Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88/TBXH

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 88/TBXH NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 189/HĐBT NGÀY 29-11-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Điều 4 Nghị định số 189/HĐBT ngày 29-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Điều 2 và Điều 3 của Nghị định số 189/HĐBT như sau:

1. Điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu:

Nghị định 189/HĐBT quy định: Sĩ quan hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo quy định tại Điều 32 của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam không sắp xếp được công tác cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hoặc theo học ở các trường, nếu có đủ 20 năm công tác liên tục, trong đó có 1 trong những điều kiện sau đây được hưởng chế độ nghỉ hưu:

1. Có đủ 10 năm tuổi quân.

2. Có đủ 5 năm tuổi quân trở lên và đã trải qua chiến đấu, trực tiếp phục vụ, chiến đấu, hoặc trong 5 năm tuổi quân có 3 năm công tác ở vùng nhiều khó khăn gian khổ.

3. Có đủ 5 năm tuổi quân và 10 năm công tác trở lên trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại.

Dưới đây, nói rõ hai mục sau:

- 20 năm công tác liên tục là bao gồm cả thời gian công tác ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hoặc thời gian công tác ở xã (theo quy định được tính là thời gian công tác liên tục) trước khi nhập ngũ với thời gian tham gia quân đội. Thời gian tham gia quân đội (tuổi quân) nói ở 1 trong 5 điều kiện trên cũng nằm trong 20 năm công tác liên tục.

- Vùng nhiều khó khăn gian khổ là các vùng: biên giới (như Thông tư số 60/TT-LB ngày 4-1-1980 của Liên Bộ Quốc phòng - Thương binh và Xã hội) hải đảo trừ 15 đảo đã nói tại Thông tư số 16/TBXH ngày 14-5-1981 của Bộ Thương binh - Xã hội hướng dẫn thi hành Quyết định số 301/CP ngày 20-9-1980 của Hội đồng Chính phủ và vùng núi rẻo cao có phụ cấp khu vực 25% trở lên, các vùng thuộc K, C.

Công tác trong điều kiện nặng nhọc, độc hại là làm các nghề thuộc các loại III, IV, V trong "bảng phân loại lao động theo nghề của Bộ Lao động".

- Nghị định số 189/HĐBT chỉ áp dụng cho sĩ quan hết hạn phục vụ tại ngũ không sắp xếp được công tác, hoặc theo học được ở các trường (tức là tại ngũ nghỉ việc) chứ không áp dụng cho sĩ quan đã chuyển ngành rồi nghỉ việc.

2. Thủ tục chuyển chế độ mất sức lao động hoặc phục viên sang chế độ hưu trí.

Những sĩ quan đã nghỉ việc từ ngày 1-1-1982 (sau ngày ban hành Luật sĩ quan) đang hưởng chế độ mất sức lao động, hoặc chế độ phục viên, nếu có đủ điều kiện về thời gian công tác liên tục nói tại Điều 2 Nghị định hưu trí kể từ ngày ban hành Nghị định (tức là được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1-1-1982).

Sở Thương binh và Xã hội quan hệ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, nơi đương sự cư trú, căn cứ vào hồ sơ mất sức lao động, hoặc hồ sơ phục viên hiện đang quản lý ở Sở Thương binh và Xã hội, ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố để làm Quyết định chuyển chế độ hưu trí, và thu sổ trợ cấp mất sức lao động kèm theo Quyết định hưu trí gửi về Bộ lưu hồ sơ đương sự.

Nguyễn Kiện

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 88/TBXH-1982 hướng dẫn thi hành Nghị định 189/HĐBT-1982 về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ nghỉ hưu do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 88/TBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Kiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/01/1983
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản