Hệ thống pháp luật

 

BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP

Hà Nội , ngày 16 tháng 6 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ XÂY DỰNG - BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ SỐ 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ VÀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM DÂN CƯ NÔNG THÔN

Nước sạch là một loại sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ của mọi tầng lớp dân cư. Việc cung cấp để thoả mãn nhu cầu nước sạch cho xã hội, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn rất cấp bách.

Ngày 28 tháng 4 năm 1997, Bộ Xây dựng - Ban Vật giá Chính phủ đã ban hành Thông tư liên bộ số 02/TTLB hướng dẫn phương pháp định giá và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Đến nay, do có những thay đổi về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng, nguồn vốn đầu tư và tổ chức quản lý của các nhà máy nước, nên cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thi hành Chỉ thị số 40/1998/CT-TTg ngày 14/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và phát triển cấp nước đô thị, Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn phương pháp định giá và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch, áp dụng thống nhất tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn trong cả nước như sau:

A. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH:

I. NGUYÊN TẮC VỀ ĐỊNH GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH:

1. Định giá tiêu thụ nước sạch phải thể hiện đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong mối quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế với đời sống xã hội.

2. Giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ, có xét đến khả năng chi trả của khách hàng và trả nợ vốn vay để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước sạch duy trì và phát triển;

3. Giá tiêu thụ nước sạch được quy định cụ thể và hợp lý cho từng đối tượng tiêu thụ nước sạch: dùng cho sinh hoạt của các hộ dân cư và các cơ quan hành chính sự nghiệp; dùng cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ (là hộ dùng nước sạch để sản xuất, kinh doanh dịch vụ). Giá tiêu thụ nước sạch theo mục đích sử dụng không phân biệt doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam và người nước ngoài.

II. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THÀNH VÀ GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH

1. Giá thành sản xuất nước sạch.

Giá thành sản xuất nước sạch bao gồm các khoản mục chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung.

a- Chi phí vật tư trực tiếp: là chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp tạo ra sản phẩm như: Tiền nước thô (đối với các doanh nghiệp phải mua nước thô); Vật liệu phụ cho công tác xử lý nước; Nhiên liệu, động lực;....

Chi phí vật tư được xác định trên cơ sở:

+ Lượng vật tư sử dụng không vượt quá định mức do cấp có thẩm quyền ban hành (Không kể vật tư hao hụt trong thu mua và bảo quản).

+ Giá vật tư: là giá do nhà nước công bố và giá thị trường hợp lý tại thời điểm tính toán.

b- Chi phí nhân công trực tiếp: gồm các khoản trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi ăn ca, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp sản xuất nước.

Chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt và số lượng, chất lượng của sản phẩm hoàn thành. Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước sạch chưa có đơn giá tiền lương thì căn cứ vào định mức lao động, thang bậc lương hiện hành và tính chất công việc để xác định chi phí tiền lương hợp lý, sau khi được cấp có thẩm quyền thẩm định.

Chi phí tiền ăn giữa ca phải chi cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn được tính trên cơ sở quỹ tiền lương của doanh nghiệp theo các chế độ hiện hành của Nhà nước.

c- Chi phí sản xuất chung: Là các khoản chi phí chung phát sinh ở các phân xưởng, bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp như: tiền lương, phụ cấp, ăn ca trả cho nhân viên phân xưởng, chi phí vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất dùng cho phân xưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của cán bộ nhân viên phân xưởng, khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền ngoài các chi phí kể trên.

Khấu hao tài sản cố định dùng ở phân xưởng được xác định trên cơ sở:

- Đối với những TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước:

Thực hiện việc quản lý, sử dụng và trích KHTSCĐ theo Quyết định số 1062 TC/QĐ/CSTC ngày 14/11/1996 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp lý khác có liên quan.

- Đối với những TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn khác:

Thực hiện việc quản lý, sử dụng TSCĐ theo quy định trên; nhưng việc trích KHTSCĐ thực hiện theo thời hạn vay vốn đầu tư của dự án cấp nước bằng vốn vay của nước ngoài, tổ chức tài chính Quốc tế và thời hạn vay vốn của các nguồn vốn khác.

2. Giá thành toàn bộ của nước sạch:

Giá thành toàn bộ của nước sạch bao gồm giá thành sản xuất nước sạch, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

a- Giá thành sản xuất nước sạch (đã nêu ở mục II.1)

b- Chi phí bán hàng: là toàn bộ các chi phí liên quan tới việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ như: tiền lương, các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương, tiền ăn giữa ca, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của nhân viên bán hàng; Chi phí quảng cáo, chi phí dịch vụ mua ngoài....

Chi phí bán hàng được xác định theo quy định hiện hành của Nhà nước.

c- Chi phí quản lý doanh nghiệp: là các chi phí chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các khoản chi phí có tính chất chung của toàn doanh nghiệp như: Khấu hao tài sản cố định phục vụ bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp (theo nguyên tắc như ở mục chi phí sản xuất chung); Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, ăn ca trả cho Ban Giám đốc và nhân viên quản lý ở các phòng ban, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của bộ máy quản lý doanh nghiệp; chi phí vật liệu, đồ dùng cho văn phòng, các khoản thuế, lệ phí, chi phí dịch vụ mua ngoài thuộc văn phòng doanh nghiệp và các chi phí khác bằng tiền chung cho toàn doanh nghiệp như: Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, phí kiểm toán, chi phí tiếp tân, giao dịch, trích nộp cấp trên, chi phí nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, chi sáng kiến, cải tiến, chi bảo vệ môi trường, chi phí giáo dục, đào tạo, chi y tế cho người lao động của doanh nghiệp, chi phí cho lao động nữ theo chế độ quy định hiện hành.

Giá thành toàn bộ của sản phẩm nước sạch bao gồm các khoản mục dưới đây:

STT

Nội dung chi phí

Ký hiệu

1

Chi phí vật tư trực tiếp

Cvt

2

Chi phí nhân công trực tiếp

CNc

3

Chi phí sản xuất chung

Csxc

4

Cộng giá thành sản xuất ( 1+2 +3)

CP

5

Chi phí bán hàng:

CB

6

Chi phí quản lý doanh nghiệp

CQ

 

Giá thành toàn bộ (4+5+6)

GTtb

[M(1]

3. Sản lượng nước thương phẩm:

Sản lượng nước thương phẩm được xác định theo công thức sau:

SLtp = SLsx - SLhh

SLtp: Sản lượng nước thương phẩm;

SLsx: sản lượng nước sản xuất là lượng nước tính theo kế hoạch khai thác trong năm của từng nhà máy nước do UBND tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (trong Thông tư này gọi tắt là UBND tỉnh) quy định.

SLhh: sản lượng nước hao hụt là lượng nước thất thoát, thất thu do thực trạng kỹ thuật và trình độ quản lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch của từng doanh nghiệp cấp nước. Sản lượng nước hao hụt được xác định bằng tỷ lệ phần trăm so với sản lượng nước sản xuất, tỷ lệ sản lượng nước hao hụt cụ thể của từng nhà máy do UBND tỉnh quyết định. Tỷ lệ hao hụt quy định cho đến năm 2000 tối đa không vượt quá 30% đối với hệ thống cấp nước mới là 40% đối với hệ thống cấp nước cũ (trong đó bao gồm nước để sục rửa hệ thống kỹ thuật nhà máy theo quy định). Tỷ lệ hao hụt này sẽ được điều chỉnh theo từng thời gian dựa theo tình hình đầu tư, nâng cấp hệ thống kỹ thuật và quá trình nâng cao năng lực quản lý của các nhà máy.

4. Giá tiêu thụ nước sạch (chưa có thuế giá trị gia tăng).

a- Giá tiêu thụ bình quân.

Giá tiêu thụ bình quân được xác định theo công thức sau:

 

 

Gttbq

=

GTtb

SLtp

+

TNct

+

Ftn

Gttbq: Giá tiêu thụ bình quân;

GTtb: Giá thành toàn bộ của sản phẩm nước sạch sản xuất;

SLtp: Sản lượng nước thương phẩm;

TNct: Thu nhập chịu thuế tính trước (tức là lợi nhuận định mức cũ);

Ftn: Chi phí thoát nước .

- Thu nhập chịu thuế tính trước do UBND tỉnh, căn cứ những quy định hiện hành về chế độ quản lý tài chính để quy định cụ thể cho từng doanh nghiệp.

- Chi phí thoát nước: là chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá thành toàn bộ và được dùng để nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương Chủ tịch UBND tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ chi phí thoát nước nhưng tối thiểu không thấp hơn 10% giá thành toàn bộ của sản phẩm nước sạch. Số tiền thu về chi phí thoát nước do UBND tỉnh, căn cứ vào luật ngân sách để quy định việc quản lý, sử dụng nhằm phục vụ cho việc nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, khoản tiền này không thuộc thu nhập của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước sạch.

b- Giá tiêu thụ nước sạch cho từng đối tượng:

Căn cứ vào giá tiêu thụ nước sạch bình quân và lượng nước sạch sử dụng của từng đối tượng ở địa phương để xác định hệ số tính giá cho phù hợp.

Giá tiêu thụ nước sạch được quy định theo phương pháp luỹ tiến. Mức sau cao hơn mức trước để khuyến khích các hộ sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí.

Việc xác định mức giá cụ thể cho từng đối tượng sử dụng phụ thuộc vào lượng nước sử dụng của mỗi loại đối tượng, nhưng phải đảm bảo giá tiêu thụ nước sạch bình quân (ở mục 4.a nêu trên).

Đối với những hộ tiêu thụ nước sạch mà chưa lắp được đồng hồ đo lượng tiêu thụ nước sạch thì tạm thời áp dụng giá khoán với mức tiêu thụ quy định cho một hộ dân cư sử dụng là 20 M3/tháng.

Hệ số tính giá áp dụng cho từng đối tượng sử dụng nước sạch không được vượt quá hệ số tính giá tối đa trong bảng sau:

Đối tượng sử dụng nước

Lượng nước sạch sử dụng của các đối tượng trong tháng

Hệ số tính giá tối đa

 

Mức

Tỷ lệ(%)

 

Sinh hoạt các hộ dân cư

16 M3 đầu tiên

SH1

0,8

 

từ trên 16 M3 đến 25M3

SH2

1,0

 

từ trên 25 M3 đến 35 M3

SH3

1,2

 

trên 35M3

SH4

1,5

Cơ quan Hành chính sự nghiệp

Theo thực tế sử dụng

HC

1,2

Các hoạt động sản xuất vật chất

Theo thực tế sử dụng

SX

2

Kinh doanh dịch vụ

Theo thực tế sử dụng

DV

3,5

Bình quân tổng sản lượng nước thương phẩm

 

100

1

Trường hợp đặc biệt, đối với doanh nghiệp có sản lượng nước sạch sản xuất ra được tiêu thụ chủ yếu dùng cho sinh hoạt các hộ dân cư, thì hệ số tính giá được phép quy định vượt hệ số tính giá tối đa áp dụng cho 16 M3 đầu tiên để đảm bảo hệ số giá tiêu thụ nước sạch bình quân bằng 1.

Trường hợp nếu tính đúng, tính đủ theo hướng dẫn trên đây, giá tiêu thụ nước sạch cao hơn giá bán hiện hành thì UBND tỉnh cần có giải pháp xử lý dần từng bước, để trong thời gian ngắn giá tiêu thụ nước sạch đảm bảo tính đúng, tính đủ. Trước mắt giá tiêu thụ nước sạch không thấp hơn 75% theo phương án giá đã tính đúng, tính đủ.

B. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH GIÁ VÀ QUẢN LÝ GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH:

1. Từng thời kỳ, tuỳ theo tình hình thực tế của việc sản xuất và tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi phương pháp định giá tiêu thụ nước sạch cho phù hợp.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá tiêu thụ và giá thanh toán nước sạch (là giá người sử dụng nước phải trả và được xác định bằng giá tiêu thụ nước sạch cộng với thuế giá trị gia tăng) tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra tình hình chấp hành giá tiêu thụ nước sạch tại đô thị, khu công nghiệp và cụm dân cư nông thôn.

3. Công ty sản xuất - kinh doanh nước sạch trình UBND tỉnh phương án giá tiêu thụ nước sạch. Sở Tài chính - Vật giá tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng, hoặc Sở Giao thông - Công chính thẩm định phương án giá tiêu thụ nước sạch trình UBND tỉnh. Hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh có trách nhiệm rà soát các yếu tố hình thành giá tiêu thụ nước sạch để UBND tỉnh xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

4. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nước sạch phải thường xuyên kiểm tra tình hình tiêu thụ và thanh toán tiền nước của các hộ tiêu thụ, kịp thời có biện pháp khắc phục tình trạng thất thoát lượng nước và chống thất thu tiền nước.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các công ty sản xuất kinh doanh nước sạch lập phương án giá tiêu thụ nước sạch, tổ chức thẩm định phương án giá và quyết định giá tiêu thụ và giá thanh toán nước sạch tại địa phương; đồng thời gửi quyết định này về Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ để theo dõi.

2. Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc xây dựng, ban hành và quản lý giá tiêu thụ và giá thanh toán nước sạch theo nội dung của Thông tư này đối với tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 02/TTLB, ngày 28/4/1997.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc đề nghị các địa phương phản ảnh kịp thời về Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ để xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Lê Văn Tân

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Vạn

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP về phương pháp định giá và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn do Bộ Xây dựng - Ban Vật giá Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 16/06/1999
  • Nơi ban hành: Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Xây dựng
  • Người ký: Lê Văn Tân, Nguyễn Tấn Vạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản