Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8-TT/LB

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 1977

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ GIÁO DỤC - TÀI CHÍNH SỐ 8-TT/LB NGÀY 21-5-1977 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 152/TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BỔ SUNG CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN VỠ LÒNG

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 152/TTg ngày 8-4-1976: Cho chuyển các lớp vỡ lòng vào hệ Giáo dục phổ thông cấp 1. Các giáo viên dạy lớp vỡ lòng có đủ tiêu chuẩn, được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước và được hưởng lương theo thang lương và mọi quyền lợi khác như giáo viên phổ thông cấp 1. Những giáo viên vỡ lòng trong khi chưa đủ tiêu chuẩn, thì được hưởng thù lao hàng tháng bằng 85% bậc lương khởi điểm của giáo viên phổ thông cấp 1 và mọi quyền lợi khác như giáo viên phổ thông cấp 1.

Ngành giáo dục có nhiệm vụ quản lý toàn diện: về công tác cán bộ, về biên chế, về quỹ tiền lương... của giáo viên vỡ lòng ở các địa bàn: nông thôn, thị trấn, thành phố, thị xã, cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường và lâm trường.

Để thi hành quyết định nói trên, được sự thoả thuận của Bộ Lao động (tại công văn số 339/LĐ-LHCSN ngày 30-3-1977); của Tổng Công đoàn Việt Nam (tại công văn số 19/ĐSTL-TCĐ ngày 6-1-1977) và sự nhất trí của Ban Tổ chức của Chính phủ, của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước; Liên Bộ Giáo dục - Tài chính ra thông tư hướng dẫn thực hiện như sau:

I- ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN ĐƯỢC TUYỂN DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG CHƯA ĐƯỢC TUYỂN DỤNG VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC

A- Giáo viên vỡ lòng được xét tuyển dụng vào biên chế Nhà nước phải có các tiêu chuẩn sau đây: (căn cứ vào tiêu chuẩn quy định tại điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc ban hành theo Nghị định số 24/CP ngày 13-3-1963 của Hội đồng Chính phủ và quy định cụ thể của Bộ Giáo dục).

1. Có quyền công dân, lý lịch rõ ràng, tự nguyện phục vụ.

2. Đã tốt nghiệp các trường lớp đào tạo bồi dưỡng giáo viên vỡ lòng có trình độ trung học, cao đẳng, đại học từ (7+3, hoặc 9+2 trở lên).

3. Có phẩm chất đạo đức tốt: được tín nhiệm với phụ huynh và học sinh.

4. Bảo đảm giảng dạy đạt yêu cầu về nội dung chương trình và các môn học.

5. Có đủ sức khoẻ: không có bệnh lây truyền, dị dạng.

B- Riêng đối với những giáo viên đã có mặt giảng dạy ở các trường, lớp vỡ lòng dân lập (các trường, lớp này đã đăng ký và được các Sở, Ty, phòng giáo dục công nhận) kể từ ngày 7-4-1976 trở về trước, thì việc xét tuyển vào biên chế Nhà nước được giải quyết như sau:

- Đã bảo đảm các tiêu chuẩn ở các điểm 1; 3; 4; 5 trên đây:

- Về văn hoá nghiệp vụ (tiêu chuẩn 2):

+ Phải tốt nghiệp sư phạm mẫu giáo (hoặc vỡ lòng) 7+1 trở lên.

+ Hoặc phải tốt nghiệp lớp 7 (phổ thông hay bổ túc văn hoá) đã dạy học được 5 năm trở lên và trong 5 năm này ít nhất đã qua 3 lần bồi dưỡng hè về chuyên môn nghiệp vụ.

Khi xét tuyển được châm chước: có lớp 5 đối với giáo viên dạy ở vùng công giáo, đối với giáo viên lâu năm có nhiều cống hiến cho ngành học, đối với giáo viện dạy giỏi (tỉnh, thành phố công nhận) hoặc chiếm sĩ thi đua; có lớp 4 đối với giáo viên là người dân tộc ít người (vùng núi).

C- Những giáo viên vỡ lòng đã đủ các tiêu chuẩn 1; 3; 4; 5 và chưa đủ tiêu chuẩn 2 (về văn hoá nghiệp vụ) thì các Sở, Ty, phòng giáo dục cần có kế hoạch tích cực bồi dưỡng cho đạt tiêu chuẩn để sau một thời gian ngắn nhất có thể được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước.

II- CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN VỠ LÒNG

A- Những giáo viên vỡ lòng có đủ tiêu chuẩn (tại điểm B phần I) được xét tuyển dụng vào biên chế Nhà nước, được hưởng:

1. Có trình độ văn hoá nghiệp vụ:

- Tốt nghiệp sư phạm sơ cấp hệ 7 + 1; 4 + 3 ( miền núi cao)... được hưởng lương theo thang lương giáo viên cấp 1 toàn cấp, xếp bậc lương khởi điểm 40đ.

- Tốt nghiệp sư phạm trung cấp hệ 7 +2 (đã được công nhận là trung cấp); 7+3; 10+1 được hưởng lương theo thang lương giáo viên cấp 1 có trình độ trung học, xếp 45đ.

2. Sau khi được xét, xếp vào bậc khởi điểm, nếu thấp hơn sinh hoạt phí cũ thì cân nhắc kỹ 5 tiêu chuẩn, thâm niên công tác từ 6 năm trở lên, xét kết quả giảng dạy từ trung bình trở lên để xếp lên bậc trên liền kế (40 đồng lên 47 đồng; 45 đồng lên 50 đồng...); khi xếp lên bậc trên chú ý xét tương quan với giáo viên cấp 1 nâng bậc lương năm 1976.

3. Ngoài tiền lương, các giáo viên vỡ lòng đã vào biên chế còn được hưởng mọi quyền lợi khác như giáo viên phổ thông cấp 1 trong biên chế Nhà nước.

B- Những giáo viên vỡ lòng chưa đủ tiêu chuẩn để xét tuyển dụng (gồm những người đã có mặt giang dạy ở các trường, lớp vỡ lòng kể từ ngày 7/4/1976 trở về trước và dạy liên tục tới nay) được hưởng:

1. Được hưởng thù lao hàng tháng bằng 85% bậc lương khở điểm của giáo viên phổ thông cấp 1 toàn cấp.

2. Được cấp tem, phiếu để mua theo giá cung cấp: đường, thực phẩm, vải, sổ mua lương thực như giáo viên phổ thông cấp I trong biên chế Nhà nước.

3. Được hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội: trợ cấp ốm đau, trợ cấp thai sản, trợ cấp tai nạn lao động; chế độ trợ cấp đông con; trợ cấp khó khăn; trợ cấp gửi con vào nhà trẻ; trợ cấp nhà ăn tập thể (nếu ăn tại nhà ăn tập thể) như giáo viên phổ thông cấp 1 trong biên chế Nhà nước.

4. Được hưởng các khoản chi về đào tạo bồi dưỡng; sinh hoạt phí đi học dài hạn; phụ cấp dạy thêm giờ; tài liệu sách giáo khoa, báo chí nghiệp vụ theo chế độ hiện hành như đối với giáo viên phổ thông cấp 1 trong biên chế.

Được nghỉ ngày lễ, ngày tết, nghỉ hè có lương. Được làm nghĩa vụ lao động như giáo viên phổ thông cấp 1 trong biên chế Nhà nước.

5. Thù lao các khoản chi trên đây đối với giáo viên vỡ lòng chưa vào biên chế Nhà nước do ngân sách địa phương (kinh phí sự nghiệp giáo dục) đài thọ.

C- Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và một số trợ cấp.

1. Thời gian làm giáo viên vỡ lòng được tính là thời gian công tác liên tục để làm căn cứ thi hành các chế độ bảo hiểm xã hội và một số trợ cấp khác.

2. Để thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể cho giáo viên vỡ lòng đã tuyển dụng vào biên chế Nhà nước, và các giáo viên vỡ lòng chưa được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước; các cơ quan giáo dục nơi quản lý biên chế, quỹ tiền lương của giáo viên vỡ lòng phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội khoản tiền bằng 3,7% quỹ lương thực chi (phần do Tổng Công đoàn quản lý) và quỹ hưu trí, mất sức, tuất khoản tiền bằng 1% quỹ lương thực chi (phần do Bộ Thương binh xã hội quản lý) để các ngành chức năng quản lý thống nhất.

3. Giáo viên vỡ lòng ở cơ quan, xí nghiệp trước đây là công nhân viên chức trong biên chế sang dạy vỡ lòng:

- Ngày nay nếu đủ 5 tiêu chuẩn trên thì được chuyển sang làm giáo viên vỡ lòng, được hưởng bậc lương giáo viên phổ thông cấp I, nếu bậc lương cũ cao hơn bậc lương mới thì được bảo lưu.

- Nếu chưa đủ tiêu chuẩn 2 ( văn hoá nghiệp vụ) thì cần được bồi dưỡng để sẽ xét chính thức làm giáo viên vỡ lòng, tiền lương và các chế độ hưởng như hiện hành.

- Nếu không đủ các tiêu chuẩn tuyển dụng làm giáo viên vỡ lòng thì cơ quan, xí nghiệp... chuyển trở lại vị trí công tác cũ của công nhân viên chức (công việc đã làm trước khi sang dạy vỡ lòng).

III- KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

A- Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định trên đây, các Sở, Ty giáo dục cần có kế hoạch khảo sát phân loại số giáo viên vỡ lòng hiện có mặt giảng dạy từ ngày 7-4-1976 trở về trước để thực hiện việc tuyển dụng chính thức và các chế độ chính sách.

1. Những giáo viên vỡ lòng có đủ tiêu chuẩn quy định trên do các cơ quan giáo dục xét và đề nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp ra quyết định tuyển dụng chính thức theo chỉ tiêu biên chế và quỹ tiền lương đã được duyệt chính thức của ngành giáo dục.

2. Đối với những giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào biên chế chính thức còn đang hưởng 85% bậc lương khởi điểm của giáo viên phổ thông cấp I. các Sở, Ty giáo dục cần tích cực tạo mọi điều kiện để bồi dưỡng cho anh chị em được học tập bằng nhiều hình thức để sớm đạt tiêu chuẩn cụ thể là:

- Nếu còn đủ điều kiện, đủ sức vươn lên, tuy trình độ văn hoá mới có lớp 6 (đối với miền xuôi), lớp 3 (đối với miền núi, hải đảo), nhưng sức khoẻ tốt, có lý lịch rõ ràng, có tính thần thái độ phục vụ đúng, yêu nghề mến trẻ, phẩm chất đạo đức tốt, thì cơ quan giáo dục tích cực bồi dưỡng thêm. Sau thời gian bồi dưỡng nhiều nhất là 5 năm, nếu không đạt tiêu chuẩn quy định trên thì kiên quyết cho thôi việc.

- Bộ Giáo dục sẽ hướng dẫn các cấp tổ chức thi kiểm tra trình độ và công nhận để xét thực hiện chính sách.

3. Đối với những giáo viên vỡ lòng không đủ tiêu chuẩn quy định trên thì giải quyết như sau:

- Không đủ sức khoẻ thì kiên quyết cho đi chữa bệnh, chuyển sang lao động khác hoặc cho thôi việc.

- Giáo viên không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, lý lịch không rõ ràng; và giáo viên không đủ tiêu chuẩn về văn hoá nghiệp vụ, không đủ sức và điều kiện vươn lên, thì không tuyển dụng làm giáo viên vỡ lòng.

- Đối với giáo viên dạy lâu năm, già yếu không đủ sức khoẻ để tiếp tục công tác sẽ được quy định trong một thông tư riêng.

B- Thời gian được công nhận chính thức tuyển vào biên chế Nhà nước đối với các đối tượng đạt tiêu chuẩn được tính từ ngày 8-4-1976 (ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 152/TTg).

Đối với những giáo viên vào biên chế và đối với những giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn vào biên chế được hưởng tiền lương (hoặc thù lao) bắt đầu từ ngày 1-9-1976 (tháng đầu của năm học mới). Số tiền lương và phụ cấp được truy lĩnh tính vào ngân sách địa phương năm 1977.

Trong quá trình thi hành thông tư này, nếu có khó khăn các địa phương phải phản ánh kịp thời cho Liên Bộ biết để có biện pháp giải quyết.

Đào Thiện Thi

(Đã ký)

Hồ Trúc

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 8-TT/LB năm 1977 hướng dẫn thực hiện Quyết định 152/TTg về việc bổ sung chế độ chính sách đối với giáo viên vỡ lòng do Bộ Giáo dục - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 8-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 21/05/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính
  • Người ký: Đào Thiện Thi, Hồ Trúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản