Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 917/QLKH

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1989

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 917-QLKH NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1989 "HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THƯỞNG TRONG CÁC CƠ QUAN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ TRIỂN KHAI KỸ THUẬT"

Ngày 31-8-1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 134-HĐBT về "Một số biện pháp khuyến khích công tác khoa học và kỹ thuật". Căn cứ nội dung ở Điều 6, 7, 10 của Quyết định, được sự thoả thuận của Bộ Tài chính (công văn số 525-TC-HCVX ngày 6-5-1989) và ý kiến đóng góp của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (Công văn số 684-TL ngày 29-3-1989), Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn việc thực hiện chế độ thưởng và trích lập quỹ thưởng trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật (sau đây gọi tắt là cơ quan NC-TK) như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các loại thưởng chủ yếu

Theo Quyết định 134-HĐBT trong cơ quan NC-TK có các loại thưởng chủ yếu sau đây:

1.1. Thưởng cho những tập thể và cá nhân hoàn thành tốt kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật (sau đây viết tắt là thưởng hoàn thành kế hoạch hoặc thưởng kế hoạch).

1.2. Thưởng cho những tập thể và cá nhân có những công trình khoa học có giá trị (sau đây viết tắt là thưởng hoàn thành công trình khoa học).

1.3. Thưởng cho những tập thể và cá nhân tổ chức áp dụng và hỗ trợ áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật (sau đây gọi tắt là thưởng áp dụng).

1.4. Thưởng cho những tập thể và cá nhân có biện pháp tiết kiệm ngoại tệ bằng việc thay thế được chuyên gia nước ngoài, giảm vật tư nhập khẩu, giảm chi ngoại tệ cho các dịch vụ sửa chữa v.v. (sau đây viết tắt là thưởng tiết kiệm ngoại tệ).

1.5. Thưởng cho các tập thể và cá nhân đã hoàn thành nhiệm vụ đột xuất, cần thiết (không được ghi trong kế hoạch) bằng hình thức treo giải thưởng trước (sau đây viết tắt là treo giải thưởng).

Ngoài các loại thưởng trên đây, tuỳ theo đặc điểm của từng cơ quan NC-TK, thủ trưởng cơ quan được quyền chủ động vận dụng các hình thức thưởng vật chất và danh hiệu khác như: Thưởng theo niên hạn hoặc thình thức "mua đứt, bán đoạn" kết quả NC-TK trên nguyên tắc thoả thuận (theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI ngày 28-8-1987).

2. Đối tượng được xét thưởng

Tất cả các cán bộ, công nhân viên chức trong biên chế chính thức của cơ quan NC-TK đều thuộc đối tượng được xét thưởng. Ngoài ra còn bao gồm những người trong thời kỳ tập sự, đang làm theo hợp đồng, sinh viên thực tập, cộng tác viên v.v. có đóng góp vào việc hoàn thành kế hoạch, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật tiến bộ của cơ quan NC-TK cũng thuộc đối tượng xét thưởng.

Trong thời kỳ xét thưởng, mỗi cá nhân có quyền nhận nhiều loại thưởng theo các nhiệm vụ được giao và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ đó.

II. THỰC HIỆN CÁC LOẠI THƯỞNG

1. Thưởng hoàn thành kế hoạch

1.1. Đối tượng được xét thưởng

Tất cả cán bộ công nhân viên chức thuộc các loại hình hoạt động khác nhau trong cơ quan NC-TK, hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ quy định được xét thưởng theo chế độ hoàn thành kế hoạch của đơn vị sản phẩm kinh doanh.

1.2. Điều kiện xét thưởng

Thủ trưởng cơ quan NC-TK cùng hội đồng xét duyệt hoàn thành kế hoạch, căn cứ vào hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và điều kiện xét thưởng cho từng loại cán bộ, công nhân viên để tiến hành phân hạng thành tích khen thưởng.

1.3. Nguyên tắc trả thưởng

- Trả thưởng cho từng cá nhân theo mức độ thành tích đã được đánh giá.

- Cơ quan NC-TK xét thưởng và trả thưởng trực tiếp cho từng cá nhân.

- Trả thưởng theo từng kỳ kế hoạch.

1.4. Nguồn và mức tiền thưởng

Số tiền thưởng này được trích từ các nguồn thu nhập của cơ quan NC-TK như sau:

- 20% lợi nhuận thu được do thực hiện các loại hình hợp đồng với khách hàng (mục 3 Điều 7 của Quyết định 134-HĐBT).

- 20% lợi nhuận thu được của cơ quan NC-TK trong việc trực tiếp áp dụng thành công kỹ thuật tiến bộ (mục 3 Điều 7 của Quyết định 134-HĐBT).

- 40% lợi nhuận thu được do tổ chức sản xuất phụ (vận dụng theo tinh thần mục 3 Điều 7 của Quyết định 134-HĐBT).

- 20% thu nhập do bán sản phẩm chế thử, phế liệu, phế phẩm (Thông tư 03-TC/KHKT).

- 20% thu nhập do tiết kiệm ngoại tệ đem lại (mục 4 phần III của Nghị quyết 15-HĐBT ngày 8-2-1982 và mục 3 Điều 7 và 10 của Quyết định 134-HĐBT).

- Trong trường hợp tổng số tiền nói trên không đủ 15% tổng quỹ lương của cơ quan NC-TK thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp đủ 15% tổng quỹ lương thực hiện cả năm để làm số tiền thưởng này.

Mức thưởng tối thiểu cho mỗi cá nhân của loại thưởng này bằng 15% tổng số lương thực hiện cả năm của một cá nhân và không có giới hạn trên.

2. Thưởng hoàn thành công trình khoa học

2.1. Đối tượng được xét thưởng

Những người được tham gia trực tiếp hoàn thành công trình khoa học (danh sách trong phiếu đăng ký đề tài nghiên cứu: người chủ trì và người tham gia).

2.2. Điều kiện xét thưởng

Theo quy định ở Điều 2 của bản "Quy định về thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật" ban hành kèm theo Quyết định số 282-QĐ ngày 20-6-1980 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, một công trình nghiên cứu khoa học được công nhận là hoàn thành khi:

- Đã có báo cáo tổng kết công trình nộp cho cấp quản lý hoặc cơ sở đặt hàng.

- Đã được Hội đồng đánh giá của cấp quản lý, hoặc hội đồng nghiệm thu xác minh và đánh giá.

- Đã có báo cáo tóm tắt và báo cáo toàn diện kết quả công trình nộp cho Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

2.3. Nguyên tắc trả thưởng

- Trả thưởng theo từng công trình khoa học hoàn thành.

- Công trình khoa học thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó có trách nhiệm xét và trả thưởng.

- Trả thưởng được tiến hành một lần khi kết thúc công trình khoa học.

2.4. Nguồn và mức trả thưởng

a. Đối với công trình khoa học tiến hành theo kế hoạch các cấp:

Theo Quyết định ở Điều 10 của Quyết định 134-HĐBT thì số tiền thưởng bằng 0,5% tổng kinh phí của tất cả các đề tài nghiên cứu trong năm xét thưởng của cấp quản lý.

Đối với công trình khoa học thuộc cấp Nhà nước quản lý, mức tiền thưởng do Bộ Tài chính và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ấn định.

Toàn bộ số tiền thưởng của mỗi công trình khoa học hoàn thành dùng để thưởng cho tập thể hoặc cá nhân đã tham gia trực tiếp hoàn thành công trình.

b. Đối với công trình khoa học thực hiện theo hợp đồng kinh tế.

Số tiền thưởng cho tập thể hoặc cá nhân tham gia trực tiếp bằng 20% lợi nhuận thu được của cơ quan NC-TK do thực hiện hợp đồng này.

Không khống chế giới hạn mức tiền thưởng loại này.

3. Thưởng áp dụng thành công công trình khoa học

3.1. Đối tượng được xét thưởng

Những người tham gia trực tiếp áp dụng thành công công trình khoa học thuộc đối tượng xét thưởng loại này. Những người mách mối không thuộc đối tượng xét thưởng loại này

3.2. Điều kiện xét thưởng

Sau khi công trình áp dụng thành công và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì mới tiến hành xét thưởng cho những người tham gia trực tiếp công trình áp dụng.

3.3. Nguyên tắc trả thưởng

- Trả thưởng theo từng công trình áp dụng thành công.

- Cơ quan trả thưởng trực tiếp là cơ quan NC-TK.

- Cơ quan nhận áp dụng công trình khoa học phải trích thưởng và trả thưởng cho cơ quan NC-TK (bên giúp đỡ) khi công trình áp dụng thành công và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tính được bằng tiền.

3.4. Nguồn và mức tiền thưởng

a. Đối với công trình áp dụng tiến hành theo kế hoạch các cấp, bên nhận áp dụng phải trả cho bên chuyển giao 10-15% lợi nhuận thu thêm (Điều 7, 134-HĐBT).

Sau khi nhận khoản tiền này, cơ quan NC-TK trích thưởng như sau:

- Số tiền thưởng cho tập thể hoặc cá nhân tham gia trực tiếp bằng 20% khoản thu này.

- Phần còn lại đưa vào các quỹ như 134-HĐBT quy định.

- Khi công trình áp dụng thành công nhưng không tính được hiệu quả sinh lợi bằng tiền thì số tiền thưởng của công trình này bằng 0,5% kinh phí chi cho công trình áp dụng trong năm kế hoạch cuối cùng. Toàn bộ số tiền thưởng này dùng để thưởng cho tập thể hoặc cá nhân tham gia trực tiếp thực hiện công trình.

b. Đối với công trình áp dụng thực hiện theo hợp đồng kinh tế: cơ quan nghiên cứu và triển khai trích 20% lợi nhuận của hợp đồng để thưởng cho tập thể hoặc cá nhân tham gia trực tiếp thực hiện công trình áp dụng.

4. Thưởng tiết kiệm ngoại tệ

4.1. Đối tượng được xét thưởng

Những người đã thay thế chuyên gia nước ngoài, những người đã có và thực hiện các giải pháp thay thế hoặc giảm vật tư nhập khẩu, giảm chi ngoại tệ cho các dịch vụ sửa chữa v.v. đều thuộc đối tượng xét thưởng loại này.

4.2. Điều kiện xét thưởng

Sau khi hoàn thành công việc và đảm bảo được chất lượng và tiến độ theo yêu cầu thì được xét thưởng theo chế độ "thưởng tiết kiệm" hiện hành.

4.3. Nguyên tắc trả thưởng

- Trả thưởng theo từng công việc hoàn thành.

- Cơ quan trả thưởng trực tiếp là cơ quan NC-TK.

- Giá trị ngoại tệ tiết kiệm được thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tập thể hoặc cơ quan dưới hai hình thức:

a. Trả trực tiếp bằng ngoại tệ đã tiết kiệm được và việc sở hữu cũng như sử dụng ngoại tệ này theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b. Trả bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá quy định của Nhà nước.

4.4. Nguồn và mức thưởng

Nguồn thưởng tính từ dự án đầu tư đã phân bổ kim ngạch ngoại tệ chi cho chuyên gia nước ngoài hoặc để nhập vật tư thuê sửa chữa.

Căn cứ vào mục 4, phần III của Nghị quyết số 15-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 8-2-1982 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, nếu đơn vị hoặc cá nhân có thành tích tiết kiệm ngoại tệ thì được quyền hưởng 70% giá trị ngoại tệ tiết kiệm được.

Căn cứ vào Điều 7 và 10 của Quyết định 134-HĐBT, thì 70% giá trị ngoại tệ tiết kiệm (kể trên) được phân bổ như sau:

- Không dưới 5% trả cho tác giả (nếu có).

- 10-15% trả cho cơ quan trực tiếp giúp đỡ (nếu có).

- Phần còn lại được đưa vào các quỹ của cơ quan và trích nộp lên trên theo quy định hiện hành.

Việc phân chia thu nhập do tiết kiệm ngoại tệ trong cơ quan NC-TK sau khi đã trừ các khoản chi phí như sau:

- 20% nộp ngân sách.

- 20% nộp quỹ phát triển khoa học kỹ thuật.

- 20% nộp quỹ phúc lợi.

- 20% đưa vào quỹ thưởng để thưởng chung toàn cơ quan (xem mục 1.4 phần II trên đây).

- 20% để thưởng cho tập thể hoặc cá nhân đã trực tiếp góp phần tiết kiệm ngoại tệ.

5. Treo giải thưởng

5.1. Đối tượng xét thưởng:

Tập thể hoặc cá nhân tham gia giải quyết nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của cơ quan.

5.2. Điều kiện xét thưởng:

Thủ trưởng cơ quan NC-TK tiến hành xét thưởng khi nhiệm vụ đột xuất hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đã quy định.

5.3. Nguyên tắc trả thưởng:

- Trả thưởng theo từng nhiệm vụ đột xuất đã hoàn thành.

- Cơ quan trả thưởng trực tiếp là cơ quan NC-TK.

- Thủ trưởng cơ quan NC-TK có trách nhiệm trả thưởng kịp thời và đủ số lượng của giải thưởng đã được ấn định.

5.4. Nguồn và mức thưởng:

Thủ trưởng cơ quan NC-TK căn cứ vào tính chất của nhiệm vụ đột xuất để vận dụng và quyết định nguồn trích thưởng và mức thưởng.

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Thông tư này áp dụng cho tất cả các cơ quan NC-TK trong cả nước.

2. Các Bộ, các thành phố, tỉnh, huyện, các đơn vị kinh tế cơ sở, các trường đại học v.v. có thể vận dụng Thông tư này trong điều kiện cụ thể của mình.

3. Cơ quan NC-TK phải quyết toán thu chi theo từng công trình khoa học và công trình áp dụng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

4. Tuỳ theo quyết định của tập thể thực hiện công trình, số tiền thưởng của từng công trình có thể được phân chia theo từng cá nhân trong công trình theo mức độ thành tích của từng người. Đối với công trình do một người thực hiện, người đó được nhận toàn bộ số tiền thưởng của công trình.

5. Mọi khiếu nại và các vấn đề liên quan đến thưởng, thủ trưởng cơ quan trả thưởng có trách nhiệm xem xét và trả lời trong một thời gian không quá 15 ngày kể từ khi nhận được đơn khiếu nại.

6. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Đặng Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 917/QLKH-1989 hướng dẫn thực hiện chế độ thưởng trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật do Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 917/QLKH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/07/1989
  • Nơi ban hành: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
  • Người ký: Đặng Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản