BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 32-TT-LB | Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1964 |
VỀ VẤN ĐỀ QUAN HỆ ĐẤT ĐAI VÀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH Ở CÁC NÔNG TRƯỜNG
Kính gửi: | - Ủy ban hành chính tỉnh; thành; khu; |
Sau khi cử cán bộ đi nghiên cứu vấn đề quản lý hành chính ở các nông trường và làm thí điểm xác định lại địa giới của một số nông trường để giải quyết tranh chấp về đất đai giữa nhân dân địa phương với nông trường và lấy ý kiến của các tỉnh sở quan và các ngành có liên quan ở trung ương như Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Khai hoang, Ủy ban Dân tộc, v.v… Bộ Nội vụ và Bộ Nông trường ra thông tư về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai và quản lý hành chính ở các nông trường như sau:
I. VẤN ĐỀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI GIỮA NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG VỚI NÔNG TRƯỜNG
Trong khi tiến hành xây dựng quy hoạch, các nông trường đã có bàn bạc nhất trí với các tỉnh; huyện, xã sở tại về phạm vi đất đai thuộc quyền quản lý của nông trường. Tuy vậy do tình trạng đất đai của các công trường xen kẽ với đất đai của nhân dân; mặt khác, do yêu cầu phát triển sản xuất của hợp tác xã và do quan hệ giữa nông trường với nhân dân ở một số xã địa phương có nhiều việc xích mích, cho nên từ năm 1961 trở lại đây, các nông trường thường xảy ra việc tranh chấp giữa nhân dân địa phương với nông trường về đất đai trồng trọt; đồng cỏ chăn nuôi, ao hồ nuôi cá, đập nước, v.v… Gần đây, việc xây dựng kinh tế miền núi được đẩy mạnh, thì lại xảy ra tranh chấp mới giữa các tổ chức khai hoang với nông trường.
Để kịp thời giải quyết vấn đề này; Ủy ban hành chính tỉnh cần có kế hoạch hướng dẫn Ủy ban hành chính các huyện phối hợp với các Giám đốc nông trường có xẩy việc tranh chấp đất đai; tiến hành xác định lại phạm vi đất đai của các nông trường đó, theo những nguyên tắc sau đây:
1. Phải tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương, cụ thể là:
- Bảo đảm cho nhân dân có đủ đất đai để phát triển sản xuất theo mức trung bình của nhân dân địa phương (tính theo nhân khẩu những gia đình vốn ở từ trước ngày có nông trường), và bảo đảm những nhu cầu thật cần thiết về sinh hoạt, tập quán sản xuất của nhân dân như đồng cỏ, rừng củi, đồi gianh lợp nhà v.v…;
- Đối với đất đai mà nhân dân địa phương đã khai phá, trồng trọt nếu nông trường cần sử dụng, phải được sự thỏa thuận của những người có công khai phá và phải có sự bồi thường thích đáng;
- Đối với những đập nước, đồng cỏ chăn nuôi, ao hồ nuôi cá, đường đi, từ trước đến nay nhân dân địa phương vẫn sử dụng; nhưng vì nhu cầu cần thiết nông trường cần sử dụng chung, thì phải bảo đảm nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt bình thường của nhân dân địa phương.
2. Phải bảo vệ tài sản của nông trường là sở hữu của toàn dân. Từ nay trở đi, không đưa nhân dân khai hoang đến ở và khai hoang trong phạm vi đất đai thuộc các nông trường quản lý. Tuy nhiên, đối với trường hợp trước đây chính quyền địa phương đã đưa dân đến khai hoang trên đất đai thuộc quy hoạch của nông trường, thì cần có sự chiếu cố thích đáng, bằng cách nông trường nhường lại cho họ một số đất đai để sản xuất để khỏi ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khai hoang. Nếu vì điều kiện ở xen kẽ, bất tiện cho việc quản lý sản xuất của nông trường hoặc làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của nông trường thì vẫn có thể di chuyển những người khai hoang đến một địa điểm khác. Trường hợp này, chính quyền địa phương và nông trường phải tìm địa điểm và giúp đỡ họ di chuyển. Còn đối với những người tự động sử dụng đất đai thuộc quy hoạch của nông trường thì chính quyền địa phương có trách nhiệm giải thích và giúp đỡ họ dời đi nơi khác.
3. Việc sử dụng những đất đai thuộc quốc gia công thổ như đất rừng, đất hoang, bãi sông, bãi biển v.v… giữa nhân dân địa phương với nông trường thì nông trường được ưu tiên, trừ trường hợp thuộc quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương mà nông trường phải tôn trọng đã nói ở điểm 1.
4. Những đất đai đã dành cho nông trường thì nông trường phải sử dụng cho hợp lý theo quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước và nông trường phải có trách nhiệm quản lý về mọi mặt những đất đai đó dưới sự lãnh đạo của Bộ Nông trường và sự trực tiếp kiểm tra, giúp đỡ của chính quyền tỉnh, huyện sở tại.
5. Trong việc xác định lại phạm vi đất đai của nông trường có xẩy ra việc tranh chấp cần phải:
- Coi trọng công tác chính trị và tư tưởng, cụ thể là cần giáo dục nhân dân tôn trọng tài sản của Nhà nước và hiểu rõ nhiệm vụ quan trọng của nông trường quốc doanh; đồng thời giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức của nông trường tôn trọng chính quyền địa phương, tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương, và nhận rõ trách nhiệm của nông trường là tùy điều kiện mà tích cực giúp đỡ các hợp tác xã về mọi mặt và tăng cường sự liên hệ với hợp tác xã nhằm phát huy ảnh hưởng tốt của nông trường đối với hợp tác xã;
- Bàn bạc nhất trí với nhân dân địa phương, cụ thể là phải được sự thỏa thuận của chính quyền xã sở tại và phải giải quyết cụ thể đối với những trường hợp đụng chạm đến quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương;
- Có bản đồ ghi rõ địa giới của nông trường, có cắm mốc địa giới chính thức, để thuận tiện cho việc quản lý sản xuất và quản lý hành chính.
Đi đôi với việc xác định lại địa giới của các nông trường, tùy tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh hướng dẫn cho Ủy ban hành chính huyện cùng với Giám đốc nông trường quy định cụ thể những quan hệ cần thiết giữa nhân dân các xã địa phương với nông trường về các vấn đề giúp đỡ lẫn nhau sản xuất, bảo vệ sản xuất, sử dụng và quản lý các đồng cỏ chăn nuôi, ao hồ nuôi cá, các công trình thủy lợi, đường sá, sông ngòi v.v… ở địa phương.
Trách nhiệm giải quyết những việc tranh chấp về đất đai giữa nhân dân địa phương với nông trường do Ủy ban hành chính xã, huyện sở tại cùng với Giám đốc nông trường bàn bạc nhất trí, nếu hai bên không nhất trí thì báo cáo lên Ủy ban hành chính tỉnh, Bộ Nông trường, Bộ Nội vụ để giải quyết. Trường hợp Ủy ban hành chính tỉnh, Bộ Nông trường, Bộ Nội vụ không nhất trí, thì trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
II. VẤN ĐỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH Ở CÁC NÔNG TRƯỜNG
Hiện nay tại các nông trường có nhiều công việc đáng lẽ thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, nhưng vẫn do Giám đốc nông trường phụ trách, như việc quản lý dân số, hộ tịch, hòa giải những tranh chấp về dân sự, quản lý các trường học phổ thông, cấp phát phiếu vải, phiếu lương thực v. v… hoặc có những công tác quan trọng, nhưng vẫn không có ai phụ trách, như việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, bảo vệ trật tự trị an, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật những tranh chấp về dân sự, những vụ vi phạm luật lệ Nhà nước, những hành động chống đối và phá hoại của những phần tử xấu; quản lý những công nhân thời vụ, thợ may, thợ cắt tóc, người buôn bán nhỏ sinh sống dựa theo nông trường v.v… Vì vậy, đã có nhiều sơ hở trong công việc quản lý hành chính Nhà nước, đồng thời cũng làm cho bộ máy quản lý nông trường không tập trung vào công việc quản lý sản xuất.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Ủy ban hành chính tỉnh cần hướng dẫn Ủy ban hành chính huyện sở tại nghiên cứu thành lập các thị trấn trực thuộc huyện ở những nông trường có từ 700 nhân khẩu trở lên (kể cả công nhân, viên chức và gia đình công nhân, viên chức và những người sinh sống dựa theo nông trường ); trường hợp có khu vực tập trung người ở xen kẽ với nông trường, gồm những hộ tiểu thương, thợ thủ công phục vụ cho nông trường thì cũng nên nghiên cứu giao cho Ủy ban hành chính thị trấn nông trường quản lý. Trường hợp nông trường ở trong địa giới của hai, ba huyện thì tuỳ theo đất đai của nông trường thuộc về huyện nào nhiều hơn, mà thị trấn nông trường trực thuộc về huyện đó.
Về quan hệ giữa Giám đốc nông trường và Ủy ban hành chính thị trấn nông trường cần phân biệt như sau:
- Nông trường là xí nghiệp của Nhà nước; các công tác quản lý sản xuất, quản lý công nhân, viên chức, thi hành các luật lệ lao động, bảo hiểm xã hội, vẫn do Giám đốc nông trường phụ trách theo chế độ hiện hành;
- Ủy ban hành chính thị trấn nông trường chỉ phụ trách về mặt quản lý hành chính Nhà nước đối với công nhân, viên chức, gia đình công nhân; viên chức và những người sinh sống dựa theo nông trường.
Ủy ban hành chính thị trấn nông trường nói chung có nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban hành chính thị trấn theo pháp luật quy định. Cụ thể hiện nay có nhiệm vụ chủ yếu như sau:
- Bảo hộ các quyền lợi của công nhân và lãnh đạo các công nhân làm nghĩa vụ đối với Nhà nước;
- Quản lý dân số, hộ tịch;
- Giữ gìn trật tự an ninh, xử lý những vụ vi phạm về hình sự nhỏ theo quy định của pháp luật, ở các khu vực dân sự trong nông trường,
- Hòa giải những tranh chấp về dân sự trong nhân dân;
- Thi hành các luật lệ của Nhà nước về các mặt sát sinh, quản lý thị trường, khai báo hộ khẩu;
- Cấp phát phiếu cung cấp về vải, gạo, đường v.v…;
- Lãnh đạo sản xuất đối với gia đình công nhân, viên chức và những người sinh sống dựa theo nông trường;
- Tổ chức và xây dựng các trường học phổ thông, lớp vỡ lòng, y tế dân lập v.v…
Đại bộ phận nhân dân ở các nông trường là công nhân, viên chức và gia đình công nhân, viên chức của nông trường, nên mọi mặt công tác của Ủy ban hành chính thị trấn nông trường cần có sự cộng tác chặt chẽ của Giám đốc và Công đoàn nông trường.
Tùy công việc nhiều hay ít, Ủy ban hành chính thị trấn nông trường có từ một đến hai cán bộ trong biên chế Nhà nước (nông trường có từ 2.000 nhân khẩu trở lên, có hai cán bộ trong biên chế) chuyên trách công tác của Ủy ban hành chính thị trấn và một số ủy viên không thoát ly sản xuất hoặc công tác chuyên môn của mình. Chủ tịch Ủy ban hành chính thị trấn nông trường nên do một Phó giám đốc nông trường kiểm nhiệm, nhưng không thoát ly công tác chuyên môn. Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên thư ký Ủy ban hành chính thị trấn nông trường nên là cán bộ trong biên chế Nhà nước có trình độ tương đương cấp huyện.
Các khu vực dân cư ở các đội sản xuất của nông trường sẽ tổ chức thành các xóm (hoặc khu vực), có xóm trưởng hoặc khu trưởng phụ trách. Các xóm trưởng sẽ do ủy viên của Ủy ban (không thoát ly sản xuất) phụ trách hoặc chọn trong số cán bộ có khả năng ở các đội sản xuất của nông trường phụ trách, nhưng không thoát ly sản xuất hoặc công tác chuyên môn.
Việc thành lập các thị trấn ở các nông trường cần làm đúng theo luật lệ hiện hành, Ủy ban hành chính tỉnh sở tại đề nghị và Bộ Nội vụ ra quyết định phê chuẩn việc thành lập. Hồ sơ gửi về Bộ Nội vụ phải có đầy đủ những văn bản sau đây: kiến nghị của Hội đồng nhân dân các xã liên quan, đề nghị của Ủy ban hành chính xã, huyện, tỉnh sở tại, có bản đồ ghi rõ tỷ lệ xích về địa danh, sông núi, các khu vực dân cư và địa giới của nông trường với các xã lân cận.
Nhận được thông tư này, đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh cần có kế hoạch tích cực thực hiện cho khẩn trương và sát với hoàn cảnh địa phương. Trong khi thi hành; nếu gặp khó khăn trở ngại gì, đề nghị báo cáo cho liên Bộ biết để kịp thời hướng dẫn giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG TRƯỜNG | BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư liên bộ 32-TT-LB năm 1964 về quan hệ đất đai và quản lý hành chính ở các nông trường do Liên bộ Bộ Nội vụ và Bộ Nông trường ban hành.
- Số hiệu: 32-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 23/11/1964
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Nông trường
- Người ký: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 46
- Ngày hiệu lực: 08/12/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định