Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2007 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ HOÁ ĐƠN, CHỨNG TỪ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU LƯU THÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Hải quan; Luật Thương mại;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 2 tháng 7 năm 2002 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 2 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
Căn cứ Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;
Căn cứ Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Nhằm khuyến khích và thúc đẩy mở rộng lưu thông hàng hoá theo pháp luật; góp phần đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, liên Bộ Tài chính, Bộ Thương Mại, Bộ Công an hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hoá hoặc kinh doanh hàng hoá nhập khẩu (gọi chung là cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu) là đối tượng phải thực hiện chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Thông tư này.

Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường bao gồm: hàng hoá nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc tại địa điểm khác (gọi chung là hàng hoá nhập khẩu).

2. Các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này

- Hàng hoá nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của Luật Hải quan, trừ trường hợp là hàng nhập lậu.

- Hàng hoá nhập khẩu là tài sản của tổ chức, cơ quan hành chính sự nghiệp; đồ dùng của cá nhân.

3. Hoá đơn, chứng từ hợp pháp là các loại giấy tờ phải có theo quy định của pháp luật để chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Hoá đơn, chứng từ hợp pháp đối với hàng hoá nhập khẩu được quy định cụ thể tại Mục II Thông tư này.

4. Cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu có trách nhiệm quản lý, sử dụng, lưu giữ các hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

5. Thời hạn cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu phải xuất trình hoá đơn, chứng từ khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hoá đơn, chứng từ của hàng hoá nhập khẩu.

a) Đối với hàng hoá nhập khẩu trong các trường hợp dưới đây cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu hoặc người vận chuyển hàng hoá phải xuất trình đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng ngay tại thời điểm kiểm tra, nếu không xuất trình được bị xử lý vi phạm theo quy định tại Mục III Thông tư này:

- Hàng hoá nhập khẩu đang được vận chuyển bằng các phương tiện giao thông, để tại kho, bến, bãi hoặc tại địa điểm khác chưa đăng ký tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở với cơ quan thuế;

- Hàng hoá nhập khẩu thuộc Danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện; các mặt hàng phải dán tem hàng nhập khẩu theo quy định.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu đang bày bán, để tại kho, bến, bãi của cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trường hợp không quy định tại điểm a khoản 5 Mục I nêu trên thì cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trong thời hạn tối đa không quá 24 giờ, kể từ thời điểm kiểm tra. Quá thời hạn nêu trên, cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu không xuất trình đầy đủ hoá đơn, chứng từ hoặc hoá đơn, chứng từ không hợp pháp sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Mục III Thông tư này.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

1. Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá do tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu vận chuyển vào nội địa

1.1. Hàng hoá do tổ chức, cá nhân (không phân biệt là tổ chức, cá nhân kinh doanh hay không kinh doanh) trực tiếp nhập khẩu khi vận chuyển vào nội địa phải có các hoá đơn, chứng từ theo quy định đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

a) Các chứng từ vận chuyển theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu, hàng hoá chuyển cảng đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

b) Bản chính tờ khai hải quan có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan.

c) Văn bản cho phép của cơ quan hải quan và bản sao tờ khai hải quan do cơ quan hải quan cấp đối với hàng hoá chưa hoàn thành thủ tục hải quan (hàng hoá được đưa về bảo quản, hoặc chuyển địa điểm làm thủ tục hải quan).

d) Lệnh điều động của cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu kèm theo tờ khai hải quan (bản chính hoặc bản photocopy có xác nhận sao y bản chính của cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu), lệnh điều động phải ghi rõ chủng loại, số lượng hàng hoá vận chuyển của tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu số..., ngày..., tháng..., năm..., nơi vận chuyển đi và nơi đến, phương tiện vận tải, biển số phương tiện vận tải đối với hàng hoá nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan nếu phải chia lô hàng hoá nhập khẩu để chuyên chở làm nhiều lần từ nơi làm thủ tục hải quan vào nội địa.

1.2. Người cư trú trong khu vực biên giới mang hàng hóa qua lại biên giới để trao đổi, mua bán theo mức quy định thì không phải khai hải quan. Nếu vượt mức quy định thì phải khai hải quan và thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu, khi vận chuyển hàng hoá vào nội địa phải có bản chính tờ khai hải quan có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan và chứng từ nộp thuế.

1.3. Tờ khai hải quan được cơ quan hải quan xác nhận đối với hàng hoá nhập khẩu là quà biếu, quà tặng. Tờ khai này chỉ có giá trị cho người nhận quà biếu, quà tặng hoặc người được uỷ quyền làm thủ tục hải quan vận chuyển từ cửa khẩu vào nội địa.

1.4. Tờ khai hàng hoá nhập khẩu được cơ quan hải quan xác nhận và chứng từ nộp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu là hành lý của người nhập cảnh vào Việt Nam vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế. Tờ khai này và chứng từ nộp thuế chỉ có giá trị cho người nhập cảnh vận chuyển hàng hoá nhập khẩu từ cửa khẩu vào nội địa.

1.5. Đối với hàng hoá nhập khẩu là mặt hàng nhà nước quy định phải dán tem thì ngoài các chứng từ áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể nêu tại điểm 1.1, điểm 1.2, điểm 1.3, điểm 1.4 khoản 1 Mục II nêu trên, các hàng hoá này phải có tem dán vào hàng hoá theo đúng quy định.

1.6. Đối với hàng hoá nhập khẩu có điều kiện, ngoài các hoá đơn, chứng từ quy định đối với hàng nhập khẩu nêu trên còn phải kèm theo các giấy tờ theo quy định của cơ quan chuyên ngành. Trường hợp các giấy tờ theo quy định của cơ quan chuyên ngành đã nộp cho cơ quan Hải quan bản gốc thì phải có bản photocopy có xác nhận sao y bản chính của cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu kèm theo hàng hoá.

2. Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa.

a) Hàng hoá nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hoặc của cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu trong nội địa phải có hoá đơn, chứng từ của cơ sở bán hàng theo hướng dẫn tại Mục IV, Phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.

Đối với hàng hoá nhập khẩu quy định phải dán tem thì ngoài các hoá đơn, chứng từ quy định đối với hàng hoá nhập khẩu nêu trên, hàng hoá nhập khẩu này còn phải có tem dán vào hàng hoá theo đúng quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh điều chuyển hàng hoá nhập khẩu cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu,... ở ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ sở kinh doanh đóng trụ sở để bán hoặc điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất trả hàng từ đơn vị phụ thuộc về cơ sở kinh doanh phải có một trong hai loại hoá đơn, chứng từ sau:

- Hoá đơn giá trị gia tăng;

- Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ.

b) Hàng hoá nhập khẩu mua của cơ quan có chức năng bán hàng tịch thu phải có hoá đơn bán hàng tịch thu ghi rõ số lượng, chủng loại, giá trị từng loại hàng hoá hoặc kèm theo bảng kê chi tiết hàng hoá có đóng dấu của cơ quan có chức năng bán hàng tịch thu.

c) Hàng hoá nhập khẩu mua của cơ quan dự trữ quốc gia phải có hoá đơn bán hàng dự trữ quốc gia của cơ quan dự trữ quốc gia.

d) Hàng hoá nhập khẩu mua gom của người không kinh doanh phải lập bảng kê theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng. 

III. XỬ LÝ VI PHẠM

Tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán, vận chuyển hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường vi phạm các quy định về hoá đơn, chứng từ tại Mục II Thông tư này nếu chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

1. Các loại hàng hoá nhập khẩu vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại:

- Hàng hoá cấm kinh doanh; hàng hoá cấm nhập khẩu; hàng hoá tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng hoá do tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tiếp nhập khẩu vi phạm quy định về hoá đơn, chứng từ tại khoản 1 Mục II Thông tư này;

- Hàng hoá nhập khẩu quy định phải dán tem nhưng không có tem dán vào hàng hoá theo đúng quy định hoặc có tem nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

- Hàng hoá nhập khẩu có điều kiện nêu tại điểm 1.6 khoản 1 Mục II Thông tư này nếu không có giấy tờ của cơ quan chuyên ngành cấp kèm theo hàng hoá;

- Hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng phải xuất trình hoá đơn, chứng từ ngay tại thời điểm kiểm tra theo quy định tại điểm a khoản 5 Mục I Thông tư này nếu không xuất trình được đầy đủ hoá đơn, chứng từ ngay tại thời điểm kiểm tra.

2. Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoặc có nhưng không đủ hoá đơn, chứng từ hoặc có hoá đơn, chứng từ nhưng qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng xác định là hoá đơn, chứng từ không hợp pháp (hoá đơn giả, hoá đơn lập khống, hoá đơn mua, bán bất hợp pháp, hoá đơn đã qua sử dụng) là hàng hoá nhập lậu, các trường hợp vi phạm này sẽ bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

3. Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoặc có nhưng không đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư này và không thuộc các trường hợp phải xử lý tịch thu hàng hoá thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đồng thời bị xử lý truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của các Luật thuế.

Giá tính thuế làm căn cứ truy thu thuế được xác định dựa trên giá thị trường của hàng hoá cùng loại tại thời điểm kiểm tra.

4. Hàng hoá nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan nếu cơ quan chức năng phát hiện là nhập lậu thì phải lập biên bản, xác định rõ hành vi vi phạm và chuyển cho cơ quan Hải quan xử lý theo quy định của Luật Hải quan. Đối với trường hợp phát hiện hàng nhập lậu xảy ra ngoài địa bàn hoạt động của hải quan thì cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

IV. THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường thực hiện theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, lĩnh vực thuế hoặc lĩnh vực hải quan.

Cơ quan kiểm tra hàng hoá có trách nhiệm xử lý vi phạm theo pháp luật có liên quan. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc không thuộc thẩm quyền của mình phải chuyển hồ sơ lên cơ quan cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Khi chuyển hồ sơ phải thực hiện đúng thủ tục và chuyển đầy đủ tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tịch thu (nếu có); đồng thời, thông báo cho tổ chức, cá nhân vi phạm biết. Cơ quan cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý sau khi ra quyết định xử lý vụ vi phạm đó phải thông báo kết quả xử lý cho đối tượng vi phạm và cơ quan chuyển hồ sơ biết.

2. Thời hạn xử lý vi phạm

2.1. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp vụ vi phạm không thuộc thẩm quyền của cơ quan kiểm tra, thì chậm nhất không quá ba ngày làm việc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

2.2. Đối với các trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

3. Hàng hoá nhập khẩu bị tạm giữ hoặc tịch thu đang trong thời gian chờ xử lý, phải được quản lý và bảo quản theo quy định của pháp luật. Hàng hoá nhập khẩu bị tịch thu phải được tổ chức bán đấu giá hoặc tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan chức năng khi thu tiền phạt phải sử dụng chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.

5. Tiền phạt và tiền bán hàng tịch thu phải nộp vào Ngân sách Nhà nước theo chế độ hiện hành.

V. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính về quyết định xử lý vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử lý. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc vụ án hành chính thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Trong khi chờ giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc chờ quyết định của Toà án, cơ sở kinh doanh vẫn phải thực hiện theo đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an, cơ quan hải quan và các đơn vị có thẩm quyền khi kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật có liên quan và Thông tư này.

2. Khi kiểm tra hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường, cơ quan, đơn vị kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra, ghi rõ nội dung kiểm tra, các sai phạm phát hiện qua kiểm tra (nếu có); đối với hàng hoá vận chuyển trên đường, khi kiểm tra phải xác nhận vào hoá đơn, chứng từ về ngày, giờ, địa điểm kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên, chức vụ người kiểm tra.

3. Các cơ quan nhà nước, đoàn thể, các cơ sở kinh doanh và công dân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng và các lực lượng kiểm tra trong việc kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về nhập khẩu hàng hoá và kinh doanh hàng hoá nhập khẩu.

4. Các lực lượng kiểm tra phải tuân thủ các quy định về công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hoá lưu thông trên thị trường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT-BTC-BTM-BCA ngày 8/10/2003 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Thương mại – Bộ Công an hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường, Thông tư liên tịch số 10/1998/TTLT-BTM-BTC-BCA-TCHQ ngày 22/7/1998 của liên Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý mặt hàng vải và gạch men ốp lát các loại nhập khẩu lưu thông trên thị trường, thay thế Thông tư số 22/1999/TT-BTM ngày 28/6/1999 của Bộ Thương mại về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm về việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý mặt hàng vải các loại nhập khẩu lưu thông trên thị trường, thay thế Quyết định số 106/2003/QĐ-BTM ngày 27/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng gốm sứ các loại sản xuất từ nước ngoài lưu thông trên thị trường.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Công an để xem xét hướng dẫn sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT.BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 


 
Trương Chí Trung

KT.BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG
 


 
Phan Thế Ruệ

KT.BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG


 

Lê Thế Tiệm

 

Nơi nhận:
- Văn phòng trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở tài chính, Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương;
- Đại diện TCT tại TP. Hồ Chí Minh;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
- Lưu: VT; TCT (VT, DNK)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường do Bộ Tài chính - Bộ Thương mại - Bộ Công An cùng ban hành

  • Số hiệu: 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 28/02/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại
  • Người ký: Lê Thế Tiệm, Phan Thế Ruệ, Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 244 đến số 245
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản