Hệ thống pháp luật

BỘ LÂM NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TT/LB

Hà Nội , ngày 13 tháng 3 năm 1982

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP - TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 10-TT/LB NGÀY 13 THÁNG 3 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 88-HĐBT NGÀY 24-9-1981 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ LẬP QUỸ NUÔI RỪNG.

Ngày 24 tháng 9 năm 1981 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 88-HĐBT về việc lập quỹ nuôi rừng.

Để thi hành quyết định trên Liên Bộ Lâm Nghiệp - Tài chính đã ra quyết định về việc thu tiền nuôi rừng. Nay liên Bộ Lâm nghiệp - Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc lập và sử dụng quỹ nuôi rừng như sau,

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Quỹ nuôi rừng là một bộ phận của ngân sách Trung ương được hình thành từ khoản thu tiền nuôi rừng (sau khi đã trừ 10% nộp ngân sách địa phương) và chuyên dùng cho các việc đã quy định trong Điều 5 Quyết định số 88-HĐBT (dưới đây gọi tắt là vốn xây dựng rừng và kinh phí bảo vệ rừng). Nhà nước giao cho Bộ Lâm nghiệp tổ chức, chỉ đạo lập và sử dụng quỹ nôi rừng để xây dựng và bảo vệ rừng một cách có hiệu quả.

2. Quỹ nuôi rừng được sử dụng thống nhất cho nhu cầu cả nước bao gồm nhu cầu của các đơn vị, tổ chức thuộc Trung ương và nhu cầu của các đơn vị tổ chức thuộc địa phương quản lý theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và phải quản lý theo quy định tại Thông tư liên bộ số 26-TT/LB ngày 17-7-1981 và hướng dẫn trong Thông tư liên bộ này.

II. NỘI DUNG THU VÀ CHI QUỸ NUÔI RỪNG

A. NGUỒN THU CỦA QUỸ NUÔI RỪNG

1. Tiền nuôi rừng thu được từ các loại sản phẩm lấy ở rừng. Mức thu của từng loại được quy định cụ thể trong Quyết định số 1101-QĐ/LB ngày 23-10-1981 của liên bộ Lâm nghiệp - Tài chính và các văn bản được bổ sung tiếp theo.

2. Tiền phạt và các khoản bồi thường do việc xử lý các vụ phạm pháp về lâm nghiệp.

B. PHẦN CHI CỦA QUỸ NUÔI RỪNG

Quỹ nuôi rừng được chi cho việc sau đây:

1. Chi sự nghiệp.

Chi công tác quản lý rừng:

- Chi xác định ranh giới giữa lâm phận rừng các loại để xây dựng thành tiểu khu rừng;

- Chi về giao đất giao rừng cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các đơn vị kinh tế quốc doanh ngoài lâm nghiệp, cơ quan, quân đội, trường học theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước.

Chi cho công tác bảo vệ rừng:

- Chi phòng chống cháy rừng;

- Chi phòng trừ sâu bệnh;

- Chi huấn luyện lực lượng quần chúng bảo vệ rừng và tuyên truyền nhân dân bảo vệ rừng.

- Chi cho lực lượng kiểm lâm nhân dân và các cán bộ bán chuyên trách về quản lý bảo vệ rừng theo chính sách chế độ của Nhà nước.

b) Chi cho việc điều chế rừng:

- Xây dựng phương án chương trình điều chế;

- Áp dụng phương án chương trình điều chế vào thực địa bao gồm công tác lâm sinh trước và sau khai thác hàng năm.

c) Chi hỗ trợ nhân dân trồng cây phân tán, thực hiên theo nguyên tắc dân trồng, dân hưởng, Nhà nước hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng đơn vị điển hình, xây dựng vườn ươm, và bù lỗ cho các đơn vị cung cấp giống, cây con khi cần thiết.

2. Chi đầu tư xây dựng cơ bản

a) Chi trồng rừng mới, phủ xanh đồi trọc.

b) Chi tu bổ, cải tạo tái sinh rừng tự nhiên.

c) Chi đầu tư góp vốn cùng hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trong các vùng quy hoạch trồng rừng tập trung đã được giao đất giao rừng nhằm cung cấp nguyên liệu cho Nhà nước (dưới đây gọi tắt là Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất).

d) Chi cho công tác xây dựng cơ bản nhằm phục vụ cho việc trồng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo, quản lý và bảo vệ rừng như xây vườn ươm cây con, đường sá, thuỷ lợi, nhà cửa (nhà ở, nhà làm việc, nhà kho, hội trường, câu lạc bộ, trạm xá, bênh xá, trường học ...), mua sắm máy móc thiết bị và tài sản cố định khác.

3. Các khoản chi tiêu nói trên căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, tài chính do Bộ Lâm nghiệp quy định. Riêng định mức tài chính Bộ Lâm nghiệp cần thoả thuận với Bộ Tài chính trước khi ban hành.

Các đơn vị không được dùng quỹ nuôi rừng chi vào việc khác ngoài các quy định trên đây, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) không dự toán và cấp phát cho các nội dung chi tiêu nói trên trừ trường hợp Bộ Lâm nghiệp chuyển tiền và uỷ nhiệm cho ngân sách địa phương cấp phát.

 

III. TỔ CHỨC LẬP KẾ HOẠCH, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ QUYẾT TOÁN KẾT QUẢ THU VÀ CHI QUỸ NUÔI RỪNG

1. Lập kế hoạch thu và chi quỹ nuôi rừng.

Từng thời kỳ kế hoạch Bộ lâm nghiệp chỉ đạo việc lập kế hoạch thu và chi quỹ nuôi rừng, đồng thời với kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản, sự nghiệp bảo vệ rừng trong toàn ngành. Bộ Lâm nghiệp giao số kiểm tra thu và chi hướng dẫn, xét duyệt và giao nhiệm vụ kế hoạch cho các sở, Ty lâm nghiệp và các đơn vị trực thuộc. Các Sở, Ty lâm nghiệp và các đơn vị trực thuộc giao số kiểm tra, hướng dẫn xét duyệt và giao nhiệm vụ kế hoạch cho các đơn vị thuộc mình quản lý.

a) Kế hoạch thu, nộp:

- Các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp trực tiếp khai thác lâm sản, căn cứ vào số kiểm tra và hướng dẫn của cơ quan chủ quản cấp trên để lập kế hoạch nộp tiền nuôi rừng.

- Các đơn vị thuộc lực lượng kiểm lâm nhân dân căn cứ vào khả năng vốn rừng hiện có và tình hình khai thác lâm sản dự kiến mức độ có thể cho phép các đơn vị quốc doanh, ngoài quốc doanh khai thác lâm nghiệp và các tập thể, cá thể khai thác sản phẩm của rừng trong khu vực mình quản lý để lập kế hoạch thu, nộp tiền nuôi rừng.

Sau khi được cơ quan chủ quản cấp trên duyệt kế hoạch thu, nộp tiền nuôi rừng thì đơn vị có kế hoạch được duyệt phải thông báo trong phạm vi 10 ngày (kể từ khi đơn vị nhận được thông báo duyệt) cho cơ quan tài chính địa phương biết.

b) Kế hoạch chi:

Chi về sự nghiệp.

Căn cứ để xây dựng kế hoạch chi về sự nghiệp thuộc quỹ nuôi rừng và biên chế của lực lượng kiểm lâm nhân dân, là dự toán chi phí của đơn vị sự nghiệp khác tính theo từng dịch vụ và khối lượng công việc của các đơn vị đó phụ trách trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật, tài chính đã được cấp có thẩm quyền quy định.

Chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Kế hoạch vốn xây dựng cơ bản phải lập theo nhiệm vụ kế hoạch và dự toán về công trình hoặc hạng mục công trình phải đưa vào sử dụng trong năm theo quy định trong điều lệ xây dựng cơ bản hiện hành.

2. Tổng hợp kế hoạch thu, chi quỹ nuôi rừng.

a) Các cơ quan chủ quản cấp trên, đơn vị trực thuộc Bộ quản lý có trách nhiệm xét duyệt, tổng hợp kế hoạch thu, chi quỹ nuôi rừng của các cơ sở thuộc mình quản lý kịp thời gửi về Bộ xét duyệt theo đúng quy định của Bộ Lâm nghiệp (nếu không có cơ quan chủ quản cấp trên thì các đơn vị trực thuộc lập và gửi kế hoạch trực tiếp về Bộ xét duyệt).

b) Sở, Ty lâm nghiệp có trách nhiệm xét duyệt và tổng hợp kế hoạch thu chi quỹ nuôi rừng của các đơn vị thuộc địa phương quản lý (gồm cả phần quốc doanh, hợp tác xã và phần hỗ trợ nhân dân trồng cây, nếu có) trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương cho ý kiến trước khi gửi về Bộ Lâm nghiệp.

c) Bộ lâm nghiệp có trách nhiệm xét duyệt kế hoạch cho các địa phương, các đơn vị trực thuộc và tổng hợp kế hoạch thu và chi quỹ nuôi rừng toàn ngành trong kế hoạch chung của Bộ gửi uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính để xem xét, cân đối chung trong kế hoạch đầu tư của Nhà nước và dự toán ngân sách Nhà nước.

Các Kế hoạch nói trên phải phân chia ra từng quý theo từng loại: các đơn vị quốc doanh thuộc trung ương quản lý, các đơn vị quốc doanh thuộc địa phương quản lý; tập thể, cá thể; phần đầu tư xây dựng cơ bản, phần kinh phí sự nghiệp theo đúng biểu mẫu và thời gian quy định của Bộ Lâm nghiệp.

3. Tổ chức thực hiện kế hoạch

Căn cứ kế hoạch đã được Hội đồng Bộ trưởng duyệt, Bộ Lâm nghiệp thông báo kế hoạch năm (có chia 4 quý) về thu, chi quỹ nuôi rừng co từng Sở, Ty lâm nghiệp từng đơn vị trực thuộc báo phần xây dựng cơ bản cho ngân hàng đầu tư, phần thu quỹ nuôi rừng cho Ngân hàng Nhà nước biết.

Căn cứ vào tiến độ thực hiện của các đơn vị và các địa phương, Bộ Lâm nghiệp điều hoà vật tư, tiền vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi tổng mức đã được Nhà nước duyệt, sau khi đã tham khảo ý kiến của địa phương và thông báo kịp thời cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước biết.

a) Tổ chức thu nộp tiền nuôi rừng.

Các đơn vị có trách nhiệm nộp tiền nuôi rừng phải nộp đúng thời gian và thể lệ đã quy định. Mỗi lần nộp tiền vào quỹ nuôi rừng, các đơn vị phải tiến hành đồng thời nộp 10% vào ngân sách địa phương. Trên giấy nộp tiền vào quỹ nuôi rừng (90%) phải ghi chú số tiền đã nộp vào ngân sách địa phương cùng lần để thay báo cáo.

Đối với đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp.

Tiền nuôi rừng (90%) nộp quỹ nuôi rừng trung ương (do Bộ Lâm nghiệp quy định cụ thể cho phù hợp từng loại hình xí nghiệp) bằng chuyển khoản, đồng thời nộp vào ngân sách địa phương 10% bằng giấy nộp tiền tính theo từng kỳ nộp; mỗi tháng nộp 2 kỳ theo kế hoạch, kì 1 từ ngày 1 đến ngày 5 nộp từ 40 đến 50% kế hoạch, kỳ 2 từ ngày 15 đến ngày 20 nộp từ 60 đến 50% kế hoạch và thanh toán số nộp theo thực tế sau khi được cơ quan kiểm lâm nhân dân xác nhận. Hàng tháng đơn vị phải báo cáo cho cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan tài chính trực tiếp tình hình thực hiện nộp tiền nuôi rừng và thông báo cho cơ quan kiểm lâm nhân dân quản lý khu vực biết. Các chi cục và hạt kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp nộp đúng và đủ tiền nuôi rừng cho quỹ nuôi rừng trung ương và ngân sách địa phương.

Đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh ngoài ngành lâm nghiệp và các cơ quan, quân đội, các tổ chức tập thể, cá thể được phép khai thác lâm sản đặc sản rừng.

Nếu đơn vị, tập thể, cá nhân được phép khai thác những lâm sản chủ yếu như gỗ, củi, tre, nữa... thì phải nộp tiền nuôi rừng ngay từ khi được cấp giấy phép khai thác, đơn vị nào có tài khoản ở ngân hàng thì nhất thiết phải nộp tiền nuôi rừng bằng chuyển khoản, đơn vị, tập thể, cá nhân nào không có tài khoản ở ngân hàng thì được phép nộp bằng tiền mặt cho cơ quan kiểm lâm nhân dân quản lý khu vực. Sau khi khai thác xong, người khai thác phải báo cho kiểm lâm nhân dân biết để đến tại chỗ kiểm tra, xác nhận khối lượng khai thác và thanh toán tiền nuôi rừng theo thực tế.

Đối với những lâm sản khác và đặc sản rừng mà nhân dân những xã nơi có rừng được phép khai thác thì người khai thác phải nộp tiền nuôi rừng tại các hạt, trạm kiểm lâm nhân dân gần nhất. Đối với lâm sản Nhà nước cho phép cơ quan hoặc tổ chức kinh tế có trách nhiệm thu mua tại chỗ thì cơ quan hoặc tổ chức kinh tế thu mua phải nộp tiền nuôi rừng tại các hạt kiểm lâm nhân dân gần nhất.

Hệ thống kiểm lâm nhân dân được liên Bộ lâm nghiệp - Tài chính giao nhiệm vụ thực hiện việc thu nộp tiền nuôi rừng và xử lý các vụ phạm pháp về lâm nghiệp. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, kiểm lâm nhân dân phải có biện pháp tổ chức thu nộp đầy đủ, kịp thời tránh thất thu nộp đầy đủ, kịp thời tránh thất thu và chống các hiện tượng tiêu cực. Những ấn chi thu tiền nuôi rừng do Cục kiểm lâm nhân dân thống nhất ấn hành và quản lý theo nguyên tắc ấn chi thu thuế quy định tại Thông tư số 15-ST/KT ngày 2-1-1958 của Sở thuế Trung ương. Số lượng ấn hành phải báo cho Bộ Lâm nghiệp và Bộ Tài chính biết. Khi các đơn vị kiểm lâm nhân dân lĩnh ấn chi về dùng phải đăng ký với cơ quan tài chính cùng cấp. Hàng quý, năm phải tổng hợp báo cáo quết toán với cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý và cơ quan tài chính cùng cấp về những quyển biên lai đã sử dụng và phải lưu trữ theo chế độ lưu trữ hiện hành.

Hạt kiểm lâm nhân dân được mở tài khoản chuyên thu tại Ngân hàng Nhà nước nơi đóng trụ sở. Tài khoản này để thu tiền nuôi rừng và trích nộp vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ quy định 10% cũng như nộp quỹ nuôi rừng 90% về tài khoản chuyên thu của chi cục. Mức tồn khoản ở hạt không được quá 1000 đồng. Nếu vượt quá mức quy định thì hạt phải làm thủ tục nộp ngay.

Chi cục kiểm lâm nhân dân được mở tài khoản chuyên thu tiền nuôi rừng và nộp theo tỷ lệ quy định như trên. Riêng về tiền quỹ nuôi rừng do các hạt nộp lên thì chi cục cần mở 1 tiểu khoản trong tài khoản chuyển thu để tập trung trước khi chuyển về quỹ nuôi rừng trung ương (số tiển ở tiểu khoản này không nộp ngân sách địa phương). Mức tồn khoản của chi cục (bao gồm tiểu khoản tập trung quỹ nuôi rừng do các hạt nộp lên) không được vượt quá 3000 đồng.

Đối với các trường hợp được phép thu bằng tiền mặt, thì các hạt, chi cục kiểm lâm nhân dân phải nộp kịp thời vào tài khoản chuyển thu tiền nuôi rừng mở tại ngân hàng. Mức tồn quỹ tiền mặt về khoản thu này tại hạt cũng như chi cục không được vượt quá 300 đồng.

Các đơn vị kiểm lâm nhân dân phải báo cáo tình hình thu nộp tiền nuôi rừng hàng tháng theo quy định sau đây:

Ngày 10 tháng sau hạt kiểm lâm nhân dân có báo cáo tháng trước gửi về Chi cục đồng gửi ban tài chính giá cả huyện kèm theo bảng sao kê tài khoản chuyên thu tiền nuôi rừng của hạt có xác nhận của Ngân hàng huyện.

Các chi cục kiểm lâm nhân dân tổng hợp tình hình thu nộp tiền nuôi rừng của tháng trước trong toàn tỉnh kèm theo bảng sao kê tài khoản chuyển thu tiền nuôi rừng của Chi cục có xác nhận của ngân hàng tỉnh gửi về Cục kiểm lâm nhân dân đồng gửi các Sở, Ty tài chính trước ngày 20 hàng tháng.

Cục Kiểm lâm nhân dân tổng hợp tình hình thu, nộp tiền nuôi rừng trong cả nước của tháng trước báo cáo Bộ Lâm nghiệp và Bộ Tài chính trước ngày 30 hàng tháng.

b) Cấp phát quỹ nuôi rừng

Quỹ nuôi rừng được cấp phát để chi theo đúng nội dung quy định trong mục B phần II trên đây.

Cấp phát để chi về sự nghiệp (điểm 1, mục B, phần II).

Bộ Lâm nghiệp căn cứ vào kế hoạch đã thông báo, hàng quý trích tiền từ quỹ nuôi rừng Trung ương chuyển cho các Sở, ty lâm nghiệp và các đơn vị trực thuộc. Các Sở, ty lâm nghiệp, các đơn vị trực thuộc chuyển tiền cho các đơn vị thuộc mình quản lý chi tiêu theo kế hoạch đã duyệt.

Các đơn vị được chi tiêu bằng quỹ nuôi rừng được mở tài khoản chuyển chi quỹ nuôi rừng tại Ngân hàng Nhà nước cơ sở để nhận và sử dụng kinh phí được cấp. Hàng tháng, quý và cuối năm các đơn vị này phải báo cáo tình hình sử dụng kinh phí được cấp, số dư tài khoản chuyển chi quỹ nuôi rừng lên cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp để tổng hợp báo cáo về Bộ Lâm nghiệp.

Cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản (điểm 2. mục B. Phần II).

Căn cứ vào kế hoạch đầu tư và kế hoạch tài chính đầu tư xây dựng cơ bản bằng quỹ nuôi rừng, Bộ Lâm nghiệp trích tiền từ quỹ nuôi rừng chuyển sang tài khoản vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản bằng quỹ nuôi rừng mở tại Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam (trung ương). Việc chuyển tiền tiến hành hàng quý. Nếu số thu không đủ thì có thể chuyển nhiều lần trong quý để đủ vốn. Hàng quý Bộ Lâm nghiệp sẽ phân phối vốn và chuyển tiền từ tài khoản này về tài khoản vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản bằng quỹ nuôi rừng của các Sở, Ty lâm nghiệp, liên hiệp lâm công nghiệp, công ty... lâm trường (thuộc trung ương) mở tại Ngân hàng đầu tư và xây dựng địa phương. Nếu tình hình thu không bảo đảm thì có thể chuyển nhiều lần trong quỹ. Các đơn vị có tài khoản nói trên giao nhiệm vụ thi công cho các lâm trường trực thuộc, dùng vốn đầu tư Bộ Lâm nghiệp đã chuyển về để thanh toán các công trình và hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Việc xác định công trình và hạng mục công trình hoàn thành do Bộ Lâm nghiệp và Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam hướng dẫn cụ thể phù hợp với đặc điểm xây dựng cơ bản ngành lâm nghiệp. Trên cơ sở biên bản nghiệm thu công trình và hạng mục công trình hoàn thành của hội đồng nghiệm thu cơ sở, các Sở, Ty lâm nghiệp, liên hiệp lâm công nghiệp, công ty... lâm trường (thuộc trung ương) kiểm tra xác nhận theo uỷ quyền của Bộ lâm nghiệp và làm thủ tục đề ngân hàng đầu tư và xây dựng thanh toán. Hàng tháng và hàng quý (cuối tháng, cuối quý) các Sở, Ty lâm nghiệp, liên hiệp lâm công nghiệp, công ty... lâm trường (thuộc trung ương) phải báo cáo về Bộ Lâm nghiệp số công trình và hạng mục hoàn thành được thanh toán và số tiền đã thanh toán. Các đơn vị lâm nghiệp thi công theo hình thức tự làm (quan hệ A, B nội bộ) thì được vay vốn tại ngân hàng đầu tư và xây dựng để chuẩn bị vật liệu, cây con, phân bón, chi phí thi công dở dang theo chế độ hiện hành.

Ngân hàng đầu tư và xây dựng có trách nhiệm kiểm tra chặt chữ các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và cùng cơ quan tài chính địa phương kiểm tra xác nhận việc thanh quyết toán các công trình đó nhằm bảo đảm chi quỹ nuôi rừng đúng mục đích, đúng quy định và đem lại hiệu quả thiết thực. Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam sẽ thông báo số tồn khoản hàng quý cho Bộ Lâm nghiệp bằng phiếu đối chiếu tài khoản.

c) Cuối năm Bộ Lâm nghiệp phải tổng hợp số dư tài khoản quỹ nuôi rừng của các đơn vị trong toàn ngành (chi sự nghiệp bảo vệ rừng và thanh toán công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành). Sau đó Bộ Lâm nghiệp cùng làm việc với Bộ Tài chính xác định số tiền được chuyển sang năm sau cũng như số tiền phải nộp vào ngân sách trung ương ngay từ đầu năm theo tỷ lệ đã quy định trong Quyết định số 88-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

4. Quyết toán số tiền thu chi bằng quỹ nuôi rừng.

Mỗi khoản thu chi của quỹ nuôi rừng phải được quyết toán hàng quý, hàng năm theo chế độ báo cáo quyết toán hiện hành về kinh phí sự nghiệp, về vốn đầu tư xây dựng cơ bản và phần thu nộp quỹ nuôi rừng.

Các đơn vị thuộc lực lượng kiểm lâm nhân dân quyết toán phần thu nộp quỹ nuôi rừng theo hệ thống dọc, tổng hợp từ cơ sở lên báo cáo Bộ Lâm nghiệp.

Các đơn vị trực tiếp chi tiêu bằng quỹ nuôi rừng phải quyết toán riêng từng phần vốn kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng như báo cáo công trình và hạng mục hoàn thành đã đưa vào sử dụng lên cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp.

Các liên hiệp lâm công nghiệp, các công ty... có trách nhiệm xét duyệt quyết toán cho các đơn vị thuộc mình quản lý và tổng hợp quyết toán gửi về Bộ Lâm nghiệp.

Các Sở, Ty lâm nghiệp xét duyệt và tổng hợp quyết toán của các đơn vị thuộc địa phương quản lý gửi về Bộ Lâm nghiệp.

Bộ Lâm nghiệp tổng hợp báo cáo quyết toán thu và chi quỹ nuôi rừng gửi Bộ Tài chính đúng thời gian kịp tổng hợp vào báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm.

Các cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm kiểm tra báo cáo quyết toán của các đơn vị và có kiến nghị cần thiết với cơ quan chủ quản lâm nghiệp cấp trên dơn vị trước khi các cơ quan này duyệt quyết toán.

IV. VIỆC THƯỞNG PHẠT

Ngoài việc thưởng phạt theo chế độ của Nhà nước đã quy định cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hành chính sự nghiệp, các đơn vị có thu chi bằng quỹ nuôi rừng nếu đem lại hiệu quả thiết thực tính được bằng giá trị cụ thể thì được sử dụng một phần giá trị để làm quỹ khen thưởng.

1. Khen thưởng: Tất cả các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng vốn rừng và bảo vệ rừng đều được xét thưởng.

a) Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp.

Các đơn vị hoàn thành được kế hoạch trồng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm được tỷ lệ cây sống; thời gian khép tán, và diện tích thành rừng theo quy định mà vẫn tiết kiệm được chi phí thì được trích 70% số tiền tiết kiệm do hạ thấp toàn bộ giá thành thực tế so với giá thành dự toán và hiệu quả tiết kiệm tính được bằng giá trị cụ thể làm quỹ khen thưởng (trong đó đơn vị được thưởng phải nộp 20% vào quỹ khen thưởng và khuyến khích, áp dụng mở rộng, tổ chức hợp lý và kỹ thuật mới của Bộ). Còn 30 % nộp vào quỹ nuôi rừng.

Mức thưởng cho cán bộ, công nhân viên có thành tích sử dụng tiền nuôi rừng tiết kiệm và có hiệu quả không được vượt quá 3 tháng lương (lương cấp bậc bình quân và phụ cấp lương tạm thời), nếu vượt quá số đó thì chuyển nộp về quỹ khen thưởng của Bộ.

b) Đối với lực lượng kiểm lâm nhân dân

Các đơn vị kiểm lâm nhân dân có thành tích trong việc quản lý, bảo vệ rừng, hoàn thành vượt mức kế hoạch thu nộp tiền nuôi rừng theo đúng chế độ, chính sách sẽ được bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xét khen thưởng hoàn thành kế hoạch. Mức thưởng cho cán bộ, công nhân viên không được vượt quá 2 tháng lương (lương cấp bậc bình quân và phụ cấp tạm thời).

c) Quỹ tiền thưởng của Bộ Lâm nghiệp do các đơn vị nộp lên chỉ được giữ tối đa bằng 0,2% tổng số tiền quỹ nuôi rừng thu được hàng năm. Nếu vượt quá số đó thì phải nộp số vượt vào ngân sách trung ương.

d) Những người có công phát hiện và tham gia bắt các vụ phạm pháp về lâm nghiệp (kể cả kiểm lâm nhân dân) thì được xét thưởng theo quyết định số 312-CP ngày 1-10-1980 của Hội đồng chính phủ.

2. Kỷ luật: Các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp không hoàn thành kế hoạch nộp tiền nuôi rừng, hoặc không nộp đúng thời hạn... thì sẽ bị phạt giảm trừ khi trích quỹ xí nghiệp như quy định trong thông tư số 3-TC/CNXD ngày 28-3-1978 của Bộ Tài chính.

Các đơn vị kiểm lâm nhân dân nếu có sai phạm về quản lý bảo vệ rừng, chấp hành chế độ, chính sách... thì sẽ bị phạt giảm trừ khi xét thưởng hoàn thành kế hoạch tuỳ theo lỗi nặng nhẹ do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp quyết định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Việc lập quỹ nuôi rừng là một vấn đề rất mới mẻ, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầy đủ của các ngành, các cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa công tác trồng khai thác, quản lý, bảo vệ rừng vào nề nếp.

Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương tổ chức và tạo điều kiện để các cơ sở kinh tế lâm nghiệp của địa phương thực hiện đúng quy định trong Thông tư liên Bộ này, đồng thời thực hiện chức năng của chính quyền địa phương đối với các đơn vị kinh tế lâm nghiệp trung ương đóng tại địa phương theo quy định hiện hành.

Các Sở, Ty lâm nghiệp, tài chính, ngân hàng theo chức năng của mỗi ngành giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện Thông tư này sát với tình hình thực tế từng địa phương.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1982. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Phạm Học Lâm

(Đã ký)

Võ Trí Cao

(Đã ký)

Trần Văn Quế

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 10-TT/LB năm 1982 hướng dẫn Quyết định 88-HĐBT 1981 về lập quỹ nuôi rừng do Bộ Lâm nghiệp - Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 10-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 13/03/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Phạm Học Lâm, Trần Văn Quế, Võ Trí Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản