Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2001/TTLT-BCA-TCĐC

Hà Nội , ngày 19 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

  CỦA BỘ CÔNG AN - TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH SỐ 04/2001/TTLT-BCA-TCĐC NGÀY 19 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 566/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 6 NĂM 2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐẤT AN NINH DO BỘ CÔNG AN QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN 61 TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Luật Đất đai ngày 14/07/1993 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02/12/1998.
Căn cứ Nghị định số 09/CP ngày 12/02/1996, Nghị định số 69/2000/NĐ-CP ngày 20/11/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/CP về chế độ quản lý sử dụng đất quốc phòng - an ninh và Thông tư liên tịch số 2708/TT-LT ngày 14/10/1997 của Bộ Quốc phòng - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - Tổng cục Địa chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 09/CP ngày 12/02/1996 của Chính phủ về chế độ quản lý sử dụng đất quốc phòng an ninh;
Căn cứ Quyết định số 566/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đất an ninh do Bộ Công an quản lý trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Bộ Công an và Tổng cục Địa chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 566/QĐ-TTg ngày 22/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt qui hoạch đất An ninh do Bộ Công an quản lý trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng đất do các đơn vị của Bộ Công an đang sử dụng nêu tại Điều 1 Quyết định số 566/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2000 của thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

- Đất đã được quy hoạch để sử dụng vào mục đích an ninh;

- Đất ở của gia đình cán bộ, chiến sỹ công an chưa bàn giao cho địa phương quản lý;

- Đất dôi ra do rà soát, thực hiện quy hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh;

- Đất do các đơn vị Công an sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phục vụ dân sinh.

2. Các đơn vị đầu mối thuộc Bộ Công an bao gồm:

a. Các Tổng cục, bộ tư lệnh;

b. Văn phòng Bộ Công an;

c. Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng;

d. Các trường thuộc khối đào tạo;

đ. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Căn cứ vào danh mục vị trí, diện tích các loại đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đơn vị đầu mối của Bộ Công an chủ trì cùng với Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất tiến hành rà soát lại việc sử dụng đất tại từng vị trí trên địa bàn địa phương, xác định vị trí khu đất trên thực địa.

Đối với vị trí khu đất mà ranh giới chưa rõ ràng thì phải giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc giữa đơn vị Công an sử dụng đất với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất; trường hợp không giải quyết được thì báo cáo Bộ Công an, Tổng cục Địa chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét quyết định

4. Trong quá trình quản lý và sử dụng đất an ninh, nếu cần điều chính đất an ninh để sử dụng vào mục đích khác hoặc mở rộng đất an ninh cho phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thỏa thuận về địa điểm, diện tích đất an ninh cần điều chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 2708/TT-LT ngày 14/10/1997 của Bộ quốc phòng - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - Tổng cục Địa chính.

5. Thẩm quyền giao đất, thu hồi đất an ninh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2000/NĐ-CP ngày 20/11/2000 của Chính phủ.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối với đất sử dụng vào mục đích an ninh:

1.1. Đất sử dụng cho các đơn vị đóng quân nêu tại Khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 566/QĐ-TTg ngày 22/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: đất sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan Công an, đất xây dựng các công trình công nghiệp, khoa học kỹ thuật phục vụ an ninh và đất của các doanh nghiệp công ích thuộc Bộ Công an.

1.2. Các đơn vị đầu mối của Bộ Công an chịu trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

1.2.1. Trích lục bản đồ địa chính đối với từng vị trí khu đất, trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trích đo địa chính khu đất.

Việc trích đo địa chính thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II phần thứ hai của Thông tư liên tịch số 2708/TT-LT ngày 14/10/1997 của Bộ Quốc phòng - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - Tổng cục Địa chính. Trong trường hợp có sự khác nhau về diện tích giữa số liệu thể hiện trong hồ sơ đính kèm Quyết định số 566/QĐ-TTg so với kết quả đo đạc thực tế thì lấy theo số liệu thực tế.

Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất phải thể hiện rõ ranh giới, diện tích khu đất do Sở địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất nơi có đất đó xác nhận.

1.2.2. Đăng ký quyền sử dụng đất.

Việc đăng ký quyền sử dụng đất của đơn vị đầu mối của Bộ Công an được thực hiện theo hướng dẫn tại Mục VI - Phần thứ hai của Thông tư số 2708/TT-LT ngày 14/10/1997 liên tịch Bộ Quốc phòng - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - Tổng cục Địa chính.

1.2.3. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất an ninh.

1.2.3.1. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất an ninh, gồm có:

- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đơn vị đầu mối;

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đất an ninh trên địa bàn địa phương;

- Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất có xác nhận của Sở địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất.

Hồ sơ được lập thành 2 bộ và gửi đến Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất sở tại.

1.2.3.2. Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị đầu mối của Bộ Công an theo hướng dẫn tại mục III- Phần thứ hai của Thông tư số 2708/TT-LT ngày 14/10/1997 liên tịch Bộ Quốc phòng - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - Tổng cục Địa chính.

2. Đối với đất ở của gia đình cán bộ, chiến sỹ công an chưa bàn giao cho địa phương:

2.1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân cán bộ, chiến sỹ công an được đơn vị bố trí đất để tự xây dựng nhà ở.

2.1.1. Đơn vị đầu mối của Bộ Công an lập hồ sơ bàn giao khu đất ở của cán bộ, chiến sỹ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hồ sơ gồm có:

- Công văn của đơn vị đầu mối đề nghị chuyển giao khu đất ở.

- Danh sách và diện tích sử dụng đất ở của hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ;

- Bản vẽ mặt bằng hiện trạng khu đất xin chuyển giao.

2.1.2. Sở Địa chính tiếp nhận hồ sơ ban giao đối với khu đất ở thuộc khu vực nông thôn, Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất tiếp nhận hồ sơ bàn giao đối với khu đất ở thuộc khu vực đô thị. Việc bàn giao phải lập thành văn bản, đại điện bên bàn giao và bên nhận bàn giao ký tên, đóng dầu. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ bàn giao có trách nhiệm làm thủ tục trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ công an theo quy định của pháp luật đất đai.

2.2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân cán bộ, chiến sỹ công an được đơn vị bố trí nhà ở.

2.2.1. Đơn vị đầu mối của Bộ Công an lập hồ sơ bàn giao khu nhà ở, hồ sơ gồm có:

- Công văn của đơn vị đầu mối đề nghị chuyển giao khu nhà ở;

- Danh sách và diện tích sử dụng nhà ở của hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ;

- Bản vẽ mặt bằng hiện trạng khu nhà ở.

2.2.2. Hồ sơ bàn giao được chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ để quản lý và thực hiện việc bán hoặc cho thuê nhà ở đối với người đang sử dụng nhà ở.

Việc bàn giao phải lập thành văn bản, đại diện bên bàn giao và bên nhận bàn giao ký tên, đóng dấu.

3. Đối với đất dôi ra do rà soát quy hoạch sử dụng đất, sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Công an theo Quyết định số 566/QĐ-TTg ngày 22/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ;

3.1. Đơn vị đầu mối của Bộ Công an lập hồ sơ bàn giao diện tích đất dôi ra, hồ sơ gồm có:

- Công an của đơn vị đầu mối đề nghị chuyển giao khu đất;

- Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất.

Hồ sơ được gửi đến Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất.

3.2. Sở Đại chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức nhận bàn giao.

3.3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp bên bàn giao để nhận bàn giao. Trường hợp trên đất bàn giao có tài sản thì việc xác định giá trị tài sản và xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính;

- Sau khi nhận bàn giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý chặt chẽ diện tích khu đất và tài sản có trên khu đất đó, giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy hoạch của địa phương.

4. Đối với đất sử dụng mục đích sản xuất, kinh doanh phục vụ dân sinh:

4.1. Các tổ chức thuộc Bộ Công an sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh phục vụ dân sinh thì phải thuê đất. Hồ sơ xin thuê đất gồm có:

- Đơn xin thuê đất

- Báo cáo tóm tắt phương án sản xuất, kinh doanh;

- Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất.

Hồ sơ xin thuê đất được lập thành 2 bộ, gửi đến Sở Địa chính hoặc Sở địa chính - nhà đất.

4.2. Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất lập trình và trình hồ sơ xin thuê đất lên Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê. Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất ký hợp đồng thuê đất với các tổ chức sử dụng đất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất, Uỷ ban nhân dân cấp dưới thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với đất sử dụng vào mục đích an ninh trong phạm vi địa phương mình theo quy định của pháp luật đất đai và nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Các đơn vị đầu mối của Bộ Công an có trách nhiệm:

- Phổ biến, quán triệt, tuyên truyền pháp luật đất đai cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị;

Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đất đai, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả;

- Nếu không còn nhu cầu sử dụng đất, phải báo cáo Bộ Công an để điều chỉnh cho đơn vị khác theo quy hoạch hoặc trả lại Nhà nước. Không được tự tiện chuyển đất an ninh sang sử dụng vào mục đích khác.

3. Trường hợp đất được quy hoạch để sử dụng vào mục đích an ninh theo Quyết định số 566/QĐ-TTg ngày 22/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ mà có nguồn gốc là do cơ quan Nhà đất của địa phương cho thuê, thì các đơn vị đầu mối của Bộ Công an lập hồ sơ xin gia đất, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất và giao tài sản gắn liền với đất (nếu có) cho đơn vị đầu mối của Bộ Công an quản lý và sử dụng.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, những văn bản hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Công an, Tổng cục Địa chính để xem xét giải quyết.

Hoàng Ngọc Nhất

(Đã ký)

Triệu Văn Bé

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 04/2001/TTLT-BCA-TCĐC hướng dẫn Quyết định 566/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch đất An ninh do Bộ công an quản lý trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Công An - Tổng cục Địa chính ban hành

  • Số hiệu: 04/2001/TTLT-BCA-TCĐC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 19/06/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Tổng cục Địa chính
  • Người ký: Hoàng Ngọc Nhất, Triệu Văn Bé
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 15/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản