Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-NV/DC

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XÉT CÁC ĐƠN XIN CẢI CHÍNH TUỔI

Kính gửi: - Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh, thành phố.

Hơn một năm nay, Bộ đã có công văn gửi một số tỉnh, thành phố nói cách giải quyết các đơn xin “thay đổi tuổi” và riêng Bộ cũng đã trực tiếp giải quyết một số đơn xin “chữa tuổi” cho con em của cán bộ, bộ đội miền Nam ra tập kết.

Sơ bộ tổng hợp tình hình và nhận định về vấn đề này, Bộ nêu ra dưới đây một số trường hợp hay gặp và đề ra các cách giải quyết chung:

1. Có người trước đây đã khai sinh hợp lệ, bản thân còn giữ được giấy khai sinh cũ, hoặc sổ cái còn lưu trữ tại một cơ quan hành chính hay tư pháp phụ trách vấn đề đăng ký hộ tịch, nay xin chữa tuổi tăng lên mấy tháng hoặc một vài năm, nhưng không nói được, hoặc không muốn nói rõ vì lý do gì; có người cũng trong trường hợp đã được khai sinh hợp lệ rồi, nhưng nay thấy tuổi của mình đã quá hay chưa đủ để được vào học một trường phổ thông hay chuyên nghiệp, thì làm đơn xin tăng lên hoặc giảm đi mấy tuổi để được đúng với tuổi quy định của nhà trường.

2. Có người trước đây chưa khai sinh hợp lệ, hoặc đã khai sinh hợp lệ, nhưng giấy khai sinh không còn nữa mà cũng không xin được bản sao hay bản trích lục khác, vì sổ cái lưu đã bị thất lạc hay tiêu hủy vì lý do chiến tranh, nên đã làm giấy chứng nhận thay thế giấy khai sinh, nay xin cải chính lại vì có sự sai lầm về tuổi ghi trong giấy chứng nhận thay giấy khai sinh ấy, thí dụ: hồi tạm chiếm đã khai rút tuổi để tránh địch động viên, bắt đi phu, đi lính.

3. Có người trước đây chưa khai sinh hợp lệ, hoặc đã khai sinh hợp lệ rồi, nhưng sổ sách giấy tờ cũ đều không còn nữa mà cũng không làm giấy chứng nhận thay thế giấy khai sinh, nhưng tuổi của đương sự đã được ghi trong hồ sơ, lý lịch, văn bằng, học bạ, hoặc trong một chứng thư như giấy thông hành, chứng minh thư cán bộ, bộ đội, nay thấy tuổi ghi trong các giấy tờ ấy có sự sai lầm, không đúng với tuổi thực của mình thì làm đơn xin cải chính.

Thí dụ: đi tản cư hồi kháng chiến, hoặc tập kết sau hòa bình lập lại, bị đứt liên lạc với gia đình, nên đã nhớ và khai sai tuổi hoặc ngày tháng năm sinh.

Đối với các trường hợp nói trên, cách giải quyết sẽ theo như sau:

a) Đối với trường hợp thứ nhất:

Nhất thiết bác đơn, vì người ta chỉ sinh ra có một lần, vào một ngày tháng năm nhất định; đã được khai sinh hợp lệ rồi thì không thể xin tăng giảm tuổi bằng cách khai sinh lại với một ngày tháng năm sinh khác.

b) Đối với các trường hợp thứ hai và thứ ba:

Nếu đương sự xuất trình được bằng chứng cụ thể là trước đây đã có sự khai sai nhầm và ghi sai nhầm tuổi vào các sổ sách, giấy tờ nói ở trên, và nếu cuộc điều tra của chính quyền cũng xác nhận có sự sai nhầm thực, thì có thể cho phép cải chính lại tuổi cho đúng với tuổi thực của đương sự.

Việc giải quyết những đơn nói trên thuộc thẩm quyền Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố hay khu nơi đương sự hiện cư trú, không phân biệt đương sự thuộc độ tuổi nào và sinh ở miền Nam, miền Bắc hay nước ngoài.

Nếu xét thấy cần, Ủy ban nơi cư trú nhận được đơn có thể nhờ Ủy ban nơi sinh quán hoặc các nơi cư trú cũ của đương sự điều tra cho thêm tài liệu để giải quyết.

Khi xét đơn xin cải chính tuổi, Ủy ban phải rất thận trọng, điều tra rất kỹ lưỡng, đòi đương sự xuất trình bằng chứng cụ thể, để đề phòng các trường hợp man trá là trước đã khai đúng tuổi, nhưng nay lại xin chữa lên, chữa xuống để phục vụ một lợi ích cá nhân không chính đáng, viện lý này, lẽ khác để che giấu sự gian dối của mình và cũng tìm được các người vô tình hoặc hữu ý đứng ra làm chứng, bảo đảm cho lời khai man của họ.

Nói chung; đối với những người trạc tuổi thanh niên, Ủy ban chú ý đề phòng những mưu mô gian trá nói trên của một vài cá nhân chậm tiến. Còn như đối với các trẻ em miền Nam ra tập kết, đa số còn đương theo học tại các trường học sinh miền Nam thì nên có sự châm chước về điều kiện xuất trình bằng chứng chính xác.

Khi cho phép cải chính tuổi, Ủy ban Hành chính khu, tỉnh hay thành phố ra một quyết định rồi cấp cho đương sự một bản sao. Đương sự cầm bản sao này đến Ủy ban Hành chính xã, thị xã, hay khu phố nơi mình đương cư trú mà xin đăng ký khai sinh quá hạn. Nếu đương sự có đính theo đơn xin cải chính tuổi, bản chứng nhận thay thế giấy khai sinh cũ thì xóa bỏ chứng nhận này mà không hoàn lại cho đương sự.

Đương sự trình bản sao quyết định cho phép cải chính tuổi và giấy khai sinh mới với cơ quan mình chịu quyền quản lý mà xin sửa chữa tuổi vào sổ sách, lý lịch, văn bằng hoặc các giấy tờ khác.

Đơn xin cải chính tuổi phải do đương sự viết và ký tên. Nếu đương sự chưa đủ 18 tuổi thì cha mẹ hay người đỡ đầu đứng đơn xin thay.

Không nên lẫn lộn việc xin cải chính tuổi với việc xin miễn tuổi. Thí dụ Chính phủ quy định rằng: muốn được theo học một trường chuyên nghiệp trung cấp, tuổi phải từ 18 đến 25, mà một người chưa đủ 18 tuổi hoặc đã quá 25 tuổi muốn được theo học, thì phải làm đơn xin miễn tuổi, gửi đến trường học sở quan. Nếu nhà trường chấp nhận đơn thì chỉ có nghĩa là một việc chiếu cố về điều kiện nhập học mà không có nghĩa là cho phép hoặc công nhận người ấy đã đủ 18 tuổi hoặc chưa quá 25 tuổi. Các đơn xin miễn tuổi như thế thuộc quyền các trường học sở quan xét theo quy chế riêng của nhà trường, chứ không thuộc quyền xét của Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, hoặc thành phố, như các đơn xin cải chính tuổi.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-NV/DC năm 1959 về việc xét các đơn xin cải chính tuổi do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 13-NV/DC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/03/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: 01/04/1959
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 04/04/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản