Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 08-VPPH-TT-LBD-31 | Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1963 |
QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TIỀN MẶT TẠI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Thi hành Nghị định số 15-CP ngày 31-5-1960 của Hội đồng Chính phủ, và tiếp theo Thông tư số 217-KH ngày 13-6-1960 của Ngân hàng Nhà nước quy định những nguyên tắc về quản lý tiền mặt, liên Bộ Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Lâm nghiệp quy định thêm những điểm cụ thể dưới đây để Ngân hàng Nhà nước các cấp và các đơn vị thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp thi hành.
I. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TIỀN MẶT:
Hàng tháng, hàng quý, các đơn vị thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp phải lập kế hoạch thu chi tiền mặt của tháng sau, quý sau gửi đến Ngân hàng nơi mở tài khoản.
- Kế hoạch tháng sau gửi đến Ngân hàng ngày 20 tháng trước.
- Kế hoạch quý sau gửi đến Ngân hàng ngày 15 của tháng cuối quý trước.
Nội dung mẫu biểu, các hạng mục ghi trong bản kế hoạch phải theo đúng sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
- Kế hoạch phải gửi hai bản, có bản giải thích các chỉ tiêu kèm theo. Sau khi nghiên cứu tham gia ý kiến, Ngân hàng gửi trả lại đơn vị một bản để theo rõi thực hiện.
II. CHẤP HÀNH KẾ HOẠCH TIỀN MẶT:
a) Đối với các khoản thu bằng tiền mặt:
- Tất cả các khoản thu bằng tiền mặt do bán hàng, bán phế phẩm, thu nợ, thu hồi tạm ứng… đều phải nạp hết vào Ngân hàng, nhất thiết không được giữ lại quỹ để chi tiêu.
- Các khoản thu khác như tiền bán hàng căn tin, tiền ăn của tập thể, tiền quỹ của các đoàn thể đều phải mở tài khoản gửi vào Ngân hàng hoặc gửi vào quỹ tiết kiệm.
- Thời gian nộp tiền, chi nhánh, chi điếm Ngân hàng sẽ cùng đơn vị căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể từng nơi xa, gần, giao thông thuận lợi hay khó khăn mà thống nhất quy định lịch nộp tiền, mức tiền tồn quỹ cho thích hợp, tránh làm trở ngại khó khăn cho đơn vị, đồng thời cũng không để ứ đọng tiền mặt nhiều, lâu ngày tại quỹ.
Đối với đơn vị ở miền núi, giao thông khó khăn, có thể kết hợp lịch nộp tiền với lĩnh tiền cho thuận tiện. Khi các đơn vị mang tiền đến nộp, các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng có trách nhiệm bố trí đếm nhận kịp thời, không để đơn vị phải chờ đợi lâu.
b) Đối với việc chi tiêu bằng tiền mặt:
Các đơn vị thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp căn cứ vào nhu cầu chỉ tiêu thực tế của mình đã có trong kế hoạch và từng thời gian mà xin lĩnh tiền mặt cho sát. Khi giao dịch mua bán với các đơn vị đã có tài khoản ở Ngân hàng phải thanh toán bằng chuyển khoản hay bằng séc.
Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào kế hoạch tiền mặt đã được duyệt và lịch rút tiền đã quy định mà cấp phát. Việc quy định lịch rút tiền cho đơn vị, hai bên (Ngân hàng và đơn vị) phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể từng nơi xa, gần, giao thông thuận lợi hay khó khăn mà thống nhất quy định cho thích hợp.
Nếu thời gian đi lĩnh tiền mặt mất một ngày đường thì có thể lĩnh về chi tiêu từ 3 đến 5 hoặc 7 ngày. Nếu mất hai ngày có thể từ 5 đến 7 hoặc 10 ngày. Hoặc thời gian cần phải dài ngày hơn hay ít ngày hơn là phải căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương mà Chi nhánh hay Chi điểm Nhà nước cùng đơn vị quy định cho sát, tránh gây khó khăn trở ngại đến hoạt động của đơn vị, đồng thời tránh đọng tiền mặt nhiều tại quỹ đơn vị trong nhiều ngày.
- Mỗi lần đơn vị đến lĩnh tiền phải báo cáo (bằng giấy) cho Ngân hàng biết việc sử dụng số tiền đã lĩnh lần trước và tồn quỹ tiền mặt đến ngày đi lĩnh tiền, báo cáo đó phải có xác nhận của thủ trưởng hoặc phụ trách kế toán tài vụ mới có giá trị. Nếu không có báo cáo thì Ngân hàng không cấp phát tiền cho đơn vị về chi tiêu.
- Tất cả các khoản chi bằng tiền mặt đều phải lĩnh tại Ngân hàng, lĩnh về phải nhập quỹ ngay lĩnh khoản nào chi khoản ấy, không được lấy tiền khoản này chi cho khoản khác.
- Khi rút tiền về trả lương thì phải trừ các khoản phải thu như: tiền mua gạo, thực phẩm của Mậu dịch đã cung cấp cho tập thể hay đơn vị tự túc được, tiền điện, tiền nhà, tiền thu nợ tạm ứng lương v.v… tuyệt đối không được lĩnh những khoản này về nhập quỹ chi tiêu việc khác.
- Khi đơn vị đi mua hàng hóa ở huyện, tỉnh khác thì phải làm chuyển tiền qua Ngân hàng, không được mang tiền mặt đi mua, dù là nhu cầu đột xuất. Riêng việc mua thực phẩm cho tập thể thì được trả bằng tiền mặt khi mua của nhân dân, cá thể và có thể mang tiền mặt đi mua thực phẩm ở địa phương khác không quá 50đ. Về thời gian đi lĩnh tiền (theo lịch rút tiền) Ngân hàng Nhà nước địa phương cùng các đơn vị phải căn cứ vào tình hình hoạt động của từng đơn vị trong từng thời gian cũng như điều kiện đi lại từng nơi để thống nhất quy định lịch rút tiền cho sát.
c) Đối với việc tạm ứng tiền mặt:
Việc tạm ứng tiền mặt phải hết sức hạn chế, các đơn vị chỉ được tạm ứng tiền mặt cho cán bộ đi công tác (tiền ăn dọc đường, tiền tàu xe), các khoản chi tiêu lặt vặt không thể trả bằng chuyển khoản được thì phải theo mức quy định của Ngân hàng địa phương.
Riêng về tiền ăn, nguyên tắc là anh em phải trích tiền ăn hàng tháng của bản thân nạp trước cho quản lý để chi tiêu. Trường hợp thật đặc biệt, cán bộ, công nhân mới tuyển dụng chưa đến kỳ trả lương mà không có tiền ăn mới được tạm ứng lương để có tiền ăn, khi trả lương phải thanh toán ngay.
d) Đối với các khoản tiền thu mua lâm sản:
Các tổ trạm thu mua căn cứ vào kế hoạch thu mua và vạch kế hoạch xin rút tiền dần, thu mua đến đâu, rút đến đó.
Ngân hàng địa phương căn cứ vào kế hoạch đã duyệt, kết hợp với tình hình thu mua cụ thể của từng đơn vị, quy định mức tiền mặt được rút trong từng thời kỳ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua của đơn vị, nhưng không để ứ đọng vốn, ứ đọng tiền mặt.
Những đơn vị, cơ sở hoặc Trạm thu mua ở gần cũng như ở xa Ngân hàng đều được rút tiền mặt về trả cho người bán khi không thể thanh toán bằng chuyển khoản được (nếu người bán không có tài khoản ở Ngân hàng). Và đơn vị thu mua phải thanh toán số tiền này với Ngân hàng theo thời gian quy định thống nhất giữa Ngân hàng với các đơn vị.
e) Đối với mức tồn quỹ của các đơn vị:
Mức tồn quỹ chỉ là một số tiền tối thiểu để chi tiêu lặt vặt trong khi lĩnh tiền Ngân hàng về chưa kịp (không kể các khoản chi lương, mua nguyên vật liệu, trả tiền công vận chuyển, bốc vác v.v…).
Ngân hàng địa phương cùng các đơn vị sẽ căn cứ vào hoàn cảnh từng nơi, từng loại quỹ, trong từng thời gian để thống nhất quy định mức tồn quỹ cho sát, không để đọng tiền mặt nhiều không cần thiết ở quỹ.
Cuối mỗi tháng các đơn vị phải báo cáo số tiền mặt còn tại quỹ cho Ngân hàng biết.
g) Điều chỉnh kế hoạch tiền mặt:
Trong quá trình kinh doanh sản xuất hoặc chi tiêu nếu các đơn vị thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp thấy cần phải điều chỉnh kế hoạch thu chi tiền mặt hay lịch rút tiền mặt ở Ngân hàng thì phải đề nghị điều chỉnh (có giải thích rõ ràng, lý do điều chỉnh) gửi đến Ngân hàng địa phương ba ngày trước khi lĩnh tiền.
Nếu việc điều chỉnh hoặc xin rút tiền trước, lịch có ảnh hưởng nhiều đến việc điều hòa lưu thông tiền tệ thì Ngân hàng sẽ giải quyết cho đơn vị lĩnh dần về chi tiêu hoặc chi chuyển khoản nếu được.
III. THEO DÕI CHẤP HÀNH CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ TIỀN MẶT:
Ngân hàng Nhà nước các cấp là đơn vị trực tiếp cấp phát tiền mặt cho các đơn vị, Vụ kế toán tài vụ và các Cục quản lý thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các đơn vị, uốn nắn kịp thời những thiếu sót, lệch lạc của các đơn vị trong việc chấp hành chính sách quản lý tiền mặt, tất cả các đơn vị thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp đều có nhiệm vụ chấp hành đầy đủ chính sách quản lý tiền mặt, đơn vị nào vi phạm nghiêm trọng chính sách quản lý tiền mặt nhiều lần, không chịu sửa chữa, phải chịu kỷ luật theo đúng quy định trong điều 10 Nghị định 15-CP ngày 31-5-1960 của Hội đồng Chính phủ.
Cuối mỗi tháng hoặc quý các đơn vị phải lập hội đồng tự kiểm tra tồn quỹ tiền mặt tại các quỹ, tình hình chấp hành chính sách quản lý tiền mặt của đơn vị mình, lập biên bản báo cáo về Tổng Cục Lâm nghiệp đồng gửi cho Ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản biết để theo rõi.
Để thi hành tốt những điểm quy định trong thông tư liên Bộ này, Ngân hàng Nhà nước các cấp và các đơn vị thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp địa phương có trách nhiệm nghiên cứu kỹ tinh thần nội dung của thông tư và bàn biện pháp cụ thể để thi hành.
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TRUNG ƯƠNG |
- 1Thông tư 15-LB/NH/TC năm 1962 quy định biện pháp quản lý tiền mặt các công trường xây dựng cơ bản do Ngân Hàng Nhà Nước- Bộ Tài Chính ban hành.
- 2Thông tư 123-LN-KH năm 1958 về biện pháp quản lý tiền mặt do Ngân hàng Quốc gia và Hợp tác xã mua bán Trung ương ban hành
- 3Thông tư liên bộ 05-LB-NHNN-BNT năm 1963 về biện pháp quản lý tiền mặt tại các đơn vị thuộc Bộ Nông trường do Ngân hàng nhà nước và Bộ Nông trường ban hành.
- 1Nghị định 15-CP năm 1960 quy định những nguyên tắc về quản lý tiền mặt do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 2Thông tư 15-LB/NH/TC năm 1962 quy định biện pháp quản lý tiền mặt các công trường xây dựng cơ bản do Ngân Hàng Nhà Nước- Bộ Tài Chính ban hành.
- 3Thông tư 123-LN-KH năm 1958 về biện pháp quản lý tiền mặt do Ngân hàng Quốc gia và Hợp tác xã mua bán Trung ương ban hành
- 4Thông tư liên bộ 05-LB-NHNN-BNT năm 1963 về biện pháp quản lý tiền mặt tại các đơn vị thuộc Bộ Nông trường do Ngân hàng nhà nước và Bộ Nông trường ban hành.
Thông tư liên bộ 08-VPPH-TT-LBD-31 năm 1963 về biện pháp quản lý tiền mặt tại các đơn vị thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp do Ngân hàng nhà nước và Tổng cục Lâm nghiệp ban hành.
- Số hiệu: 08-VPPH-TT-LBD-31
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 04/04/1963
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Lâm nghiệp
- Người ký: Trần Dương, Nguyễn Văn Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra