Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-TT/LB

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 1969 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ CHẾ ĐỘ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀ QUÂN NHÂN VỀ HƯU HOẶC THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Thông tư số 84-TTg ngày 20-08-1963 của Hội đồng Chính phủ đã quy định: “Công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động về nghỉ ở đâu thì khi ốm đau, được khám bệnh, chữa bệnh ở nơi đó và được hưởng mọi chế độ khám bệnh chữa bệnh cấp thuốc và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn như trước khi họ về hưu hoặc thôi việc. Tiền thuốc và tiền bồi dưỡng (kể cả trường hợp chữa trị ngoại trú) do quỹ y tế đài thọ…”

Nhưng hiện nay ở nhiều nơi, cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, khi ốm đau đi khám bệnh, chữa bệnh còn gặp khó khăn.

Để chấp hành đúng tinh thần thông tư số 84-TTg của Hội đồng Chính phủ, Liên bộ Y tế - Tài chính - Nội vụ hướng dẫn chế độ khám bệnh, chữa bệnh, và chế độ quản lý tiền thuốc, tiền bồi dưỡng đối với những người về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động như sau:

1. Những cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động về nghỉ ở nơi nào (kể cả trường hợp tạm trú) khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở y tế nơi đó như cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đang công tác. Khi đi khám bệnh, bệnh nhân cần mang theo y bạ, thẻ khám bệnh hoặc sổ lĩnh trợ cấp hưu trí hay mất sức lao động.

Phòng khám bệnh các viện, bệnh viện, bệnh xá cần dự trù đủ thuốc để cấp cho bệnh nhân. Tránh việc kê đơn cho bệnh nhân đi mua thuốc ở cửa hàng dược phẩm rồi thanh toán, nhằm giảm bớt khó khăn và khỏi mất thì giờ đi lại của bệnh nhân. Bác sĩ, y sĩ chỉ ghi đơn cho bệnh nhân đi mua thuốc ở cửa hàng dược phẩm trong trường hợp bệnh cần dùng các loại thuốc không có ở phòng khám bệnh. Trường hợp này bệnh nhân đem hóa đơn mua thuốc đến phòng y tế khu phố, huyện, thị xã nơi mình ở và đăng ký khám bệnh để thanh toán.

Trường hợp bệnh nhân cần được bồi dưỡng, bác sĩ, y sĩ phòng khám bệnh các viện, bệnh viện, bệnh xá ghi vào y bạ, đồng thời cấp phiếu cho bồi dưỡng để bệnh nhân đến nhận tiền ở phòng y tế khu phố, huyện, thị xã. Phòng y tế cần giữ lại phiếu để làm chứng từ chi tiêu.

2. Khi cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động nằm điều trị ở bệnh viện, bệnh xá, thì chỉ trả tiền ăn theo tiêu chuẩn như cán bộ, công nhân, viên chức tại chức. Tiền thuốc và tiền bồi dưỡng do kinh phí sự nghiệp của bệnh viện, bệnh xá đài thọ. Đối với những người hưởng tiền trợ cấp hàng tháng dưới 18đ thì chỉ nộp tiền ăn bằng số tiền trợ cấp. Khoản chênh lệch về tiền ăn này cũng do kinh phí của bệnh viện, bệnh xá đài thọ.

3. Những cán bộ, công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, vẫn còn ở lại nông trường, xí nghiệp xa cơ sở y tế địa phương, khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh ở bệnh viện, bệnh xá của nông trường xí nghiệp ấy. Tiền chi về thuốc và bồi dưỡng đối với những trường hợp này do kinh phí sự nghiệp của bệnh viện, bệnh xá đài thọ.

4. Đối với những xã ở xa phòng y tế huyện, nếu có y sĩ phụ trách trạm y tế, thì các sở, ty y tế căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương mình mà quy định quyền hạn và giao cho trạm nhiệm vụ khám bệnh, cấp thuốc thông thường cho các đối tượng nói trên ở trong xã, khi ốm đau (không ghi đơn cho bệnh nhân). Số thuốc thông thường mà trạm y tế hộ sinh xã đã cấp cho những bệnh nhân này, hàng tháng sẽ thanh toán với phòng y tế huyện. Phòng y tế huyện sẽ hướng dẫn mức chỉ tiêu cho trạm y tế hộ sinh các xã này.

5. Hàng năm, các ban thương binh – xã hội thành phố, tỉnh có nhiệm vụ thông báo cho các sở, ty y tế số người về hưu và thôi việc vì mất sức lao động hiện cư trú ở địa phương theo đơn vị khu phố, huyện, thị xã để sở, ty y tế có căn cứ lập dự trù kinh phí về thuốc và bồi dưỡng cho các đối tượng này. Các sở, ty tài chính căn cứ vào dự trù ấy để cấp kinh phí theo tiêu chuẩn hiện hành như đối với cán bộ, công nhân, viên chức tại chức ở địa phương đồng thời hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí.

6. Các khoản chi về thuốc, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu và thôi việc vì mất sức lao động, do đơn vị nào cấp phát như đã quy định trên đây, sẽ chi vào kinh phí sự nghiệp của đơn vị ấy. Nếu là đơn vị do trung ương quản lý thì chi vào ngân sách trung ương, nếu đơn vị thuộc địa phương quản lý thì chi vào ngân sách địa phương.

Liên bộ Y tế - Tài chính - Nội vụ đề nghị các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh chỉ đạo các ngành có trách nhiệm ở địa phương thi hành tốt thông tư này.

Trong khi thực hiện có khó khăn gì, yêu cầu phản ánh kịp thời cho Liên bộ nghiên cứu giải quyết.

Những quy định trong công văn số 1084-BYT/CB1 ngày 13-05-1963 của Bộ Y tế quy định việc khám và chữa bệnh cho cán bộ; công nhân, viên chức về hưu và mất sức lao động trái với thông tư liên bộ này đều bãi bỏ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ

THỨ TRƯỞNG
 


 
 Bác sĩ Nguyễn Văn Tín

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH

THỨ TRƯỞNG
 


 
Đào Thiện Thi

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ

THỨ TRƯỞNG


 

 
Lê Tất Đắc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 25-TT/LB năm 1969 về chế độ khám bệnh, chữa bệnh đối với cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 25-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 12/08/1969
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Đào Thiện Thi, Lê Tất Đắc, Nguyễn Văn Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản