Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/2009/TTLT-BNV-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2009

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THÂM NIÊN NGHỀ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐÃ ĐƯỢC XẾP LƯƠNG THEO CÁC NGẠCH HOẶC CHỨC DANH CHUYÊN NGÀNH TÒA ÁN, KIỂM SÁT, KIỂM TOÁN, THANH TRA, THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ KIỂM LÂM

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Căn cứ Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Chế độ phụ cấp thâm niên nghề quy định tại Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, công chức trong biên chế xếp lương theo các ngạch hoặc các chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm, bao gồm:

1. Chánh án và Phó chánh án Tòa án nhân dân các cấp; Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp; Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên ngành Tòa án (Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên);

2. Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Điều tra viên các cấp và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát (Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên).

3. Tổng kiểm toán nhà nước, Phó tổng kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước (Kiểm toán viên cao cấp, Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên, Kiểm toán viên dự bị);

4. Tổng thanh tra và Phó Tổng thanh tra, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra các cơ quan Thanh tra nhà nước, Thanh tra viên (Thanh tra viên cao cấp, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên);

5. Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các cấp, Chấp hành viên thi hành án dân sự các cấp, Thẩm tra viên thi hành án dân sự (Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên thi hành án dân sự) và Thư ký thi hành án dân sự;

6. Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng và Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng và Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Kiểm lâm viên (Kiểm lâm viên chính, Kiểm lâm viên, Kiểm lâm viên cao đẳng, Kiểm lâm viên trung cấp và Kiểm lâm viên sơ cấp).

Điều 2. Mức phụ cấp

1. Mức % phụ cấp thâm niên nghề được tính như sau:

Cán bộ, công chức quy định tại Điều 1 Thông tư này có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề hàng tháng được tính theo công thức sau:

Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề

=

Hệ số lương chức vụ hoặc hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng

x

Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ

x

Mức % phụ cấp thâm niên nghề được hưởng

Điều 3. Thời gian làm việc tính hưởng phụ cấp

1. Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề được xác định bằng tổng thời gian sau:

a) Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng (nếu có thời gian gián đoạn mà thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề chưa hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn);

b) Thời gian làm việc được hưởng phụ cấp thâm niên nghề trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có);

c) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Ví dụ:

Ông Nguyễn Văn A được tuyển dụng vào làm việc tại Văn phòng Bộ C, khi hết thời gian tập sự được xếp lương vào ngạch chuyên viên từ ngày 01 tháng 10 năm 1985. Từ ngày 01 tháng 7 năm 1993 được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại Thanh tra Bộ C, đồng thời được xếp lương vào ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025). Từ ngày 01 tháng 5 năm 2000 ông A được điều động sang công tác tại Vụ B thuộc Bộ C và được chuyển sang ngạch chuyên viên (mã số 01.003). Từ ngày 01 tháng 5 năm 2003 ông A được thuyên chuyển công tác đến làm việc tại Kiểm toán nhà nước và được xếp lương vào ngạch Kiểm toán viên (mã số 06.043) cho đến nay. Tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2009, thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề của ông A là 12 năm 6 tháng, gồm tổng các thời gian sau:

- Thời gian xếp lương ở ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025) từ ngày 01 tháng 7 năm 1993 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 2000 là 6 năm 10 tháng;

- Thời gian xếp lương ở ngạch Kiểm toán viên (mã số 06.043) từ ngày 01 tháng 5 năm 2003 cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008 là 5 năm 8 tháng.

Như vậy, từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 ông A được tính hưởng 12% phụ cấp thâm niên nghề. Ông A hiện giữ chức Phó trưởng phòng đang xếp bậc 8 hệ số lương 4,65 ngạch Kiểm toán viên (mã số 06.043) và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,40. Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề của ông A được tính như sau:

Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 01 đến tháng 4 năm 2009 (mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng) là: (4,65 + 0,40) x 540.000 x 12% = 327.240 đồng/tháng.

Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 5 năm 2009 (mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng) là (4,65 + 0,40) x 650.000 x 12% = 393.900 đồng/tháng.

2. Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề, bao gồm:

a) Thời gian tập sự;

b) Thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị;

c) Thời gian làm các công việc xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh ngoài quy định tại Điều 1 Thông tư này;

d) Thời gian làm việc trong quân đội, công an và cơ yếu không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;

đ) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

e) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

g) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Điều 4. Cách chi trả phụ cấp và nguồn kinh phí

1. Phụ cấp thâm niên nghề được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

2. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề (bao gồm cả việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.

Riêng năm 2009 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

2. Chế độ phụ cấp thâm niên nghề quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm đã nghỉ hưu từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.

3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm:

a) Căn cứ vào thời gian làm việc theo hồ sơ cán bộ, công chức quyết định mức phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Thông tư này;

b) Giải quyết truy lĩnh tiền phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức trong danh sách trả lương từ ngày 01 tháng 01 năm 2009;

c) Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế về tiền phụ cấp thâm niên nghề và điều chỉnh lại mức lương hưu đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 cho đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ để phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Vũ Văn Ninh

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Trần Văn Tuấn

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng ở Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam
- Cơ quan Trung ương các Đoàn thể;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các Vụ, Cục, tổ chức thuộc Bộ;
- Trang thông tin điện tử của Bộ Nội vụ;
- Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ TL (BNV), Vụ (BTC)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 04/2009/TTLT-BNV-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/12/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Văn Ninh, Trần Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 31 đến số 32
  • Ngày hiệu lực: 07/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản