Hệ thống pháp luật

BỘ LÂM NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-TT/LB

Hà Nội , ngày 17 tháng 7 năm 1981

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC-TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 26-TT/LB NGÀY 17/7/1981 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC VÙNG KINH TẾ LÂM NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP NGÀY 27/3/1980 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
(In trong công báo 1980 - số 6-trang 119)

Thi hành quyết định số 95-CP ngày 27/3/1980 của Hội đồng Chính phủ về chính sách xây dựng vùng kinh tế mới, để vận dụng phù hợp với tình hình đặc điểm sản xuất kinh doanh lâm nghiệp và công tác định canh định cư. Liên Bộ Lâm nghiệp - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn công tác kế hoạch, quản lý cấp phát và thanh toán, quyết toán vốn đầu tư, vật tư, lương thực... cho xây dựng các vùng kinh tế lâm nghiệp, vùng định canh định cư như sau:

A. NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ

1. Đầu tư phải đồng bộ tập trung dứt điểm, trước hết là đâu tư chiều sâu để củng cố và phát huy hiệu quả kinh tế các cơ sở sản xuất đã có và đang xây dựng; đầu tư cho các vùng sản xuất tập trung chuyên canh: nguyên liệu giấy sợi, trụ mỏ, đặc sản, gỗ lớn xây dựng cơ bản và xuất khẩu theo hướng thâm canh trong trồng rừng và xây dựng cơ sở định canh định cư có chất lượng.

Việc cung cấp vốn và các yếu tố vật chất khác (lao động, vật tư, lương thực...) cho các đơn vị kinh tế lâm nghiệp phải cân đối, đồng bộ, đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch đã được duyệt sát với tiến độ sản xuất, xây dựng, bảo đảm tính thời vụ trong sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng, khai thác) đồng thời phải quản lý chặt chẽ vốn đầu tư theo đúng quy hoạch, thiết kế, đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và định mức kinh tế kỹ thuật.

2. Chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất (liên hiệp lâm, công nghiệp, lâm trường, xí nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở định canh định cư...) và các công trình chung cho từng vùng kinh tế lâm nghiệp sau khi đã tiến hành điều tra khảo sát lập quy hoạch thiết kế, hoặc quy hoạch tổng thể được cấp có thẩm quyền xét duyệt và được ghi trong kế hoạch Nhà nước, kế hoạch ngân sách Nhà nước và kế hoạch tín dụng hàng năm.

Các đơn vị kinh tế lâm nghiệp đã có từ trước ngày ra thông tư liên bộ này, chưa có quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế được duyệt thì phải có phương hướng sản xuất lâu dài ít nhất 5 năm do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp phê duyệt (đối với các đơn vị thuộc trung ương quản lý) hoặc chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phê duyệt (đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý). Sau hai năm kể từ khi cấp phát theo chế độ này phải có quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới tiếp tục được cấp phát và cho vay.

Đối với các công trình được phép vừa thiết kế vừa thi công (do cấp duyệt nhiệm vụ thiết kế quyết định) thì thi công hạng mục công trình nào phải có thiết kế dự toán hạng mục công trình đó, sau thời hạn từ sáu tháng đến một năm (tuỳ theo từng loại công trình) kể từ ngày khởi công phải có thiết kế, dự toán toàn bộ công trình, trường hợp đặc biệt nếu kéo dài quá thời hạn trên mà công trình cần phải cho tiếp tục thi công thì phải có văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản đầu tư xác định rõ thời hạn phải có đủ các tài liệu về thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước, mới tiếp tục được cấp phát và cho vay.

3. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản đầu tư (Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố) phải xác định đúng đắn phương hướng sản xuất để có kế hoạch đầu tư phù hợp với từng vùng từng đơn vị sản xuất (liên hiệp lâm công nghiệp, lâm trường, xí nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở định canh định cư...) và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Các đơn vị được đầu tư phải có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền có chủ đầu tư theo quy định của Nhà nước. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm sử dụng đất đai, tài nguyên, tiền vốn, vật tư, lương thực, theo đúng quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, đúng chính sách, chế độ.

Riêng các cơ sở định canh định cư của đồng bào dân tộc ít người là vùng xa xôi hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn kinh tế chưa phát triển, trình độ quản lý còn thấp, thủ tục đầu tư tuy có châm chước nhưng cũng phải có các điều kiện sau đây:

- Có kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm được Nhà nước duyệt;

- Có dự toán công trình xây dựng cơ bản: dự toán chi sự nghiệp của cơ sở nhận vốn và có thông báo duyệt vốn của cơ quan chủ quản;

- Có tổ chức bộ máy quản lý vốn.

B. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ VÀ ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ VỐN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP.

I. CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH VÀ TẬP THỂ DƯỚI ĐÂY ĐƯỢC ÁP DỤNG ĐẦY ĐỦ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP.

1. Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh.

Các liên hiệp lâm công nghiệp được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh: nguyên liệu giấy sợi, trụ mỏ, đặc sản, gỗ lớn xây dựng cơ bản và xuất khẩu; các lâm trường quốc doanh trung ương và địa phương khai thác và trồng rừng mới thành lập từ sau ngày có thông tư liên bộ này (dưới đây gọi tắt là vùng kinh tế lâm nghiệp).

2. Đối với các đơn vị kinh tế tập thể.

- Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp mới thành lập phải đưa dân từ nơi khác đến được Nhà nước giao đất giao rừng để quản lý kinh doanh xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp nhằm cung cấp sản phẩm cho Nhà nước (dưới đây gọi tắt là hợp tác xã, tập đoàn sản xuất mới thành lập trong vùng).

- Các cơ sở định canh định cư trong cả nước.

II. CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH VÀ TẬP THỂ DƯỚI ĐÂY ĐƯỢC VẬN DỤNG TỪNG PHẦN CỦA CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP.

1. Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh:

Các lâm trường quốc doanh thành lập trước khi có thông tư liên bộ này, từ nay về sau nếu anh chị em công nhân viên đang làm việc đưa gia đình lên hoặc tuyển thêm người vào mà có đưa gia đình đi theo để xây dựng lâm trường, thì được áp dụng chính sách đối với người lao động và gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới theo các mục II, III, V của quyết định số 95-CP.

2. Đối với các đơn vị kinh tế tập thể:

a. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp đã có trong vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương được giao đất giao rừng để quản lý kinh doanh nhằm cung cấp sản phẩm cho Nhà nước, được ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ phần vốn trồng rừng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo tái sinh rừng tự nhiên (dưới đây gọi tắ là hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã có trong vùng).

b. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp hiện đã có mà nằm ngoài vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương, nếu được địa phương giao đất giao rừng để quản lý kinh doanh nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhu cầu địa phương hoặc cho trung ương, được ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ như điểm a trên đây. Tuỳ theo khả năng tự có của ngân sách địa phương hàng năm mà vận dụng các tiêu chuẩn định mức, đơn giá do Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn.

C. PHÂN ĐỊNH NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ.

Để phù hợp với đặc điểm của sản xuất lâm nghiệp, việc quy định nguồn vốn đầu tư vận dụng theo điểm 2, mục II của quyết định số 32-CP ngày 11/2/1977 và điểm 2, mục I của quyết định số 95-CP ngày 27/3/1980 theo các nguyên tắc sau:

- Ngân sách Nhà nước cấp phát vốn xây dựng cơ bản đối với công trình sản xuất, phục vụ sản xuất, đời sống chung trong vùng; các công trình của các đơn vị hành chính, sự nghiệp và cấp phát các chi phí sự nghiệp xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp, định canh định cư.

- Ngân hàng Nhà nước đầu tư cho vay vốn đối với những đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp nào đáp ứng được các điều kiện tính toán được hiệu quả kinh tế và xác định được nguồn vốn trả nợ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

I. BẰNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH:

1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

a. Đối với các công trình phục vụ chung cho vùng kinh tế lâm nghiệp và định canh định cư do Bộ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý:

- Các công trình phục vụ sản xuất như công tác thuỷ lợi đầu mối đến khoảnh; đường giao thông nối liền đường trục chính với khu sản xuất, khu trồng rừng, khu dân cư; đập nước, cầu, kè, cống; xây dựng đường điện (đường dây, cột điện, trạm hạ thế).

- Các công trình phục vụ đời sống như trường học phổ thông cơ sở, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, bệnh viện (gồm cả thiết bị bên trong), cửa hàng, bến xe, thư viện, câu lạc bộ, nơi vui chơi giải trí, công trình cung cấp nước sinh hoạt...

- Các công trình có tính chất hành chính sự nghiệp, nghiên cứu thí nghiệm như trụ sở làm việc, trạm thực nghiệm, đội điều tra quy hoạch...

b. Đối với khu vực kinh tế quốc doanh:

- Các lâm trường, xí nghiệp quốc doanh khai thác - trồng rừng - phục vụ trồng rừng (bao gồm cả các lâm trường huyện biên giới phía bắc).

- Các lâm trường và các xí nghiệp của quân đội làm kinh tế lâm nghiệp theo quyết định số 381-CP ngày 25/12/1980.

- Các xí nghiệp cơ khí chế tạo xây dựng mới trên hạn ngạch.

- Các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp hạch toán kinh tế phụ thuộc liên hiệp lâm công nghiệp.

c. Đối với khu vực kinh tế tập thể và định canh định cư:

c.1. Đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất mới thành lập trong vùng và cơ sở định canh định cư.

c.1.1. Các công trình khai hoang để trồng rừng, phục vụ trồng rừng, chăm sóc rừng trong ba năm đầu, tu bổ cải tạo rừng tự nhiên.

c.1.2. Các công trình khai hoang xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu, xây dựng cải tạo đồng cỏ, công trình giao thông thuỷ lợi trong nội bộ đơn vị.

c.1.3. Các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, lớp mẫu giáo, một số phòng học trường phổ thông cơ sở, trạm y tế cơ sở (gồm cả thiết bị bên trong), cửa hàng hợp tác xã mua bán, công trình cung cấp nước sinh hoạt nằm đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích và tăng thêm lao động.

c.1.4. Trụ sở làm việc, nhà hội họp.

Riêng đối với cơ sở của đồng bào định canh định cư ngoài các khoản được ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ như điểm c.1 trên đây còn được trợ cấp một lần các chi phí trồng cây dài ngày, cây đặc sản và chi phí xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập thể.

c.2. Đối với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã có trong vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương được ngân sách trung ương hỗ trợ phần vốn trồng rừng, chăm sóc, tu bổ rừng như điểm c.1.1. trên.

c.3. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất ngoài vùng do ngân sách địa phương hỗ trợ tuỳ theo khả năng của mình vận dụng điểm c.1.1. trên đây.

Tất cả các công trình đầu tư cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông lâm nghiệp và định canh định cư nói trên, Nhà nước chỉ đầu tư một lần đầu, sau đó các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải sử dụng vốn tích luỹ hoặc thu nhập của mình để đầu tư cho các lần sau:

2. Những chi phí được ngân sách Nhà nước cấp bằng kinh phí sự nghiệp.

a. Cho các công việc chung của vùng (gồm cả quốc doanh, tập thể, định canh định cư).

Chi phí cho công tác quy hoạch thiết kế vùng.

b. Cho các đơn vị kinh tế tập thể.

- Chi phí mua sắm cho sinh hoạt tập thể của số lao động đi chuẩn bị trước (nếu có): chi phí quản lý và chi phí trợ cấp đối với người lao động và gia đinh đi xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp và đồng bào các dân tộc thực hiện định canh định cư như phần II của quyết định số 95-CP.

- Chi phí trợ cấp cán bộ như phần IV của quyết định số 95-CP.

- Riêng các cơ sở định canh định cư được trợ cấp một phần chi phí chăm sóc cây dài ngày, cây đặc sản, chi phí lần đầu về giống và phân hoá học để trồng cây ngắn ngày.

c. Cho các đơn vị sản xuất quốc doanh lâm nghiệp, ban định canh định cư.

- Chi phí tổ chức trạm tập kết, trạm đón tiếp lao động và nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp và thực hiện định canh định cư.

- Chi phí huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật lâm nghiệp cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp và cơ sở định canh định cư.

- Chi phí về tuyên truyền vận động người đi xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp, vận động định canh định cư và phục vụ đời sống văn hoá ở vùng kinh tế lâm nghiệp, định canh định cư.

- Chi phí để trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân viên (kể cả người được điều động và người mới tuyển); gia đình bộ đội, công nhân viên quốc phòng được tiếp nhận đến xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp hoặc lâm trường quốc doanh theo kế hoạch Nhà nước được áp dụng như quy định ở các phần II, III, V của quyết định số 95-CP.

- Kinh phí hoạt động của các ban định canh định cư huyện, tỉnh.

II. BẰNG VỐN TÍN DỤNG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC.

Công trình được vay vốn tín dụng ngân hàng để xây dựng phải thuộc loại sản xuất kinh doanh, tính toán được hiệu quả kinh tế trực tiếp và bảo đảm trả nợ ngân hàng trong phạm vi thời hạn quy định.

Các đơn vị vay vốn ngân hàng phải là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, có tư cách pháp nhân đầy đủ. Đối tượng cho vay cụ thể là:

1. Ngân hàng Nhà nước đầu tư vào công trình xây dựng cơ bản, trọn vẹn theo một nhiệm vụ thiết kế được duyệt (kể cả các hạng mục sản xuất, phục vụ sản xuất, nhà ở, phúc lợi công cộng và kiến thiết cơ bản khác) đối với xí nghiệp vận tải, cung ứng vật tư lâm sản, các xí nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, đặc sản, xí nghiệp cung ứng vật tư kỹ thuật, xí nghiệp cơ khí. Riêng đối với cơ khí chế tạo xây dựng mới chỉ đầu tư các công trình dưới hạn ngạch.

2. Các đơn vị sản xuất kinh doanh lâm nghiệp đều được Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn đầu tư vào khâu cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, để tận dụng phế liệu, phế phẩm sản xuất hàng tiêu dùng và cho vay các cơ sở sản xuất phụ theo chế độ hiện hành.

3. Ngân hàng Nhà nước cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở định canh định cư vay vốn cố định, vốn lưu động sản xuất theo chế độ cho vay hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp hiện hành.

4. Ngân hàng Nhà nước còn cho vay đối với gia đình xã viên, công nhân viên được điều động lên vùng kinh tế lâm nghiệp thực sự thiếu vốn để sản xuất kinh tế phụ gia đình.

III. VIỆC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHO CÁC ĐƠN VỊ XÂY LẮP BAO THẦU, CẦU ĐƯỜNG KIẾN TRÚC DO NGÂN HÀN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG VIỆT NAM (TRƯỚC ĐÂY LÀ NGÂN HÀNG KIẾN THIẾT VIỆT NAM) CẤP PHÁT VÀ CHO VAY THEO QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH.

IV. VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG ĐẦU TƯ NÓI TRÊN PHẢI THEO ĐÚNG ĐỊNH MỨC ĐƠN GIÁ DO BỘ LÂM NGHIỆP THOẢ THUẬN VỚI BỘ TÀI CHÍNH VÀ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH.

Các công trình phúc lợi công cộng của các đơn vị kinh tế quốc doanh phải sử dụng một phần quỹ phúc lợi của đơn vị (nếu có) theo như chế độ đã quy định.

D. PHÂN CẤP QUẢN LÝ VỐN, VẬT TƯ, LƯƠNG THỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ LÂM NGHIỆP.

Do đặc điểm của việc xây dựng các vùng kinh tế lâm nghịêp và định canh định cư, việc quản lý vốn được quy định như sau:

I. THUỘC NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ CHO BỘ LÂM NGHIỆP GỒM:

1. Các công trình chung của vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương.

2. Các cơ sở kinh tế quốc doanh trung ương ở trong và ngoài vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương như điểm b, điều 1, mục I, phần C trên đây do trung ương quản lý.

3. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp trong vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương thuộc diện đối tượng được đầu tư theo quyết định số 95-CP như đã nói ở điểm c.1., c.2., điều 1, mục I, phần C trên đây.

4. Các cơ sở định canh định cư trong cả nước.

5. Các kinh phí sự nghiệp chi cho vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương và cho công tác định canh định cư.

II. THUỘC NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐẦU TƯ BAO GỒM:

1. Các lâm trường quốc doanh, các xí nghiệp quốc doanh lâm nghiệp và các cơ sở hành chính sự nghiệp lâm nghiệp do địa phương trực tiếp quản lý, thuộc diện đối tượng đầu tư nói trong thông tư này (điểm b, điều 1, mục I, phần C).

2. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất thuộc diện ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ nói ở điểm c.3, điều 1, mục I, phần C thông tư này.

3. Kinh phí sự nghiệp cấp cho các đối tượng được áp dụng theo chính sách của quyết đinh số 95-CP do địa phương quản lý.

III. VIỆC QUẢN LÝ VẬT TƯ CƠ BẢN:

(sắt, thép, gỗ, xi măng, nhiên liệu...), lương thực để xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp và các cơ sở định canh định cư cũng thực hiện như việc quản lý vốn ghi ở mục I và II, phần D trên đây.

E. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC KẾ HOẠCH HOÁ,CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN VỐN.

I. CÔNG TÁC KẾ HOẠCH HOÁ

Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch kinh tế đồng thời với kế hoạch tài chính từ cơ sở lên.

1. Lập kế hoạch phần Bộ Lâm nghiệp quản lý.

1.1. Các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp Trung ương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp lập kế hoạch từ cơ sở, tổng hợp kế hoạch hàng năm và 6 tháng gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh tham gia ý kiến trước khi trình Bộ Lâm nghiệp phê duyệt.

1.2. Các Sở, Ty lâm nghiệp (ban định canh định cư) lập kế hoạch và tổng hợp kế hoạch của các cơ sở định canh định cư trong huyện, tỉnh gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh tham gia ý kiến trước khi trình Bộ Lâm nghiệp.

1.3. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nằm trong vùng kinh tế lâm nghiệp Trung ương do ban nông lâm nghiệp huyện lập kế hoạch dưới sự chỉ hướng dẫn của Sở, Ty lâm nghiệp. Sở, Ty lâm nghiệp tổng hợp báo cáo Bộ Lâm nghiệp.

1.4. Bộ Lâm nghiệp xét, tổng hợp toàn bộ các kết hoạch do Bộ trực tiếp quản lý trên đây gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đồng gửi cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương trước khi trình Chính phủ.

Để bảo đảm đồng bộ trong xây dựng cơ bản của vùng kinh tế lâm nghiệp Trung ương và các cơ sở định canh định cư, các công trình trên đây được ghi vào vốn xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp Trung ương và định canh định cư do Bộ Lâm nghiệp trực tiếp và thống nhất quản lý. Những công trình loại lớn, chuyên dùng thì ghi vào kế hoạch đầu tư cho từng ngành quản lý do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định khi duyệt quy hoạch và vùng kinh tế lâm nghiệp và định canh định cư như công trình giao thông, thuỷ lợi cầu cống kỹ thuật phức tạp. Việc quy hoạch xây dựng và lập kế hoạch đầu tư các công trình của vùng phải kết hợp với việc xây dựng huyện.

2. Kế hoạch của địa phương:

Các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện như điểm 1.1 trên đây và gửi về Sở, Ty lâm nghiệp và Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, Sở, Ty lâm nghiệp cùng các ngành có liên quan làm việc với Uỷ ban Kế hoạch tỉnh trước khi trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.

Uỷ ban Kế hoạch tỉnh tổng hợp các kế hoach này vào kế hoạch chung của địa phương, làm việc với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp để trình Chính phủ phê duyệt.

Kế hoạch của Trung ương hay của địa phương hàng năm và 6 tháng phải phân định được nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản gồm vốn ngân sách đầu tư, vốn tín dụng Ngân hàng Nhà nước và phân chia rõ hai loại vốn xây dựng cơ bản, kinh phí sự nghiệp theo đúng nội dung biểu mẫu của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn và theo đúng thời hạn quy định về lập kế hoạch hàng năm của Nhà nước.

II. THỦ TỤC GIAO KẾ HOẠCH VÀ PHÂN BỔ VỐN, VẬT TƯ, LƯƠNG THỰC.

1. Về phần kế hoạch do Bộ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý.

Bộ Lâm nghiệp căn cứ vào kế hoạch được Chính phủ phê duyệt và giao kế hoạch cho các đơn vị kinh tế quốc doanh Trung ương trực thuộc Bộ thực hiện. Đối với kế hoạch vốn đầu tư cho các cơ sở định canh định cư, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp trong vùng kinh tế lâm nghiệp Trung ương, Bộ Lâm nghiệp giao kế hoạch này cho các ban định canh định cư và Sở, Ty lâm nghiệp để tổ chức triên khai thực hiện.

Để bảo đảm quản lý tập trung thống nhất vốn đầu tư, vật tư, lương thực... cho các vùng kinh tế lâm nghiệp Trung ương và định canh định cư; căn cứ vào khả năng tiến độ xây dựng và tình hình sử dụng, Bộ Lâm nghiệp được quyền điều chỉnh tiền vốn, vật tư, lương thực trong tổng mức đầu tư đã được Chính phủ duyệt.

2. Về phần kế hoạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý.

Căn cứ vào kế hoạch phân bổ của Bộ Lâm nghiệp đã cân đối trong kế hoạch toàn ngành được Hội đồng Bộ trưởng duyệt, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Trung ương giao kế hoạch cho từng tỉnh để tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của địa phương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch cho Sở, Ty lâm nghiệp tỉnh để giao cho các cơ sở theo thể thức chung như đối với các đơn vị khác của địa phương.

III. PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, CHO VAY VỐN ĐẦU TƯ CHO KINH TẾ LÂM NGHIỆP, ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ.

1. Về phương thức đầu tư.

- Đối với vùng kinh tế lâm nghiệp Trung ương và các cơ sở định canh định cư do Bộ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý, hoặc các đối tượng do địa phương trực tiếp quản lý; tất cả các đối tượng thuộc nguồn vốn ngân sách do Ngân hàng đầu tư xây dựng Việt Nam (Ngân hàng kiến thiết cũ) phụ trách cấp phát theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước do Bộ Lâm nghiệp hoặc do Uỷ ban Nhân dân địa phương phân bổ (cả hai loại vốn: vốn xây dựng cơ bản và kinh phí sự nghiệp).

- Đối với các đối tượng thuộc nguồn vốn tín dụng đầu tư cũng do Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam cho vay theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

2. Chế độ thanh toán, quyết toán.

a. Đối với các đối tượng do Bộ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý.

Các đơn vị kinh tế quốc doanh:

Định kỳ hàng quý và cả năm các đơn vị kinh tế quốc doanh Trung ương báo cáo quyết toán tiền vốn, báo cáo tình hình sử dụng vật tư, lương thực của đơn vị cho các liên hiệp lâm công nghiệp, các công ty lâm nghiệp xét duyệt và tổng hợp quyết toán chung của liên hiệp, công ty trình Bộ Lâm nghiệp (các đơn vị trực thuộc khác gửi về Bộ xét duyệt). Báo cáo quyết toán tiền vốn phải có xác nhận kiểm tra nhận xét của cơ quan ngân hàng đầu tư và xây dựng địa phương. Báo cáo việc sử dụng vật tư, lương thực phải có xác nhận của cơ quan quản lý cấp phát vật tư, lương thực và được Uỷ ban Nhân dân tỉnh có nhận xét trước khi gửi về Bộ.

Các đơn vị kinh tế tập thể và cơ sở định canh định cư.

- Định kỳ 6 tháng một lần và cuối năm trên cơ sở báo cáo quyết toán của các đơn vị, các ban nông, lâm nghiệp huyện và ban định canh định cư huyện tổng hợp báo cáo quyết toán tiền vốn, báo cáo thường xuyên vật tư, lương thực gửi Sở, Ty lâm nghiệp và ban định canh định cư tỉnh. Báo cáo tiền vốn phải có nhận xét của cơ quan ngân hàng địa phương.

Các Sở, Ty lâm nghiệp và ban định canh định cư tỉnh được uỷ quyền của Bộ Lâm nghiệp xét duyệt báo cáo quyết toán của các huyện và tổng hợp báo cáo quyết toán chung phần vốn này ở tỉnh gửi về Bộ Lâm nghiệp và Ban định canh định cư Trung ương.

Bộ Lâm nghiệp tổng hợp cả hai phần quyết toán nói trên để lập báo cáo quyết toán với ngân sách Trung ương (Bộ Tài chính) phần vốn do Bộ trực tiếp quản lý đồng gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam).

b. Đối với các đối tượng do Uỷ ban Nhân dân địa phương trực tiếp quản lý.

Các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp báo cáo quyết toán tiền vốn, báo cáo thường xuyên sử dụng vật tư, lương thực của đơn vị định kỳ hàng quý và cả năm cho Sở, Ty lâm nghiệp.

Các đơn vị kinh tế tập thể hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp báo cáo thường xuyên tiền vốn vật tư định kỳ 6 tháng về các ban nông, lâm nghiệp huyện để tổng hợp báo cáo quyết toán với Sở, Ty lâm nghiệp.

Báo cáo tiền vốn của các cơ sở và của huyện phải có xác nhận kiểm tra nhận xét của ngân hàng đầu tư và xây dựng địa phương.

Sở, Ty lâm nghiệp xét duyệt báo cáo quyết toán cho các cơ sở quốc doanh và các huyện; tổng hợp cả hai phần quyết toán nói trên để lập báo cáo quyết toán chung với ngân sách địa phương (Sở, Ty tài chính) đồng gửi cho ngân hàng đầu tư và xây dựng địa phương.

3. Các báo cáo quyết toán nói trên phải lập theo đúng chế độ và biểu mẫu, đúng thời hạn quy định do Bộ Lâm nghiệp và Ban định canh định cư Trung ương hướng dẫn.

Ngoài ra, các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp Trung ương và địa phương còn phải thực hiện chế độ báo cáo nhanh định kỳ gửi cho Bộ Lâm nghiệp và Sở, Ty lâm nghiệp theo đúng chế độ báo cáo thống kê hiện hành.

G. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kể từ ngày 1/7/1981 chuyển giao việc quản lý cấp phát toàn bộ các nguồn vốn xây dựng kinh tế lâm nghiệp, vùng định canh định cư sang thực hiện chế độ mới, được quy định trong thông tư liên Bộ này, vận dụng theo tinh thần quyết định số 32-CP và quyết định số 95-CP.

Trong phạm vi từng đối tượng và nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng kiến thiết cũ có trách nhiệm chuyển giao nhiệm vụ quản lý cấp phát vốn và cho vay vốn theo đúng quy định trong thông tư liên bộ này. Việc bàn giao do hai ngân hàng bàn bạc quy định theo đúng nội dung chế độ hiện hành và phải làm xong trước ngày 31/8/1981.

2. Kể từ ngày 1/7/1981 trong phạm vi nguồn vốn đã được phân định và theo chức năng của mình, Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam có trách nhiệm phải tổ chức tốt cả việc cấp phát vốn ngân sách và vốn cho vay để phát huy tác dụng tổng hợp toàn bộ vốn đầu tư của Nhà nước đối với các cơ sở lâm nghiệp, định canh định cư trong cả nước, bảo đảm sự tiếp nối của công tác đầu tư trong một đơn vị kinh tế vừa bằng vốn ngân sách, vừa bằng vốn tín dụng, không để bị gián đoạn việc thực hiện đầu tư đã được bố trí trong kế hoạch.

3. Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện toàn diện đối với các cơ sở kinh tế lâm nghiệp thuộc địa phương quản lý theo đúng quy hoạch nhiệm vụ thiết kế, đúng kế hoạch Nhà nước, các quy định trong quyết định số 95-CP và thông tư liên bộ này; đồng thời thực hiện chức năng của chính quyền địa phương đối với các vùng các cơ sở kinh tế lâm nghiệp Trung ương và định canh định cư do Bộ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý nằm trong lãnh thổ địa phương theo quy định hiện hành cũng như các quy định trong thông tư liên bộ này.

4. Sở, Ty lâm nghiệp, ban định canh định cư có nhiệm vụ giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quản lý việc tổ chức thực hiện kế hoạch, việc phân phối, quản lý sử dụng vốn, vật tư, lương thực đối với các đối tượng đầu tư do địa phương trực tiếp quản lý được quy định trong thông tư liên bộ này; đồng thời là cơ quan giúp Bộ Lâm nghiệp trong việc kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn và quản lý kinh tế tài chính đối với các đối tượng thuộc bộ trực tiếp quản lý trên phạm vi địa phương và lãnh thổ.

Uỷ ban Kế hoạch, Sở, Ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng đầu tư và xây dựng địa phương, các cơ quan cung ứng vật tư, lương thực theo chức năng của mỗi ngành có trách nhiệm cùng nhau phối hợp chặt chẽ giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện, kiểm tra giám đốc, bảo đảm cho xây dựng các vùng kinh tế lâm nghiệp, định canh định cư được thực hiện đúng các quy định trong quyết định số 95-CP và thông tư liên bộ này; thúc đẩy sử dụng vốn, vật tư, lương thực... đúng mục đích, tiết kiệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

5. Thông tư liên bộ này thay thế các thông tư số 12-TT/LB ngày 12/5/1978 của liên bộ Tài chính - Lâm nghiệp; số 14-TT/LB ngày 20/12/1977 của liên bộ Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Tài chính - Ngân hàng Nhà nước; số 9-TT/LB ngày 24/3/1979 của liên bộ Lâm nghiệp - Tài chính - Ngân hàng Nhà nước và những quy định cụ thể có liên quan đến ngành lâm nghiệp trong thông tư liên bộ số 21-TT/LB ngày 17/2/1978 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Tài chính - Ngân hàng Nhà nước. Những quy định trước đây trái với thông tư liên bộ này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thi hành, các cơ sở, các ngành, các cấp nếu gặp vướng mắc gì thì phản ánh kịp thời về cho liên bộ để có biện pháp giải quyết.

Nguyễn Ly

(Đã ký)

Nguyễn Văn Chuẩn

(Đã ký)

 

Hồ Viết Thắng

(Đã ký)

Trần Văn Quế

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 26-TT/LB năm 1981 hướng dẫn chính sách đầu tư xây dựng các vùng kinh tế lâm nghiệp theo Quyết định 95-CP do Bộ Lâm nghiệp - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 26-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 17/07/1981
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Hồ Viết Thắng, Nguyễn Ly, Nguyễn Văn Chuẩn, Trần Văn Quế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 01/08/1981
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản