Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19-TT-LB | Hà Nội , ngày 07 tháng 3 năm 1994 |
Trong khi chưa thành lập tổ chức bảo hiểm xã hội thống nhất, theo Nghị định 43-CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ "Quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội", Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tạm thời phương thức thu 15% bảo hiểm xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, để chi trả lương hưu trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tử tuất như sau:
I. TRUY THU BẢO HIỂM XÃ HỘI THUỘC CÁC CƠ QUAN,ĐƠN VỊ KHU VỰC NHÀ NƯỚC NĂM 1993
Việc thu bảo hiểm xã hội trong năm 1993, nhiều nơi thực hiện chưa được thống nhất, không thu đủ mức quy định, phải truy thu để có nguồn chi bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn thống nhất sau đây:
1. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh:
Từ 1-1-1993 đến 31-3-1993: Trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội 8% tính trên quỹ tiền lương theo các Nghị định số 202-HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và các văn bản hướng dẫn của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.
Từ 1-4-1993 đến 31-12-1993: Trích nộp bảo hiểm xã hội bằng 8% tính trên quỹ lương mới theo Nghị định số 26-CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp khu vực, đắt đỏ, chức vụ (nếu có) và các văn bản hướng dẫn của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính. Đối với các doanh nghiệp đã thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động thì quỹ tiền lương được xác định để trích nộp bảo hiểm xã hội là quỹ lương theo hợp đồng lao động đã ký kết.
2. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp:
Chỉ trích nộp cho đủ 8% bảo hiểm xã hội tính trên quỹ tiền lương theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đến hết năm 1993.
3. Từ 1-4-1993 đến hết 31-12-1993:
Việc thu 5% bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm đóng góp từ tiền lương của người lao động trong khu vực Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 110-TT-LB ngày 31-12-1993 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội.
II. THU BẢO HIỂM XÃ HỘI NĂM 1994
Đối tượng thu là người sử dụng lao động và người lao động (kể cả người lao động được cử đi học, công tác ở trong và ngoài nước vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan và đơn vị) làm việc ở cơ quan đơn vị, tổ chức sau đây:
- Đơn vị hành chính sự nghiệp (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp gán thu bù chi), các đơn vị sự nghiệp hưởng nguồn thu bằng viện trợ của nước ngoài (kể cả viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ) để trả lương cho công nhân viên chức trong đơn vị.
- Các tổ chức Đảng, đoàn thể, hội quần chúng.
- Các doanh nghiệp Nhà nước (kể cả doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ).
- Các doanh nghiệp tư nhân có sử dụng từ 10 lao động trở lên.
- Các xí nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu chế xuất, đặc khu kinh tế.
- Các văn phòng đại diện hoặc các tổ chức khác của nước ngoài đặt tại Việt Nam.
2. Mức và nguồn kinh phí trích nộp bảo hiểm xã hội:
Tổng số nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội để chi trả lương hưu, trợ cấp tử tuất là 15% tính trên quỹ tiền lương gồm:
a. 10% quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động nộp:
- Đối với cơ quan, đơn vị hưởng tiền lương từ nguồn Ngân sách Nhà nước cấp thì do Ngân sách Nhà nước đài thọ và hạch toán vào Mục 68 - Chi bảo hiểm xã hội theo loại, khoản, hạng tương ứng.
- Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh được tính vào giá thành sản phẩm hoặc chi phí lưu thông.
- Đối với các đơn vị gán thu bù chi, các đơn vị hưởng từ nguồn viện trợ của nước ngoài thì trích từ nguồn thu, nguồn viện trợ để nộp bảo hiểm xã hội và hạch toán vào chi phí quản lý.
b. 5% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động:
Cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động trích từ tiền lương hàng tháng của từng người nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội cùng một lúc với 10% đóng góp của cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động.
3. Quỹ tiền lương trích nộp bảo hiểm xã hội:
a. Khu vực sản xuất kinh doanh:
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn... chưa thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Pháp lệnh hợp đồng lao động thì nộp 15% tính trên quỹ tiền lương cấp bậc và các khoản phụ cấp khu vực, trách nhiệm, đắt đỏ (nếu có) theo Nghị định số 26-CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ và Nghị định số 05-CP ngày 26-1-1994 của Chính phủ.
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn... đã thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động thì nộp 15% bảo hiểm xã hội trên quỹ tiền lương theo hợp đồng đã ký kết.
b. Khu vực hành chính sự nghiệp:
- Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, các hội... nộp 15% bảo hiểm xã hội tính trên quỹ tiền lương, bao gồm: tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp khu vực, đắt đỏ, chức vụ, thâm niên, chức vụ dân cử (nếu có) theo Nghị định số 05-CP ngày 26-1-1994 của Chính phủ, Quyết định số 35NQ-TW ngày 17-5-1993 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội và Quyết định số 69-QĐ-TW ngày 17-5-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quyết định số 574-TTg ngày 25-11-1993 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 25-TT-LB ngày 13-9-1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Tài chính.
c. Đối với các xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu chế xuất, đặc khu kinh tế, các văn phòng đại diện hoặc các tổ chức khác của nước ngoài đặt tại Việt Nam nộp 15% tính trên quỹ lương hợp đồng.
Việc tổ chức thu bảo hiểm xã hội do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hợp đồng (có mẫu kèm theo) với các cơ quan hữu quan để thu vào Tài khoản 94.2 - "Thu bảo hiểm xã hội" tại Kho bạc Nhà nước do Sở Tài chính - Vật giá là chủ tài khoản. Hàng tháng, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm tổng hợp báo cáo số thu bảo hiểm xã hội về Bộ Tài chính và chuyển số thu bảo hiểm xã hội từ Tài khoản 94.2 "Thu bảo hiểm xã hội" của Sở Tài chính - Vật giá sang Tài khoản 94.2 "Thu bảo hiểm xã hội" của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Tài khoản 94.2 "Thu bảo hiểm xã hội" của cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh (đối với những tỉnh đã thành lập cơ quan bảo hiểm xã hội) để có nguồn chi trả kịp thời lương hưu và trợ cấp xã hội.
- Đối với các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ) thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng thu với Sở Tài chính - Vật giá địa phương để trích nộp.
- Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể do Ngân sách Trung ương cấp kinh phí, các đơn vị gán thu bù chi, các đơn vị do nguồn viện trợ nước ngoài trả lương cho người lao động mà trụ sở của các đơn vị đóng trên địa bàn của địa phương thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan hệ trực tiếp với các đơn vị đó để thu bảo hiểm xã hội.
- Ở các tỉnh, thành phố đã thành lập cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương thì cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức hợp đồng với các cơ quan, đơn vị để thu nộp bảo hiểm xã hội và thu bảo hiểm xã hội của các đơn vị , tổ chức thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thay cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Việc tổ chức thu nộp bảo hiểm xã hội đối với quân nhân thuộc lực lượng vũ trang sẽ có hướng dẫn riêng.
Số tiền thu được về bảo hiểm xã hội theo hợp đồng phải được chuyển cho quỹ bảo hiểm xã hội trước gày 15 của tháng cuối quý và gửi danh sách các đơn vị nộp bảo hiểm xã hội cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (có mẫu kèm theo).
Để từng bước đưa việc thu bảo hiểm xã hội vào nền nếp, tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị triển khai tổ chức bảo hiểm xã hội theo Nghị định 43-CP, việc thu bảo hiểm xã hội phải gắn với việc xét duyệt hồ sơ người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của các đối tượng. Các đơn vị có hồ sơ nộp để đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội mà chưa nộp bảo hiểm xã hội kể từ tháng 1-1994 thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải truy nộp đủ bảo hiểm xã hội từ tháng 1-1994 và phải nộp phạt theo lãi suất vay ngắn hạn của Ngân hàng tại thời điểm truy nộp tính trên tổng số tiền còn phải nộp bảo hiểm xã hội.
IV. LỆ PHÍ THU BẢO HIỂM XÃ HỘI
Các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia việc thu bảo hiểm xã hội được hưởng mức lệ phí thu như sau:
- Ngành thuế hoặc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp thu bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp thì được hưởng 0,5% (không phẩy năm phần trăm) trên tổng số thực thu nộp vào Tài khoản 94.2 - "Thu bảo hiểm xã hội".
- Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc ngành Tài chính nếu tổ chức trực tiếp thu bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp (kể cả đơn vị gán thu bù chi) thì được hưởng 0,25% (không phảy hai lăm phần trăm) trên tổng số tiền thực nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội. (Việc sử dụng khoản lệ phí này sẽ có hướng dẫn riêng).
Lệ phí thu bảo hiểm xã hội do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội trích từ số bảo hiểm xã hội đã thu, được trả sau 10 ngày kể từ ngày nhận được tiền thu bảo hiểm xã hội và được quyết toán vào Mục 75 Nghiệp vụ phí mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành theo Loại, Khoản, Hạng tương ứng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1994 cho đến khi có hướng dẫn mới.
Mọi Quy định trước đây về việc thu nộp bảo hiểm xã hội trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ (kể cả việc trích lại 2% quỹ lương để trợ cấp khó khăn cho công nhân viên chức theo Thông tư số 06-TT-LB ngày 24-3-1989 của Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Sở Tài chính - vật giá, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra các đơn vị về việc nộp đúng, nộp đủ bảo hiểm xã hội. Nếu phát hiện đơn vị chưa nộp hoặc nộp không đủ, cán bộ kiểm tra lập biên bản và thực hiện truy thu.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính để hướng dẫn bổ sung.
Nguyễn Thị Hằng (Đã ký) | Tào Hữu Phùng (Đã ký) |
- 1Thông tư 33/TT-LB năm 1994 bổ sung Thông tư 19/TT-LB về quản lý thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý do Liên Bộ Lao động thương binh và xã hội - Tài chính ban hành
- 2Quyết định 100/2000/QĐ-BTC công bố Danh mục Thông tư liên tịch đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Quyết định 202-HĐBT năm 1988 về tiền lương công nhân, viên chức sản xuất, kinh doanh khu vực quốc doanh và công tư hợp doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Quyết định 203-HĐBT năm 1988 về tiền lương công nhân, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Nghị định 26-CP năm 1993 quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp
- 4Nghị định 43-CP năm 1993 quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội
- 5Quyết định 574-TTg năm 1993 bổ sung chế độ đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 5-CP năm 1994 quy định tạm thời việc thực hiện mức lương mới đối với người đương nhiệm trong các cơ quan của NN, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp; điều chỉnh mức lương hưu, mức trợ cấp đối với các đối tượng CSXH
- 7Thông tư 1108/TTLB năm 1993 hướng dẫn Nghị định 30-CP và Chỉ thị 226-TTg về công tác thi hành án dân sự do Bộ tư pháp và Bộ Quốc phòng ban hành
- 8Quyết định 69-QĐ/TW năm 1993 về việc quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của cán bộ, công nhân viên cơ quan Đảng, đoàn thể do Ban Bí thư ban hành
Thông tư liên bộ 19-TT-LB năm 1994 hướng dẫn tạm thời về thu quỹ 15% bảo hiểm xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý do Bộ Tài chính -Lao động - Thương Binh xã hội ban hành
- Số hiệu: 19-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 07/03/1994
- Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Thị Hằng, Tào Hữu Phùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1994
- Ngày hết hiệu lực: 01/07/2000
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra