Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH-BCA

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2016

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN GIÁO DỤC CHUYỂN ĐỔI HÀNH VI VỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VÀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình;

Căn cứ Quyết định số 2170/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện nội dung, hình thức và các hoạt động giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Hành vi về xây dựng gia đình là sự tôn trọng, quan tâm, chia sẻ vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình trong việc thực hiện các chức năng của gia đình; phát huy các truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; đảm bảo việc giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là chăm sóc bà mẹ mang thai, người cao tuổi và trẻ em.

2. Hành vi phòng, chống bạo lực gia đình là sự ứng xử có văn hóa, kiềm chế cảm xúc bất lợi cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình, đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng giữa các thành viên gia đình, tuân thủ pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản và định hướng cho các thành viên trong gia đình về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tạo môi trường thuận lợi để các hành vi tích cực được thực hiện.

Điều 3. Nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

1. Vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của thành viên trong gia đình.

2. Kiến thức, kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm cha, làm mẹ, làm con cháu trong xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Các giá trị về gia đình, mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

4. Kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình và biện pháp phòng ngừa, can thiệp, xử lý kịp thời các trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình.

Điều 4. Hình thức giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

1. Thông qua tích hợp, lồng ghép các kiến thức về giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các môn học và hoạt động giáo dục.

2. Thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Thông qua các hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Điều 5. Các hoạt động giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

1. Khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục trong việc giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Biên soạn, phát hành các tài liệu, sản phẩm truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng bình đẳng giới.

3. Hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung và kiến thức pháp luật nhằm giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

4. Tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong hoạt động giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục về hoạt động giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

1. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục.

2. Tổ chức giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình thông qua việc tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo.

3. Khuyến khích và tạo Điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn, hỗ trợ về giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi quản lý.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục trong việc giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Rà soát, bổ sung, xây dựng, tích hợp, lồng ghép nội dung, kiến thức và kỹ năng về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo.

4. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm các nội dung về giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng các tài liệu truyền thông cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục.

5. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng năm; định kỳ hằng năm, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan tại địa phương triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hướng dẫn các quy định của pháp luật về gia đình; tổ chức truyền thông các nội dung về giáo dục chuyển đổi hành vi xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường cho cán bộ làm công tác gia đình, người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục.

4. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tài liệu tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục về xây dựng gia đình văn hóa mới, phòng, chống bạo lực gia đinh và bạo lực học đường vào các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo.

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tài liệu tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các môn học và hoạt động giáo dục, đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm các nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

4. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng năm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các quy định tại Thông tư này.

3. Tham gia phát hiện và ngăn chặn, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật về gia đình, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; cung cấp thông tin tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên tại các cơ sở giáo dục.

4. Xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ trong ngành để đảm bảo an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Triển khai thực hiện các quy định của Thông tư này tại địa phương; bố trí kinh phí tổ chức thực hiện các nội dung liên quan tại địa phương từ nguồn ngân sách của địa phương và ngân sách huy động từ các nguồn khác theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản pháp luật hiện hành.

2. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động, Thương binh - Xã hội, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan phối hợp tổ chức triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy định của Thông tư này tại địa phương; tổng hợp báo cáo định kỳ hằng năm gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ, ngành chủ quản.

3. Thường xuyên tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn; tạo Điều kiện thuận lợi cho các chương trình, dự án liên quan đến giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai, thực hiện tại địa phương.

Điều 12. Điều Khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 6 năm 2016

2. Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Vĩnh Ái

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Nam

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Văn Tí

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Các Sở: GDĐT, VHTTDL, LĐTBXH;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT; Bộ VHTTDL; Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT các Bộ: Bộ GD&ĐT; Bộ VHTTDL; Bộ LĐTBXH; Bộ CA.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH-BCA hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/05/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch
  • Người ký: Huỳnh Vĩnh Ái, Bùi Văn Nam, Nguyễn Thị Nghĩa, Huỳnh Văn Tí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 369 đến số 370
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản