Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI THƯƠNG-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 365-LB

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC CHO VAY TRÂU BÒ CÀY, KÉO VÀ CHĂN NUÔI ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Trong năm 1961, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đầu tư số vốn trên 23 triệu đồng giúp các hợp tác xã mua sắm thêm trâu cày kéo và bê nghé chăn nuôi, đã có tác dụng  nhất định trong việc phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhưng việc cho vay còn một số thiếu sót: cho vay tràn lan, chưa kết hợp được chặt chẽ với khả năng cung cấp vật tư nhiều nơi cho vay ồ ạt, bị động, chạy theo yêu cầu của hợp tác xã nên một số nơi đẩy giá lên cao, xã viên hám lợi rút trâu bò đã góp đem bán ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, không lợi cho việc củng cố phong trào hợp tác hóa.

Để khắc phục những thiếu sót trên, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất theo phương châm toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; Thủ tướng Chính phủ trong công văn số 424-NL ngày 26 tháng 02 năm 1962 đã duyệt và giao nhiệm vụ kế hoạch cung cấp trâu bò cày kéo và chăn nuôi cho Công ty tư liệu sản xuất nông nghiệp các tỉnh. Để thi hành tốt chỉ thị trên Liên Bộ Nội thương và Ngân hàng Nhà nước ra thông tư quy định một số biện pháp về vấn đề cho vay trâu bò kéo và chăn nuôi đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp như sau:

Về phương thức kinh doanh của tư liệu sản xuất có những hình thức như sau:

- Các Công ty tư liệu sản xuất trực tiếp đảm nhiệm việc cung cấp trâu bò cày kéo từ miền núi về đồng bằng, trong này bao gồm cả số trâu bò do hợp tác xã ở nơi được phân phối theo sự giới thiệu của Công ty tư liệu sản xuất ở địa phương mình lên trực tiếp nhận của Công ty tư liệu sản xuất ở tỉnh cung cấp trâu bò cày kéo từ miền núi về đồng bằng, trong này bao gồm cả số trâu bò do hợp tác xã ở nơi được phân phối theo sự giới thiệu của Công ty tư liệu sản xuất ở địa phương mình lên trực tiếp nhận của Công ty tư liệu sản xuất ở tỉnh cung cấp.

- Tổ chức việc điều hòa trâu bò cày kéo giữa nơi thừa và nơi thiếu ở các tỉnh miền núi, trung du và khu 4 theo kế hoạch của Ủy ban hành chính địa phương và dưới sự hướng dẫn về mặt tổ chức mua bán và giá cả của tư liệu sản xuất địa phương. Mặt khác Công ty tư liệu sản xuất còn tổ chức việc quản lý mua bán và giá cả ở các chợ việc quản lý mua bán và giá cả ở các chợ trâu bò, kết hợp với cán bộ ngân hàng để tiến hành việc cho vay ở chợ được tốt.

Dựa vào khả năng cung cấp và phương thức kinh doanh của tư liệu sản xuất trong năm nay, để kết hợp được chặt chẽ công tác tín dụng với điều hòa lưu thông tiền tệ, ổn định vật giá và đảm bảo được cân đối giữa vốn cho vay ra với khả năng vật tư cung cấp, hướng cho vay trâu bò cày và chăn nuôi quy định cụ thể như sau:

1. Cho vay trâu bò cày:

Chủ yếu là cho vay chuyển khoản qua Công ty tư liệu sản xuất. Ở đồng bằng và trung du tập trung vào những vùng mà bình quân diện tích cày của mỗi con trâu bò còn cao. Ở vùng núi nói chung trâu bò không thiếu, cần tập trung cho vay ở những vùng có cơ sở khai hoang, vùng đồng bằng rẻo cao xuống núi định canh và những hợp tác xã có kế hoạch tăng diện tích, tăng vụ mà xét thấy vần thiết phải có thêm sức kéo thì mới cho vay.

2. Cho vay chăn nuôi đại gia súc:

Chủ yếu là là cho vay sinh sản và cũng thực hiện chuyển khoản qua tư liệu sản xuất. Ở đồng bằng chỉ cho vay chăn nuôi tập thể, riêng miền núi ngoài cho vay hợp tác xã có thể cho gia đình viên vay chăn nuôi ở những nơi có điều kiện, nhưng không trở ngại đến việc quản lý lao động của hợp tác xã và chỉ tiếp vốn cho vay một phần mà không cho vay toàn bộ số vốn cần mua.

BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH

Số lượng trâu bò cày kéo và chăn nuôi cung cấp cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có hạn, nhưng nhu cầu lại rất lớn; để việc bán và cho vay được kịp thời nhanh chóng, giữa các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng và các Công ty tư liệu sản xuất nông nghiệp, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ. Dưới đây, là một số biện pháp chính đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi ngành trong vấn đề này:

1. Căn cứ vào số lượng trâu bò cày kéo và chăn nuôi mà các tỉnh đã được nhận kế hoạch cung cấp từ các tỉnh miền núi về, các Công ty tư liệu sản xuất sẽ phối hợp với các ngành có liên quan để lập kế hoạch phân phối cho các địa phương và bình quân diện tích vày ở mỗi con trâu cao.

Các Chi nhành, Chi điếm Ngân hàng dựa vào kế hoạch này mà dự kiến kế hoạch vốn để  cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay được kịp thời.

2. Từng thời gian giữa Công ty tư liệu sản xuất và các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để nắm được số lượng trâu bò, bê nghé phân phối về cho từng vùng, trong từng thời gian để việc giải quyết cho vay phù hợp với khả năng cung cấp, tránh tình trạng làm mất thì giờ đi lại của hợp tác xã sản xuất. Cụ thể là Công ty tư liệu sản xuất phải có lịch phân phối cho từng hợp tác xã trong thời gian để một mặt gửi cho Ngân hàng địa phương biết để chủ động trong việc cho vay, đồng thời tin cho hợp tác xã được cung cấp biết để lên nhận trâu. Trong đó cần ghi rõ số lượng kỳ này sẽ phân phối là bao nhiêu và số lượng của từng loại.

3. Công ty tư liệu sản xuất ở các tỉnh miền núi, có nhiệm vụ cung cấp kịp thời trâu bò cày kéo cho các tỉnh miền xuôi theo kế hoạch Nhà nước đã quy định. Chú ý cung cấp trước và đủ cho các tỉnh thiếu nhiều trâu bò, và những tỉnh ở nơi xa cung cấp, đồng thời phải đảm bảo kế hoạch điều hòa trong nội địa được tốt.

4. Đối với các tỉnh miền núi, trung du và khu 4 tiến hành điều hòa trong địa phương mình thì Công ty tư liệu sản xuất địa phương phải lên được kế hoạch cân đối giữa vùng thừa và vùng thiếu để hướng dẫn tổ chức và quản lý việc trao đổi được tốt. Có thể tổ chức hướng dẫn người mua nhận trực tiếp của người bán, hoặc quy định thi trường (chợ trâu) thống nhất trong từng vùng ở trong tỉnh để người mua và người bán trao đổi với nhau dưới sự quản lý của Công ty tư liệu sản xuất.

5. Việc bảo quản chăm sóc trâu bò trong thời gian đi đường cũng như về trại dự trữ phải chu đáo, tránh để trâu bò gày, yếu trước khi đem bán cho các hợp tác xã. Việc mua bán phải trên cơ sở tự nguyện, tránh gán ghép. Về giá cả cần hợp lý; hết sức giảm bớt phí lưu thông để hạ giá thành.

6. Về mặt thủ tục giấy tờ phải cố gắng đơn giản, tránh phiền phức mất nhiều thì giờ.

a) Trường hợp cho vay bằng chuyển khoản trong phạm vi tỉnh thì thủ tục giấy tờ và phương thức thanh toán chuyển khoản giữa Công ty tư liệu sản xuất và Ngân hàng vẫn áp dụng như trước đây đã làm.

b) Trường hợp hợp tác xã nhận trực tiếp của Công ty tư liệu sản xuất nơi cung cấp (phạm vi tỉnh khác) thì phương thức chuyển khoản cụ thể như sau:

- Hợp tác xã muốn được vay cần có giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính địa phương trong đó có ghi rõ số lượng được phân phối, đồng thời phải có giấy giới thiệu của Công ty tư liệu sản xuất địa phương mình giới thiệu lên nhận trâu ở Công ty tư liệu sản xuất nơi cung cấp (trong đó ghi rõ tên người, tên hợp tác xã lên nhận và số lượng trâu bò, bê nghé, từng loại, được mua). Mỗi khi giới thiệu Công ty tư liệu sản xuất phải nắm được số lượng trâu bò đã có ở nơi cung cấp để tránh tình trạng lên nhận trâu mà không có hay không đủ phải đi lại tốn kém mất thì giờ.

- Chi điếm Ngân hàng căn cứ vào những giấy tờ trên, sau khi đồng ý quyết định cho vay thì hợp tác xã lập đơn vay kiêm khế ước, trên khế ước chỉ ghi số lượn trâu bò được vay, còn số tiền thì bỏ trắng, để đề phòng với số tiền vay phải chữa đi chữa lại, nhưng trên khế ước phải có dấu và chữ ký. Đồng thời Chi điếm Ngân hàng nơi mua làm giấy giới thiệu với Chi nhánh. Chi điếm Ngân hàng nơi lên nhận trâu để nhờ cho vay hộ. Trên giấy giới thiệu cần ghi rõ tên người đại diện cho hợp tác xã nào lên nhận trâu (chú ý ghi rõ một số đặc điểm  của người lên nhận trâu hay số giấy chứng minh nếu có) đồng thời ghi rõ số lượng trâu bò, số tiền tối đa được vay.

- Hợp tác xã sản xuất cử người đi phải mang những giấy tờ trên lên Công ty tư liệu sản xuất ở nơi cung cấp để nhận trâu bò. Khi giao Công ty tư liệu sản xuất cần kiểm soát đầy đủ các giấy tờ và đối chiếu mẫu dấu và chữ ký. (Chi điếm nới giới thiệu phải đăng ký mẫu dấu và chữ ký ở Công ty tư liệu sản xuất nơi cung cấp). Nếu hợp lệ thì làm hóa đơn giao trâu cho hợp tác xã và điền số tiền vay, hợp tác xã đã ký nhận trên khế ước. Khế ước, hóa đơn giao cho người nhận trâu mỗi thứ một bản còn thì Công ty tư liệu sản xuất giữ lại để chuyển sang Ngân hàng thanh toán.

- Từng tuần kỳ tối đa không quá năm ngày Công ty tư liệu sản xuất tập trung khế ước, hóa đơn, giấy giới thiệu gửi sang Ngân hàng ở cùng địa phương để thanh toán, Ngân hàng này căn cứ vào khế ước, hóa đơn làm giấy báo có cho Công ty tư liệu sản xuất đồng thời chuyển trả khế ước, hóa đơn và làm giấy báo nợ cho Ngân hàng đề nghị cho vay hộ.

Cần chú ý nhắc các Công ty tư liệu sản xuất sản xuất nơi giao trâu chỉ ghi vào khế ước và hóa đơn số tiền vay về chuyển khoản, còn phần vốn hợp tác xã tự lực, Công ty tư liệu sản xuất sản xuất nhận bán tiền mặt phải làm hóa đơn riêng.

c) Trường hợp nông dân và các hợp tác xã ở các tỉnh trung du và miền núi trao đổi với nhau theo kế hoạch và dưới sự hướng dẫn, quản lý của Công ty tư liệu sản xuất địa phương thì thủ tục biện pháp cho vay như sau:

- Hợp tác xã nơi thiếu trâu cần vay phải có giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính huyện, ghi rõ được đến địa phương nào mua mấy con trâu bò, hợp tác xã mang giấy giới thiệu đó đến Ngân hàng huyện mình để xin vay. Sau khi Ngân hàng xét và quyết định cho vay thì lập đơn vay kiêm khế ước (số tiền bỏ trắng). Nếu hợp tác xã được giới thiệu sang huyện khác mua thì làm giấy giới thiệu nhờ Chi điếm Ngân hàng nơi hợp tác xã đến mua cho vay. Nếu mua ngay trong huyện thì Ngân hàng nơi đó trực tiếp cho vay. Sau khi chọn được trâu và giá cả đã thỏa thuận với nhau thì tùy theo từng trường hợp:

- Nếu là mua của hợp tác xã nông nghiệp thì Ngân hàng sẽ trả cho hợp tác xã bán trâu bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của hợp tác xã nông nghiệp tại hợp tác xã vay mượn ở xã đó.

- Nếu là mua của nhân dân mà cần trả bằng tiền mặt thì Ngân hàng trực tiếp trả cho người bán và sau đó cần lập danh sách những người bán trâu gửi cho hợp tác xã vay mượn hay quỹ tín dụng biết để vận động họ gửi vào tiết kiệm.

Số tiền cho hợp tác xã nông nghiệp vay không được vượt giá chỉ đạo của địa phương. Nếu hợp tác xã bán trâu bò trước đây có nợ Ngân hàng hoặc hợp tác xã vay mượn, thì vận động hợp tác xã ấy chuyển khoản số tiền bán trâu bò để thanh toán nợ.

Để tránh phiền phức cho các hợp tác xã, tùy theo tình hình tổ chức và chợ trâu ở gần hay xa Chi điếm mà có thể bố trí cán bộ làm việc ngay tại chỗ.

Ngày tính lãi cho món vay và lãi tiền gửi của đơn vị bán hàng thống nhất lấy ngày giao hàng ghi trên khế ước và hóa đơn.

Các chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng và Công ty tư liệu sản xuất các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể trong từng thời gian để đảm bảo việc quản lý thị trường trâu bò được tốt, tránh đẩy giá lên cao ngăn chặn thương lái đầu cơ buôn nước bọt…đồng thời đảm bảo việc cung cấp và cho vay được nhanh chóng, kịp thời vụ.

BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI THƯƠNG




Hoàng Quốc Thịnh

Q. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM




Tạ Hoàng Cơ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 365-LB năm 1962 về việc cho vay trâu bò cày, kéo và chăn nuôi đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ Nội thương - Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 365-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 08/05/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Tạ Hoàng Cơ, Hoàng Quốc Thịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 23/05/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản