Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI VỤ-TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 13-NV | Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 1964 |
HƯỚNG DẪN VIỆC BÀN GIAO CÔNG TÁC BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ PHÚC LỢI TẬP THỂ
Kính gửi: | - Các ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh |
Thi hành Quyết định số 31-CP ngày 20-3-1963 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn Việt Nam, ở trung ương Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn Việt Nam đã tiến hành việc bàn giao.
Nay Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn ra thông tư này hướng dẫn việc bàn giao giữa Ủy ban hành chính và Liên hiệp Công đoàn các địa phương để kịp thời xác định rõ nhiệm vụ và ổn định tổ chức nhằm làm cho việc chỉ đạo thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội phúc lợi tập thể ở địa phương đi vào nền nếp.
I. ĐIỀU CHỈNH NHIỆM VỤ CÔNG TÁC
Căn cứ nhiệm vụ mới điều chỉnh giữa Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn, từ nay trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể:
1. Ủy ban hành chính có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các chế độ hưu trí, chế độ thôi việc vì mất sức lao động, chế độ tiền chôn cất, tiền tuất, hướng dẫn cách tính thời gian công tác và xác định đối tượng thi hành các chế độ ấy. Cụ thể là ngoài việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường trong địa phương thi hành các chế độ nói trên, Ủy ban hành chính có trách nhiệm tổ chức việc cấp phát sổ và các khoản trợ cấp:
- Trợ cấp hưu trí (trợ cấp khi mới về nghỉ và trợ cấp hàng tháng dài hạn);
- Trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động (trợ cấp khi mới về nghỉ và trợ cấp hàng tháng dài hạn), kể cả trường hợp chưa đủ 5 năm công tác liên tục chỉ được trợ cấp một lần;
- Trợ cấp thương tật cho những người được xác định phải thôi việc vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (kể cả trợ cấp khi mới về và trợ cấp hàng tháng dài hạn);
- Tiền mua sắm các phương tiện như: chân, tay, mắt giả, kính đeo mắt v.v... từ lần thứ hai trở đi cho những người bị tai nạn lao động đã thôi việc.
- Tiền tàu xe đi bệnh viện theo chế độ đã quy định cho những người được hưởng trợ cấp hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đã nói trên;
- Trợ cấp tiền chôn cất và tiền tuất (kể cả trợ cấp dài hạn và trợ cấp lúc đầu)
Ủy ban hành chính có nhiệm vụ quản lý quỹ về các chế độ trợ cấp nói trên, làm dự trù ngân sách cho các chế độ ấy và quản lý các nhà an dưỡng, dưỡng lão do địa phương tổ chức hay do Bộ nội vụ phân cấp quản lý sau này
2. Liên hiệp Công đoàn các địa phương có trách nhiệm quản lý và chỉ đạo thực hiện các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức còn đương công tác thuộc cả hai khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp như sau:
- Chế độ trợ cấp khi công nhân, viên chức ốm đau, và khi công nhân, viên chức nghỉ việc để trông nom con nhỏ ốm đau (kể cả việc hướng dẫn cách tính thời gian công tác để hưởng trợ cấp ốm đau);
- Chế độ trợ cấp khi nữ công nhân, viên chức có thai và khi đẻ (kể cả trợ cấp mất sữa);
- Chế độ trợ cấp thương tật khi công nhân, viên chức bị tai nạn lao động và bị bệnh nghề nghiệp còn tiếp tục công tác;
- Chế độ trợ cấp cho công nhân, viên chức đông con;
- Chế độ trợ cấp cho công nhân, viên chức trường hợp gia đình gặp khó khăn;
- Chế độ nhà trẻ
Liên hiệp Công đoàn các địa phương có trách nhiệm quản lý các sự nghiệp bảo hiểm xã hội (nhà nghỉ mát, dưỡng sức) do địa phương xây dựng hay do Tổng Công đoàn phân cấp quản lý.
Tuy các chế độ hưu trí, thôi việc vì mất sức lao động, tiền tuất được chuyển sang Ủy ban hành chính phụ trách, nhưng Công đoàn các cấp, căn cứ quy định của Luật Công đoàn, vẫn có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành chính sách, tuyên truyền, phổ biến chính sách, và cùng với chính quyền làm tốt công tác tư tưởng, chăm lo giúp đỡ các mặt để công nhân, viên chức khi về hưu hay thôi việc vì mất sức lao động sớm ổn định đời sống. Ngoài ra, Công đoàn các cấp còn có trách nhiệm tham gia với các cơ quan Nhà nước trong việc nghiên cứu, xây dựng và bổ sung chính sách.
Để Ủy ban hành chính có điều kiện phụ trách tốt các chế độ hưu trí, thôi việc vì mất sức lao động, tiền chôn cất và tiền tuất, Liên hiệp Công đoàn cần báo cáo cho Ủy ban biết cụ thể:
- Tình hình thi hành các chế độ ấy từ trước tới nay;
- Tình hình cấp phát trợ cấp và chỉ tiêu nói chung;
- Tình hình cấp phát các sổ trợ cấp;
- Những kinh nghiệm trong công tác quản lý, cấp phát các khoản trợ cấp;
- Những vấn đề mắc mứu và tồn tại.
Căn cứ vào việc điều chỉnh nhiệm vụ nói trên, Liên hiệp Công đoàn sẽ bàn giao cho Ủy ban hành chính các hồ sơ, sổ sách, tài liệu (kể cả hồ sơ cá nhân của công nhân, viên chức về hưu, thôi việc vì mất sức lao động) các danh sách, các số liệu cần thiết về số người được hưởng chế độ, các dự toán, quyết định và chứng từ thanh toán, các sổ trợ cấp hưu trí, sổ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, sổ trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động phải thôi việc, sổ trợ cấp tiền tuất còn lại chưa cấp phát.
1. Biên chế: Các Ủy ban hành chính sẽ căn cứ vào tình hình và khối lượng công tác bảo hiểm xã hội của địa phương mình để đề nghị Bộ Nội vụ xét duyệt số biên chế cần thiết cho công tác này.
Ở các địa phương có nhiều công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh v.v..., Liên hiệp Công đoàn sẽ chuyển những cán bộ chuyên làm công tác này sang Ủy ban hành chính; còn ở các tỉnh khác, số người về hưu và thôi việc vì mất sức lao động có ít, thì Ủy ban hành chính và Liên hiệp Công đoàn địa phương sẽ tùy theo tình hình cụ thể mà bàn bạc, giải quyết việc bố trí cán bộ để đảm bảo công tác cho cả hai bên.
2. Việc thu kinh phí bảo hiểm xã hội và cấp phát trợ cấp năm 1964.
Tại Quyết định số 62-CP ngày 10-4-1964, Hội đồng Chính phủ đã chia tỷ lệ 4,7% so với tổng quỹ tiền lương của công nhân, viên chức mà các cơ quan, xí nghiệp phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội thành hai phần:
a) 1% do Bộ Nội vụ quản lý để chi về các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật lâu dài cho công nhân, viên chức bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải thôi việc, tiền chôn cất và tiền tuất khi công nhân, viên chức chết, và các chi phí về công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và quản lý các sự nghiệp bảo hiểm xã hội do Bộ Nội vụ phụ trách.
b) 3,7% do Tổng Công đoàn quản lý để chi cho các công tác bảo hiểm xã hội khác mà Tổng Công đoàn phụ trách.
Quyết định trên đây có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-1964, nhưng giữa Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn đã thống nhất ý kiến là: cho đến hết tháng 6-1964, Tổng Công đoàn Việt Nam vẫn tiếp tục thu cả 4,7% của các cơ quan, xí nghiệp. Do đó, đối với những công nhân, viên chức về hưu, thôi việc vì mất sức lao động hoặc chết trong 6 tháng đầu năm 1964, Ban Bảo hiểm xã hội của Công đoàn các cơ quan, xí nghiệp vẫn tiếp tục cấp các khoản trợ cấp lúc đầu cho người mới về hưu và thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp tiền chôn cất và trợ cấp lúc đầu cho gia đình người chết, và sẽ quyết toán với Tổng Công đoàn.
Về cấp phát trợ cấp quý I-1964, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã chỉ thị cho các Sở, Ty Tài chính tạm ứng cho các Ủy ban hành chính để có tiền cấp phát cho những người đã về hưu, đã thôi việc vì mất sức lao động và những người đã được hưởng tiền tuất từ năm 1962 và 1963. Số tiền tạm ứng này coi như kinh phí ngân sách Nhà nước cấp trước cho Bộ Nội vụ; Ủy ban hành chính không phải hoàn lại cho Sở, Ty Tài chính nữa mà phải quyết toán với Bộ Nội vụ, coi như kinh phí của Bộ cấp.
Về quý II-1964, các Liên hiệp Công đoàn địa phương đã đảm nhiệm việc cấp phát các khoản trợ cấp về ba chế độ nói trên. Ủy ban hành chính sẽ nhận trách nhiệm cấp phát từ quý III-1964 trở đi.
Còn số tiền (1%) thu được trong quý I và quý II năm 1964, sau khi đã trừ các khoản trợ cấp mà các Công đoàn cơ sở và Liên hiệp Công đoàn đã cấp phát, Tổng Công đoàn sẽ thanh toán với Bộ Nội vụ. Thể thức thanh toán, sẽ có văn bản hướng dẫn các Ủy ban hành chính và Liên hiệp Công đoàn sau, nhưng để việc bàn giao này được nhanh, gọn, các số liệu và tài liệu cần phải đầy đủ và có hai bên xác nhận trước. Thời hạn thanh toán về quý I-1964 chậm nhất hết tháng 5-1964 phải xong, về quý II-1964 chậm nhất hết tháng 8-1964 phải xong.
Về các khoản kinh phí còn thừa về các năm 1962 và 1963, thì Tổng Công đoàn Việt Nam sẽ bàn giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, nên ở các địa phương, Liên hiệp Công đoàn không phải bàn giao cho Ủy ban hành chính nữa.
Đến hết quý II-1964, khi Liên hiệp Công đoàn đã bàn giao sang Ủy ban hành chính thì tất cả các khoản trợ cấp về hưu trí, thôi việc vì mất sức lao động, tuất v.v... từ 30-6-1964 trở về trước đều phải được cấp phát xong. Đối với những trường hợp cá biệt chưa kịp giải quyết, thì Liên hiệp Công đoàn cần bàn giao kèm theo đầy đủ hồ sơ, tài liệu để Ủy ban hành chính tiếp tục giải quyết.
Ở các cơ quan, xí nghiệp, kể từ 01-7-1964, sau khi Liên hiệp Công đoàn đã bàn giao các phần việc nói trên sang Ủy ban hành chính thì Ban Bảo hiểm xã hội của Công đoàn cơ sở sẽ không cấp phát khoản trợ cấp cho công nhân, viên chức khi mới về hưu mới thôi việc vì mất sức lao động và các khoản trợ cấp khi công nhân, viên chức chết. Các khoản trợ cấp này sẽ do thủ trưởng cơ quan, giám đốc xí nghiệp đề nghị với Ủy ban hành chính (khu, thành, tỉnh) là cơ quan quản lý kinh phí về các chế độ nói trên cấp phát. Khi ra quyết định cho công nhân, viên chức về hưu hay thôi việc vì mất sức lao động, thì cấp quản lý công nhân, viên chức ấn định cả mức trợ cấp được hưởng hàng tháng như mẫu quyết định đã gửi kèm theo công văn số 1194-TBAT ngày 31-3-1964 của Bộ Nội vụ. Ban Bảo hiểm xã hội của Công đoàn cơ sở có trách nhiệm tham gia ý kiến về mức trợ cấp đó.
3. Thời hạn bàn giao: Nhận được thông tư này, Ủy ban hành chính và Liên hiệp Công đoàn các địa phương cần tiến hành việc bàn giao để sớm ổn định tổ chức, đưa công việc vào nền nếp chậm nhất đến 15-6-1964, mọi việc bàn giao phải xong, để kể từ ngày 01-7-1964 Ủy ban hành chính cũng như Liên hiệp Công đoàn có thể phụ trách các nhiệm vụ mới được điều chỉnh như trên đây.
Riêng đối với Công đoàn Đường Sắt Việt Nam, Công đoàn Hậu cần Việt Nam, Công đoàn Khu gang thép Thái nguyên, Liên hiệp Công đoàn các cơ quan trung ương vì có những đặc điểm riêng, nên Tổng Công đoàn và Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn cách thức bàn giao các phần việc nói trên sang cơ quan Nhà nước sau.
Nhận được thông tư này, đề nghị Ủy ban hành chính và Liên hiệp Công đoàn tích cực chuẩn bị và tiến hành việc bản giao cho tốt. Nếu có vấn đề gì còn mắc mứu thì trao đổi với Bộ Nội vụ và Tổng công đoàn .
Nơi nào bàn giao xong, đề nghị báo cáo cho Bộ Nội Vụ và Tổng Công đoàn biết.
TM. BAN THƯ KÝ | TM. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 31-CP năm 1963 về việc điều chỉnh một số nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Công an, Bộ Y tế và Tổng Công đoàn Việt Nam do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 62-CP năm 1964 về việc trích một phần quỹ bảo hiểm xã hội giao cho Bộ Nội vụ quản lý do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 127-TTg năm 1961 về chuyển chế độ nhà ăn theo hình thức phúc lợi tập thể do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 162-CT năm 1985 về tăng cường công tác bảo hiểm xã hội đối công nhân viên chức do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư liên bộ 13-NV năm 1964 hướng dẫn bàn giao công tác bảo hiểm xã hội phúc lợi tập thể do Bộ Nội vụ - Tổng công đoàn Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 13-NV
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 23/04/1964
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Tổng Công đoàn Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra