Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1537/KCM-NN&PTNN

Hà Nội , ngày 15 tháng 7 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG - NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 1537/KCM-NN & PTNN NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 86/CP NGÀY 08-12-95 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ

Để thực hiện Nghị định 86/CP ngày 08 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá (dưới đây gọi là Nghị định 86/CP), Liên Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện những nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của hai Bộ như sau:

1. Công tác tiêu chuẩn hoá.

1.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành có liên quan cử chuyên gia tham gia vào các Ban kỹ thuật do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành lập tương ứng các Ban kỹ thuật của Tổ chức tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO) và Uỷ ban tiêu chuẩn hoá thực phẩm quốc tế (CAC) để kiến nghị kế hoạch, xây dựng và biên soạn các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), góp ý và chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế cho các đối tượng quy định tại Điều 5 mục 2 - Chương II của Nghị định 86/CP.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tiêu chuẩn ngành (TCN) và quy định việc bắt buộc áp dụng TCVN, TCN cho các đối tượng thuộc phạm vi Bộ quản lý quy định tại Điều 5 mục 2 - Chương II của Nghị định 86/CP.

1.2. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường căn cứ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và xã hội ban hành các TCVN phục vụ các đối tượng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Nghị định 86/CP; giao Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn về nghiệp vụ công tác tiêu chuẩn hoá và chất lượng hàng hoá tại các đơn vị có liên quan.

2. Đăng ký chất lượng hàng hoá

2.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục thuốc thú y được phép sử dụng tại Việt Nam theo Điều 39 của Pháp lệnh thú y và chỉ định Cục thú y là cơ quan cấp đăng ký chất lượng cho các loại thuốc thú y thuộc danh mục nêu trên; đồng thời ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng tại Việt Nam.

Việc quản lý chất lượng đối với giống cây trồng và giống vật nuôi (trừ đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thuỷ sản) được thực hiện theo Nghị định 07/CP ngày 5 tháng 2 năm 1996 về quản lý giống cây trồng và Nghị định 14/CP ngày 19 tháng 3 năm 1996 về quản lý giống vật nuôi của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định danh mục hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng, danh mục chỉ tiêu và mức chất lượng đăng ký đối với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, các sản phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi trước ngày 15 tháng 8 hàng năm để Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố vào tháng 9 hàng năm và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm sau.

2.3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục các hàng hoá phải qua khảo nghiệm, thử nghiệm và chỉ định các cơ quan khảo nghiệm, thử nghiệm các loại hàng hoá này.

Việc cấp đăng ký chất lượng cho các loại hàng hoá có yêu cầu khảo nghiệm, thử nghiệm này chỉ được tiến hành sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.4. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường chỉ định các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tổ chức đăng ký chất lượng và xét cấp đăng ký chất lượng cho các hàng hoá bắt buộc đăng ký chất lượng theo danh mục nêu tại điểm 2.2.

3. Kiểm tra chất lượng hàng hoá

3.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trong phạm vi đối tượng quản lý của mình) cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định danh mục, quy định các chỉ tiêu và mức chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu phải qua kiểm tra Nhà nước về chất lượng trước ngày 15 tháng 8 hàng năm để Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố vào tháng 9 hàng năm và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm sau.

3.2. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thoả thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định các cơ quan kiểm tra chất lượng đối với các hàng hoá sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu thuộc danh mục nói ở điểm 3.1.

Từ nay cho đến hết năm 1996, việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với hàng hoá nhập khẩu vẫn thực hiện theo Danh mục do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 514/QĐ ngày 27 tháng 9 năm 1993 và quy định về việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 397-QĐ ngày 10 tháng 6 năm 1992 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường).

4. Quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường) và các cơ quan hữu quan khác trong việc kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường theo Quyết định số 96/TTg ngày 18 tháng 2 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp quy khác có liên quan.

5. Sản phẩm động vật.

Việc quản lý Nhà nước về chất lượng đối với các sản phẩm động vật được thực hiện theo Pháp lệnh thú y. Danh mục các sản phẩm động vật sẽ do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan phân định.

6. Tổ chức thực hiện.

6.1. Hai Bộ chỉ định các cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện Thông tư này như sau:

. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Các cơ quan đầu mối của hai Bộ có trách nhiệm thường xuyên trao đổi thông tin và báo cáo lãnh đạo Bộ về những khó khăn vướng mắc để kịp thời giải quyết.

6.2. Các cơ quan đăng ký chất lượng, các cơ quan cấp giấy xác nhận kết quả khảo nghiệm/thử nghiệm, các tổ chức khảo nghiệm và thử nghiệm, các cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá định kỳ hàng quý báo cáo thực hiện công việc được giao về các cơ quan đầu mối tương ứng nói tại điểm 6.1.

6.3. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Định kỳ sáu tháng một lần, Lãnh đạo hai Bộ họp để xem xét việc thực hiện Nghị định 86/CP và Thông tư này, bàn bạc và giải quyết những vấn đề phát sinh .

Chu Hảo

(Đã ký)

Ngô Thế Dân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 1537/KCM-NN&PTNN năm 1996 hướng dẫn Nghị định 86/CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa do Bộ Khoa Học công Nghệ Và Môi Trường - Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn ban hành

  • Số hiệu: 1537/KCM-NN&PTNN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 15/07/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Chu Hảo, Ngô Thế Dân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản