Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2000 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN VÀ CON ĐẺ CỦA HỌ BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC HOÁ HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

Thi hành Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;

Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Y tế tại văn bản số 2355/YT-TCCB ngày 13 tháng 4 năm 2000;

Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP:

1. Người bị hậu quả trực tiếp của chất độc hóa học khi tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hoá học:

- Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

- Cán bộ chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân;

- Công an, dân quân, du kích, tự vệ địa phương;

- Cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cách mạng;

- Cán bộ thôn, ấp, xã, phường trong hệ thống Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cách mạng.

- Thanh niên xung phong tập trung theo Quyết định số: 104/1999/QĐ-TTG ngày 14 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ;

- Dân công hỏa tuyến.

Các đối tượng nói trên gọi chung là người tham gia kháng chiến.

2 - Người bị hậu quả gián tiếp của chất độc hóa học:

Con đẻ còn sống của người tham gia kháng chiến quy định tại khoản 1, mục I trên đây.

II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP:

1- Người tham gia kháng chiến quy định tại điểm 1 - mục I trên đây phải đủ 3 điều kiện sau:

- Đã từng tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hoá học (từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975;

- Bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hoá học không còn khả năng lao động hoặc bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động;

- Chưa được hưởng trợ cấp thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh.

2. Con đẻ của người tham gia kháng chiến quy định tại điểm 2 - mục I trên đây bị dị dạng dị tật không có khả năng lao động và không thể tự lực được trong sinh hoạt hoặc không có khả năng lao động nhưng còn tự lực trong sinh hoạt.

Các đối tượng nêu tại điểm 1 và điểm 2 trên bị mắc các bệnh hoặc bị các dị dạng dị tật thuộc danh mục bệnh, dị tật do Bộ Y tế ban hành.

III. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐƯỢC HƯỞNG:

Người tham gia kháng chiến và con đẻ của người tham gia kháng chiến có đủ điều kiện theo quy định tại mục II nêu trên được hưởng các chế độ sau:

1. Trợ cấp hàng tháng:

a. Đối với người tham gia kháng chiến:

- Mức trợ cấp bằng 100.000 đồng/người/tháng đối với người bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học, không còn khả năng lao động.

- Mức trợ cấp bằng 88.000 đồng/người/tháng đối với người bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động.

b. Đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến:

- Mức trợ cấp bằng 84.000 đồng/người/tháng đối với người bị dị dạng dị tật không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt.

- Mức trợ cấp bằng 48.000 đồng/người/tháng đối với người bị dị dạng dị tật không có khả năng lao động, nhưng còn tự lực được trong sinh hoạt.

2. Bảo hiểm y tế:

Nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được đơn vị trực tiếp quản lý mua bảo hiểm y tế với mức 3% tiền lương tối thiểu hiện hành.

3. Người tham gia kháng chiến già yếu, cô đơn không nơi nương tựa, con của người tham gia kháng chiến mồ côi cả cha và mẹ không tự lo được cuộc sống thì được xét tiếp nhận vào cơ sở Bảo trợ xã hội và hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Người tham gia kháng chiến thuộc diện đói nghèo bị suy giảm khả năng lao động và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật còn khả năng lao động thì được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Xóa đói, giảm nghèo để sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống.

IV. THỦ TỤC, HỒ SƠ:

Để được xét hưởng trợ cấp do nhiễm chất độc hoá học, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ quy định tại mục I làm bản khai hưởng trợ cấp (mẫu đính kèm), kèm theo giấy xác nhận bị mắc bệnh, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hoá học của Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực nơi cư trú gửi Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận trước khi gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Tổ chức - Lao động xã hội huyện, quận, thị xã (sau đây gọi chung là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) tổng hợp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt.

Căn cứ vào hồ sơ do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, danh sách người bị nhiễm chất độc hóa học đã điều tra theo Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá tổ chức xét duyệt, lập danh sách người hưởng trợ cấp trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định trợ cấp và thông báo cho Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã tổ chức thực hiện.

Căn cứ quyết định trợ cấp của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã thông báo cho đối tượng được trợ cấp và Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đối tượng cư trú biết để thi hành.

Trên cơ sở danh sách người được hưởng trợ cấp do bị nhiễm chất độc hoá học đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp đối tượng, kinh phí theo mẫu số 01, mẫu số 02 và mẫu số 03 (theo mẫu đính kèm) gửi Sở Tài chính - Vật giá làm căn cứ xây dựng dự toán chi trợ cấp hàng năm từ ngân sách địa phương cho đối tượng, đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 01 bản.

Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, già yếu cô đơn không nơi nương tựa; con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học nếu mồ côi cả cha lẫn mẹ được xét tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở xã hội do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương xét duyệt và giải quyết trên cơ sở đầy đủ thủ tục như nêu trên.

V. NGUỒN KINH PHÍ ĐỂ CHI TRẢ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP:

1- Kinh phí để chi trả trợ cấp và mua bảo hiểm y tế cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học quy định tại mục I Thông tư này do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn trợ cấp xã hội được Chính phủ giao hàng năm.

2- Năm 2000 do kinh phí trợ cấp chưa được bố trí trong dự toán ngân sách địa phương nên Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc cấp “bổ sung có mục tiêu” từ ngân sách trung ương để địa phương có nguồn chi trả cho đối tượng. Căn cứ xét cấpkhoản kinh phí này cho các địa phương là danh sách người bị hậu quả chất độc hóa học đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp sau cuộc điều tra về: “Người bị hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt nam” theo Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp đối tượng, mức kinh phíđề nghi trợ cấp cho từng địa phương gửi Bộ Tài chính để cấp kinh phí “bổ sung có mục tiêu” cho tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Để triển khai thực hiện đầy đủ nội dung Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tuyên truyền, phổ biến tinh thần nội dung Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này tới các cấp, các ngành và nhân dân địa phương.

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, theo dõi và bổ sung diễn biến tình trạng bệnh đối với người tham gia kháng chiến và mức độ dị dạng, dị tật đối với con của họ do nhiễm chất độc hóa học (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ Y tế đồng thời với việc xác định khả năng lao động của từng người theo danh sách đã lập để thực hiện chế độ đúng đối tượng.

- Phối hợp với Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã niêm yết công khai danh sách người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ tại trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn. Sau 15 ngày kể từ ngày niêm yết danh sách, nếu không có khiếu kiện thì mới thực hiện các thủ tục để giải quyết trợ cấp cho đối tượng.

2. Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xét duyệt đối tượng hưởng trợ cấp, đảm bảo nguồn ngân sách chi chế độ trợ cấp theo quy định tại Thông tư này và thanh quyết toán khoản kinh phí này theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Các quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2000.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị phản ảnh kịp thời về Liên Bộ để xử lý giải quyết./.
 

KT.BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 



Nguyễn Thị Kim Ngân

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
 



Nguyễn Đình Liêu

 

Nơi nhận:
-Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
-Vănphòng Quốc hội;
-Văn phòng Chủ tịch nước;
-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
-Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
-Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
-Toà án nhân dân tối cao;
-Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Các Sở LĐTB&XH; Sở Tài chính Vật giá
-Lưu VP BộLĐTBXH, Bộ TC.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam do Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cùng ban hành

  • Số hiệu: 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/07/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Đình Liêu, Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 07/12/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản