Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC-BỘ LAO ĐỘNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TT/LB

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1980

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG SỐ 16 - TT/LB NGÀY 1 THÁNG 8 NĂM 1980 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ XẾP LƯƠNG THEO TIÊU CHUẨN ĐÀO TẠO MỚI CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG

Tại cuộc hợp ngày 19 tháng 9 năm 1979, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã "đồng ý cho thực hiện chế độ xếp lương theo trình độ đào tạo (tốt nghiệp) đối với giáo viên các cấp bất kể họ làm công tác ở cấp học nào (I, II, III)" và "giao cho Bộ Giáo dục và Bộ Lao động, sớm có văn bản hướng dẫn và kiểm tra thực hiện việc này" (Thông báo số 52 - TB ngày 19 tháng 9 năm 1979 của Phủ thủ tướng).

Căn cứ nghị quyết nói trên của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, liên Bộ Giáo dục - Lao động quy định chế độ xếp lương theo tiêu chuẩn đào tạo mới đối với giáo viên các cấp học như sau.

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

II. ĐIỀU KIỆN VÀ CHẾ ĐỘ XẾP LƯƠNG

A. ĐIỀU KIỆN

1. Những giáo viên đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng (đào tạo lại) theo tiêu chuẩn đào tạo mới và đã tốt nghiệp tại các trường, lớp sư phạm tập trung và hàm thụ các cấp (như trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm), kể cả những giáo viên các bộ môn được gửi học tại các trường đại học khác để về giảng dạy trong ngành giáo dục (như giáo viên dạy ngữ văn tốt nghiệp hàm thụ đại học tổng hợp văn, giáo viên dạy kỹ thuật công nghiệp tốt nghiệp đại học bách khoa...). Những trường, lớp này phải được cấp có thầm quyền chính thức công nhận theo thủ tục hiện hành. Thí dụ: Những giáo viên cấp I đã tốt nghiệp tại các trường trung học sư phạm các tỉnh, thành phố, những trường này phải có quyết định của Bộ Giáo dục công nhận và trường trung học sư phạm theo thông tư số 20 - TT/LB ngày 29 tháng 7 năm 1969 của liên Bộ Giáo dục - Đại học và trung học chuyên nghiệp, mới đủ điều kiện thi hành chế độ xếp lương này.

2. Sau khi tốt nghiệp, không kể được phân công giảng dạy ở cấp học nào (I, II, III), ngành học nào, đều được xếp vào bảng lương theo trình độ đã được đào tạo.

Thí dụ:

- Những giáo viên đang dạy cấp I, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, vẫn phân công giảng dạy ở cấp I, cũng được xếp lương giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

- Những giáo viên đang dạy cấp II, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, dù vẫn được phân công dạy ở cấp II cũng được xếp lương theo bảng lương giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm.

Việc phân công giáo viên dạy ở các cấp học, ngành học cần theo đúng tiêu chuẩn đã nói tại quyết định số 291 - CP ngày 30 tháng 12 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ. Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí giáo viên có tiêu chuẩn đào tạo cao hơn cho cấp học dưới (như giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm bố trí dạy cấp I) phải nhằm xây dựng các trường điển hình tiên tiến, trường trọng điểm, trưởng giảng dạy thí điểm chương trình cải cách giáo dục, hoặc xây dựng đội ngũ nòng cốt cho việc bồi dưỡng giáo viên ở cấp học đó.

B. CHẾ ĐỘ XẾP LƯƠNG.

1. Các giáo viên có đủ điều kiện nói tại điểm A trên được xếp vào bảng lương giáo viên hiện hành như sau:


Trình độ đào tạo

Bậc khởi điểm

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Trung học sư phạm gồm các hệ tuyển sinh tốt nghiệp lớp 7 (hệ 10 năm) và lớp 9 (hệ 12 năm) và các hệ tuyển sinh tốt nghiệp lớp 10 (hệ 10 năm) và lớp 12 (hệ 12 năm)



45đ



50đ



58đ



68đ



78đ



88đ

Cao đẳng sư phạm và đại học sư phạm hệ dưới 4 năm (*)

55đ


65đ


75đ


85đ


100đ


115đ

Đại học sư phạm hệ 4 năm trở lên

60đ

 

 

 

 

 

(*) Quyết định số 164 - TTg ngày 21 tháng 3 năm 1978 của Thủ tướng Chính phủ quy định:"Các trường cao đẳng sư phạm thuộc hệ thống giáo dục đại học nên được hưởng các chính sách, chế độ, v.v... do Nhà nước ban hành cho các trường đại học."

2. Việc vận dụng xếp khởi điểm sau thời gian tập sự đối với các hệ đào tạo vẫn theo quy định hiện hành, cụ thể là:

Hệ trung cấp: Chung cho cả hệ tuyển sinh tốt nghiệp cấp II (lớp 7 và lớp 9) và tốt nghiệp phổ thông (lớp 10 và lớp 12):

- Tốt nghiệp hệ trung học sư phạm 7 + 2, 7 + 3, sư phạm 9 + 2, sư phạm 10 + 1 (hệ phổ thông 10 năm), xếp 45 đồng;

- Tốt nghiệp hệ trung học sư phạm 10+2 và trung học sư phạm hoàn chỉnh, sư phạm 9 + 3, sư phạm 12 + 1, xếp 50 đồng;

Hệ cao đẳng (chung cho cả hai hệ tuyển sinh tốt nghiệp phổ thông 10 năm và 12 năm): tốt nghiệp hệ sư phạm 10 + 3 và sư phạm 12 + 2 trở lên, xếp 55 đồng.

Hệ đại học (chung cho cả hai hệ tuyển sinh tốt nghiệp phổ thông 10 năm và 12 năm):

- Tốt nghiệp hệ đại học dưới 4 năm, xếp 55 đồng,

- Tốt nghiệp hệ đại học từ 4 năm trở .........

Những người sau hai năm xếp lương ở bậc khởi điểm 60 đồng, hoàn thành nhiệm vụ công tác được xếp vào bậc 65 đồng (vận dụng thông tư số 8 - LĐTT ngày 27 tháng 6 năm 1974 của Bộ Lao động).

Giáo viên dạy tại trường cao đẳng sư phạm và đại học sư phạm sau thời gian tập sự được xếp khởi điểm của cán bộ giảng dạy đại học là 64 đồng.

3. Việc xếp vào các bảng lương mới cho những giáo viên cũ đã tốt nghiệp trình độ đào tạo cao hơn được thực hiện như sau:

3.1. Trường hợp lương cũ dưới khởi điểm được xếp ngay vào khởi điểm.

Thí dụ:

- Giáo viên cấp I có mức lương 40 đồng, tốt nghiệp trung học sư phạm được xếp 45 đồng, tốt nghiệp bồi dưỡng trung học sư phạm hoàn chỉnh (sư phạm 10 + 2) được xếp 50 đồng (khởi điểm sư phạm 10 + 2);

- Giáo viên cấp II có mức lương 50 đồng, tốt nghiệp đại học sư phạm hệ 4 năm, được xếp 60 đồng.

3.2. Trường hợp lương cũ cao hơn mức lương khởi điểm của bảng lương theo trình độ đào tạo mới thì giải quyết như sau:

a. Được xếp ngay vào mức lương liền kề của bảng lương theo trình độ đào tạo mới, nếu số tiền tăng dưới 70% so với số tiền chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề với mức lương cũ trong bảng lương theo trình độ đào tạo mới.

Thí dụ:

- Giáo viên A, cấp I có mức lương cũ 54 đồng (bậc 3 bảng lương sơ cấp) nay tốt nghiệp trung học sư phạm hoàn chỉnh được xếp 58 đồng (bậc 2 bảng lương trung cấp);

- Giáo viên B, cấp III chưa toàn cấp có mức lương cũ 70 đồng, tốt nghiệp đại học sư phạm được xếp 75 đồng.

b. Trường hợp xếp vào mức lương liền kề của bảng lương theo trình độ đào tạo mới, nếu số tiền tăng trên 70% so với số tiền chênh lệch giữa hai bậc lương thì phải xét theo chế độ nâng bậc hiện hành.

Thí dụ: Giáo viên C, cấp II chưa toàn cấp có mức lương cũ 56 đồng, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm xếp 65 đồng, giáo viên D, cấp II toàn cấp có mức lương cũ 88 đồng, tốt nghiệp đại học sư phạm (hoặc cao đảng sư phạm) xếp 100 đồng, cả hai trường hợp đều phải xét theo chế độ nâng bậc hiện hành.

c. Trường hợp số tiền tăng đúng 70% so với số tiền chênh lệch giữa hai bậc lương, thì cũng được xếp vào bảng lương mới ngay nếu đã hưởng mức lương hiện hưởng 3 năm tròn trở lên và khi xét xếp vào bảng lương mới giữ được tương quan xếp lương hợp lý với người cùng trình độ và chức vụ. Thí dụ: một giáo viên cấp II có mức lương 68 đồng, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc đại học sư phạm được xếp vào mức lương 75 đồng (đúng 70%) nếu đã xếp ở mức 68 đồng được 3 năm tròn (36 tháng) và tương quan xếp lương hợp lý với người cùng trình độ và cùng chức vụ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chế độ xếp lương theo trình độ đào tạo mới có hiệu lực kể từ ngày ban hành thông tư này.

Những giáo viên đã tốt nghiệp trước đó mà chưa được xếp đúng chế độ hướng dẫn tại điểm B, mục II của thông tư này cần được xem xét xếp lại theo đúng hướng dẫn.

2. Đối tượng thi hành thông tư này là giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó ngành học phổ thông (kể cả bổ túc văn hoá), ngành học mẫu giáo, các giáo viên dạy tại các trường trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm; những giáo viên hiện đang giảng dạy trong ngành và ngoài ngành giáo dục; những cán bộ giáo viên được để bạt làm công tác chỉ đạo, thanh tra chuyên môn giáo dục ở Sở, Ty giáo dục, ban giáo dục huyện (quận, khu phố, thị xã).

3. Căn cứ vào thông tư này, các Sở, Ty giáo dục phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính quyền, các Sở, Ty lao động báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn các Uỷ ban nhân dân huyện (quận, khu phố, thị xã) tiến hành xếp lại lương mới cho những người có đủ điều kiện, đồng thời tổ chức thực hiện cụ thể cho những đơn vị trực thuộc theo sự phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; kiểm tra thực hiện việc này và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục.

Trong thủ tục tiến hành cần tránh phiền phức, gây khó khăn, sai sót, trong hồ sơ nhất thiết phải có bản sao bằng tốt nghiệp do Uỷ ban nhân dân từ cấp huyện trở lên chứng nhận.

4. Thông tư này thay thế các phần hướng dẫn về chế độ xếp lương khới điểm tốt nghiệp trung học, cao đẳng và đại học sư phạm cho giáo viên hết hạn tập sự và chế độ xếp lương cho giáo viên cũ được cử đi học tập trung và tại chức đã tốt nghiệp trình độ cao hơn trong các thông tư của Bộ Giáo dục số 63-TT ngày 19 tháng 12 năm 1964, số 20-TT ngày 20 tháng 5 năm 1965, số 2-TT ngày 10 tháng 1 năm 1967, số 38-TT ngày 5 tháng 12 năm 1969, số 37-TT ngày 14 tháng 11 năm 1974, số 36-TT ngày 29 tháng 12 năm 1976, số 1-TT ngày 13 tháng 1 năm 1977, các thông tư liên Bộ Giáo dục - Lao động số 32 - TT/LB ngày 21 tháng 11 năm 1972, liên Bộ Giáo dục - Tài chính số 8 - TT/LB ngày 21 tháng 5 năm 1977, liên Bộ Giáo dục - Tài chính - Nông nghiệp số 9 - TT/LB ngày 21 tháng 5 năm 1977.

Trong khi chờ cải tiến chế độ tiền lương, nghị quyết của Thường vụ Hội đồng Chính phủ về xếp lương theo tiêu chuẩn đào tạo mới cho giáo viên là một khuyến khích lớn đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, giải quyết tình trạng xếp lương không thống nhất giữa một số địa phương hiện nay. Các địa phương cần phổ biến rộng rãi thông tư gọn, nghiêm túc để động viên anh chị em hăng hái học tập, tạo nên một phòng trào tự học tập bồi dưỡng sâu rộng nhằm không ngừng nâng cao trình độ đào tạo.

Quá trình thực hiện có gì vướng mắc các địa phương cần phản ánh để liên Bộ tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Hồ Trúc

(Đã ký)

Nguyễn Văn Hựu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 16-TT/LB năm 1980 về chế độ xếp lương theo tiêu chuẩn đào tạo mới cho giáo viên phổ thông do Bộ Giáo dục - Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 16-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 01/08/1980
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Lao động
  • Người ký: Hồ Trúc, Nguyễn Văn Hựu
  • Ngày công báo: 30/08/1980
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 01/08/1980
  • Ngày hết hiệu lực: 20/05/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản