Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-LB/TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 1989

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 18-LB/TT NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 1989 HƯỚNG DẪN SỬ DỤNGCÁC NGUỒN VỐN CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC - KỸ THUẬT VÀPHÂN PHỐI LỢI NHUẬN THU THÊM DO ÁP DỤNG THÀNH CÔNGKỸ THUẬT TIẾN BỘ VÀO SẢN XUẤT

Thực hiện Điều 3 và Điều 7 của Quyết định số 134-HĐBT ngày 31-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về một số biện pháp khuyến khích công tác khoa học và kỹ thuật, Liên bộ: Tài chính - Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn về sử dụng các nguồn vốn cho hoạt động khoa học - kỹ thuật và phân chia lợi nhuận thu thêm do áp dụng thành công các thành tựu khoa học và kỹ thuật vào sản xuất như sau:

I. NGUỒN VỐN

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật đã hạch toán kinh tế độc lập được sử dụng các nguồn vốn tự có, coi như tự có và các nguồn vốn khác, để thực hiện kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ nhằm tập trung giải quyết các yêu cầu về đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm vật tư, năng lượng, thay thế vật tư nhập khẩu. Vốn sử dụng cho hoạt động bao gồm từ các nguồn:

1. Vốn khấu hao tài sản cố định được phép giữ lại theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 78-TC/CN ngày 31-12-1987 và các văn bản tiếp theo (nếu có) của Bộ Tài chính.

2. Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất.

3. Quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung (có thể trích từ quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung để hỗ trợ những nhiệm vụ trọng điểm cấp Nhà nước và cấp Bộ).

Vốn đóng góp của các bên liên kết.

Trong việc đầu tư đổi mới kỹ thuật, trường hợp bên liên kết là cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật thì được phép sử dụng nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học hoặc quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật để góp vốn theo chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Vốn vay ngân hàng: Thực hiện theo các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các cơ sở sản xuất có thể vay vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, nhân dân theo nguyên tắc thoả thuận thông qua hợp đồng, nhưng phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, tập thể và người cho vay.

6. Vốn đầu tư của nước ngoài: xí nghiệp, cơ sở sản xuất có thể vay vốn của nước ngoài để đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Trường hợp các tổ chức và kiều bào yêu nước cho vay với mục đích đưa nhanh kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất thì xí nghiệp, cơ sở sản xuất được sử dụng nguồn vốn đó. Việc sử dụng vốn từ nước ngoài, xí nghiệp phải thực hiện đúng theo Luật đầu tư và các văn bản hiện hành của Nhà nước.

7. Vốn đầu tư của Ngân sách Nhà nước.

Trong trường hợp Nhà nước (Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước) giao nhiệm vụ trọng điểm, đặc biệt là khâu cuối cùng của chu trình nghiên cứu và triển khai thì Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước bàn với Bộ Tài chính dành một phần kinh phí nghiên cứu khoa học để hỗ trợ cơ sở sản xuất hoàn thành nhiệm vụ đó.

II. PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN THU THÊM DO ÁP DỤNGTHÀNH CÔNG KỸ THUẬT TIẾN BỘ VÀO SẢN XUẤT

Lợi nhuận thu thêm do áp dụng thành công kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất là phần chênh lệch giữa lợi nhuận thu được sau khi áp dụng thành công những kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất sản phẩm so với lợi nhuận thu được trước khi áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất sản phẩm đó, không bao gồm lợi nhuận do các yếu tố khác mang lại và khoản chênh lệch giá (nếu có)

1. Nguyên tắc phân phối lợi nhuận thu thêm.

a. Lợi nhuận thu thêm do áp dụng kỹ thuật tiến bộ theo kế hoạch do cấp trên giao được phân phối cho những người, cho đơn vị trực tiếp chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ trong hai năm đầu kể từ khi sản xuất ổn định.

Lợi nhuận thu thêm được phân chia như sau:

- Không dưới 5% trả cho tác giả (dù tác giả có tham gia hay không tham gia vào quá trình áp dụng).

- 10-15% trả cho cơ quan, tập thể hoặc cá nhân thực hiện các hoạt động áp dụng. Tập thể này có thể thuộc cơ quan của tác giả, cũng có thể là cán bộ của xí nghiệp làm việc dưới sự hướng dẫn của tác giả và cũng có thể là một tập thể riêng biệt hoạt động không có sự tham gia của tác giả. Vì vậy, khoản thu nhập này có thể phân phối cho tác giả tuỳ thuộc tác giả có trực tiếp hay không trực tiếp tham gia vào quá trình áp dụng. Những người dẫn việc (mách mối) không thuộc đối tượng phân phối theo khoản này.

- Phần còn lại thuộc quyền sử dụng của đơn vị sản xuất.

b. Lợi nhuận thu thêm do liên doanh, liên kết áp dụng kỹ thuật tiến bộ thì được phân phối theo những cam kết trong hợp đồng giữa các bên.

2. Phân phối lợi nhuận thu thêm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khi áp dụng thành công kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất có lợi nhuận thu thêm thì đơn vị sản xuất được miễn nộp ngân sách Nhà nước phần lợi nhuận thu thêm đó trong 2 năm đầu sau khi sản xuất ổn định. Sau 2 năm này, phần lợi nhuận thu thêm của đơn vị được phân phối theo chế độ tài chính hiện hành. Trong 2 năm này, lợi nhuận thu thêm do áp dụng thành công kỹ thuật tiến bộ, sau khi trừ đi số phần trăm cho tác giả, từ 10 đến 15% cho cơ quan chuyển giao, sẽ được sử dụng như sau:

- 35-40% trích lập quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của đơn vị.

- 60-65% trích lập hai quỹ khen thưởng và phúc lợi (trong đó quỹ khen thưởng chiếm khoảng 2/3).

3. Đối với cơ quan nghiên cứu và triển khai.

a. Chuyển giao kỹ thuật tiến bộ theo kế hoạch cấp trên giao: tuỳ thuộc vào số lợi nhuận thu thêm mà tỷ lệ lợi nhuận dành cho cơ quan (tập thể, cá nhân) chuyển giao kỹ thuật từ 10 đến 15% (do hai bên thoả thuận).

b. Chuyển giao kỹ thuật tiến bộ theo hợp đồng liên kết: lợi nhuận thu thêm sẽ được xử lý theo những cam kết trong hợp đồng.

Toàn bộ lợi nhuận thu thêm của cơ quan nghiên cứu và triển khai theo hợp đồng giao việc hoặc theo hợp đồng kinh tế được phân chia như sau:

- 20% nộp vào ngân sách Nhà nước.

- 20% trích lập quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật của cơ quan.

- 60% trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi của cơ quan (trong đó quỹ khen thưởng chiếm khoảng 2/3).

Trường hợp cơ quan nghiên cứu và triển khai đồng thời là tác giả của đề án thì vẫn được hưởng số phần trăm dành cho tác giả và số lợi nhuận thu thêm đó cũng được phân chia theo các tỷ lệ trên.

III. KHOẢN THI HÀNH

Việc phân chia lợi nhuận thu thêm do áp dụng thành công kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất được tiến hành hàng năm, cùng một lúc khi xét duyệt quyết toán cho đơn vị. Đơn vị phải phân tích rõ số lợi nhuận thu thêm do áp dụng kỹ thuật tiến bộ mang lại và được Hội đồng xét duyệt quyết toán công nhận, có xác nhận của Hội đồng kỹ thuật.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, các ngành, các địa phương nếu có gì vướng mắc thì phản ánh cho Liên Bộ nghiên cứu giải quyết.

Đoàn Phương

(Đã ký)

Lý Tài Luận

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 18-LB/TT năm 1989 hướng dẫn sử dụng các nguồn vốn cho hoạt động khoa học - kỹ thuật và phân công lợi nhuận thu thêm do áp dụng thành công kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất do Bộ tài chính- Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 18-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 29/05/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
  • Người ký: Đoàn Phương, Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản