Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
BỘ QUỐC PHÒNG
BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 179-TT/QP/NV/TC

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1974 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 178-CP NGÀY 20-7-1974 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 Ngày 20 tháng 07 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đả ra Quyết định số 178-CP sửa đổi chính sách đối với quân nhân chuyển ngành, phục viên.

Liên Bộ Quốc phòng – Nội vụ - Tài chính, sau khi đã thống nhất với Bộ Lao động ra thông tư này hướng dẫn thực hiện cụ thể chính sách đối với quân nhân phục viên nói ở điểm 1 và điểm 2, mục B của Quyết định số 178-CP của Hội đồng Chính phủ.

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH PHỤC VIÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 178-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Những quân nhân thuộc diện sau đây, phục viên về gia đình từ ngày 1 tháng 7 năm 1974 trở về sau, thuộc đối tượng được hưởng chính sách phục viên theo Quyết định số 178-CP ngày 20-7-1974 của Hội đồng Chính phủ:

- Những quân nhân đã công tác liên tục trong Quân đội từ 5 năm tròn (60 tháng) trở lên, gồm các cán bộ từ cấp chuẩn úy trở lên, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và chiến sĩ;

- Những quân nhân tuy chưa đủ thời gian công tác liên tục trong Quân đội  từ 5 năm tròn trở lên nhưng là thương binh đựơc xếp hạng thương tật (từ hạng 1 đến hạng 8); những quân nhân do chiến đấu công tác ở chiến trường B, C mà mắc bệnh kinh niên, mãn tính, có giấy xác nhận của y, bác sĩ và giới thiệu của thủ trưởng các đơn vị Quân đội từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên. (Số mang bệnh từ nhà vào đơn vị, đi chiến trường một thời gian rồi bị tái phát thì không thuộc diện này).

II. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ.

A. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP

1. Quân nhân thuộc diện nói ở mục I trên đây, khi phục viên được hưởng:

a) Trợ cấp một lần: Trước khi phục viên quân nhân phục viên được hưởng khoản trợ cấp một lần, tính gheo thời gian phục vụ liên tục của mỗi người.

Nếu là quân nhân hưởng lương (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) thì cứ mỗi năm phục vụ được tính bằng một nửa (1/2) tháng lương chính và các khoản phụ cấp thương xuyên khác trước khi phục viên gồm phụ cấp thâm niêm, phụ cấp quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp, phụ cấp trách nhiệm đối với quân nhân chuyên nghiệp lái xe con, và phụ cấp khu vực, trợ cấp con (nếu có).

Nếu là quân nhân hưởng chế độ cung cấp thì cứ mỗi năm phục vụ thì được tính bằng một nửa (1/2) tháng sinh hoạt phí trước khi phục viên. Sinh hoạt phí gồm:

- Tiền ăn theo mức quy định thống nhất là 21 đồng một tháng,

- Tiền quân trang 6 đồng một tháng,

- Tiền phụ cấp tiêu vặt theo cấp quân hàm và theo năm phục vụ của mỗi người trước khi phục viên.

Thời gian phục vụ được tính để hưởng khoản trợ cấp một lần nói trên là thời gian công tác liên tục của mỗi người, kể từ ngày được tuyển dụng vào làm việc ở cơ quan từ cấp huyện, thị xã trở lên (cơ quan dân, chính, đảng, thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung, Quân đội) cho đến ngày phục viên.

Trường hợp  trước đây đã phục viên hoặc thôi việc sau đó tái ngũ, hoặc được tuyển dụng lại một thời gian rồi vào Quân đội, nay lại phục viên thì thời gian để tính hưởng trợ cấp một lần, chỉ tính từ ngày tái ngũ hoặc ngày tuyển dụng trở lại cho đến ngày phục viên.

Đối với thương binh được xếp hạng thương tật (từ hạng 1 đến hạng 8); đối với bệnh binh ở chiến trường B, C bị bệnh kinh niên, mãn tính, khoản trợ cấp một lần theo cách tính trên đây nếu chưa bằng 2 tháng rưỡi lương, phụ cấp sinh hoạt phí thì được trợ cấp cho bằng 2  tháng rưỡi lương, phụ cấp hoặc sinh hoạt phí theo như mức của những người có 5 năm tròn phục vụ trong Quân đội.

Ví dụ 1: Một quân nhân, lương chính là 54 đồng ở vùng có phụ cấp khu vực 10% có 12 năm công tác ở cơ quan Nhà nước, có 6 năm tròn phục vụ trong Quân đội, trợ cấp một lần như sau:

Lương và phụ cấp hàng tháng là:

- Lương chính                                 =  54,00 đ

- Phụ cấp thâm niên 54đ x 6%      =     3,24 đ

- Phụ cấp khu vực 54đ x 10%        =     5,40 đ

                                              Cộng       62,64 đ

Trợ cấp một lần trước khi phục viên là:

62,64 x 18 năm

=  563,76 đồng.

2

Ví dụ 2: Một quân nhân bị thương được xếp hạng 2, có mức sinh hoạt phí 34 đồng, có 3 năm tuổi quân, trợ cấp một lần trước khi phục viên là:

Có 3 năm tuổi quân, khoản trợ cấp một lần chưa bằng mức 2 tháng rưỡi sinh hoạt phí, nên được trợ cấp bằng 2 tháng rưỡi sinh hoạt phí: 34đ x 2,5 = 85 đồng.

b) Trợ cấp hàng tháng: Kể từ ngày phục viên, quân nhân phục viên được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng, tính theo thời gian phục vụ liên tục trong Quân đội của mỗi người, cụ thể như sau:

- Nếu là quân dân hưởng lương: cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội, được trợ cấp hàng tháng bằng 20% mức lương chính thức của một tháng trước khi phục viên.

Mức độ trợ cấp hàng tháng tính trên đây, nếu chưa bằng 12 đồng một  tháng thì cũng được trợ cấp bằng 12 đồng một tháng.

- Nếu là quân nhân hưởng chế độ cung cấp, có từ 5 năm tròn đến 10 năm tròn phục vụ trong Quân đội, được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng bằng 10 đồng; những người có trên 10 năm phục vụ trong Quân đội, thì cứ thêm mỗi năm phục vụ, được hưởng thêm trợ cấp một đồng một tháng.

Thời gian phục vụ trong Quân đội của  mỗi người được tính để định mức trợ cấp hàng tháng tính theo tuổi quân đã được xác định trước khi phục viên như đã nói trong nghị định số 334-NĐ ngày 8-11-1957 và quy định số 247-QP ngày 30-9-1965 của Bộ Quốc phòng.

Thời gian đựơc hưởng khoản trợ cấp hàng tháng nói trên, nhiều nhất là bằng một nửa (1/2)  thời gian phục vụ trong Quân đội của mỗi người, kể từ ngày phục viên.

Đối với những quân nhân đã nhập ngũ trước ngày 20 tháng 7 năm 1954 nếu tính đến ngày phục viên đã có đủ 20 năm công tác liên tục thì được hưởng trợ cấp hàng tháng nói trên cho đến khi chết.

Đối với thương binh xếp hạng thương tật (từ hạng 1 đến hạng 8), đối với  bệnh binh ở chiến trường B, C bị bệnh kinh niên mãn tính, thời gian được hưởng trợ cấp hàng tháng theo cách tính trên đây, nếu chưa bằng 2 năm rưỡi (30 tháng) thì được trợ cấp hàng tháng trong thời gian 2 năm rưỡi (30 tháng) như thời gian được hưởng trợ cấp hàng tháng của những người có 5 năm tròn phục vụ trong Quân đội.

Ví dụ 1: Một quân nhân có mức lương chính 54 đồng và có 5 năm phục vụ trong cơ quan, xí nghiệp Nhà nước và 15 năm phục vụ trong Quân đội được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

54 đồng x 2 x 15 (năm trong Quân đội)

= 16,20đ

100

Mỗi tháng được hưởng 16,20đ,  trong thời gian 7 năm rưỡi, kể từ ngày phục viên (Không tính thời gian 5 năm đã phục vụ ở cơ quan xí nghiệp Nhà nước).

Ví dụ 2: Một quân nhân hưởng chế độ cung cấp có 15 năm phục vụ trong Quân đội, được hưởng trợ cấp hàng tháng là 15 đồng.

Mỗi tháng được hưởng 15 đồng, trong thời gian 7 năm rưỡi, kể từ ngày phục viên.

Ví dụ 3: Một quân nhân hưởng chế độ cung cấp, bị thương xếp hạng 2, có 3 năm phục vụ trong Quân đội, khi phục viên được hưởng trợ cấp như sau:

Có 3 năm phục vụ trong Quân đội, thời gian được hưởng trợ cấp hàng tháng  chưa bằng 2 năm rưỡi (30 tháng) nên được hưởng trợ cấp hàng tháng trong thời gian 2 năm rưỡi (30 tháng) theo mức mỗi tháng 10 đồng.

2. Quân nhân là thương binh, được xếp hạng thương tật, khi phục viên về gia đình hoặc chuyển sang trại an dưỡng của Nhà nước thì ngoài khoản trợ cấp thương tật về gia đình như đã quy định ở điều 9 của Điều lệ tạn thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân … còn được hưởng khoản trợ cấp phục viên theo như quy định của điểm 1, 2 mục B của Quyết định số 178-CP ngày 20-7-1974 của Hội đồng Chính phủ.

Riêng đối với những quân nhân hưởng lương là thương binh, khi phục viên về gia đình hoặc chuyển sang trại an dưỡng, mức trợ cấp hàng tháng gồm cả 2 khoản trợ cấp thương tật và trợ cấp phục viên hàng tháng công lại, nhiều nhất cũng không vượt quá mức lương chính hàng tháng của mỗi người trước khi phục viên.

Ví dụ 1:  Một quân nhân hưởng chế độ cung cấp có 1, 2 năm phục vụ trong Quân đội, xếp hạng thương tật 3 vinh viễn,  khi phục viên về gia đình được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

- Trợ cấp thương tật hàng tháng khi về gia đình: 14 đồng,

- Trợ cấp phục viên hàng tháng khi về gia đình: 12 đồng/tháng (trong thời gian 6 năm kể từ ngày phục viên)

Cộng là 26 đồng một tháng.

Hết thời hạn lĩnh trợ cấp phục viên trong 6 năm thì chỉ tiếp tục lĩnh trợ cấp thương tật hàng tháng là 14 đồng.

Ví dụ 2: Một quân nhân hưởng lương, có mức lương chính là 54 đồng, có 18 năm phục vụ trong Quân đội, bị thương xếp hạng 7  khi phục viên về gia đình được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

- Trợ cấp hương tật hàng tháng (hạng 7 bằng 70% lương):  đồng

- Trợ cấp phục viên hàng tháng: đồng (hưởng trong thời gian 9 năm)

Cộng là: 57,24 đồng

Nhưng vì mức trợ cấp 57,24 đồng cao hơn lương chính trước khi phục viên (54 đồng), nên hàng tháng chỉ được hưởng trợ cấp bằng mức lương chính trước khi phục viên là 54 đồng:

- Trợ cấp thương tật hàng tháng :37,80 đồng

- Trợ cấp phục viên hàng tháng

 54 – 37,80đ  = 16,20 đống

(trong thời gian 9 năm)

Cộng: 54 đồng

Hết thời hạn lĩnh trợ cấp phục viên trong 9 năm sẽ chỉ tiếp tục lĩnh trợ cấp thương tật hàng tháng là 37,80 đ.

3.  Những quân nhân bị thương, bị bệnh do các đơn vị Quân đội chuyển về các trạm, trường thuộc ngành thương binh xã hội của Nhà nước trước đây theo quy định trong thông tư số 51-TTg/NC ngày 17-05-1965 của Hội đồng Chính Phủ, nay nếu được chuyển về gia đình thì cũng được thực hiện theo chính sách phục viên như đã  hướng dẫn thêm ở điểm 1 và 2 trên đây:

- Thời gian để tính các khoản trợ cấp lần đầu, được tính cả thời gian phục vụ ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước (nếu có), thời gian phục vụ trong Quân đội và thời gian học tập, công tác, lao động sản xuất ở các trạm, trường thuộc ngành thương binh xã hội.

- Thời gian để tính hưởng trợ cấp phục viên hàng tháng, chỉ tính theo tuổi quân đã được xác nhận trước khi chuyển sang các trạm, trường thuộc ngành thương binh xã hội.

4. Quân nhân phục viên về địa phương vì vi phạm pháp luật bị kết án phạt giam thì trong thời gian bị phạt giam không được tiếp tục hưởng khoản trợ cấp phục viên hàng tháng. Sau khi hết hạn phạt giam, thì Ủy ban hành chính tỉnh,  thành phố xem xét và Quyết định, tùy theo tội nặng nhẹ mà tiếp tục cho hưởng hoặc không cho hưởng trợ cấp, theo như quy định ở điều 4 của Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu…

B. CHẾ ĐỘ TẠM HOÃN ĐI DÂN CÔNG VÀ LAO ĐỘNG NGHĨA VỤ

1. Quân nhân về địa phương đựơc tạm hõan đi dân công và lao động  nghĩa vụ trong thời gian 1 năm đầu, kể từ ngày về địa phương.

2. Những quân nhân đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường, bị bệnh kinh niên, mãn tính, sau thời gian một năm đầu được tạm hoãn đi dân công, nếu bệnh cũ tái phát, sức khỏe vẫn còn giảm sút, được y, bác sĩ ở địa phương đề nghị, thì được xét tạm hoãn thêm một thời gian cho đến khi sức khỏe hồi phục.

3. Quân nhân bị thương được xếp hạng (từ hạng 1 đến hạng 8) thì được miễn làm nghĩa vũ dân công theo như chính sách đã quy định.

III. TỔ CHỨC VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

Căn cứ theo nghị quyết số 178-CP ngày 20-7-1974 của hội Hội đồng Chính Phủ, để bảo đảm việc tổ chức thực hiện chính sách được chu đáo, Liên Bộ xác định rõ thêm một số điểm sau đây:

1. Việc tổ chức và cấp phát trợ cấp một lần, cấp sổ trợ cấp phục viên hàng tháng cho quân nhân phục viên trước khi chuyển ra ngoài do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.

Sổ trợ cấp phục viên (theo mẫu thống nhất gửi kèm theo) sẽ do thủ trưởng đơn vị quản lý quân nhân trước khi phục viên từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên, ký tên và đóng dấu.

Kể từ ngày phục viên, quân nhân phục viên sẽ dùng sổ trợ cấp phục viên để lĩnh trợ cấp, mỗi quý một lần, tại địa phương nơi sinh sống hoặc cư trú.

2. Việc cấp phát khoản trợ cấp hàng tháng cho quân nhân phục viên kể từ ngày phục viên sẽ do một cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước đảm nhiệm.

Trong  khi chờ đợi có sự phân công trách nhiệm của Chính phủ, từ nay đế hết năm 1975, Quân đội tạm thời tổ chức việc cấp phát trợ cấp hàng tháng cho quân nhân phục viên theo các quy định nói ở điểm 2 mục B của Quyết định số 178-CP của Hội đồng Chính Phủ. Từ ngày 01 tháng 01 năm 1976 trở đi, việc cấp phát khoản trợ cấp này sẽ do một cơ quan có trách nhiệm bên ngoài Quân đội đảm nhiệm.

Khoản trợ cấp hàng năm do quân nhân phục viên do ngân sách Nhà nước đài thọ, Bộ Quốc phòng dự trù và quyết toán với Bộ Tài chính.

Những nội dung hướng dẫn ở mục I và II trên đây được thi hành thống nhất kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1974 và áp dụng đối với cả cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang thuộc diện phục viên về gia đình.

 

BỘ QUỐC PHÒNG

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Trung tướng Trần Quý Hải

BỘ NỘI VỤ

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Lê Đình Thiệp

BỘ TÀI CHÍNH

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Hoàng Văn Diệm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 179-TT/QP/NV/TC năm 1974 hướng dẫn chính sách đối với quân nhân phục viên do Liên bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính ban hành.

  • Số hiệu: 179-TT/QP/NV/TC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 12/11/1974
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính
  • Người ký: Hoàng Văn Diệm, Lê Đình Thiệp, Trần Quý Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 27/11/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản