- 1Thông tư 87-NV/DC năm 1958 ấn định thể thức và hướng dẫn thi hành Nghị định 484-NĐ/LB về việc xét các đơn xin thay đổi họ, tên do Bộ Nội Vụ ban hành
- 2Thông tư 05-NV năm 1961 hướng dẫn thi hành Điều lệ đăng ký hộ tịch mới do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư 13-NV/DC năm 1959 về việc xét các đơn xin cải chính tuổi do Bộ Nội vụ ban hành
- 4Nghị định 484-NĐ/LB năm 1958 quy định thể lệ thay đổi họ, tên do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ- Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành
- 5Nghị định 4-CP năm 1961 Điều lệ đăng ký hộ tịch do Hội đồng Chính phủ ban hành
BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 05-TT-LB | Hà Nội, ngày 11 tháng 2 năm 1964 |
Kính gửi: Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố
Trong mấy năm nay, ở một số địa phương đã xảy ra việc học sinh tự đổi họ, tên, tuổi hoặc giáo viên tự ý sửa chữa họ, tên, tuổi trong giấy khai sinh và học bạ của học sinh không đúng nguyên tắc và thủ tục đã quy định trong Điều lệ đăng ký hộ tịch của Hội đồng Chính phủ ban hành trong Nghị định số 4/CP ngày 16 tháng 1 năm 1961.Có học sinh đã khai sinh rồi, nhưng lại lợi dụng quy định về việc khai sinh quá hạn để khai một tuổi khác. Có học sinh lấy học bạ của người khác để thi vào trường trung học chuyên nghiệp, sau khi trúng tuyển lại xin đổi tên để có tên khớp với học bạ. Có giáo viên đã tự ý sửa chữa tên, tuổi trong giấy khai sinh và học bạ của gần một nửa số học sinh trong lớp.
Sở dĩ có tình trạng trên một mặt là do một số giáo viên và học sinh còn thiếu ý thức tôn trọng luật lệ của Nhà nước, muốn có tên mới kêu hơn, muốn có đủ điều kiện tuổi đi thi vào trường đại học hoặc trung học chuyên nghiệp, thi chuyển cấp, trốn tránh việc thi hành một số nghĩa vụ như nghĩa vụ dân công, nghĩa vụ quân sự, mặt khác là do việc tuyên truyền phổ biến Điều lệ đăng ký hộ tịch trong giáo viên và học sinh chưa được sâu rộng, còn nhiều người chưa hiểu biết các nguyên tắc và thủ tục đăng ký hộ tịch. Vì vậy, Liên Bộ Nội vụ - Giáo dục chủ trương phổ biến rộng rãi Điều lệ đăng ký hộ tịch trong các trường phổ thông theo kế hoạch như sau:
Việc phổ biến Điều lệ đăng ký hộ tịch trong các trường phổ thông nhằm làm cho giáo viên và học sinh nhận thức được ý nghĩa, mục đích của Điều lệ đăng ký hộ tịch, hiểu rõ và chấp hành nghiêm chỉnh những nguyên tắc và thủ tục đăng ký hộ tịch.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG
Việc phổ biến Điều lệ đăng ký hộ tịch sẽ tiến hành ở tất cả các trường phổ thông cấp I, II và III trên toàn miền Bắc cho tất cả các giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 10.
Nội dung phổ biến gồm những điều đã được quy định trong các văn bản sau đây:
1. Điều lệ đăng ký hộ tịch của Hội đồng Chính phủ ban hành trong Nghị định số 4/CP ngày 16 tháng 1 năm 1961.
2. Nghị định số 484/NĐ/LB ngày 24 tháng 12 năm 1958 của liên Bộ Nội vụ - Tư pháp quy định về việc thay đổi họ, tên và chữ đệm.
3. Thông tư số 13/NV/DC ngày 20 tháng 3 năm 1959 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về việc xét các đơn cải chính tuổi.
Đối với từng văn bản nói trên, cần chú ý đi sâu vào một số vấn đề như sau:
- Đối với Điều lệ đăng ký hộ tịch thì đi sâu vào các chương đăng ký việc sinh (các Điều 1 và 2 ) ghi chú các việc thay đổi về hộ tịch (Điều 4) điều khoản chung (các Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 25 và 26) .
- Đối với nghị định về thay đổi họ, tên và chữ đệm thì chỉ phổ biến các Điều 1, 2 và 3 quy định những trường hợp có thể xin thay đổi họ, chữ đệm và thẩm quyền giải quyết.
Đối với Thông tư về việc xét các đơn xin cải chính tuổi thì chỉ phổ biến cách thức xin cải chính tuổi và thẩm quyền giải quyết.
Trong khi nghiên cứu các văn bản trên để phổ biến, cần tham khảo thêm các văn bản sau đây:
- Thông tư số 87/NV/DC ngày 26-12-1958 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định liên Bộ Nội vụ - Tư pháp số 484/NĐ/LB ngày 24-12-1958 về việc xét các đơn xin thay đổi họ, tên.
- Thông tư số 5/NV ngày 21-1-1961 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Điều lệ đăng ký hộ tịch mới.
III. TỔ CHỨC, PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
Ở khu, tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, Uỷ ban hành chính có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc phổ biến này. Các Ty, Sở Giáo dục và Ban Tổ chức và Dân chính tỉnh, thành phố (những nơi nào chưa thành lập Ban Tổ chức và Dân chính thì do cán bộ hộ tịch tỉnh) có nhiệm vụ giúp Uỷ ban hành chính trong việc xây dựng, hướng dẫn, phổ biến kế hoạch, kiểm tra việc thực hiện và làm báo cáo sau khi hoàn thành việc phổ biến. Các Phòng giáo dục và cán bộ hộ tịch huyện, thị xã có nhiệm vụ giúp Uỷ ban hành chính đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ các xã, thị trấn, khu phố thực hiện.
Ở xã, thị trấn, khu phố, Uỷ ban hành chính có trách nhiệm tổ chức phổ biến trong các trường phổ thông thuộc phạm vi địa phương mình. Về tài liệu thì sẽ căn cứ vào các văn bản in trong cuốn Điều lệ đăng ký hộ tịch đã phân phối về cho các xã, thị trấn và khu phố, còn đối với những văn bản quy định về việc thay đổi họ, tên, chữ đệm, cải chính tuổi thì Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố có thể trích in những điểm cần thiết gửi về cho xã, thị trấn, khu phố.
Tuỳ tình hình thực tế, nếu ở địa phương có nhiều trường thì có thể bố trí phổ biến lần lượt ở từng trường, nếu trong một trường có quá nhiều học sinh không thể phổ biến cùng một lúc thì có thể làm hai hoặc ba đợt vào những ngày khác nhau. Thời gian phổ biến không nên kéo dài quá hai giờ.
Sau khi nghe Uỷ ban hành chính báo cáo xong, các giáo viên và học sinh cần liên hệ đến bản thân mình, đến lớp mình, trường mình, nếu có những hành vi trái với Điều lệ về hộ tịch của Chính phủ, thì phải tích cực và khẩn trương sửa chữa. Sau khi Uỷ ban hành chính phổ biến Điều lệ hộ tịch và kêu gọi sửa chữa những hành vi trái với Điều lệ hộ tịch rồi mà còn có những phần tử ngoan cố không chịu sửa chữa thì áp dụng Điều 26 của Điều lệ hộ tịch mà trừng phạt một cách thích đáng đối với họ.
Trên đây là những nét chính về chủ trương và kế hoạch thực hiện. Các khu, tỉnh, thành phố sẽ dựa vào Thông tư này và tuỳ theo tình hình thực tế mà đề ra kế hoạch cụ thể cho điạ phương.
Đợt phổ biến Điều lệ đăng ký hộ tịch này có ý nghĩa quan trọng và cần được hoàn thành chậm lắm trong tháng 4 năm 1964, trước những ngày thi cử, để có thể hạn chế được những vụ vi phạm luật lệ của Nhà nước. Vì vậy, liên Bộ Nội vụ - Giáo dục lưu ý các Uỷ ban hành chính cần chuẩn bị kế hoạch cho chu đáo để có thể tiến hành được nhanh,gọn, nhẹ nhàng, nhưng cần đạt yêu cầu.
Sau khi làm xong đợt phổ biến này, các Uỷ ban hành chính sẽ báo cáo về Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục. Yêu cầu của báo cáo là phản ảnh được đầy đủ tình hình tiến hành, kết quả đã đạt được, có các số liệu chứng minh.
Nguyễn Văn Ngọc (Đã ký) | Võ Thuần Nho (Đã ký) |
- 1Thông tư 87-NV/DC năm 1958 ấn định thể thức và hướng dẫn thi hành Nghị định 484-NĐ/LB về việc xét các đơn xin thay đổi họ, tên do Bộ Nội Vụ ban hành
- 2Thông tư 05-NV năm 1961 hướng dẫn thi hành Điều lệ đăng ký hộ tịch mới do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư 13-NV/DC năm 1959 về việc xét các đơn xin cải chính tuổi do Bộ Nội vụ ban hành
- 4Nghị định 484-NĐ/LB năm 1958 quy định thể lệ thay đổi họ, tên do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ- Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành
- 5Nghị định 4-CP năm 1961 Điều lệ đăng ký hộ tịch do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 83/1998/NĐ-CP về việc đăng ký hộ tịch
Thông tư liên bộ 05-TT-LB năm 1964 hướng dẫn phổ biến Điều lệ đăng ký hộ tịch trong các trường phổ thông do Bộ Giáo dục; Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 05-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 11/02/1964
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ
- Người ký: Nguyễn Văn Ngọc, Võ Thuần Nho
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 26/02/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định