Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 95-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 1961 |
VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VỤ THEO CHẾ ĐỘ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ KHI XUẤT NGŨ
Căn cứ luật nghĩa vụ quân sự, hàng năm những công dân từ 18 đến 25 tuổi đủ điều kiện đều được gọi ra nhập ngũ trong thời gian đã định.
Trong thời gian tại ngũ, những quân nhân này được huấn luyện về chính trị, quân sự, văn hoá, về ý thức tổ chức và kỷ luật, do đó đã góp phần cống hiến của mình vào công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng.
Để động viên mọi quân nhân khi xuất ngũ trở về với đồng ruộng, nhà máy, cơ quan, trường học, có thể phát huy được những truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam, và trở thành những lực lượng tiên tiến trong sản xuất, trong công tác, trong học tập, trong việc xây dựng lực lượng hậu bị ở địa phương, nay quy định chính sách đối với các quân nhân phục vụ theo chế độ nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ như sau:
I. ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN XUẤT NGŨ SAU KHI HẾT HẠN TẠI NGŨ.
1. Sau khi xuất ngũ, bản thân mỗi quân nhân phải tìm cách nhanh chóng ổn định sinh hoạt của mình. Nếu không tự giải quyết được, thì phải báo cáo với Uỷ ban hành chính địa phương và Ủy ban hành chính địa phương có nhiệm vụ giúp đỡ sắp xếp việc làm trong một thời gian ngắn.
2. Đối với những người, trước khi nhập ngũ, là học sinh, nay muốn tiếp tục việc học, thì được châm chước về tuổi học, được ưu tiên xét vào các trường trước đây đang học hoặc các trường ở nơi cư trú mới, theo trình độ văn hoá đã học ở trong quân đội do đơn vị chứng nhận. Nếu trước khi nhập ngũ là học sinh trường chuyên nghiệp hoặc sinh viên trường đại học chưa tốt nghiệp, nay muốn tiếp tục học, thì được xét và chiếu cố để được tiếp tục học.
3. Nếu là thương binh hoặc bị tai nạn mất sức lao động, thì được hưởng mọi quyền lợi quy định cho thương binh hoặc được trợ cấp mất sức lao động như những quân nhân tình nguyện theo chế độ hiện hành.
4. Khi xuất ngũ được trợ cấp như sau:
a) Tiền tàu, xe, tiền công tác phí, tiền ăn (gạo, thức ăn, củi, muối) từ đơn vị về đến nhà và tiền phụ cấp tiêu vặt đến hết tháng.
b) Cứ mỗi năm phục vụ tại ngũ, thì được trợ cấp nửa tháng sinh hoạt phí (tiền ăn, quân trang và phụ cấp tiêu vặt).
c) Nếu hết hạn phục vụ tại ngũ mà đương ốm đau nặng, thì được điều trị cho đến khi bệnh căn bản đã khỏi mới xuất ngũ. Nếu khi về sức còn yếu hoặc bị bệnh lâu năm, thì ngoài số tiền trợ cấp nói ở điểm b trên đây có thể được trợ cấp thêm môt khoản tiền bồi dưỡng bằng từ 1 đến 2 tháng sinh hoạt phí (tiền ăn, quân trang, phụ cấp tiêu vặt) do quân y sĩ đề nghị và thủ trưởng cấp Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên chuẩn y.
d) Được mang theo tất cả các thứ quân trang đã được phát trừ quân dụng và ba-lô (ba-lô quân đội sẽ thu lại và thay bằng ba-lô vải thường).
Các hạ sĩ quan và binh sĩ tái đăng khi xuất ngũ đều được hưởng các quyền lợi trên đây.
II. ĐỐI VỚI CÁC QUÂN NHÂN CHƯA HẾT HẠN PHỤC VỤ TẠI NGŨ MÀ PHẢI XUẤT NGŨ VÌ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG.
1. Nếu bị thương, bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ, không thể tiếp tục tại ngũ được, phải xuất ngũ trước thời hạn phục vụ, thì được hưởng tất cả các quyền lợi đã quy định ở mục I trên đây. Để chiếu cố đến các quân nhân này, khi tính tiền trợ cấp, người nào đã phục vụ tại ngũ chưa được một năm cũng tính là một năm, chưa được hai năm cũng tính là hai năm, chưa được ba năm cũng tính là ba năm v.v…
2. Nếu vì ốm đau, yếu sức hoặc vì lý do chính đáng nào khác mà phải xuất ngũ trước thời hạn, thì được hưởng các quyền lợi sau đây:
a) Được cấp tiền tàu xe, tiền công tác phí, tiền ăn (gạo, thức ăn, củi, muối) từ đơn vị về đến nhà và tiền phụ cấp tiêu vặt đến hết tháng.
b) Được một khoản tiền trợ cấp tính như sau:
- Đã phục vụ tại ngũ được từ 6 tháng đến dưới 1 năm thì được cấp 1/4 tháng sinh hoạt phí (ăn, quân trang, phụ cấp tiêu vặt). Chưa phục vụ tại ngũ đủ 6 tháng thì không có trợ cấp.
- Đã phục vụ tại ngũ được từ 1 năm đến dưới 2 năm thì được cấp 1/2 tháng sinh hoạt phí (ăn, quân trang, phụ cấp tiền vặt).
Những quân nhân thuộc các quân chủng, binh chủng mà thời hạn phục vụ tại ngũ quy định là trên 2 năm, nếu:
- Đã phục vụ tại ngũ được từ 2 năm đến dưới 3 năm thì được cấp 1 tháng sinh hoạt phí (ăn, quân trang, phụ cấp tiêu vặt).
- Đã phục vụ được từ 3 năm đến dưới 4 năm thì được cấp 1 tháng rưỡi sinh hoạt phí (ăn, quân trang, phụ cấp tiêu vặt).
c) Đã được cấp quân trang như sau:
- Đã được phục vụ tại ngũ dưới 1 năm thì được mang theo một bộ quần áo, 1 mũ cứng, một thắt lưng con, 1 đôi giày ngắn cổ, 1 áo trấn thủ, 1 chăn cũ, quần áo lót, khăn mặt, tất.
- Đã phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến dưới 2 năm thì được mang theo toàn bộ quần áo và giày đã cấp phát, 1 mũ cứng, 1 thắt lưng con, 1 áo trấn thủ, 1 màn, 1 chăn đang dùng, quần áo lót, khăn mặt, tất.
- Những quân nhân thuộc các quân chủng, binh chủng mà thời hạn phục vụ tại ngũ quy định là phải trên 2 năm, nếu đã phục vụ được 2 năm, vì lý do chính đáng mà xuất ngũ trước thời hạn, thì được cấp quân trang theo điều d mục I.
III. ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN BỊ KỶ LUẬT NẶNG PHẢI LOẠI RA KHỎI QUÂN ĐỘI.
Những quân nhân bị kỹ luật nặng phải loại ra khỏi quân đội thì được cấp tiền tàu, xe, tiền ăn (gạo, thức ăn, muối, củi) từ đơn vị về đến nhà, được phát 1 bộ thường phục, 1 đôi dày ngắn cổ, 1 nón hay 1 mũ lá, 1 áo trấn thủ hoặc 1 áo vệ sinh, và được mang theo quần áo lót, khăn mặt, tất đã cấp phát.
Chính sách này được áp dụng cả đối với các quân nhân phục vụ theo chế độ nghĩa vụ quân sự trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang khi xuất ngũ.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Quyết định 64-CP năm 1965 về chính sách đối với quân nhân tình nguyện cũ không đủ điều kiện sức khỏe phục vụ trong quân đội và đối với công nhân quốc phòng bị thương trong chiến đấu với địch do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 112-TTg năm 1963 sửa đổi chế độ cho quân nhân được mang theo quân trang khi xuất ngũ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 400-QĐ năm 1961 Quy định việc đăng lại đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 4Thông tư 58-NV năm 1961 hướng dẫn trợ cấp đợt thứ hai cho quân nhân phục viên mất sức lao động do Bộ Nội Vụ ban hành.
- 5Thông tư 248-TTg-1975 về việc áp dụng chế độ đối với quân nhân xuất ngũ có thời gian phục vụ trong quân đội dưới 5 năm được tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hoặc vào học ở các trường Đại học, Trung học, Sơ học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 64-CP năm 1965 về chính sách đối với quân nhân tình nguyện cũ không đủ điều kiện sức khỏe phục vụ trong quân đội và đối với công nhân quốc phòng bị thương trong chiến đấu với địch do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 112-TTg năm 1963 sửa đổi chế độ cho quân nhân được mang theo quân trang khi xuất ngũ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 400-QĐ năm 1961 Quy định việc đăng lại đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 4Thông tư 58-NV năm 1961 hướng dẫn trợ cấp đợt thứ hai cho quân nhân phục viên mất sức lao động do Bộ Nội Vụ ban hành.
- 5Thông tư 248-TTg-1975 về việc áp dụng chế độ đối với quân nhân xuất ngũ có thời gian phục vụ trong quân đội dưới 5 năm được tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hoặc vào học ở các trường Đại học, Trung học, Sơ học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật nghĩa vụ quân sự 1960
Thông tư 95-TTg năm 1961 về chính sách đối với quân nhân phục vụ theo chế độ nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- Số hiệu: 95-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/03/1961
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 26/03/1961
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra