Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1963

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHI TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG THUỘC KHU VỰC SẢN XUẤT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất, tiếp theo quyết định số 148-TTg, ngày 19 tháng 03 năm 1958 và thông tư số 049-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư này quy định chế độ quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất cụ thể như sau:

1. Quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất, nhằm mục đích:

- Thúc đẩy các xí nghiệp và tổ chức kinh tế sử dụng hợp lý và tiết kiệm quỹ tiền lương, chấp hành nghiêm chỉnh kế hoạch lao động, kế hoạch tiền lương bình quân phát hiện những mặt mất cân đối giữa các chỉ tiêu sản lượng, lao động và tiền lương để có biện pháp khắc phục kịp thời;

- Góp phần thực hiện đúng đắn chính sách phân phối theo lao động, khuyến khích tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và phí lưu thông, củng cố chế độ hạch toán kinh tế;

- Góp phần giữ vững cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, làm cơ sở cho việc quản lý tiền tệ, củng cố và nâng cao sức mua của đồng tiền.

2. Việc quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương quy định trong thông tư này được áp dụng đối với các xí nghiệp công nghiệp, giao thông bưu điện, nông nghiệp, lâm nghiệp và thương nghiệp quốc doanh trung ương (trừ đơn vị kiến thiết cơ bản), và do Ngân hàng Nhà nước phụ trách.

3. Tùy theo tính chất của từng ngành, việc quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương sẽ dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp, như giá trị sản lượng, khối lượng công tác v.v… dưới đây gọi chung là kế hoạch sản xuất.

4. Việc trả lương trong khu vực sản xuất phải phù hợp với mức độ thực hiện kế hoạch sản xuất:

a) Nếu kế hoạch sản xuất hoàn thành 100% thì được chi 100% quỹ tiền lương kế hoạch.

b) Nếu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kế hoạch năng suất lao động, thì được chi tiền lương vượt mức so với quỹ tiền lương đã duyệt theo hệ số được tăng về quỹ tiền lương đối với từng loại xí nghiệp. Hệ số này do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với các Bộ,Tổng cục chủ quản và Ngân hàng Nhà nước quy định.

c) Trong điều kiện sản xuất bình thường, nếu không hoàn thành kế hoạch sản xuất, thì số tiền lương được chi cũng giảm theo tỷ lệ thích ứng.

5. Nếu xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất, thiếu tiền lương để trả cho công nhân, Ngân hàng Nhà nước có thể tạm ứng cho xí nghiệp một phần tiền lương trong phạm vi kế hoạch quỹ tiền lương được duyệt. Cách giải quyết cụ thể ấn định như sau:

a) Trường hợp xí nghiệp chỉ vượt mức tiền lương so với mức thực hiện kế hoạch sản xuất trong phạm vi tỷ lệ do các Bộ, Tổng cục chủ quản cùng Ngân hàng Nhà nước quy định, nhưng chưa vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch, thì xí nghiệp phải có bản thuyết minh về kế hoạch bồi hoàn số tiền lương vượt mức đó trong một thời hạn nhất định, Ngân hàng Nhà nước có thể ứng tiền lương để trả.

b) Trường hợp chi vượt mức tiền lương so với mức thực hiện kế hoạch sản xuất quá tỷ lệ đã quy định, hoặc chi vượt mức tiền lương liên tiếp và xét thấy xí nghiệp thiếu khả năng bồi hoàn, hoặc chỉ vượt mức quỹ tiền lương kế hoạch trong khi không hoàn thành kế hoạch sản xuất, thì Ngân hàng Nhà nước không được phát phần chi vượt mức đó, và thông báo ngay cho Bộ, Tổng cục chủ quản của xí nghiệp biết.

Bộ, Tổng cục chủ quản có thể yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phát tiền lương vượt mức cho xí nghiệp đồng thời để biện pháp cụ thể cho xí nghiệp khắc phục khuyết điểm, đẩy mạnh sản xuất, sử dụng hợp lý và tiết kiệm quỹ tiền lương để có thể bồi hoàn phần tiền lương mà xí nghiệp đã chi vượt mức.

c) Thời hạn bồi hoàn số tiền lương chi vượt mức không được quá ba tháng. Nếu đến cuối năm vẫn chưa bồi hoàn đủ số tiền lương đã chi vượt mức trong năm, thì Ngân hàng phải thông báo ngay cho Bộ, Tổng cục chủ quản của xí nghiệp để giải quyết bằng cách điều hòa quỹ tiền lương giữa các xí nghiệp hoặc lấy trong số tiền lương dự trữ của Bộ Tổng cục chủ quản để bù.

Nếu Bộ, Tổng cục chủ quản không còn khả năng điều hòa hoặc đã dùng hết quỹ dự trữ thì phải báo cáo với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đệ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

d) Đối với xí nghiệp đã để xẩy ra chi vượt mức tiền lương liên tục và mặt dầu đã có biện pháp bổ cứu của Bộ, Tổng cục chủ quản mà vẫn chưa có chuyển biến tốt trong việc quản lý sản xuất, thực hiện cân đối các chỉ tiêu kế hoạch, thì Ngân hàng Nhà nước có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng kiểm tra tình hình hoạt động kinh tế tài vụ của xí nghiệp.

Hội đồng kiểm tra do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì, có đại diện Bộ Lao động, Tổng cục chủ quản của xí nghiệp, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban thanh tra Chính phủ. Việc trả lương cho xí nghiệp sẽ thi hành theo kết luận của Hội đồng kiểm tra. Nếu các thành viên trong Hội đồng kiểm tra có những quan điểm khác nhau không kết luận được thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

6. Hàng năm và từng quý, các Bộ và Tổng cục chủ quản phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước các kế hoạch sản xuất và kế hoạch lao động tiền lương của ngành mình, các xí nghiệp thì đăng ký trực tiếp tại cơ quan Ngân hàng Nhà nước giữ tài khoản của xí nghiệp.

Các tài liệu đăng ký về kế hoạch sản xuất và kế hoạch lao động tiền lương của các Bộ, Tổng cục chủ quản và xí nghiệp khi gửi cho Ngân hàng phải cùng gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Thời hạn, nội dung mẫu biểu đăng ký kế hoạch do Ủy ban kế hoạch Nhà nước quy định.

Ngân hàng phát lương dựa theo đăng ký kế hoạch chính thức. Trường hợp chưa có đăng ký chính thức do kế hoạch chưa được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn thì Ngân hàng Nhà nước có thể tạm ứng tiền lương cho xí nghiệp theo yêu cầu chính thức của Bộ, Tổng cục chủ quản của xí nghiệp.

7. Nếu kế hoạch sản xuất quý hay tháng của xí nghiệp có thay đổi, Giám đốc xí nghiệp phải đề nghị với Bộ, Tổng cục chủ quản xét điều chỉnh kế hoạch tiền lương quý hay tháng, nhưng không được vượt quá chỉ tiêu kế hoạch tiền lương cả năm hay cả quý đã được duyệt. Việc điều chỉnh kế hoạch của quý hay tháng phải hoàn thành và gửi tới Ngân hàng trước ngày 10 của tháng cuối quý kế hoạch (đối với kế hoạch quý (và trước ngày 20 của tháng kế hoạch (đối với kế hoạch tháng).

8. Các Bộ, Tổng cục có nhiệm vụ quản lý quỹ tiền lương của ngành mình; có quyền được điều hòa mức tiền lương của xí nghiệp thừa cho xí nghiệp thiếu trong phạm vi kế hoạch được duyệt.

Ngoài ra, khi phân phối quỹ tiền lương cho các xí nghiệp, Bộ, Tổng cục chủ quản được quyền giữ lại từ 2% đến 3% tổng mức tiền lương được duyệt, làm quỹ dự trữ để bù đắp phần chỉ vượt mức quỹ tiền lương của xí nghiệp.

9. Thông qua công tác quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ phát hiện những lệch lạc và thiếu sót trong quá trình thực hiện các chính sách về lao động, tiền lương và trong việc quản lý sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, tìm nguyên nhân và góp ý kiến bổ khuyết.

10. Để làm tròn trách nhiệm quản lý và kiểm soát chỉ tiêu quỹ tiền lương của các xí nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phải tiền hành quản lý và kiểm soát việc chi trả tiền lương theo hai phương pháp: kiểm soát trước và kiểm soát sau như dưới đây:

a) Phương pháp kiểm soát trước thực hiện ngay khi các xí nghiệp nhận tiền ở Ngân hàng để chi trả lương. Ngân hàng Nhà nước căn cứ báo cáo thực hiện kế hoạch sản xuất, kế hoạch lao động và kế hoạch tiền lương kiểm soát lại bảng lương và phát tiền lương thích đáng với mức thực hiện kế hoạch sản xuất.

Trong khi chưa có báo cáo thống kê về việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất, lao động tiền lương, thì phần tiền lương đã phát cho xí nghiệp coi như tạm ứng. Chậm nhất là ngày 10 tháng sau, các xí nghiệp phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước các báo cáo thống kê chính thức nói trên để tính số tiền lương được chi theo quy định ở điều 4 và 5 trên đây.

b) Phương pháp kiểm soát sau được thực hiện bằng cách kiểm tra trực tiếp tại xí nghiệp tình hình chi tiêu quỹ tiền lương trên cơ sở các báo cáo thống kê về sản xuất, lao động và tiền lương, và các báo biểu kế toán. Qua kiểm tra, Ngân hàng phát hiện những khoản tiết kiệm cũng như các khoản lãng phí trong việc chi tiêu tiền lương, tìm nguyên nhân và góp ý kiến khắc phục những thiếu sót, theo dõi đôn đốc thực hiện các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng chi vượt mức tiền lương và buộc bồi hoàn số chi vượt mức đó.

11. Các xí nghiệp phải hạch toán tiền lương theo đúng quy định về thành phần quỹ tiền lương của Nhà nước.

12. Việc phát tiền lương phải theo đúng những nguyên tắc về quản lý tiền mặt của Nhà nước đã quy định. Mọi khoản chi tiêu về tiền lương đều phải trực tiếp rút tiền ở Ngân hàng Nhà nước, không được lấy các khoản tiền khác để chi trả tiền lương và không được lấy tiền lương để chi cho các khoản khác.

13. Các xí nghiệp phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước các báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch có liên quan tới việc quản lý và kiểm soát chỉ tiêu quỹ tiền lương theo đúng quy định về chế độ báo cáo của Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước làm căn cứ kiểm soát việc chỉ tiêu quỹ tiền lương của xí nghiệp (Ngân hàng Nhà nước có quyền đối chiếu, thẩm tra lại số liệu trên sổ sách kế toán của xí nghiệp).

14. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện các kế hoạch về lao động và tiền lương thuộc khu vực sản xuất, định kỳ báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ.

15. Những vấn đề không thống nhất ý kiến xẩy ra trong quá trình thực hiện việc quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương giữa cơ quan Ngân hàng địa phương và xí nghiệp sẽ do Bộ, Tổng cục chủ quản của xí nghiệp và Ngân hàng Nhà nước trung ương cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp giải quyết.

Trường hợp ý kiến giữa các ngành không thống nhất được thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

16. Quỹ tiền lương của các xí nghiệp quốc phòng sẽ do Bộ Quốc phòng quản lý dựa theo tinh thần chế độ quản lý quy định trong thông tư này và theo sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

17. Việc quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương, xí nghiệp công tư hợp doanh do Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh quy định.

Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, Tổng cục chủ quản xí nghiệp, các Ủy ban hành chính khu thành, tỉnh căn cứ thông tư này ban hành biện pháp cụ thể để tiến hành quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương cho thích hợp với tính chất sản xuất kinh doanh và trình độ hạch toán kinh tế của từng ngành.

K.T.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 34-TTg năm 1963 quy định chế độ quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương thuộc khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 34-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/04/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: 15/05/1963
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 11/05/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản