Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ NÔNG TRƯỜNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-TTLB

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1970 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỜI SỐNG NHỮNG NGƯỜI VỀ HƯU, MẤT SỨC LAO ĐỘNG CƯ TRÚ Ở CÁC NÔNG TRƯỜNG

BỘ NÔNG TRƯỜNG - BỘ NỘI VỤ

Trong những năm qua, các nông trường nói chung đã chấp hành tốt các chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động cư trú ở các nông trường.

Hiện nay, số cán bộ, công nhân, viên chức công tác ở các nông trường vì ốm đau, già yếu được về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động ngày một nhiều, phần đông lại là cán bộ miền Nam tập kết, bộ đội chuyển ngành đã có ít nhiều công lao, thành tích trong việc xây dựng và phát triển các nông trường.

Để thể hiện sự quan tâm chăm sóc của Đảng và Nhà nước đối với anh chị em theo đúng chính sách hiện hành và phù hợp với đặc điểm của các nông trường, liên Bộ Nông trường – Nội vụ quy định và hướng dẫn cụ thể việc tăng cường công tác quản lý đời sống những cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu, mất sức lao động cư trú ở các nông trường như sau:

1. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các huyện, thị trấn, xã thực hiện tốt các chế độ hiện hành đối với người về hưu và mất sức lao động cư trú ở các nông trường, nhằm bảo đảm cho anh chị em được ổn định về đời sống vật chất và thoải mái về tinh thần.

Mặt khác cần chú ý làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với những người về hưu, mất sức lao động để anh chị em thấy rõ được sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước mà nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước ở địa phương, đồng thời thấy được nhiệm vụ tiếp tục tham gia các mặt công tác của địa phương và tham gia vào việc xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế của nông trường.

2. Các nông trường, tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nơi, có trách nhiệm làm tốt những công tác sau đây:

- Thu xếp nhà ở và tiếp tục cho anh chị em được ăn ở bếp tập thể và sử dụng những đồ dùng đã mượn của nông trường theo tiêu chuẩn chung đã quy định. Đối với những người sống một mình, cần giúp đỡ để anh chị em có điều kiện sinh hoạt được thích hợp với sức khỏe và tương trợ lẫn nhau trong sinh hoạt hàng ngày.

Đối với những người có gia đình, cần dành một số đất đai mà nông trường không sử dụng tới cho anh chị em mượn để làm nhà và tùy theo khả năng của nông trường mà giúp đỡ anh chị em sửa chữa hoặc làm lại nhà ở.

- Cho mượn đất mà nông trường chưa sử dụng tới và giúp đỡ, hướng dẫn anh chị em tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, ngăn ngừa tình trạng tùy tiện sử dụng ruộng đất của nông trường. Dành một số công việc thích hợp của nông trường cho anh chị em làm để tăng thêm thu nhập và sử dụng hợp lý sức lao động của anh chị em trong những lúc thời vụ khẩn trương.

Đối với những trường hợp do yêu cầu phát triển sản xuất của nông trường cần lấy lại đất đã cho anh chị em sử dụng, thì nông trường cần làm tốt công tác tư tưởng và giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho anh chị em.

- Dự trù và phân phối các loại tem phiếu lương thực, thực phẩm và những hàng hóa do thương nghiệp phân phối cho những người cư trú ở hộ tập thể của nông trường.

- Triệu tập anh chị em tham dự các cuộc học tập chính trị, thời sự, chính sách tổ chức cho cán bộ, công nhân, viên chức của nông trường.

- Bệnh viện, bệnh xá của nông trường cần có kế hoạch theo dõi sức khỏe, tổ chức việc khám bệnh, chữa bệnh, cấp thuốc, cấp tiền bồi dưỡng, thanh toán các đơn thuốc cho anh chị em ốm đau theo đúng quy định của Thông tư liên Bộ Y tế - Tài chính – Nội vụ số 25-TT/LB ngày 12-8-1969 và Thông tư số 18-TTKV ngày 28-3-1970 của Bộ Nông trường về việc chữa bệnh, khám bệnh cho cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu và mất sức lao động, nhất là đối với những nông trường ở xa các bệnh viện của tỉnh, huyện.

- Khi có người chết, nếu anh chị em cư trú ở hộ tập thể của nông trường, hoặc sống một mình thì nông trường có nhiệm vụ chôn cất như quy định tại thông tư số 06-NV ngày 04-6-1970 của Bộ Nội vụ và nông trường thanh toán chi phí về chôn cất với cơ quan thương binh xã hội của tỉnh.

Còn đối với những người sống với gia đình thì do gia đình đảm nhiệm việc chôn cất, nông trường cần giúp đỡ trong trường hợp gia đình gặp khó khăn.

Riêng đối với những cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu, mất sức lao động là người miền Nam tập kết chết thì nông trường cần phối hợp với Ủy ban hành chính thị trấn, hoặc Ủy ban hành chính xã (nơi chưa lập thị trấn) tổ chức việc chôn cất theo quy định của Thông tư số 07-NV ngày 22-2-1964 của Bộ Nội vụ.

3. Ủy ban hành chính trị trấn nông trường và Ủy ban hành chính huyện nơi chưa thành lập thị trấn nông trường có nhiệm vụ làm tốt những công tác sau đây:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành có liên quan thực hiện tốt các chế độ của Đảng và Nhà nước đối với những cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu, mất sức lao động cư trú ở các nông trường.

- Dự trù cấp phát tem phiếu lương thực, thực phẩm và hàng hóa phân phối cho người về hưu, mất sức lao động sống với gia đình và những người sống một mình, không ở hộ tập thể.

- Cấp phát trợ cấp hàng quý đúng kỳ, đủ số và tận tay người lĩnh. Trường hợp chưa đủ điều kiện đảm bảo thì phối hợp với nông trường giải quyết tốt việc cấp phát, tránh mất mát.

- Thành lập các tổ hưu trí, mất sức lao động và giúp đỡ các tổ này hoạt động thiết thực.

- Phối hợp với nông trường bố trí việc ăn, ở, học tập chính trị, thời sự, chính sách và hướng dẫn, giúp đỡ anh chị em tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống và góp phần vào việc phục vụ cho lợi ích xây dựng nông trường, đồng thời ngăn ngừa những việc vi phạm chính sách của một số anh chị em.

- Đi sát giúp đỡ những người đời sống có khó khăn, kể cả việc đề xuất với tỉnh trợ cấp khó khăn cho anh chị em khi cần thiết.

Phòng thương binh xã hội huyện cần phối hợp với Phòng y tế huyện cung cấp số liệu những người về hưu, mất sức lao động cư trú ở nông trường cho bệnh viện, bệnh xá của nông trường để dự trù kinh phí chữa bệnh, khám bệnh cho anh chị em.

Để có điều kiện làm tốt những công tác trên đây, ở mỗi nông trường và Ủy ban hành chính thị trấn cần phân công một cán bộ phụ trách và phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác quản lý đời sống người về hưu, mất sức lao động cư trú ở nông trường.

Các Ban thương binh xã hội tỉnh, thành phố và các Ty nông trường cần phối hợp chặt chẽ, đi sát giúp đỡ các nông trường, các Phòng thương binh xã hội huyện, các Ủy ban hành chính thị trấn nông trường làm tốt những công tác trên đây.

Trong khi thực hiện những quy định trên đây, nếu có những khó khăn, mắc mứu, đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phản ánh kịp thời cho liên Bộ biết để góp ý giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG
 


 
Lê Xuân Tại

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG


 

 
Lê Tất Đắc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 51-TTLB năm 1970 tăng cường công tác quản lý đời sống những người về hưu, mất sức lao động cư trú ở các nông trường do Bộ Nông trường - Bộ Nội vụ cùng ban hành

  • Số hiệu: 51-TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 30/10/1970
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Nông trường
  • Người ký: Lê Tất Đắc, Lê Xuân Tại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 14/11/1970
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản