Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2007/TTLT/BCA-BKHCN

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2007 

 

          THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP MỜI CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM VÀ CỬ CÁN BỘ RA NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

Thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là Nghị định 115), sau khi thống nhất với Bộ Ngoại giao, hai bộ Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn điểm b, khoản 4, Điều 5 Nghị định 115 về việc các tổ chức khoa học và công nghệ công lập mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập ra nước ngoài hoạt động khoa học và công nghệ, như sau:

I. Những quy định chung

1. Đối tượng áp dụng trong Thông tư này là tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo quy định của Nghị định 115 có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, gồm: tổ chức nghiên cứu và phát triển (viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu và phát triển khác); tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, phổ biến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trực thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng và Tổng công ty nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.

Thông tư này không áp dụng đối với các tổ chức khoa học và công nghệ đã chuyển đổi thành doanh nghiệp.

2. Việc mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ Việt Nam ra nước ngoài quy định tại Thông tư này để tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mời đúng đối tượng hay cử đúng người đi công tác ở nước ngoài.

II. Những quy định cụ thể

1. Hồ sơ đăng ký

Tổ chức khoa học và công nghệ thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này nộp hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân lần đầu của mình tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, hồ sơ gồm:

- Quyết định thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Quyết định bản gốc hoặc phô tô công chứng hoặc sao y bản chính).

- Văn bản của cơ quan quản lý cấp trên giới thiệu mẫu con dấu, chữ ký của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ.

Khi có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ thì tổ chức khoa học và công nghệ có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao biết.

2. Mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam hoạt động khoa học và công nghệ.

a) Căn cứ vào nhu cầu mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam, Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ gửi công văn đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị làm thủ tục cho khách nhập cảnh. Công văn nêu rõ họ tên khách, mục đích nhập cảnh Việt Nam, thời gian dự kiến tạm trú; trường hợp đề nghị cấp thị thực cho khách tại cửa khẩu quốc tế công văn cần nêu rõ tên cửa khẩu và thời gian khách nhập cảnh, lý do đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, hoặc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao có công văn trả lời trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn đề nghị, trường hợp phát hiện người nước ngoài thuộc diện chưa được nhập cảnh Việt Nam thì nêu rõ lý do để tổ chức khoa học và công nghệ đó biết.

b) Việc thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam (trừ trường hợp được miễn thị thực, nhận thị thực tại cửa khẩu) do Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an thực hiện. Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm thanh toán với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cước phí vận chuyển hồ sơ theo quy định của ngành Bưu chính viễn thông.

c) Việc cấp chứng nhận tạm trú, khai báo tạm trú cho chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2002/TTLT/BNG-BCA ngày 29/01/2002 của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tổ chức khoa học và công nghệ có thể giúp người nước ngoài làm các thủ tục khai báo tạm trú với chủ khách sạn, nhà khách, Công an xã, phường, thị trấn nơi người nước ngoài tạm trú trong thời gian làm việc tại Việt Nam.

d) Khi chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam có nhu cầu gia hạn chứng nhận tạm trú, cấp bổ sung, sửa đổi thị thực, tổ chức khoa học và công nghệ gửi công văn kèm theo hộ chiếu của khách đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét giải quyết.

đ) Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm tạo điều kiện để chuyên gia, nhà khoa học thực hiện đúng kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ tại đơn vị. Kết thúc thời gian làm việc của chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, tổ chức khoa học và công nghệ báo cáo bằng văn bản nội dung kết quả làm việc với cơ quan chủ quản trực tiếp. Trường hợp phát hiện những vấn đề có liên quan đến an ninh, báo cáo cho cơ quan an ninh của Bộ Công an hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Cử cán bộ ra nước ngoài công tác, học tập

a) Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm cử đúng người ra nước ngoài công tác và học tập. Nếu người được cử đi mang theo tài liệu, hiện vật thuộc danh mục bí mật nhà nước ra nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cho phép theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

b) Việc xuất cảnh, nhập cảnh của người thuộc tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

- Đối với người thuộc diện được cấp hộ chiếu công vụ, Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ gửi Công văn đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị cấp hộ chiếu công vụ.

- Đối với người thuộc diện được cấp hộ chiếu phổ thông, Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ gửi công văn đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông.

Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ ở xa Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thì có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Ngoại vụ hoặc phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chuyển về Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để xem xét cấp hộ chiếu. Chậm nhất sau 07 ngày làm việc người xin cấp hộ chiếu nhận kết quả tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao không cấp hộ chiếu với các trường hợp chưa được phép xuất cảnh theo quy định của Chính phủ và thông báo lại cho cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ biết sau khi đã xét duyệt hồ sơ.

Đối với cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ nộp hồ sơ tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo với Công an tỉnh, thành phố để thông báo cho cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ đó biết.

d) Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu người được cử ra nước ngoài thực hiện đúng các quy định của Nhà nước Việt Nam và luật pháp của nước nơi mình đến công tác, học tập. Cá nhân người được cử ra nước ngoài nếu có nhu cầu ở lại quá thời gian quy định phải báo cáo trước bằng văn bản và được sự đồng ý của Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ; khi về nước báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu khoa học với tổ chức khoa học và công nghệ; trường hợp phát hiện có vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia thì báo cáo với cơ quan an ninh ở Trung ương hoặc địa phương nơi tổ chức khoa học và công nghệ đặt trụ sở.

III. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ để hướng dẫn./.

 

BỘ TRƯỞNG

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

 

Hoàng Văn Phong  

BỘ TRƯỞNG

BỘ CÔNG AN

 

 

 Lê Hồng Anh

 

Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ (để b/c Thủ tướng Chính phủ),

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,

- Các Ban của Đảng,

- Cơ quan Trung ương các đoàn thể,

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,

- Cục kiểm tra văn bản- Bộ Tư pháp,

- Công báo,

- Lưu BCA, Bộ KH&CN.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 11/2007/TTLT/BCA-BKHCN hướng dẫn tổ chức khoa học và công nghệ công lập mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ Công an - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 11/2007/TTLT/BCA-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 27/07/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Hoàng Văn Phong, Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 570 đến số 571
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản