Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-UBKH-NHNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 1964 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ 34-TTG NGÀY 26-4-1963 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHI TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG THUỘC KHU VỰC SẢN XUẤT

Ngày 26 tháng 4 năm 1963 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 34-TTg quy định chế độ quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất. Để giúp các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban hành chính địa phương hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện ở cơ sở, căn cứ vào thông tư của Phủ Thủ tướng, và sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ và Tổng cục chủ quản xí nghiệp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước giải thích và hướng dẫn một số điểm cần thiết như sau:

MỤC 1: VỀ ĐĂNG KÝ KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VÀ KẾ HOẠCH QUỸ TIỀN LƯƠNG TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC(NÊU TRONG ĐIỀU 6 CỦA THÔNG TƯ).

1. Bộ, Tổng Cục đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước trung ương.

a) Yêu cầu: đăng ký kế hoạch quý và năm.

b) Nội dung đăng ký: gồm các chỉ tiêu:

- Giá trị tổng sản lượng trong đó sản lượng chủ yếu (phần Nhà nước giao chính thức cho Bộ, Tổng cục).

- Năng suất lao động.

- Lao động.

- Quỹ tiền lương (lương cấp bậc, phụ cấp lương).

Bản đăng ký gồm chỉ tiêu tổng hợp của Bộ, Tổng cục và chi tiết các xí nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục (theo biểu mẫu và hệ thống chỉ tiêu tạm thời của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành số 1649-UB-VP ngày 26-10-1963).

c) Thời gian đăng ký:

Thời hạn đăng ký chính thức đối với kế hoạch quý và năm từ 15 đến 25 ngày kể từ ngày Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giao kế hoạch chính thức cho cán Bộ, Tổng cục và địa phương (ngày giao kế hoạch lấy ngày ký văn bản).

2. Các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, giao thông bưu điện, nông nghiệp, lâm nghiệp và thương nghiệp… đăng ký tại cơ quan Ngân hàng Nhà nước giữ tài khoản của xí nghiệp.

a) Yêu cầu: đăng ký kế hoạch tháng, quý, năm.

b) Nội dung đăng ký: gồm các chi tiêu:

- Giá trị tổng sản lượng. Trong đó sản lượng chủ yếu (do Bộ, Tổng Cục giao).

- Năng suất lao động.

- Lao động.

- Quỹ tiền lương (lương cấp bậc, phụ cấp lương), trong đó, các chỉ tiêu giá trị tổng sàn lượng và năng suất lao động chung cho toàn nhà máy, các chỉ tiêu quỹ tiền lương, lao động tính chi tiết theo cấu tạo lao động (theo biểu mẫu và hệ thống chỉ tiêu tạm thời của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành số 1649-UB-VP ngày 26-10-1963).

c) Thời gian đăng ký:

- Thời hạn hết đăng ký chính thức đối với kế hoạch hàng năm là 25 ngày kể từ ngày Bộ, Tổng  Cục chủ quản và Ủy ban hành chính thành, tỉnh phê duyệt và công bố kế hoạch (ngày phê duyệt lấy ngày ký văn bản).

- Thời hạn hết đăng ký chính thức đối với kế hoạch quý là 25 ngày đầu của các tháng đầu quý (1, 4, 7, 10) hàng năm.

- Thời hạn hết đăng ký chính thức đối với kế hoạch tháng là 5 đến 10 ngày đầu của tháng kế hoạch.

3. Trong trường hợp chưa có đăng ký chính thức do kế hoạch chưa được Hội dồng Chính phủ phê chuẩn, Ngân hàng chỉ phát tạm ứng tiền lương bằng 90% so với chỉ tiêu kế hoạch quỹ tiền lương của Bộ, Tổng cục chủ quản tạm duyệt cho xí nghiệp.

MỤC II. VỀ VIỆC GIỮ LẠI QUỸ DỰ TRỮ TIỀN LƯƠNG CỦA BỘ, TỔNG CỤC (NÊU TRONG ĐIỀU 8 CỦA THÔNG TƯ)

Để bảo đảm cho kế hoạch sản xuất của các xí nghiệp, việc dự trữ một phần quỹ tiền lương quy định như sau:

+ Chỉ có Bộ, Tổng Cục, Ủy ban hành chính, thành, tỉnh mới có quyền giữ lại một phần để làm quỹ dự trữ.

+ Về tỷ lệ dự trữ:

- Các Bộ, Tổng cục ngành xây dựng cơ bản, công nghiệp gỗ, nông trường, lâm trường, tỷ lệ giữ lại nhiều nhất không được vượt quá 3% quỹ tiền lương của Bộ, Tổng Cục mình đã được Nhà nước duyệt.

- Các Bộ, Tổng cục khác, các Ủy ban hành chính thành, tỉnh tỷ lệ giữ lại nhiều nhất không quá 2% quỹ tiền lương của Bộ, Tổng Cục, địa phương mình đã được Nhà nước duyệt.

Bộ, Tổng Cục, Ủy ban hành chính thành, tỉnh dựa vào tỷ lệ dự trữ quỹ tiền lương đã quy định, có kế hoạch dự trữ về lao động để không ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tiền lương bình quân của xí nghiệp.

MỤC III. – VỀ NGUYÊN TẮC CHI TRẢ LƯƠNG CHO TỪNG XÍ NGHIỆP TRONG KHU VỰC SẢN XUẤT  ĐÃ NÊU TRONG CÁC ĐIỀU 4 VÀ 5 CỦA THÔNG TƯ 34-TTG

Quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất xây dựng trên cơ sở kế hoạch sản xuất và dựa vào nguyên tắc mức tăng của năng suất lao động phải cao hơn mức tăng của tiền lương, chỉ có như vậy mới bảo đảm tích lũy xã hội chủ nghĩa thường xuyên cần thiết để mở rộng tái sản xuất và trên cơ sở đó nâng cao phúc lợi vật chất của cán bộ, công nhân viên.

1. Kế hoạch sản xuất chủ yếu là tính theo chỉ tiêu giá trị tổng sản lượng, trong đó có sản lượng chủ yếu và chỉ tiêu năng suất lao động, cho nên nói hoàn thành, không hoàn thành, hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất là phải dựa vào cả hai tiêu chuẩn này để xác định. Như vậy, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất có ba trường hợp:

a) Hoàn thành kế hoạch giá trị tổng sản lượng và sản lượng chủ yếu và vượt kế hoạch năng suất lao động.

b) Hoàn thành kế hoạch năng suất lao động và vượt kế hoạch giá trị tổng sản lượng và sản lượng chủ yếu.

c) Vừa hoàn thành vượt mức kế hoạch giá trị tổng sản lượng và sản lượng chủ yếu, vừa hoàn thành vượt mức kế hoạch năng suất lao động.

Hai trường hợp sau (b và c) đều được chi tiền lương vượt mức so với quỹ tiền lương đã duyệt, theo hệ số được tăng về quỹ tiền lương đối với từng loại xí nghiệp. Riêng trường hợp thứ nhất (a), tiết kiệm được lao động, chỉ được chi trong phạm vi quỹ tiền lương đã duyệt.

Vấn đề áp dụng hệ số thích hợp với từng loại xí nghiệp sẽ do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, Tổng cục chủ quản nghiên cứu và quyết định sau.

2. Các trường hợp sau đây được xem vào điều kiện sản xuất không bình thường, và chưa áp dụng các điểm b và c (điều 4) và điều 5 của thông tư số 34-TTg:

- Do thiên tai, dịch.

- Vì vật tư nhập về không đúng kế hoạch.

- Do thay đổi kế hoạch sản xuất: mặt hàng, thiết kế kỹ thuật.

- Do cơ quan cấp trên hoặc đơn vị bạn không thực hiện đúng các hợp đồng đã ký kết về cung cấp lao động, vật tư, động lực.

- Do thay đổi giá cả nguyên vật liệu, do thay đổi kết cấu giá trị tổng sản lượng.

Ngoài các trường hợp đã quy định ở trên ra, còn lại đều thuộc vào điều kiện sản xuất bình thường.

3. Trong điều kiện sản xuất bình thường, nếu không hoàn thành kế hoạch sản xuất thì số tiền lương được chi cũng giảm theo tỷ lệ thích đáng (điểm c, điều 4).

a) Các trường hợp sau đây đều xem không hoàn thành kế hoạch sản xuất:

- Không hoàn thành cả hai chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu là giá trị tổng sản lượng và năng suất lao động.

- Tuy vượt chỉ tiêu kế hoạch về năng suất lao động nhưng không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về giá trị tổng sản lượng.

b) Không hoàn thành kế hoạch sản xuất, có thể dẫn tới các trường hợp vượt quỹ tiền lương:

- Vượt mức tiền lương tương đối, nghĩa là chênh lệch giữa tiền lương thực tế xin lĩnh lớn hơn tiền lương đã tính toán lại theo mức kế hoạch sản xuất.

- Vượt quỹ tiền lương tuyệt đối, nghĩa là chênh lệch giữa tiền lương thực tế xin lĩnh lớn hơn con số kế hoạch.

- Vừa vượt mức tiền lương tương đối, vừa vượt mức tiền lương tuyệt đối.

Ví dụ: Mức thực hiện kế hoạch sản xuất 95%

Kế hoạch tiền lương được duyệt 100.000đ.

Tiền lương tính lại theo mức thực hiện kế hoạch sản xuất.

100.000đ x 95

= 95.000đ

100

Nếu xí nghiệp thực tế xin lĩnh lương 102.000đ, thì xí nghiệp đã:

- Vượt mức tiền lương tương đối là: 102.000đ – 95.000đ. = 7.000đ.

- Vượt mức tiền lương tuyệt đối là: 102.000đ – 100.000đ = 2.000đ.

4. Để chiếu cố tới việc bảo đảm đời sống bình thường của công nhân trong khi không hoàn thành được kế hoạch sản xuất, điều 5 thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã quy định các trường hợp cụ thể và mức độ mà Ngân hàng Nhà nước có thể tạm ứng cho xí nghiệp một phần tiền lương thiếu để trả cho công nhân do không hoàn thành kế hoạch sản xuất dẫn tới.

a) Vượt mức tiền lương tương đối, nhưng chưa vượt quỹ tiền lương tuyệt đối.

+ Trong phạm vi quỹ tiền lương kế hoạch, nếu chỉ vượt mức tiền lương so với mức thực hiện kế hoạch sản xuất trong phạm vi không quá 5% thì sau khi xí nghiệp đã có bản thuyết minh về kế hoạch bồi hoàn số tiền lương vượt mức đó (vượt mức tương đối) Ngân hàng địa phương có thể ứng tiền lương cho xí nghiệp để trả (điểm a điều 5 của thông tư).

+ Trong phạm vi quỹ tiền lương kế hoạch, nếu chi vượt mức tiền lương so với mức thực hiện kế hoạch sản xuất vượt quá tỷ lệ quy định 5% thì Ngân hàng chỉ phát số tiền vượt mức trên tỷ lệ 5% này khi có yêu cầu chính thức của Bộ (hoặc Cục) và Tổng Cục chủ quản của xí nghiệp (điểm b, điều 5 của thông tư).

Ví dụ:

Tiền lương kế hoạch là 100.000đ.

Xí nghiệp chỉ thực hiện 90% kế hoạch sản xuất.

Tiền lương tính lại theo mức thực hiện kế hoạch sản xuất:

100.000đ x 90

= 90.000đ

100

Nếu xí nghiệp xin lĩnh tiền lương số tiền là 98.000đ, như vậy là xí nghiệp vượt mức tiền lương tương đối:

98.000đ – 90.000đ = 8.000đ bằng

8.000đ x 100

 = 8%

100.000

Ngân hàng có thể cấp tạm ứng cho xí nghiệp về số tiền vượt mức 5% kế hoạch:

100.000đ x 5

= 5.000đ

100

Còn số tiền vượt mức trên tỷ lệ 5% kế hoạch 8.000đ – 5.000đ = 3.000đ (3% vượt trên tỷ lệ quy định) Ngân hàng phát tạm ứng cho xí nghiệp khi có yêu cầu chính thức của Bộ hoặc Cục, Tổng Cục chủ quản xí nghiệp.

b) Vượt mức tiền lương tương đối và vượt quỹ lương tuyệt đối.

- Ngoài phạm vi quỹ tiền lương kế hoạch, nếu chi vượt mức tiền lương so với mức thực hiện kế hoạch sản xuất thì Ngân hàng chỉ có thể phát tạm ứng cho xí nghiệp một phần tiền lương vượt mức sao cho khi tính chung cả phần tiền lương được lĩnh theo mức thực hiện kế hoạch sản xuất nhiều nhất không được quá chỉ tiêu kế hoạch quỹ tiền lương đã duyệt; phần còn thiếu xí nghiệp phải xin Bộ, Tổng Cục điều chỉnh (điểm b, điều 5 của thông tư).

Ví dụ: Tiền lương kế hoạch 100.000đ

Mức thực hiện kế hoạch sản xuất 97%, tiền lương tính lại theo mức thực hiện kế hoạch sản xuất:

100.000đ x 97

= 97.000đ

100

Nếu xí nghiệp thực tế xin lĩnh lương số tiền 102.000đ thì tuy số tiền lương vượt mức tương đối 5.000đ (102.000đ – 97.000đ) không quá tỷ lệ quy định 5% của lương kế hoạch (5% của 100.000đ là 5.000đ); nhưng vì có vượt quỹ tiền lương tuyệt đối 2.000đ (102.000đ – 100.000đ) nên Ngân hàng chỉ có thể phát tạm ứng phần tiền lương vượt mức cho xí nghiệp nhiều nhất là 3.000đ, vì tổng hợp lại cả phần tiền lương tính lại theo mức thực hiện kế hoạch sản xuất và phần tiền lương vượt mức được tạm ứng không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch.

100.000đ – 97.000đ = 3.000đ,

Phần còn thiếu theo yêu cầu thực tế xin lĩnh của xí nghiệp vượt quá kế hoạch 2.000đ, Ngân hàng có thể phát tạm ứng cho xí nghiệp khi nhận được điều chỉnh phân phối thêm chỉ tiêu kế hoạch của Bộ (hoặc Cục), Tổng Cục chủ quản xí nghiệp.

- Chi vượt mức tiền lương liên tiếp nói ở trên đây nghĩa là vượt mức tiền lương xảy ra ở hai tháng liền kề tiếp nhau không kể tháng liền đó thuộc vào quý nào. Ví dụ : tháng 3 của quý I đã có vượt mức, tháng 4 là tháng đầu quý II lại vượt mức nữa thì xem như là vượt mức liên tiếp.

c) Việc bồi hoàn tiền lương chi vượt mức: Xí nghiệp có trách nhiệm phải bồi hoàn từng quý, 6 tháng và hoàn thành hết vào cuối năm kế hoạch.

Trong trường hợp cá biệt vì lý do đặc biệt mà xí nghiệp không thể bồi hoàn đủ số tiền lương đã chi vượt mức trong 6 tháng, trong năm, thì Bộ, Tổng Cục chủ quản của xí nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh trong nội bộ ngành mình hoặc lấy trong quỹ dự trữ vào dịp điều chỉnh kế hoạch 6 tháng hoặc cuối năm để bồi hoàn cho đủ (điểm c, điều 5 của thông tư).

Việc kiểm soát chi tiêu việc tiền lương nói ở mục III sẽ do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, Tổng Cục chủ quản tiến hành thí điểm ở một số xí nghiệp điển hình.

Các Bộ, Tổng Cục, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, căn cứ vào thông tư này của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước, quy định và hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị thuộc quyền để chấp hành cho tốt, trước hết là những điều nói ở mục I (về vấn đề đăng ký kế hoạch) và mục II (về vấn đề để lại quỹ dự trữ của Bộ, Tổng Cục). Riêng mục III (về nguyên tắc chi trả lương) trong thông tư này, sau khi tiến hành thí điểm, sẽ có công văn hướng dẫn chi tiết để thi hành.

K.T. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
 
 


Vũ Duy Hiệu

K.T CHỦ NHIỆM
ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
PHÓ CHỦ NHIỆM


 

 
Đặng Viết Châu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 08-UBKH-NHNN năm 1964 giải thích và hướng dẫn thi hành Thông tư 34-TTg về chế độ quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất do Ủy ban kế hoạch Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 08-UBKH-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 06/01/1964
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Vũ Duy Hiệu, Đặng Việt Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 21/01/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản