VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP | Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2005 |
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm (sau đây viết tắt là TKHS, TKTP), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Mục đích thực hiện TKHS, TKTP
a) Đánh giá chính xác, khách quan tình hình vi phạm pháp luật hình sự, tội phạm, kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phòng, chống tội phạm; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phục vụ hoạt động phòng, chống tội phạm và các hoạt động quản lý, điều hành có liên quan;
b) Đảm bảo tính thống nhất về số liệu TKHS, TKTP của các cơ quan tiến hành tố tụng trong những thời gian, thời điểm cụ thể;
c) Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm pháp luật hình sự, tội phạm và kết quả giải quyết các vụ án hình sự phục vụ công tác nghiên cứu, xác định nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật hình sự và tội phạm, giúp đưa ra những nhận định, đánh giá tổng quát về tình hình tội phạm; tham mưu cho Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thống kê hình sự, thống kê tội phạm trong văn bản này được hiểu là hoạt động điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các thông tin về tình hình vi phạm pháp luật hình sự, tội phạm và kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
3. Các nguyên tắc cơ bản trong công tác TKHS, TKTP
Hoạt động TKHS, TKTP phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau đây:
a) Bảo đảm tính trung thực, khách quan, đầy đủ, chính xác, kịp thời trong hoạt động thống kê;
b) Thống nhất về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, đơn vị tính, thời hạn, kỳ hạn thống kê;
c) Đảm bảo bí mật số liệu thống kê theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và Danh mục bí mật của từng ngành.
4. Các loại thống kê được hướng dẫn trong Thông tư này bao gồm:
a) Thống kê kết quả tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm;
b) Thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố,
c) Thống kê tội phạm trong giai đoạn truy tố,
d) Thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;
đ) Thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Mẫu các phiếu thống kê, biểu thống kê giao cho các cơ quan chủ trì từng loại thống kê quyết định ban hành sau khi trao đổi thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan chủ trì thực hiện Đề án TKHS, TKTP liên ngành.
5. Hình thức thu thập thông tin thống kê, số liệu thống kê
a) Báo cáo thống kê định kỳ áp dụng đối với loại thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng;
b) Điều tra thống kê bằng hai hình thức, bao gồm: điều tra định kỳ và không định kỳ. Điều tra định kỳ áp dụng đối với thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố, truy tố và xét xử sơ thẩm. Điều tra thống kê không định kỳ được áp dụng trong các giai đoạn nêu trên nhưng nội dung, phương án, thời hạn, thời điểm điều tra do Ban chỉ đạo liên ngành về TKHS, TKTP ở cấp Trung ương quyết định.
6. Nguồn tài liệu phục vụ thống kê
Số liệu thống kê thu thập dựa trên cơ sở sổ thụ lý, sổ kết quả giải quyết, sổ theo dõi công tác thi hành án hình sự, phiếu thụ lý các vụ vi phạm pháp luật hình sự, các vụ án hình sự và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.
7. Trách nhiệm thực hiện TKHS, TKTP của các cơ quan tiến hành tố tụng.
a) Viện kiểm sát có trách nhiệm chủ trì phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thu thập, tổng hợp, phân tích, cung cấp và công bố số liệu về TKHS, TKTP bao gồm: Thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố; thống kê tội phạm trong giai đoạn truy tố; thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm; thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng; chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ TKHS, TKTP theo kế hoạch của liên ngành;
b) Tòa án có trách nhiệm thu thập số liệu thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và ra quyết định thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền của mình; phối hợp với Viện kiểm sát và Công an cùng cấp đối chiếu, thống nhất số liệu và cùng ký vào Báo cáo thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và quyết định thi hành án hình sự do Viện kiểm sát cùng cấp lập;
c) Cơ quan Công an có trách nhiệm thống kê kết quả tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm từ kết quả xử lý những vụ vi phạm pháp luật hình sự thuộc thẩm quyền xử lý của mình và chuyển kết quả tổng hợp thống kê sang Viện kiểm sát cùng cấp sau khi loại thống kê này được thực hiện; thu thập số liệu thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của mình; phối hợp cùng Viện kiểm sát đối chiếu, thống nhất số liệu và cùng ký vào Báo cáo thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng do Viện kiểm sát cùng cấp lập;
d) Theo sự ủy quyền và phân công của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát Quân sự trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và chủ trì phối hợp thu thập, đối chiếu, tổng hợp, phân tích số liệu TKHS, TKTP của các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội nhân dân và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong quân đội theo hướng dẫn của Thông tư này; định kỳ báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định.
8. Lưu trữ, quản lý số liệu TKHS, TKTP
Số liệu TKHS, TKTP là số liệu thống kê quốc gia, được lưu trữ, quản lý theo chế độ tài liệu nhà nước. Những cơ quan khai thác, sử đụng số liệu này phải lưu trữ, quản lý theo đúng quy định bảo mật thông tin thống kê của Nhà nước.
II. NHƯNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỐNG KÊ HÌNH SỰ, THỐNG KÊ TỘI PHẠM
1. Thống kê kết quả tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm
a) Cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc ghi chép, tổng hợp số liệu, lập Báo cáo thống kê kết quả tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát cùng cấp;
b) Thời gian thực hiện: các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an có trách nhiệm nghiên cứu ban hành chế độ thống kê tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm; đưa vào thực hiện trong TKHS, TKTP liên ngành vào thời gian thích hợp.
2. Thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố
a) Thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố là thống kê những vụ án, bị can mới khởi tố, Viện kiểm sát đã thụ lý kiểm sát điều tra;
b) Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm lập Phiếu thống kê những vụ án, bị can mới khởi tố. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án có trách nhiệm lập phiếu thống kê ngay sau khi thụ lý kiểm sát điều tra vụ án và phê chuẩn quyết định khởi tố bị can;
c) Báo cáo thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố được thực hiện hàng tháng. Thời hạn gửi số liệu thống kê do Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.
3. Thống kê tội phạm trong giai đoạn truy tố
a) Thống kê tội phạm trong giai đoạn truy tố là thống kê những vụ án, bị can mà Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố, đình chỉ, tạm đình chỉ;
b) Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê tội phạm trong giai đoạn truy tố trong ngành kiểm sát nhân dân.
4. Thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
a) Thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm là thống kê bị cáo có tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, bao gồm các trường hợp: có tội nhưng được đình chỉ theo yêu cầu của người bị hại; có tội nhưng được đình chỉ và miễn trách nhiệm hình sự; đình chỉ do bị cáo chết hoặc do có sự thay đổi của pháp luật hình sự; bản án của Tòa án tuyên xử bị cáo có tội;
b) Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm lập Phiếu thống kê bị cáo có tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Mỗi bị cáo lập 1 phiếu. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phải lập phiếu thống kê, ghi đầy đủ các nội dung vào phiếu ngay sau khi nhận được quyết định hoặc bản án của Tòa án cùng cấp;
c) Báo cáo thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm được thực hiện hàng tháng. Thời hạn gửi số liệu thống kê do Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.
a) Thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện theo chế độ báo cáo thống kê định kỳ.
b) Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm tổ chức ghi chép, thu thập số liệu thống kê trong phạm vi thẩm quyền giải quyết; đối chiếu số liệu và đại diện lãnh đạo các cơ quan này cùng ký vào Báo cáo thống kê do Viện kiểm sát cùng cấp lập.
Các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm lập báo cáo thống kê những vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương trực tiếp giải quyết (điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm...); phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đối chiếu số liệu và đại diện lãnh đạo các đơn vị này cùng ký vào báo cáo thống kê, gửi về Cục Thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Thống kê tội phạm) có trách nhiệm tổng hợp số liệu của Liên ngành trong toàn quốc.
c) Đơn vị thống kê và phương pháp tính
Đơn vị thống kê là "vụ án" và "người" (bị can, bị cáo, người bị kết án).
Các vụ án được thống kê theo tội danh nghiêm trọng nhất hoặc tội danh có hình phạt cao nhất của bị can, bị cáo đầu vụ; nếu bị can, bị cáo đầu vụ có nhiều tội danh có cùng mức độ nghiêm trọng, cùng mức hình phạt thì thống kê theo các tội danh quy định trong các điều luật của Bộ luật Hình sự được áp dụng để khởi tố, truy tố, xét xử từ điều luật có số nhỏ nhất đến điều luật có số lớn nhất.
Thống kê việc giải quyết các vụ án hình sự căn cứ vào ngày, tháng, năm ghi trong quyết định giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Mỗi vụ án hình sự chỉ được thống kê một lần theo quyết định giải quyết vụ án tại thời điểm thống kê. Đối với những vụ đã chuyển đi nơi khác giải quyết thì chỉ nơi nhận và giải quyết mới thống kê những chỉ tiêu về kết quả giải quyết ở giai đoạn tiếp theo.
d) Các kỳ thống kê trong năm
Thống kê kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng có các kỳ thống kê sau: hàng tháng, 03 tháng, 06 tháng, 09 tháng và một năm.
- Thống kê hàng tháng lấy số liệu từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng, có các báo cáo tháng giêng, tháng hai, tháng tư, tháng năm, tháng bảy, tháng tám, tháng mười và tháng mười một.
- Thống kê 03 tháng lấy số liệu từ ngày 01 tháng giêng đến hết ngày 31 tháng ba;
- Thống kê 06 tháng lấy số liệu từ ngày 01 tháng giêng đến hết ngày 30 tháng sáu;
- Thống kê 09 tháng lấy số liệu từ ngày 01 tháng giêng đến hết ngày 30 tháng chín;
- Thống kê một năm lấy số liệu từ ngày 01 tháng giêng đến hết ngày 31 tháng mười hai năm đó.
Theo yêu cầu tổng hợp số liệu làm báo cáo của lãnh đạo các ngành tại các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Viện kiểm sát có trách nhiệm tổng hợp số liệu thống kê từ các kỳ báo cáo thống kê nêu trên cung cấp cho các ngành để thống nhất số liệu báo cáo.
đ) Thời hạn hoàn thành và gửi báo cáo thống kê
Trong phạm vi năm ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ thống kê, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, Tòa án từng cấp hoàn thành đối chiếu và đại diện lãnh đạo các ngành cùng ký vào Báo cáo thống kê do Viện kiểm sát cùng cấp lập. Báo cáo thống kê được sao gửi cho các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên để tổng hợp (kể cả báo cáo thống kê của các đơn vị nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương).
Chậm nhất vào ngày 10 tháng sau, Viện kiểm sát cấp tỉnh hoàn thành Báo cáo thống kê tổng hợp cấp tỉnh, cấp huyện và gửi số liệu về Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành tổng hợp số liệu toàn quốc vào ngày 15 hàng tháng.
1. Công tác phối hợp tổ chức thực hiện
Để việc phối hợp giữa các ngành trong liên ngành được chặt chẽ, kịp thời và có hiệu lực, thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về công tác TKHS, TKTP ở các cấp nhằm giúp thủ trưởng các ngành trong việc thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác TKHS, TKTP như sau:
a) Ban chỉ đạo liên ngành cấp Trung ương do một đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Trưởng ban, một Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, một Thứ trưởng Bộ Công an và một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là thành viên.
Giúp việc cho Ban chỉ đạo liên ngành trung ương có Đồng chí Cục trưởng Cục thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an, Trưởng phòng thống kê tội phạm Viện kiểm sát Quân sự Trung ương và các đồng chí phụ trách công tác thống kê, tổng hợp của các Bộ, ngành trên.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo các ngành về:
- Tổ chức, biên chế, bộ máy, phương tiện, kinh phí hoạt động thống kê cho từng ngành và liên ngành;
- Hoàn thiện, bổ sung TKHS, TKTP;
- Chỉ đạo việc thực hiện TKHS, TKTP, hàng năm tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác phối hợp thực hiện TKHS, TKTP được quy định trong Thông tư này;
- Những biện pháp cần thiết để tăng cường thống nhất công tác TKHS, TKTP trong cả nước.
b) Ban chỉ đạo liên ngành công tác TKHS, TKTP cấp tỉnh và cấp huyện do một Đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân làm Trưởng ban, một đồng chí lãnh đạo Công an, một đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân là thành viên.
Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành công tác TKHS, TKTP cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo liên ngành hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này, đồng thời phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh.
Giúp việc cho Ban chỉ đạo liên ngành cấp tỉnh có đồng chí Trưởng phòng thống kê tội phạm hoặc đồng chí phụ trách công tác thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Công an cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê của các cơ quan trên.
Giúp việc cho Ban chỉ đạo liên ngành cấp huyện có các cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê của các cơ quan này.
c) Bộ Quốc phòng quy định cụ thể mối quan hệ tổ chức thực hiện TKHS, TKTP trong Quân đội.
2. Trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Quốc phòng đối với công tác TKHS, TKTP
a) Thủ trưởng các ngành Viện Kiểm sát, Tòa án, Công an, Quân đội có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cấp dưới của mình thực hiện tốt TKHS, TKTP liên ngành, đảm bảo số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn.
b) Mỗi Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc cả ba cấp trung ương, tỉnh và huyện đều phải phân công cán bộ chuyên trách thực hiện công tác TKHS, TKTP của ngành mình và phối hợp đối chiếu số liệu liên ngành theo đúng thời gian quy định.
c) Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc kịp thời phản ánh cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để giải thích, hướng dẫn, bổ sung, điều chỉnh.
Đặng Quang Phương (Đã ký) | Lê Thế Tiệm (Đã ký) |
Trần Thu (Đã ký) | Nguyễn Văn Được (Đã ký) |
- 1Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BTTUBTWMTTQVN-BNV hướng dẫn quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ Trưởng Tổ Dân phố do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ ban hành
- 2Chỉ thị 28/1998/CT-TTg về tăng cường hiện đại hoá công tác thống kê do Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 645-TTg năm 1994 về danh mục bí mật Nhà nước trong ngành thống kê do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 141/2002/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Thống kê 2003
- 6Nghị định 40/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thống kê
- 7Quyết định 13/2005/QĐ-BNV về chế độ báo cáo thống kê cơ sở công tác văn thư, lưu trữ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 8Quyết định 14/2005/QĐ-BNV về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp công tác văn thư, lưu trữ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 9Thông tư liên tịch 05/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện thống kê hình sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Toà án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 1Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BTTUBTWMTTQVN-BNV hướng dẫn quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ Trưởng Tổ Dân phố do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ ban hành
- 2Chỉ thị 28/1998/CT-TTg về tăng cường hiện đại hoá công tác thống kê do Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 645-TTg năm 1994 về danh mục bí mật Nhà nước trong ngành thống kê do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 141/2002/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Thống kê 2003
- 6Nghị định 40/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thống kê
- 7Quyết định 13/2005/QĐ-BNV về chế độ báo cáo thống kê cơ sở công tác văn thư, lưu trữ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 8Quyết định 14/2005/QĐ-BNV về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp công tác văn thư, lưu trữ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP hướng dẫn công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành
- Số hiệu: 01/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 01/07/2005
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Đặng Quang Phương, Lê Thế Tiệm, Nguyễn Văn Được, Trần Thu
- Ngày công báo: 26/07/2005
- Số công báo: Từ số 31 đến số 32
- Ngày hiệu lực: 10/08/2005
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực