Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02-TT/LB | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 1980 |
HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI TRONG TUỔI LAO ĐỘNG, CÓ SỨC LAO ĐỘNG, KHÔNG CHỊU LAO ĐỘNG.
Quyết định số 201-CP ngày 10-8-1974 của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị số 85-TTg ngày 12-3-1979 của Thủ tướng Chính phủ quy định về sắp xếp việc làm cho những người có khả năng làm việc và bắt buộc lao động đối với người trong tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động, sống lêu lổng, du đãng, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự trị an. Bộ Lao động đã ra thông tư số 08-LĐ/TT ngày 31-7-1979 hướng dẫn về sắp xếp việc làm. Liên Bộ Lao động - Nội vụ ra thông tư hướng dẫn cụ thể về bắt buộc lao động như sau.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, “lao động là quyền lợi, nghĩa vụ và vinh dự hàng đầu của công dân”. “Công dân có quyền làm việc. Người có sức lao động phải lao động”, Ủy ban nhân dân các cấp phải tận dụng mọi nguồn lao động, đất đai, rừng biển, máy móc, vật tư, nguyên liệu, phế liệu, phế phẩm… hiện có để khai thác, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng theo tinh thần nghị quyết hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng, bảo đảm cho mọi người trong tuổi lao động đều có việc làm và đều phải làm việc có ích cho xã hội. Mặt khác, phải kiên quyết và kịp thời xử lý đối với số ít người trong tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động, sống bám xã hội, nhằm giáo dục họ trở thành người lao động có ích cho xã hội, góp phần ngăn ngừa tận gốc tệ nạn xã hội.
I. ĐỐI TƯỢNG BẮT BUỘC LAO ĐỘNG
Bắt buộc lao động đối với những người trong tuổi lao động (từ 18 đến hết tuổi lao động) có sức lao động, hiện không theo học văn hóa, nghiệp vụ, kỹ thuật mà không chịu lao động có ích cho xã hội, sống lêu lổng, du đãng, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự trị an, nhưng chưa đến mức phải tập trung giáo dục, cải tạo hoặc truy tố trước pháp luật.
Cụ thể là:
1. Người có sức lao động không chịu lao động, làm ăn phi pháp như buôn bán tem phiếu, các loại vé; buôn bán, tích trữ những hàng hóa vật tư của Nhà nước cấm buôn bán ở thị trường tự do; mua bán, tàng trữ những đồ vật, tài sản trộm cắp của Nhà nước, của nhân dân.
2. Người có sức lao động không chịu lao động, sống lêu lổng, du đãng, gây rối trật tự trị an (lang thang, tụ tập, ăn chơi trác táng, càn quấy, đánh nhau…).
3. Người có sức lao động không chịu lao động, có hành động phạm tội hình sự nhẹ.
4. Người hết hạn tù hoặc hết hạn tập trung giáo dục cải tạo được tha về, nhưng không chịu lao động, không tuân theo sự sắp xếp việc làm của chính quyền.
5. Người không được phép cư trú chính thức ở thành phố, thị xã, chính quyền đã trả về nơi cú trú cũ nhưng vẫn ở lì tại thành phố, thị xã, không có nghề nghiệp chính đáng.
Người dưới 18 tuổi phạm những khuyết điểm trên sẽ xử lý theo quyết định số 217-TTg ngày 18-12-1967 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại các trường giáo dục thiếu niên chậm tiến.
Được hoãn bắt buộc lao động:
- Người ốm được bác sĩ chứng nhận đang phải điều trị , phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 3 tháng, người trong gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất như bị cháy nhà, vợ hoặc chồng, con, cha, mẹ đang ốm nặng, được chính quyền cơ sở chứng nhận là người đang có trách nhiệm chính lo liệu công việc của gia đình, thì được tạm hoãn cho đến khi có điều kiện đi lao động bắt buộc;
- Phụ nữ có con nhỏ đã trên 3 tháng chỉ bắt buộc lao động tại chỗ. Người có khó khăn về gửi con trong giờ lao động thì chính quyền và đoàn thể ở cơ sở giúp đỡ, tạo điều kiện để họ làm tròn nhiệm vụ.
II. THỜI HẠN VÀ HÌNH THỨC BẮT BUỘC LAO ĐỘNG
1. Thời gian:
- Thời hạn bắt buộc lao động từ 6 tháng đến 2 năm;
- Người hoàn thành nhiệm vụ lao động sản xuất, tiến bộ thực sự về phẩm chất, đạo đức được xét giảm thời hạn hoặc xóa kỷ luật bắt buộc lao động;
- Người chây lười, hết hạn bắt buộc lao động mà không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm nội quy, kỷ luật lao động,… đã bị cảnh cáo, thì bị kéo dài thời hạn bắt buộc lao động. Thời hạn kéo dài không quá 2 năm. Người bị bắt buộc lao động đã hết thời gian (kể cả thời hạn kéo dài) vẫn không tiến bộ và người không thi hành lệnh bắt buộc lao động thì chuyển sang tập trung giáo dục cải tạo.
2. Hình thức bắt buộc lao động:
Có hai hình thức bắt buộc lao động: tập trung và tại chỗ.
a) Bắt buộc lao động tập trung: người bị bắt buộc lao động tập trung phải lao động, học tập và sinh hoạt tại đơn vị lao động (công trường, nông trường…).
b) Bắt buộc lao động tại chỗ: giành cho người có con nhỏ hoặc có cha mẹ già yếu, gia đình neo đơn.
Người bị bắt buộc lao động tại chỗ phải đến lao động, sản xuất ở các công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiên tiến do Ủy ban nhân dân khu phố, quận, thị xã chỉ định. Ngoài giờ sản xuất, học tập, người bị bắt buộc lao động được về ăn, ở, sinh hoạt với gia đình, chịu sự giám sát của chính quyền và nhân dân ở cơ sở.
III. TRÌNH TỰ PHẢI LÀM TRONG VIỆC XỬ LÝ VÀ THỦ TỤC RA LỆNH BẮT BUỘC LAO ĐỘNG
1. Thông qua đăng ký lao động, đăng ký hộ khẩu và quần chúng phát hiện, chính quyền cơ sở phải trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân người có sức lao động lại không chịu lao động; tổ chức giáo dục, động viên và sắp xếp việc làm cho họ đi lao động; đồng thời lên danh sách, hồ sơ những người cần bắt buộc lao động rồi gọi đến trụ sở chính quyền giáo dục và hẹn trong 15 ngày phải tự tìm lấy việc làm; người nào không tự tìm được việc làm, thì chính quyền cơ sở sắp xếp việc làm cho họ.
2. Đối với người không tự tìm được việc làm, lại không chịu lao động theo sự sắp xếp của chính quyền cơ sở, sau khi đã có giấy báo đi làm lần thứ hai (sau hạn 15 ngày) thì tạm cắt bán lương thực, thực phẩm và hàng công nghệ phẩm cho đến khi đi làm việc (tự tìm lấy hoặc theo sự sắp xếp của chính quyền) hoặc có lệnh bắt buộc lao động.
3. Hồ sơ do chính quyền cơ sở đề nghị lên khu phố, quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố xét bắt buộc lao động gồm:
- Bản tóm tắt lý lịch của đương sự, có ghi rõ những biểu hiện không chịu lao động, du đãng, làm ăn phi pháp và nhận xét của chính quyền cơ sở (có ý kiến tham gia của Hội liên hiệp phụ nữ và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nếu đương sự là nữ hoặc trong tuổi thanh niên).
- Những tài liệu văn bản chứng minh về sự du đãng, làm ăn phi pháp của đương sự như biên bản cảnh cáo, phạt vi cảnh, đơn tố giác của nhân dân…
Việc xét đề nghị bắt buộc lao động do ban chỉ đạo sắp xếp việc làm và bắt buộc lao động chuẩn bị, trình chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền duyệt và ra lệnh.
4. Lệnh bắt buộc lao động tập trung do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký. Lệnh bắt buộc lao động tại chỗ do chủ tịch Ủy ban nhân dân khu phố, quận, huyện, thị xã ký.
5. Lệnh bắt buộc lao động phải ghi rõ hình thức, thời hạn, nơi làm việc, ngày giờ và địa điểm đương sự phải có mặt, những thứ cần thiết cho sinh hoạt phải mang theo.
6. Cảnh sát khu vực thi hành việc truyền đạt trực tiếp cho đương sự lệnh bắt buộc lao động.
7. Khi đã có lệnh bắt buộc lao động, phải cắt ngay hộ khẩu, tem phiếu và sổ mua lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm của người bị bắt buộc lao động tập trung chuyển đến đơn vị quản lý; sổ mua lương thực của người bị bắt buộc lao động tại chỗ chuyển đến đơn vị quản lý lao động sản xuất để xác nhận ngày công lao động hàng tháng mới được mua lương thực (do cơ quan lương thực hướng dẫn cụ thể).
IV. NHIỆM VỤ, QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI BỊ BẮT BUỘC LAO ĐỘNG
Nhiệm vụ:
1. Thực hiện đúng ngày, giờ công chế độ, bảo đảm định mức lao động;
2. Chấp hành đúng kỷ luật lao động, nội quy của đơn vị;
3. Chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách và luật pháp của Nhà nước;
4. Đoàn kết, học tập, rèn luyện, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Quyền lợi:
1. Người thực sự đã rèn luyện tiến bộ trong lao động sản xuất và được đơn vị quản lý nhận xét (có tham khảo ý kiến tập thể, tổ sản xuất ở nơi đương sự lao động ) đề nghị, thì cơ quan ra lệnh bắt buộc lao động xét quyết định giảm hoặc xóa kỷ luật bắt buộc lao động. Người được xóa kỷ luật bắt buộc lao động thì không ghi kỷ luật đó vào lý lịch và được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành nhiệm vụ lao động, có thể được về nơi ở cũ hoặc về quê quán. Người không tự tìm được việc làm thì được chính quyền cơ sở sắp xếp việc làm thích hợp như mọi người lao động khác.
2. Trong thời gian lao động ở công trường, xí nghiệp Nhà nước, người bị bắt buộc lao động được hưởng chế độ theo thông tư số 184-TTg ngày 16-7-1974 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 02-LĐ/TT ngày 30-1-1975 của Bộ Lao động đối với người làm hợp đồng có thời hạn cho Nhà nước.
Cụ thể là:
a) Tiền công theo chế độ khoán việc;
b) Phụ cấp khu vực, phụ cấp công trường, phụ cấp lưu động (nếu có);
c) Lương thực, thực phẩm, chất đốt, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi làm ca đêm, làm việc trong điều kiện nóng, có độc hại, trang bị phòng hộ lao động;
d) Trợ cấp khi bị tai nạn lao động, trợ cấp thương tật và tiền chôn cất khi chết.
Ngoài những điểm trên còn được áp dụng các chế độ sau đây:
a) Các khoản phụ phí bằng 35% tiền công không thanh toán cho người lao động mà cấp cho cơ quan sử dụng lao động để chi về việc tổ chức ăn, ở, thuốc chữa bệnh của người lao động;
b) Trong thời gian đầu (từ ngày được giao việc) những người được cán bộ phụ trách của cơ quan sử dụng chứng nhận là đã cố gắng làm việc, nhưng mức thu nhập chưa bảo đảm mức tiền ăn tập thể ở nơi đó, thì được đơn vị sử dụng xét trợ cấp thêm. Mức trợ cấp được tính từng tháng có thể cao, thấp khác nhau để khuyến khích lao động, nhưng bình quân không quá 0,60đ/ngày/người trong 3 tháng đầu và tính vào kinh phí đào tạo tay nghề cho người lao động;
c) Những ngày học chính trị, nghiệp vụ, hội họp, ngừng việc do khách quan được áp dụng theo chế độ hiện hành; những ngày ở địa điểm tập trung để đi lao động, những ngày đi đường đến nơi làm việc và khi hết hạn bắt buộc lao động trở về địa phương được cấp tiền ăn 0,80đ/ngày và tiền tàu xe (nếu phải đi tàu xe);
d) Khi cha, mẹ, vợ, chồng, con chết được nghỉ từ một đến ba ngày không có trợ cấp;
đ) Người bị bắt buộc lao động làm công việc thuộc loại được trang bị quần áo làm việc thì cơ quan sử dụng lao động phải dự trù quần áo và cho mượn dùng trong những ngày làm việc, mất phải bồi thường;
e) Ngày nghỉ việc vì ốm đau, vì tai nạn rủi ro (theo đề nghị của y, bác sĩ) được trợ cấp 0,80đ/ngày và tiền thuốc, được cấp tiền tàu xe đi bệnh viện (nếu phải đi tàu xe). Số ngày được trợ cấp nói trên căn cứ vào thời gian đã lao động bắt buộc của từng người như sau:
- Đã lao động dưới 3 tháng thì tổng số ngày trợ cấp không quá 10 ngày;
- Đã lao động từ 3 tháng đến 6 tháng thì tổng số ngày trợ cấp không quá 15 ngày trong 6 tháng;
- Đã lao động trên 6 tháng đến 12 tháng thì tổng số ngày trợ cấp không quá 30 ngày trong 12 tháng;
- Đã lao động trên 12 tháng trở lên thì tổng số ngày trợ cấp không quá 45 ngày trong 12 tháng.
Hết hạn hưởng trợ cấp, nếu còn ốm đau kéo dài thì hưởng theo chế độ nhân dân.
g) Phụ nữ bị bắt buộc lao động được áp dụng chế độ khám phụ khoa, ngày hành kinh được xếp việc làm thích hợp. Người nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, mỗi tháng được nghỉ 1 giờ cho con bú.
3. Người bị bắt buộc lao động làm việc tại hợp tác xã, tổ hợp tác thì được hưởng quyền lợi như xã viên, tổ viên dự bị.
Để thực hiện đúng đắn biện pháp bắt buộc lao động đối với người trong tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự trị an nhưng chưa đến mức tập trung giáo dục cải tạo, Ủy ban nhân dân các cấp,các ngành có liên quan cần chỉ đạo thực hiện tốt mấy công tác sau đây:
1. Phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung và các biện pháp xử lý bắt buộc lao động cho công nhân, viên chức và nhân dân, động viên mọi người thực hiện tốt nghĩa vụ lao động, giáo dục con em trong gia đình tự giác, tích cực tham gia lao động sản xuất, phê phán tệ lười biếng, làm ăn phi pháp, phát hiện người vi phạm và kiến nghị với cơ quan, chính quyền nghiêm khắc xử lý.
2. Phải phối hợp với công tác điều tra thống kê dân số, điều tra lao động định kỳ hàng năm để nắm và phân tích, xếp loại từng đối tượng cần sắp xếp việc làm và cần bắt buộc lao động; có kế hoạch tổ chức, quản lý giáo dục, sử dụng có hiệu quả lao động bị bắt buộc; thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiến hành xử lý, tránh sai, sót.
3. Tùy tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định tổ chức một hay nhiều công trường lao động ở xa thành phố, quy mô phù hợp với khả năng và trình độ quản lý của địa phương. Công trường lao động phải có phương hướng và kế hoạch sản xuất thật cụ thể, từ đó lập dự toán về kinh phí để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt.
Trước khi tập trung người bị bắt buộc lao động đến lao động, công trường phải chuẩn bị đầy đủ nhà ở, dụng cụ sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh, cơ sở chữa bệnh; công cụ lao động, biện pháp an toàn lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất, xây dựng chương trình, kế hoạch tài liệu giáo dục chính trị, dạy nghề, học văn hóa và vui chơi, giải trí lành mạnh…Điều đặc biệt quan trọng là phải chuẩn bị khung cán bộ quản lý, phải điều động đủ số cán bộ là những người có phẩm chất, đạo đức tốt, có nhiệt tình và lòng thương yêu những người có lầm lỗi, có khả năng tổ chức, quản lý lao động, sản xuất, biết giáo dục chính trị, tư tưởng và dạy nghề…số cán bộ này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố điều động, chọn từ các ngành, các đoàn thể quần chúng ở địa phương. Những cán bộ không thích hợp với yêu cầu trên đây cần phải thay đổi kịp thời.
Để quản lý được chặt chẽ, có nề nếp, bộ máy công trường cần tổ chức chu đáo các phần việc: giáo dục chính trị, dạy nghề, dạy văn hóa; tổ chức quản lý lao động sản xuất; hành chính, quản trị, đời sống, bảo vệ, v.v…
Việc tổ chức quản lý công trường bắt buộc lao động do ban chỉ đạo sắp xếp việc làm và bắt buộc lao động tỉnh, thành phố phụ trách, hoặc giao cho ngành quản lý kinh tế hay Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ đảm nhiệm, nhưng phải thống nhất các chế độ, chính sách quản lý theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Ban chỉ huy công trường lao động có trách nhiệm giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa, dạy nghề; đồng thời tổ chức sản xuất, tổ chức lao động hợp lý, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhằm cải tạo họ trở thành người lao động bình thường. Mặt khác, phải thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, bảo đảm Nhà nước không phải bù lỗ.
Cứ 6 tháng một lần, thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý người bị bắt buộc lao động phải báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân nơi ra lệnh bắt buộc lao động xét giảm thời hạn xóa kỷ luật cho người thực sự tiến bộ, kéo dài thời hạn bắt buộc lao động hoặc chuyển sang tập trung cải tạo đối với người không tiến bộ.
Đối với người bị bắt buộc lao động tại chỗ, ngoài nhận xét đề nghị của thủ trưởng trực tiếp quản lý sử dụng còn phải có nhận xét của chính quyền cơ sở nơi cư trú.
4. Liên Bộ Lao động - Nội vụ yêu cầu các Bộ, Tổng cục, các đoàn thể liên quan ở trung ương, căn cứ vào chỉ thị số 85-TTg và căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng của mình hướng dẫn cấp trực thuộc giúp địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, mở rộng cấp đăng ký kinh doanh sản xuất, tạm cắt hoặc cắt hẳn việc bán lương thực… giải quyết hợp lý người cư trú không hợp pháp ở thành thị, đặc biệt là phải kiên quyết bắt hết đối tượng phạm pháp hình sự, bọn lưu manh chuyên nghiệp đi tập trung cải tạo để tăng cường các mặt quản lý xã hội.
Đề nghị các ngành, các đoàn thể liên quan ở trung ương và các địa phương tập trung tổ chức thực hiện tốt ở các thành phố, thị xã và khu công nghiệp tập trung. Kể từ năm 1980 phải bảo đảm cho mọi người có việc làm thích hợp, đồng thời kiên quyết xử lý kịp thời những người có sức lao động không chịu lao động, làm ăn phi pháp. Các địa phương phải chuẩn bị chu đáo các mặt (cán bộ, kinh phí, công cụ và các cơ sở vật chất khác…) để thực hiện đồng bộ, nhanh gọn, dứt điểm trong thời hạn nhất định góp phần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ các mặt kinh tế, văn hóa, an ninh xã hội ở địa phương.
5. Người bị bắt buộc lao động thấy có điểm nào thi hành chưa đúng, có quyền khiếu nại. Trong khi chờ đợi giải quyết đương sự vẫn phải chấp hành đúng quyết định của Ủy ban nhân dân ký lệnh bắt buộc lao động.
Cơ quan thanh tra hoặc cơ quan lao động có trách nhiệm xác minh đơn khiếu nại và trả lời cho đương sự trong 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn.
Cán bộ, công nhân, viên chức, đơn vị có nhiều thành tích trong việc thực hiện quyết định số 201-CP của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị số 85-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì được khen thưởng.
Những người có trách nhiệm do cảm tình cá nhân, nhận hối lộ, che giấu người trốn tránh bắt buộc lao động, rút ngắn thời hạn không đúng hoặc do thành kiến, trù ép mà bắt buộc lao động hoặc kéo dài thời hạn sai, thì tùy theo lỗi nặng, nhẹ mà xử lý kỷ luật theo pháp luật hiện hành.
Người phụ trách công trường, xí nghiệp, hợp tác xã thực hiện sai chính sách đối với người bị bắt buộc lao động thì xử lý theo nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ về chế độ kỷ luật lao động.
Hàng tháng, thủ trưởng các cơ quan lao động và công an phải hội ý nắm tình hình, kịp thời phát hiện sửa chữa thiếu sót để đẩy mạnh công tác này.
6. Ban chỉ đạo sắp xếp việc làm và bắt buộc lao động các cấp được tổ chức theo quy định tại chỉ thị số 85-TTg và thông tư số 08-LĐ/TT ngày 31-7-1979 có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế thông tư liên Bộ Lao động - Nội vụ số 12-TT/LB ngày 24-3-1975.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
Thông tư liên bộ 02-TT/LB năm 1980 hướng dẫn biện pháp xử lý đối với người trong tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động do Bộ lao động -Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 02-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 10/01/1980
- Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
- Người ký: Phan Văn Hựu, Trần Đông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra