Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-TT/LBTLĐL/TC

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC ỦY QUYỀN QUẢN LÝ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP VỀ THỦY VĂN CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Hiện nay các trạm thủy văn đặt rải rác khắp nơi ở miền Bắc nhằm thăm dò, đo đạc, tính toán nghiên cứu lực lượng nước, độ mưa, vv… để phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển nền nông nghiệp nước nhà, vì vậy các cấp chính quyền địa phương đều có nhiệm vụ quản lý, giám đốc hoạt động của các trạm đó…

Nhưng từ trước đến nay, kinh phí về thủy văn do tổng dự toán trung ương đài thọ và do Bộ Thủy lợi và Điện lực trực tiếp quản lý nên các địa phương không đủ điều kiện để theo rõi giám đốc chi tiêu cũng như giúp đỡ trong các mặt hoạt động của các trạm thủy văn ở địa phương mình.

Về phần trung ương thì do các trạm phân tán ở các nơi nên không đủ sức với tới.

Vì vậy chẳng những có khó khăn trong việc ngăn ngừa được kịp thời các chi tiêu bất hợp lý hay không cần thiết cũng như các hiện tượng lãng phí tham ô mà việc đề ra những biện pháp thích ứng đẩy mạnh công tác phục vụ nông nghiệp một cách có hiệu quả cũng không được kịp thời nhanh chóng.

Để bổ cứu tình trạng trên, Bộ Thủy lợi và Điện lực đang nghiên cứu việc phân cấp quản lý hẳn cho các địa phương quản lý các trạm thuỷ văn.

Trong khi chờ đợi, Bộ Thuỷ lợi và Điện lực và Bộ tài chính quyết định là bắt đầu từ quý II 1962 sẽ ủy quyền quản lý kinh phí sự nghiệp về thủy văn (trạm dùng chung) cho các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố theo thể thức sau đây:

I. VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT DỰ TOÁN, QUYẾT TOÁN HÀNG NĂM VÀ HÀNG QUÝ

1. Dự toán:

1. Hàng năm: Vào hạ tuần tháng 9 các Sở, Ty Thủy lợi dựa vào phương hướng và chủ trương công tác thủy văn của Nhà nước căn cứ vào các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, các tiêu chuẩn năng suất, để lập kế hoạch công tác thăm dò, đo đạc kèm theo dự toán có chia ra từng quý. Các bản kế hoạch và dự toán chi nói trên phải được Ủy ban hành chính địa phương xét và gửi lên Bộ Thủy lợi và Điện lực chậm nhất là ngày 15-10, có những nhận xét và đề nghị cần thiết. Một bản sẽ gửi tới cho cơ quan tài chính đồng cấp để theo dõi.

Bộ Thủy lợi và Điện lực có nhiệm vụ xét duyệt và tổng hợp vào dự toán kinh phí sự nghiệp của Bộ trình Chính phủ phê chuẩn. Sau khi dự toán được phê chuẩn Bộ Thủy lợi và Điện lực gửi cho Bộ Tài chính và Ngân hàng một bản phân phối kinh phí về công tác thủy văn ở từng địa phương, có chia ra từng quý đồng thời thông tri cho mỗi địa phương biết các chỉ tiêu đã được duyệt để làm căn cứ chấp hành (một bản cho Ủy ban hành chính, một bản cho Ty Thủy lợi, một bản cho Ty Tài chính).

2. Hàng quý: Các Sở, Ty Thủy lợi căn cứ vào dự toán và kế hoạch công tác hàng năm đã được duyệt như nói trên và tình hình thực tế địa phương để lập kế hoạch công tác và dự toán chi hàng quý có chia ra từng tháng trình Ủy ban hành chính đồng cấp xét và gửi Bộ Thủy lợi và Điện lực 20 ngày trước quý. Sau khi xét duyệt, Bộ Thủy lợi và Điện lực lập bảng tổng hợp kế hoạch quý gửi cho Bộ Tài chính để xét cấp phát hạn mức quý cho Bộ Thủy lợi và Điện lực, trên cơ sở đó, Bộ Thủy lợi và Điện lực gửi phân phối hạn mức quý có chia từng tháng cho từng địa phương đồng thời gửi cho Bộ Tài chính 1 bản phân phối để theo dõi và gửi cho Ngân hàng Nhà nước các bản phân phối để chuyển hạn mức cấp phát.

3. Cấp phát: Số kinh phí Bộ Thủy lợi Điện lực duyệt hàng quý có chia ra từng tháng là hạn mức do Bộ Thủy lợi và Điện lực phân phối và giao cho Ủy ban hành chính (Sở, Ty Tài chính địa phương) quản lý. Mỗi khi cần chi tiêu, các Sở, Ty Thủy lợi phải làm đúng thủ tục đến cơ quan tài chính đồng cấp xin cấp phát.

Trừ trường hợp đặc biệt, do Ủy ban hành chính địa phương quyết định, tuyệt đối không được cấp tiền trước cả quý hoặc trên 1 tháng cho các trạm. Trường hợp cần chi tiêu những việc mà khi lập kế hoạch chi không dự kiến được thì phải được sự đồng ý của Ủy ban hành chính địa phương và trong phạm vi hạn mức quý của Bộ Thủy lợi, Ty Tài chính mới được cấp, trường hợp có đột xuất vượt dự toán quý thì phải báo cáo với Bộ Thủy lợi để xin điều chỉnh mới được chi tiêu.

II. QUYẾT TOÁN VÀ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN

Từ trước đến nay, các đơn vị cơ sở chưa tích cực chấp hành chế độ báo cáo quyết toán. Từ nay về sau, cần phải khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo kỷ luật, tài chính. Các Sở, Ty Thủy lợi cần có kế hoạch giúp đỡ và đôn đốc các đơn vị làm cho tốt.

Các quyết toán tháng, quý của các Sở, Ty Thủy lợi sẽ do Ủy ban hành chính đồng cấp xét duyệt và giữ hồ sơ chứng từ tại địa phương, chỉ cần gửi một bản báo cáo quyết toán đã được Ủy ban hành chính duyệt về Bộ Thủy lợi và Điện lực. Bộ Thủy lợi và Điện lực sẽ tổng hợp chung cho toàn bộ kinh phí thủy văn, gửi báo cáo quyết toán hàng tháng, quý, năm cho Bộ Tài chính.

Thời gian báo cáo:

- Báo cáo nhanh phải gửi về Bộ Thủy lợi và Điện lực trước ngày 22 trong tháng.

- Báo cáo quyết toán hàng tháng trước ngày 15 tháng sau.

- Báo cáo quyết toán các tháng 3, 6, 9… và 12 sẽ gửi trong báo cáo quyết toán quý và gửi về Bộ trước ngày 20 của tháng sau quý.

- Báo cáo quyết toán năm sẽ gửi về Bộ 40 ngày sau.

Kiểm kê:

Hiện nay các trạm thủy văn được cấp một tài sản cố định, dụng cụ, máy móc, vv… nhưng trung ương chưa nắm được chất lượng, số lượng cũng như tình hình bảo quản. Yêu cầu các Sở, Ty Thủy lợi cho tiến hành kiểm kê ngay và trong quý 2/1962 phải gửi báo cáo về Bộ. Báo cáo kiểm kê phải ghi rõ tên từng loại, số lượng, mã hiệu (nếu có), cơ quan cung cấp, nguyên giá, giá trị hiện tại (còn bao nhiêu phần trăm), tình hình bảo quản. Sau này các Sở, Ty Thủy lợi sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc, giúp đỡ việc kiểm kê thường kỳ theo thể lệ hiện hành, gửi báo cáo về Liên bộ, và kiểm tra việc sử dụng bảo quản ở cơ sở.

III. QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG VÀ CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG ĐƯỢC ỦY QUYỀN QUẢN LÝ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỦY VĂN

Các Ủy ban hành chính địa phương chịu trách nhiệm trước Liên bộ về việc thực hiện công tác thủy văn và dự toán đã được duyệt hàng năm cho từng địa phương. Ủy ban hành chính có quyền;

- Kiểm soát các tổ chức thực hiện kế hoạch công tác.

- Kiểm soát tất cả các chi tiêu của các Sở, Ty và các trạm thủy văn.

- Đình chỉ các việc làm ngoài kế hoạch hoặc không cần thiết để tiết kiệm nhân tài vật lực cho Nhà nước.

- Điều hòa kinh phí giữa các tháng trong quý trong phạm vi hạn mức đã được duyệt.

Trường hợp muốn chi vượt hạn mức quý thì phải gửi dự toán bổ sung như đã nói ở phần cấp phát.

Các Sở, Ty Tài chính có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính:

- Xét dự toán, quyết toán của các Sở, Ty Thủy lợi từng quý, năm trước khi trình Bộ duyệt.

- Thông qua việc cấp phát hàng tháng để giám đốc thường xuyên việc sử dụng kinh phí.

- Theo dõi việc chấp hành các chế độ, thể lệ kế toán, tài chính và phát hiện những điểm thiếu sót hoặc vi phạm kế hoạch của Nhà nước, đề xuất ý kiến sửa chữa hoặc tiến hành kiểm tra mỗi khi cần thiết.

Mọi sự bất đồng ý kiến giữa các cơ quan Thủy lợi và Tài chính sẽ do Ủy ban hành chính giải quyết; trường hợp thấy chưa thỏa đáng thì các cơ quan hữu quan sẽ báo cáo thẳng lên Bộ mình. Một bản báo cáo này phải gửi qua Ủy ban hành chính địa phương chuyển lên cho các Bộ với ý kiến nhận xét của Ủy ban hành chính.

Yêu cầu các Ủy ban hành chính và các Sở, Ty sở quan tích cực chấp hành đúng các điểm nói trên để tăng cường công tác quản lý tài chính đồng thời bảo đảm việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào cần bổ sung hoặc giải thích thêm, các địa phương sẽ phản ảnh cho Liên bộ nghiên cứu bổ khuyết.

Thông tư này bắt đầu thi hành ngay kể từ nay. Nhận được thông tư này, các Ủy ban hành chính địa phương cần nắm ngay tình hình từ đầu năm để theo dõi quản lý và giám đốc, các Sở, Ty Thủy lợi cần cấp tốc làm mấy việc cụ thể sau đây:

1. Lập kế hoạch công tác và dự toán quý 2 trình Ủy ban hành chính xét và gửi Bộ Thủy lợi và Điện lực.

2. Lập hồ sơ quyết toán quý I trình Ủy ban hành chính xét duyệt và gửi ngay báo cáo quyết toán quý I về Bộ Thủy lợi và Điện lực.

3. Lập hồ sơ quyết toán tháng 4 trình Ủy ban hành chính xét duyệt và gửi báo cáo quyết toán tháng 4 đã được Ủy ban hành chính xét duyệt về Bộ Thủy lợi và Điện lực.

Thông tư này, của Liên Bộ Thủy lợi và Điện lực – Tài chính nhằm giao tránh nhiệm cho các cơ quan Thủy lợi và cơ quan Tài chính địa phương phải tham gia giám đốc kinh tế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp thủy văn hiện do trung ương quản lý.

Vì vậy, các cơ quan Thủy lợi và các cơ quan Tài chính địa phương, các đơn vị sự nghiệp thủy văn trung ương ở địa phương cần tiến hành trao đổi bàn bạc để chấp hành tốt thông tư Liên bộ này, đặc biệt cần ra sức tăng cường quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa để tiến hành công tác được thuận lợi.

Do được giao trách nhiệm trên đây, nên các cơ sở Thủy văn trung ương có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ các báo cáo kế hoạch, quyết toán định kỳ và các tài liệu liên quan khác cho cơ quan Thủy lợi và cả cho cơ quan tài chính địa phương. Các Ty, Sở Thủy lợi trong kế hoạch xây dựng, xét duyệt kế hoạch dự toán quyết toán kinh phí cho các cơ sở thủy văn đều phải tranh thủ sự giúp đỡ và tham gia ý kiến của cơ quan Tài chính, có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ các kế hoạch, các báo cáo quyết toán định kỳ cùng các tài liệu liên quan khác cho cơ quan Tài chính cùng cấp để làm nhiệm vụ.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC
THỨ TRƯỞNG
 
 


Trần Quý Kiên

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

 
 

Trịnh Văn Bính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 40-TT/LBTLĐL/TC năm 1962 về ủy quyền quản lý kinh phí sự nghiệp về thủy văn cho các địa phương do Liên bộ Bộ Thuỷ lợi và Điện lực và Bộ Tài chính ban hành.

  • Số hiệu: 40-TT/LBTLĐL/TC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 02/05/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Thủy lợi và Điện lực
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Trần Quý Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 17/05/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản