa chế biến hoặc đã chế biến (trừ gỗ đã được tinh thế thực hiện theo Thông tư số 10-NN/PTLN/TT ngày 26-12-1996 sửa đổi Điều 6 về Kiểm dịch thực vật của Thông tư liên Bộ số 6-TTLB ngày 2-4-1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan), mây song, tre, nứa, chiếu, cói, rơm rạ, các loại dược liệu, bánh đa, miến, các loại quần áo, các loại thảm dệt bằng len, bằng sợi, bông xơ (kể cả loại bằng hóa học), cao su, mủ cao su và các loại khác.
3. Các loại côn trùng, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, virus (ở dạng sống hoặc chết) và các loại tiểu bản thực vật, sản phẩm thực vật, các chế phẩm vi sinh dùng trong công tác bảo vệ cây nông, lâm nghiệp.
4. Đất và những vật thể khác có khả năng gây hại và mang theo sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.
5. Phương tiện bảo quản và vận chuyển những vật thể nêu trên.
- 1Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993
- 2Nghị định 214-CP năm 1980 Điều lệ kiểm dịch thực vật do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên tịch 17/2003/TTLT-BTC-BNN-BTS hướng dẫn kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản do Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thủy sản ban hành
- 1Nghị định 171-HĐBT năm 1991 Quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993
- 3Nghị định 92-CP năm 1993 hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật
- 4Nghị định 214-CP năm 1980 Điều lệ kiểm dịch thực vật do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư liên tịch 3-LTTT năm 1997 hướng dẫn kiểm tra, giám sát hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Tổng cục hải cùng quan ban hành
- Số hiệu: 3-LTTT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 25/03/1997
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan
- Người ký: Ngô Thế Dân, Nguyễn Văn Cầm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 25/03/1997
- Ngày hết hiệu lực: 01/04/2003
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra