THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 14-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐẤT ĐAI CHO NÔNG TRƯỜNG VÀ NHÂN DÂN KHAI HOANG VÀ VIỆC QUẢN LÝ LÂM SẢN CỦA NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH
Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trương ương Đảng lần thứ 5 đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể về sản xuất nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm, nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Về phần nông trường quốc doanh, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm và đáp ứng yêu cầu cần thiết phải trồng một diện tích rất lớn các loại cây công nghiệp dài ngày (cà phê, cao su, chè, hồ tiêu,...) các cây ăn quả (cam, quít, chanh, chuối, dứa,...) các cây công nghiệp ngắn ngày (bông, thuốc lá, gai, cói, mía, lạc, sả...) một phần cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn...) cây thuốc bắc,... chăn nuôi gia súc nhỏ và lớn (trong đó có cả bò, trâu sữa và cừu lông...) để cung cấp nguyên liệu, thực phẩm và cả lương thực cho nhu cầu trong nước và nông sản cho xuất khẩu. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trong kế hoạch 5 năm, các nông trường quốc doanh phải khai hoang khoảng 200.000 éc-ta đất canh tác, chưa kể đất để chăn nuôi và xây dựng khác. Đó là một nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi nhiều cố gắng của ngành nông trường và cần có sự giúp đỡ tích cực của các cấp và các ngành khác mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Ngoài việc khai hoang của các nông trường, các hợp tác xã nông nghiệp cũng khai hoang khoảng 350.000 éc-ta trong 5 năm. Việc phát triển diện tích của các nông trường và khai hoang nhân dân phù hợp với yêu cầu và khả năng của chúng ta. Chúng ta có đủ đất đai cho nông trường và nhân dân khai hoang, nhất là trong điều kiện diện tích sử dụng cho nông nghiệp mới đạt tỷ lệ 12% là còn quá thấp, chúng ta cũng có nhiều điều kiện thực hiện việc kết hợp tổ, công tác khai hoang với công tác bảo vệ, tu bổ, trồng rừng và khai thác rừng hợp lý bằng cách quy hoạch nhiệm vụ thiết kế nông trường và các hợp tác xã khai hoang cho cụ thể.
Trong năm qua, mặc dù thiếu thốn phương tiện và nhân lực, các nông trường nói chung đã thực hiện được vượt mức chỉ tiêu khai hoang, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch sản xuất. Đó là một thành tích tốt. Tuy nhiên, trong công tác khai hoang, một số nông trường cũng có những thiếu sót, như quan hệ chưa tốt với nhân dân trong việc giải quyết các việc về đất đai, về chăn dắt trâu bò, về lấy lâm sản;... chưa có kế hoạch giải thích, vận động và giúp đỡ đồng bào tìm cách giải quyết khó khăn một cách đúng đắn, khai hoang có chỗ chưa tính toán hợp lý đối với những khu rừng quí và cần thiết mà lâm nghiệp đã trồng hoặc đang bảo vệ, hoặc đang việc sử dụng lâm sản, chỉ mới thực hiện được một phần nhỏ kế hoạch cung cấp lâm sản cho Nhà nước... Một số cơ quan Lâm nghiệp chưa tích cực giúp đỡ nông trường trong việc khai hoang (giữ rừng một cách không đúng, chặt gỗ trước trong vùng nông trường khai hoang, ngăn trở nông trường trực tiếp cung cấp lâm sản cho các cơ quan Nhà nước...). Trong nhân dân, việc khai hoang chưa được hướng dẫn đúng chỗ, có khi khai hoang phạm vào đầu nguồn gây tai hại khi mưa to và lũ lụt, có khi khai hoang trồng một vụ rồi bỏ, làm cho đất trở nên xấu đi, gây tai hại về sau này.
Sở dĩ còn những thiếu sót như trên là vì ranh giới của các nông trường chưa quy định, việc hướng dẫn nhân dân khai hoang cũng chưa chu đáo, nhưng nguyên nhân quan trọng là ở chỗ nhận thức của một số cán bộ và nhân dân nói chung về nhiệm vụ khai hoang phát triển sản xuất chưa đúng đắn, chưa thấy được hết tầm quan trọng và sự cần thiết về phía nhiệm vụ của nông trường cũng như về phía nhiệm vụ của các hợp tác xã, hoặc chỉ biết có nhiệm vụ khai hoang, mà không thấy được hết các vấn đề chính trị như phải bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng đối với đồng bào miền núi, phải quan tâm và chiếu cố thích đáng đến quyền lợi, phong tục và tập quán canh tác của nhân dân mỗi địa phương. Ngược lại về phía nhân dân cũng chưa quan niệm được đất đai của nông trường phát triển là phát triển cho mình, phục vụ cho quyền lợi lâu dài của mình. Mặt khác nữa, còn do sự phối hợp công tác giữa hai ngành nông nghiệp và lâm nghiệp chưa được chặt chẽ, sự hợp tác giữa các nông trường và các cấp chính quyền địa phương chưa được mật thiết, mọi việc chưa được bàn bạc cụ thể và thông suốt với nhau.
Để giải quyết đúng đắn việc dành dất cho các nông trường và nhân dân khai hoang và quản lý tốt việc sử dụng lâm sản trong các nông trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông trường, Tổng cục Lâm nghiệp và Ủy ban hành chính các cấp nhận rõ và thực hiện đúng đắn, những điều sau đây:
1. Việc sử dụng đất đai phải căn cứ vào chất đất, những đất nào thích hợp và cần thiết để trồng trọt hoặc chăn nuôi có lợi ích lâu dài hơn là để duy trì rừng hoặc để trồng rừng, thì nên dành để khai hoang. Đặc biệt đối với một số loại cây công nghiệp quan trọng đòi hỏi chất đất thích hợp như cao su, cà phê, bông, thuốc lá, lúa... thì phải ưu tiên dành đất để trồng các loại ấy, không nên vì một vài lợi ích nhỏ của ngành Lâm nghiệp hoặc lợi ích trước mắt của một số hợp tác xã nông nghiệp mà hạn chế sự phát triển các loại nông sản có giá trị kinh tế cao hoặc cần thiết của ngành nông nghiệp và cần thiết cho công nghiệp.
Mặt khác phải căn cứ vào quy mô và yêu cầu quy hoạch của từng tổ chức kinh doanh mà phân phối đất đai cho hợp lý: vùng rộng lớn nên dành cho nông trường quốc doanh do Bộ Nông trường quản lý, vùng tương đối nhỏ thì trong trường hợp có khả năng thành lập và quản lý tốt nông trường địa phương, nơi nào dành cho các hợp tác xã khai hoang thuận lợi thì nên dành cho hợp tác xã, không nên đưa dân đi khai hoang vào giữa các khu vực dành cho nông trường, gây khó khăn trong việc quản lý.
2. Phải theo đúng nguyên tắc quy hoạch nhiệm vụ thiết kế nông trường về các mặt coi trọng bảo vệ rừng, trồng rừng, bảo đảm cho rừng phát triển và tái sinh kịp với tốc độ khai thác; giữ màu cho đất, giữ nước ở đầu nguồn; trồng các đai rừng chắn gió, quý trọng lâm sản, bảo vệ các lâm sản quý, làm phong phú thêm tài nguyên về lâm sản trong nông trường. Trong phạm vi quản lý của nông trường, việc kinh doanh lâm nghiệp, khai thác chế biến lâm sản và trồng cây gây rừng do ngành nông trường phụ trách; nhưng để làm việc này được tốt, cán bộ ngành nông trường cần coi trọng và tích cực trnah thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ về nghiệp vụ của cán bộ ngành lâm nghiệp.
Các lâm sản khai thác và chế biến được, một phần sử dụng cần thiết rong nội bộ nông trường theo kế hoạch phân phối của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, phần còn lại phải giao cho nộp cho Nhà nước bằng cách các nông trường trực tiếp ký hợp đồng bán cho các cơ quan Nhà nước (giảm bớt sự trung gian không cần thiết). Kế hoạch ký hợp đồng này phải theo sự phân phối của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và báo Tổng cục Lâm nghiệp biết.
3. Trong khi chờ đợi Chính phủ chính thức xét duyệt nhiệm vụ thiết kế của từng nông trường, Ủy ban hành chính các cấp và các ngành có liên quan cần tích cực giúp đỡ Bộ Nông trường thực hiện kế hoạch khai hoang, bảo đảm thời vụ, tạm thời xác định ranh giới và quy hoạch của từng nông trường để nông trường có kế hoạch kinh doanh, nhân dân địa phương an tâm sản xuất. Giữa các nông trường và các cơ quan Lâm nghiệp cần tăng cường liên hệ mật thiết với nhau, nông trường định khai hoang nơi nào thì cần báo trước và hỏi ý kiến kịp thời của cơ quan Lâm nghiệp, cơ quan Lâm nghiệp cần dành mọi sự dễ dàng cho nông trường khai hoang theo tinh thần nói trên. Đối với nhân dân, khi khai hoang, nông trường phải tôn trọng quyền lợi, phong tục và tập quán của nhân dân, phải điều tra nghiên cứu kỹ kế hoạch, tránh phạm vào đất đai, đường xá, mồ mả của đồng bào, trường hợp thật cần thiết, phải dựa vào các cơ quan, các đoàn thể địa phương giải thích và vận động được đồng bào đồng ý và phải giải quyết thỏa đáng để bảo đảm được đoàn kết với nhân dân. Trong quan hệ hàng ngày, nông trường cũng cần luôn luôn có quan hệ tốt với nhân dân, hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ những việc có thể nhằm tăng cường đoàn kết, hỗ trợ giữa nhân dân với cán bộ, công nhân của nông trường.
Hiện nay công tác khai hoang ở các nông trường để bảo đảm nhiệm vụ kế hoạch lâu dài cũng như nhiệm vụ kịp thời trước mắt rất là khẩn trương. Sau khi nhận được chỉ thị này, các cấp chính quyền địa phương và các ngành có liên quan cần nắm vững nội dung, giúp đỡ nông trường sản xuất được tốt, kể cả việc lập bản thiết kế nhiệm vụ quy hoạch nông trường; bản thân ngành nông trường cần tăng cường phối hợp với ngành lâm nghiệp, quan hệ mật thiết với các cơ quan và đoàn thể địa phương, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân. Tất cả các cấp các ngành đều phải tìm mọi cách tránh những việc làm không hợp lý và thiếu sót đã xảy ra từ trước đến nay, đẩy mạnh công tác khai hoang và quản lý lâm sản của nông trường ngày càng được tốt hơn. Bộ Nông trường, tổng cục Lâm nghiệp và các Ủy ban hành chính địa phương cần hướng dẫn cụ thể cho cấp dưới thi hành đúng đắn chỉ thị này.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 48-TTg năm 1963 về việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật bảo đảm quyền sở hữu về tư liệu sản xuất ở nông thôn do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 31-TTg năm 1963 bổ sung về chính sách nhân dân khai hoang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 32-TT-LB năm 1964 về quan hệ đất đai và quản lý hành chính ở các nông trường do Liên bộ Bộ Nội vụ và Bộ Nông trường ban hành.
- 1Thông tư 48-TTg năm 1963 về việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật bảo đảm quyền sở hữu về tư liệu sản xuất ở nông thôn do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 31-TTg năm 1963 bổ sung về chính sách nhân dân khai hoang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 32-TT-LB năm 1964 về quan hệ đất đai và quản lý hành chính ở các nông trường do Liên bộ Bộ Nội vụ và Bộ Nông trường ban hành.
Chỉ thị 14-TTg về giải quyết đất đai cho nông trường và nhân dân khai hoang và việc quản lý lâm sản của nông trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 14-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/02/1962
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: 21/02/1962
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 18/02/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định