Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86-BNT/HQ

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1961

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỦ TỤC GIÁM SÁT VÀ QUẢN LÝ CỦA HẢI QUAN

Thi hành điều 3 Nghị định số 03-CP ngày 27-02-1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ hải quan, sau khi đã thống nhất ý kiến với các Bộ và cơ quan có liên quan, Bộ quy định sau đây chi tiết thi hành điều lệ hải quan về giám sát, quản lý hàng hoá, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện khi xuất hay nhập khẩu và tất cả công cụ vận tải khi xuất hay nhập cảnh.

I. NGUYÊN TẮC

Mục đích giám sát và quản lý (gọi tắt là giám quản) của Hải quan ở cửa khẩu nhằm bảo đảm thực hiện chính sách quản lý ngoại thương, quản lý ngoại hối của nước Việt nam dân chủ cộng hoà, góp phần phục vụ đường lối ngoại giao, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Điều lệ Hải quan quy định trong điều 1:

“Tất cả hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện khi xuất hay nhập khẩu và tất cả công cụ vận tải khi xuất hay nhập cảnh, đều phải khai báo và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan.

Hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện, công cụ vận tải đã nhập rồi, nhưng chưa làm xong thủ tục hải quan, vẫn phải chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan”.

Cơ quan Hải quan giám sát và quản lý việc xuất nhập khẩu tức là chỉ cho xuất khẩu ra nước ngoài và cho nhập khẩu vào trong nước những hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện, và công cụ vận tải đã làm xong thủ tục hải quan.

Trường hợp vì một lý do nào chưa làm xong thủ tục hải quan, thí dụ:

- Hàng hóa, hành lý nhập khẩu được Hải quan cho phép đem vào nội địa để làm thủ tục.

-Hàng nhập khẩu được Hải quan cho phép tạm gửi ở kho cảng, kho sân bay, kho nhà ga hay kho ngoại thương để đợi làm thủ tục.

- Hàng xuất khẩu đã tập trung ở cảng, sân bay, nhà ga để đợi làm thủ tục xuất khẩu.

- Hàng thông qua và quá cảnh.

- Hàng xuất nhập khẩu trôi dạt và hàng do công cụ vận tải xuất nhập cảnh bị tai nạn vứt bỏ, thì vẫn coi là ở trong phạm vi giám quản của Hải quan. Hải quan chỉ cho xuất ra nước ngoài hoặc mang ra tiêu thụ ở thị trường nội địa, sau khi đã làm xong mọi thủ tục hải quan.

II. THỦ TỤC GIÁM QUẢN

A. GIÁM QUẢN CÔNG CỤ VẬN TẢI XUẤT NHẬP CẢNH

Yêu cầu của việc giám quản công cụ vận tải xuất nhập cảnh là:

1. Đảm bảo công cụ vận tải phải theo đúng những quy định trong điều lệ về mặt ra vào cửa khẩu (địa điểm, đường đi, thời gian).

2. Nắm vững hàng hóa, hành lý chuyên chở trên công cụ vận tải để thi hành chính sách quản lý ngoại thương, quản lý ngoại hối.

3. Bảo vệ kinh tế, chống mọi âm mưu phá hoại và lũng đoạn.

Điều lệ hải quan (từ điều 9 đến điều 16) đã quy định những nguyên tắc chung về thủ tục giám quản công cụ vận tải xuất nhập cảnh. Thủ tục giám quản chi tiết cho từng loại công cụ vận tải quy định như sau:

- 1. Giám quản tàu thuyền xuất nhập cảnh:

Mỗi khi có tàu thuyền vận tải của Việt nam cũng như của nước ngoài xuất nhập cảnh ở một cảng của nước Việt nam dân chủ cộng hoà, cơ quan Cảng vụ phải báo trước cho cơ quan Hải quan ở cảng ngày giờ tàu thuyền đi, đến.

a) Tàu thuyền đi lại trong hải phận Việt-nam phải theo đúng thể lệ hiện hành về tàu buôn ra vào cảng của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà, chỉ được đi trên những luồng do cơ quan Cảng vụ quy định và phải chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Phải có lược khai hàng hóa chuyên chở trên tàu thuyền (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương quy định) và phải do thuyền trưởng ký (nếu là hàng thuộc loại cấm xuất nhập thì phải ghi đúng tên từng thứ, loại hàng, trọng lượng và trị giá hàng).

Trong phạm vi hải phận Việt-nam, khi nhân viên hải quan yêu cầu kiểm soát, thuyền trưởng phải tạo điều kiện thuận tiện cho nhân viên hải quan lên tàu, thuyền để kiểm soát, thuyền trưởng phải xuất trình bản chính lược khai hàng hóa và sổ nhật ký tàu thuyền để nhân viên hải quan chứng nhận, xuất trình các giấy tờ chứng minh việc vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của nhân viên hải quan; đối với tàu thuyền nhập cảnh thì phải nộp cho nhân viên hải quan một bản sao lược khai hàng hoá. Thuyền trưởng hay người thay mặt phải có mặt trong khi nhân viên hải quan kiểm soát và phải mở các buồng, hầm tàu, kể cả buồng có máy móc, thiết bị để nhân viên hải quan kiểm soát, nếu nhân viên hải quan yêu cầu (điều 12 điều lệ hải quan).

Khi tàu thuyền còn ở trong phạm vi hải phận Việt nam, thuyền trưởng không đựơc tự tiện cho bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên xuống, không được sửa chữa những giấy tờ đã có chữ ký của nhân viên hải quan (điều 10 điều lệ hải quan), không được phá những niêm phong do nhân viên hải quan đã chứng nhận.

b) Đối với tàu thuyền nhập cảnh, chậm nhất là 24 giờ sau khi tàu thuyền cập bến hoặc đậu tại một địa điểm nhất định, thuyền trưởng phải nộp cho cơ quan Hải quan ở cảng những giấy tờ sau đây (theo mẫu do sở Hải quan trung ương ấn định):

1. Lược khai hàng nhập khẩu (kể cả hàng thông qua, quá cảnh nếu có)

2. Lược khai hành lý của thuyền viên và hành khách, kèm theo danh sách thuyền viên và hành khách.

3. Lược khai kim khí quý, đá quý, tiền và các phiếu có giá trị tiền của nước ngoài và của nước Việt nam dân chủ cộng hoà.

4. Lược khai các chất nổ, thuốc độc, thuốc mê.

5. Lược khai nhiên, vật liệu, lương thực của tàu thuyền.

6. Lược khai vũ khí, đạn, máy ảnh, ống nhôm, điện đài, ra đa, máy dò nước, dò phương hướng, và xuất trình các chứng từ có liên quan mà cơ quan Hải quan yêu cầu. Các giấy tờ trên phải do thuyền trưởng ký.

c) Trong khi tàu thuyền đậu tại bến, mọi việc bốc dỡ hàng hoá, hành lý lên xuống tàu thuyền hoặc chuyển hàng hóa, hành lý từ tàu thuyền này sang tàu thuyền khác, đều phải xin phép cơ quan Hải quan và có nhân viên hải quan giám sát; đối với nhiên vật liệu, lương thực của tàu thuyền nhập cảnh, cơ quan Hải quan ấn định số lượng đủ dùng cho thời gian tàu thuyền đậu tại bến, số còn lại phải để riêng trong hầm tàu thuyền và do Hải quan niêm phong, nếu xét cần (điều 15 điều lệ hải quan); nếu trong thời gian tàu thuyền còn đậu ở bến mà cần thiết phải dùng thêm nhiên, vật liệu, lương thực, thì phải xin phép cơ quan Hải quan.

d) Đối với tàu thuyền xuất cảnh, trước khi rời bến, thuyền trưởng phải nộp cho cơ quan Hải quan ở cảng những giấy tờ sau đây (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương ấn định):

1. Lược khai hàng xuất khẩu

2. Lược khai hành lý của thuyền viên và hành khách kèm theo danh sách thuyền viên và hành khách,

3. Lược khai kim khí quý, đá quý, tiền và các phiếu có giá trị tiền của nước ngoài và của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà,

4. Lược khai nhiên, vật liệu, lương thực của tàu thuyền,

5. Lược khai các chất nổ, thuốc độc, thuốc mê,

6. Lược khai vũ khí, đạn, máy ảnh, ống nhòm, điện đài, ra đa, máy dò nước, do phương hướng, và xuất trình các chứng từ có liên quan mà cơ quan Hải quan yêu cầu. Các giấy tờ trên phải do thuyền trưởng ký.

Đối với những tàu thuyền đã nhập cảnh, nay lại xuất cảnh, thì cơ quan Hải quan có thể đơn giản cho những giấy tờ đã nộp khi nhập cảnh, nếu nội dung không có gì thay đổi.

Cơ quan Cảng vụ chỉ ký giấy cho tàu thuyền rời bến, khi nào cơ quan Hải quan chứng nhận đã làm xong thủ tục hải quan. Trường hợp Cảng vụ đã cấp giấy phép rời bến cho tàu thuyền xuất khẩu, nhưng cơ quan Hải quan phát giác có hàng lậu, hàng cấm hay có hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp của nước Việt nam dân chủ cộng hoà, thì cơ quan Hải quan báo cho Cảng vụ không cho phép nhổ neo và tiến hành kiểm soát lại. Nếu sau khi có giấy phép rời bến, vì một lý do nào mà tàu thuyền được phép. Cảng vụ cho đậu lại, thuyền trưởng không được phép bốc dỡ hàng hoá, hành lý lên xuống, nếu cần bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên xuống, thì phải xin phép cơ quan Hải quan và có nhân viên hải quan giám sát. Nếu tàu thuyền rời bến ở một cảng này để lại cập bến ở một cảng khác trong phạm vi hải phận Việt nam thì cơ quan Hải quan có thể cử nhân viên lên tàu thuyền để giám sát trong quá trình đi lại.

e) Trường hợp tàu thuyền vì gặp tai nạn hay tránh tai nạn phải đậu lại ở một nơi không có tổ chức hải quan, thuyền trưởng hay người thay mặt phải báo ngay cho Uỷ ban hành chính địa phương để tổ chức giám sát. Thuyền trưởng hay người thay mặt không được cho bốc dỡ hàng hóa, hành lý nếu không được Uỷ ban hành chính cho phép. Nếu hoàn cảnh cấp bách, để hạn chế thiệt hại về người và của thuyền trưởng có thể cho bốc dỡ hàng hóa và hành lý, nhưng đồng thời phải báo cáo với Uỷ ban hành chính. Hàng hóa và hành lý bốc dỡ phải do Uỷ ban hành chính địa phương niêm phong. Uỷ ban hành chính địa phương cần báo ngay cho cơ quan Hải quan nơi gần nhất tới làm thủ tục giám quản hải quan (điều 16 điều lệ hải quan)

g) Thuyền trưởng các tàu thuyền có nhiệm vụ phải thi hành đúng thủ tục giám quản tàu thuyền xuất nhập cảnh và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm thể lệ thủ tục hải quan xảy ra trên tàu thuyền do mình phụ trách. Thuyền trưởng được miễn trách nhiệm về những phạm pháp hải quan xảy ra trên tàu thuyền nếu chứng minh được là đã làm đầy đủ nhiệm vụ giám sát của thuyền trưởng hoặc nếu tìm ra được can phạm và được cơ quan Hải quan công nhận là không có sự đồng tình.

Những hành vi vi phạm thể lệ thủ tục hải quan xẩy ra trên tàu thuyền xuất nhập cảnh sẽ xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan.

2. Giám quản xe lửa xuất nhập cảnh:

Xe lửa gồm đầu máy và các toa và các loại xe vận chuyển trên đường sắt tập trung thành một đoàn xe. Cơ quan Đường sắt phải báo cho cơ quan Hải quan đặt tại các ga biên giới và các ga liên vận ngày giờ các đoàn xe xuất nhập cảnh đi, đến (điều 9 điều lệ hải quan). Các đoàn xe xuất nhập cảnh phải chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và nhân viên hải quan có quyền lên xuống các đoàn xe xuất nhập cảnh, ở đường biên giới giữa hai nước ở các ga biên giới và ở các ga liên vận để làm nhiệm vụ giám quản. Thời gian đoàn xe đỗ ở các ga biên giới và liên vận do các cơ quan Hải quan Công an và Đường sắt cùng thoả thuận quy định trên nguyên tắc bảo đảm thủ tục kiểm soát của Công an, Hải quan và phục vụ việc giao thông được nhanh chóng. Khi nhân viên hải quan kiểm soát đoàn xe, xa trưởng hay người thay mặt phải chứng kiến việc kiểm soát của hải quan, phải mở các toa bưu điện, toa hành lý, mở các bộ phận xe có thể che giấu hàng hoá phạm pháp để nhân viên hải quan kiểm soát (điều 12 điều lệ hải quan).

a) Khi đoàn xe nhập cảnh tới ga biên giới, trưởng ga biên giới hay người thay mặt phải nộp cho cơ quan Hải quan tại ga, những giấy tờ sau đây (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương ấn định).

1. Tờ khai thành phần đoàn xe (có ghi số nhân viên phục vụ đoàn xe).

2. Giấy giao tiếp hàng hóa thay cho lược khai hàng hóa (có xuất trình các minh tế đơn, vận đơn kèm theo).

3. Các phiếu gửi hành lý kèm theo các chứng từ về hải quan.

4. Lược khai lương thực, nhiên, vật liệu của đoàn xe, nếu có.

Nếu hàng hóa hành lý không dỡ ngay ở ga biên giới mà xin chuyển vào một ga liên vận ở nội địa để làm thủ tục hải quan thì trưởng ga biên giới hay người thay mặt phải khai báo với Hải quan và ngoài các giấy tờ kể trên, phải nộp cho cơ quan Hải quan ở ga biên giới lược khai hàng nhập khẩu cho hàng hóa, hành lý chuyển vận về từng ga liên vận ở nội địa (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương ấn định).

Khi đoàn xe nhập cảnh tới một ga liên vận ở nội địa, trưởng ga phải báo cáo cho nhân viên hải quan ở ga biết có hàng hóa hay hành lý xuống ở ga hoặc có hàng thông qua quá cảnh đi qua ga (điều 9 điều lệ hải quan). Nếu có hàng hay hành lý xuống ở ga, trưởng ga phải nộp cho nhân viên hải quan ở ga (điều 11 điều lệ hải quan):

1. Lược khai hàng nhập khẩu (có xuất trình các minh tế đơn, vận đơn kèm theo).

2. Các phiếu gửi hành lý.

Nếu có hàng thông qua quá cảnh đi qua ga thì phải xuất trình giấy giao tiếp cho nhân viên hải quan ở ga.

Mọi việc phá niêm phong, niêm phong các toa hàng hóa, hành lý, mọi việc bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên xuống các đoàn xe ở ga đều phải được cơ quan Hải quan cho phép và có nhân viên hải quan giám sát (điều 13 điều lệ hải quan). Ở dọc đường hay ở những ga không có cơ quan Hải quan, nhân viên đường sắt có thể chuyển hàng hóa từ toa này sang toa khác hay cắt toa để lại rồi báo cáo sau với cơ quan Hải quan nơi gần nhất, nhưng phải làm thủ tục niêm phong và ghi vào giấy gửi hàng ngày, giờ, địa điểm, lý do chuyển toa, cắt toa (điều 13 điều lệ hải quan).

Trưởng ga chỉ được cho đoàn xe nhập cảnh chuyển bánh từ ga biên giới hoặc ga liên vận để đi vào nội địa khi nhân viên hải quan đã làm xong mọi thủ tục về hàng hóa, hành lý nhập khẩu chuyên chở trên đoàn xe (điều 14 điều lệ hải quan). Khi đoàn xe chuyển bánh, xa trưởng không được cho vận chuyển hàng hóa, hành lý nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan, trừ trường hợp cần thiết và cơ quan Hải quan có cử nhân viên đi theo đoàn xe để tiếp tục làm thủ tục.

Khi đã làm xong thủ tục hải quan, nếu vì lý do gì mà phải cắt lại một số toa hàng thì trưởng ga phải báo ngay cho nhân viên hải quan ở ga để theo dõi giám quản.

Nếu hàng hóa, hành lý nhập khẩu bốc xuống tạm gửi ở kho ga hay sân ga để đợi làm thủ tục khai báo và kiểm hoá, thì trưởng ga phải báo cho nhân viên Hải quan và nhân viên hải quan có nhiệm vụ theo dõi giám quản (điều 1 điều lệ hải quan).

b) Khi đoàn xe xuất cảnh khởi hành từ một ga liên vận ở nội địa có chở hàng hoá, hành lý xuất khẩu, trưởng ga phải xuất trình với cơ quan Hải quan ở ga những giấy tờ sau đây (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương ấn định):

1. Lược khai hàng hóa xuất khẩu (kể cả hàng thông qua quá cảnh) kèm theo các tờ khai xuất khẩu, vận đơn,

2. Các phiếu gửi hành lý.

Khi đoàn xe xuất khẩu tới ga biên giới, trưởng ga biên giới phải nộp cho cơ quan Hải quan ở ga biên giới:

1.Tờ khai thành phần đoàn xe (có ghi số nhân viên phục vụ trên đoàn xe).

2. Lược khai hàng hoá xuất khẩu (kể cả hàng thông qua quá cảnh) có xuất trình các tờ khai xuất khẩu, vận đơn.

3. Các phiếu gửi hành lý.

4. Lược khai lương thực và nhiên, vật liệu của đoàn xe, nếu có.

Trưởng ga chỉ được cho đoàn xe xuất cảnh chuyển bánh từ ga biên giới ra nước ngoài, khi nhân viên hải quan đã làm xong mọi thủ tục về hàng hóa, hành lý xuất khẩu. Khi đã đến giờ chuyển bánh, mà trên đoàn xe còn có hàng hóa, hành lý chưa làm xong thủ tục hải quan thì xa trưởng phải báo chủ hàng hóa, hành lý cho bốc ngay xuống ga và báo cho Hải quan để theo dõi giám quản (điều 14 điều lệ hải quan). Khi đã làm xong thủ tục hải quan, nếu vì lý do gì mà phải cắt lại một số toa hàng thì trưởng ga phải báo ngay cho nhân viên Hải quan ở ga để theo dõi giám quản.

c) Trưởng ga các ga liên vận, ga biên giới, xa trưởng các đoàn xe lửa xuất nhập cảnh có nhiệm vụ phải bảo đảm thi hành đúng thủ tục giám quản xe lửa xuất nhập cảnh và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm thể lệ thủ tục hải quan xảy ra trên đoàn xe lửa xuất nhập cảnh trong phạm vi phụ trách của mỗi người (thông tư số 051-TTg ngày 27-2-1960) của Thủ tướng – Muc I. Trưởng ga, xa trưởng được miễn trách nhiệm chứng minh được là đã làm đầy đủ nhiệm vụ giám sát của mình hoặc nếu tìm được can phạm và được cơ quan Hải quan công nhận là không có sự đồng tình.

Những hành vi vi phạm thể lệ thủ tục hải quan xẩy ra trên đoàn xe lửa xuất nhập cảnh sẽ xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan.

3. Giám quản máy bay xuất nhập cảnh:

Máy bay vận tải hàng không dân dụng từ nước ngoài vào Việt nam dân chủ cộng hoà hay từ nước Việt nam dân chủ cộng hoà ra nước ngoài phải chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan, phải bay theo hành lang do Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hoà đã quy định và chỉ được phép hạ cánh hay cất cánh tại những sân bay có thiết lập cơ quan Hải quan, theo thời gian biểu do Cục Hàng không dân dụng quy định. Trong phạm vi không phận Việt nam, cấm máy bay không được vứt bỏ hàng hoá hành lý xuống dọc đường trừ trường hợp phải vứt bỏ cho nhẹ máy bay để tránh tai nạn, thì phải báo cáo với Hải quan sân bay ngay khi hạ cánh.

Cơ quan Hàng không dân dụng ở sân bay phải báo trước cho cơ quan Hải quan sân bay, ngày, giờ, máy bay cất cánh, hạ cánh. Nếu vì lý do nào mà máy bay đã có báo đi hay đến nhưng không theo đúng được thời giờ đã định, thì cơ quan Hàng không dân dụng phải kịp thời báo cho cơ quan Hải quan sân bay biết (điều 9 điều lệ hải quan).

Mọi việc bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên xuống máy bay đều phải xin phép cơ quan Hải quan ở sân bay và phải có nhân viên hải quan giám sát. Khi nhân viên hải quan kiểm soát máy bay, người phụ trách máy bay phải chứng liến việc kiểm soát của nhân viên hải quan trên máy bay và có trách nhiệm mở các buồng, kể cả buồng máy có thể che giấu hàng phạm pháp để nhân viên hải quan kiểm soát nếu nhân viên hải quan yêu cầu (điều 12 điều lệ hải quan).

a) Đối với máy bay nhập cảnh, ngay sau khi máy bay hạ cánh, người phụ trách máy bay phải nộp cho cơ quan Hải quan sân bay (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương ẩn định):

1. Lược khai hàng hoá và bưu kiện nhập khẩu (có xuất trình các giấy gửi hàng, minh tế cao, vận đơn, hoá đơn kèm theo).

2. Lược khai hành lý của những người làm trên máy bay và hành lý (không kể hành lý xách tay) của hành khách, kèm theo danh sách những người làm trên máy bay và danh sách hành khách.

3. Lược khai lương thực, nhiên, vật liệu của máy bay.

Các giấy tờ trên phải do người phụ trách máy bay ký.

Người phụ trách máy bay phải xuất trình sổ nhật ký hành trình của máy bay và các tài liệu khác có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu, nếu nhân viên hải quan yêu cầu. Nếu có chuyên chở hàng thuộc loại cấm xuất, cấm nhập thì trong lược khai phải ghi đúng tên từng thứ, loại hàng, số lượng, trọng lượng và trị giá hàng.

b) Đối với máy bay xuất cảnh, trước khi máy bay cất cánh, người phụ trách máy bay phải nộp cho cơ quan Hải quan sân bay (theo mẫu do Sở Hải quan Trung ương ấn định):

1. Lược khai hàng hoá, bưu kiện xuất khẩu (có xuất trình các giấy khai hàng xuất khẩu, vận đơn, hoá đơn, giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch kèm theo nếu có).

2. Lược khai hành lý của những người làm trên máy bay và hành lý (không kể hành lý xách tay) của hành khách, kèm theo danh sách những người làm trên máy bay ba danh sách hành khách,

3. Lược khai lương thực, nhiên, vật liệu của máy bay.

Các giấy tờ trên phải do người phụ trách máy bay ký.

Máy bay chỉ được cất cánh sau khi đã làm xong mọi thủ tục hải quan. Trường hợp máy bay xuất cánh đã mở máy nhưng chưa cất cánh, nếu cơ quan Hải quan phát giác có hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp của nước Việt nam dân chủ cộng hoà thì cơ quan Hải quan báo cho Cục Hàng không dân dụng không cho máy bay cất cánh và tiến hành kiểm soát lại.

c) Người phụ trách máy bay có nhiệm vụ thi hành đúng thủ tục giám quản máy bay xuất nhập cảnh và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm thể lệ, thủ tục hải quan xảy ra trên máy bay xuất nhập cảnh do mình phụ trách. Người phụ trách máy bay được miễn trách về những phạm pháp hải quan xảy ra trên máy bay xuất nhập cảnh, nếu chứng minh được là đã làm đầy đủ nhiệm vụ giám sát của người phụ trách máy bay, hoặc nếu tìm ra được can phạm và được cơ quan Hải quan công nhận là không có sự đồng tình.

Những hành vi vi phạm thể lệ, thủ tục hải quan xẩy ra trên máy bay xuất nhập cảnh sẽ xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan.

4. Giám quản ô tô và các xe cộ, ca-nô và thuyền bè xuất nhập cảnh:

Ô tô và các xe cộ, ca nô và các thuyền bè xuất nhập cảnh bằng đường ô tô, đường sông, phải có giấy phép xuất nhập cảnh và phải chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan (điều 1 điều lệ hải quan). Ô tô và các xe cộ, ca nô và các thuyền bè xuất nhập cảnh phải đi theo những đường nhất định do Uỷ ban hành chính tỉnh ấn định, theo đề nghị của cơ quan Hải quan địa phương, từ biên giới đến Phòng hải quan cửa khẩu đầu tiên (điều 9 điều lệ hải quan) và chỉ được ra vào biên giới trong những giờ mở cửa biên giới, trừ trường hợp đặc biệt có giấy phép riêng của cơ quan Công an và Hải quan. Ô tô và xe cộ, ca nô và các thuyền bè phải dừng lại để cơ quan hải quan kiểm soát khi có hiệu lệnh của nhân viên hải quan; người phụ trách công cụ vận tải phải có mặt trong khi nhân viên hải quan kiểm soát và phải mở các bộ phận của công cụ vận tải, kể cả bộ phận máy, nếu có, để nhân viên hải quan kiểm soát, nếu nhân viên hải quan yêu cầu (điều 12 điều lệ hải quan). Nếu khi có hiệu lệnh của nhân viên hải quan báo dừng lại để kiểm soát mà công cụ vận tải không dừng lại, thì coi như vi phạm thủ tục hải quan và người phụ trách công cụ vận tải sẽ bị xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan. Trong quá trình từ biên giới đến Phòng hải quan thứ nhất, các ô tô và xe cộ, các ca nô và thuyền bè xuất nhập cảnh được cho bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên xuống, nếu không được cơ quan Hải quan cho phép (điều 13 điều lệ hải quan).

a) Đối với ô tô và các xe cộ, ca nô và các thuyền bè nhập cảnh, ngay sau khi tới Phòng hải quan cửa khẩu đầu tiên, người phụ trách ô tô, xe cộ, ca-nô hoặc các thuyền bè.

- Phải nộp cho Phòng hải quan cửa khẩu đầu tiên (theo mẫu do Sở Hải quan trung ương quy định): lược khai hàng hoá nhập khẩu (hoặc giấy tờ thay thế) kèm theo các giấy minh tế đơn, vận đơn, hoá đơn và các giấy tờ cần thiết do nhân viên hải quan yêu cầu, nếu có hàng thuộc loại cấm, thì trong lược khai phải ghi rõ tên từng thứ, loại hàng, số lượng, trọng lượng và giá hàng (điều 11 điều lệ hải quan);

- Phải xuất trình tất cả hàng hoá, hành lý chuyên chở trên công cụ vận tải để nhân viên hải quan làm thủ tục.

Ô tô và các xe cộ, ca nô và các thuyền bè nhập cảnh chỉ được khởi hành từ cửa khẩu đầu tiên vào trong nước sau khi đã làm xong thủ tục hải quan (điều 14 điều lệ hải quan).

b) Đối với ô tô hay các xe cộ, ca nô và các thuyền bè xuất cảnh, trước khi từ Phòng hải quan cửa khẩu đi ra biên giới để xuất cảnh, người phụ trách ô tô, xe cộ, ca nô hoặc thuyền bè phải nộp cho Phòng hải quan cửa khẩu theo điều 11 điều lệ hải quan (theo mẫu do Sở Hải quan Trung ương quy định):

1. Lược khai hàng hóa xuất khẩu (hoặc giấy tờ thay thế) kèm theo giấy khai hàng xuất khẩu, hoá đơn, vận đơn và các giấy tờ cần thiết khác mà nhân viên hải quan yêu cầu;

2. Các giấy khai hành lý xuất cảnh.

Ô tô và các xe cộ, ca nô và các thuyền bè xuất cảnh chỉ được khởi hành từ cửa khẩu ra nước ngoài, sau khi đã làm xong thủ tục hải quan (điều 14 điều lệ hải quan).

c) Người phụ trách ô tô, xe cộ, ca nô hoặc thuyền bè có nhiệm vụ phải thi hành đúng thủ tục giám quản ô tô và các xe cộ, ca nô và các thuyền bè xuất nhập cảnh và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm thể lệ, thủ tục hải quan xảy ra trên ô tô, xe cộ, ca nô hoặc thuyền bè xuất nhập cảnh do mình phụ trách. Người phụ trách các công cụ tải nói trên được miễn trách nếu chứng minh được là đã làm đầy đủ nhiệm vụ giám sát của người phụ trách công cụ vận tải, hoặc nếu tìm ra được can phạm và được cơ quan Hải quan công nhận là không có sự đồng tình.

Những hành vi vi phạm thể lệ thủ tục hải quan xẩy ra trên ô tô và các xe cộ, ca nô và các thuyền bè sẽ xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan.

B. GIÁM QUẢN HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU:

Yêu cầu giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu là:

1. Bảo đảm thi hành đúng chính sách quản lý ngoại thương, chỉ cho xuất khẩu:

- Hàng mậu dịch, theo đúng như đã ghi trong giấy phép xuất nhập hàng hay hợp đồng buôn bán đã ký (điều 17 điều lệ hải quan).

- Hàng phi mậu dịch, theo đúng như các chế độ đã quy định (điều 17 – 25 – 26 – 27 – 28- 29 – 32 điều lệ hải quan).

2. Bảo vệ kinh tế, chống mọi âm mưu phá hoại và lũng đoạn.

Theo như điều lệ hải quan (từ điều 19 đến điều 21) quy định thủ tục giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu, người xuất nhập hàng hóa phải:

a) Xuất trình giấy phép xuất nhập hàng

b) Nộp tờ khai hàng,

c) Xuất trình hàng, để cơ quan Hải quan kiểm hoá,

d) Nộp các loại thuế đã quy định đối với hàng xuất nhập khẩu, nếu có.

Thủ tục thi hành có hàng mậu dịch và hàng phi mậu dịch quy định như sau:

1. Giám quản hàng mậu dịch xuất nhập khẩu.

Hàng mậu dịch là hàng xuất nhập để buôn bán của các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu. Ngay sau khi hàng xuất khẩu hay nhập khẩu tới cửa khẩu hay tới ga liên vận nội địa, tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu phải đến cơ quan Hải quan ở cửa khẩu để làm thủ tục. Chi tiết thủ tục như sau:

a) Xuất trình giấy phép nhập hàng hay giấy tờ thay thế.Tổ chức kinh doanh xuất nhập hàng hay người thay mặt phải nộp cho cơ quan Hải quan cửa khẩu giấy phép xuất nhập hàng hay hợp đồng buôn bán tuỳ theo từng trường hợp sau đây:

- Nếu là hàng hoá xuất nhập với các nước xã hội chủ nghĩa thì phải nộp bản sao hợp đồng buôn bán đã ký với nước ngoài; trường hợp không có hợp đồng thì phải nộp giấy phép xuất nhập hàng do Bộ Ngoại thương cấp;

- Nếu là hàng hoá xuất nhập với các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa, thì phải nộp giấy phép xuất nhập hàng do Bộ Ngoại thương cấp, giấy phép chỉ có giá trị cho từng chuyến;

- Nếu là hàng hoá trao đổi theo chế độ mậu dịch địa phương hay mậu dịch cửa khẩu ở biên giới thì phải nộp bản sao hợp đồng buôn bán đã ký; trường hợp không có hợp đồng thì phải nộp giấy phép xuất nhập hàng do Bộ Ngoại thương hoặc cơ quan được uỷ quyền cấp;

- Nếu là sách, báo, tem và văn hoá phẩm do Sở xuất nhập khẩu sách báo xuất hay nhập, giấy phép xuất nhập khẩu sẽ được thay thế bằng kế hoạch trao đổi sách, báo, tem, văn hoá phẩm hàng năm đã được Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài và Bộ Ngoại thương cùng duyệt. Đối với những sách, báo, tem và văn hoá phẩm xuất hay nhập khẩu ngoài kế hoạch nói trên thì phải nộp cho Hải quan giấy phép xuất hay nhập riêng cho từng chuyến hàng của Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài và của Bộ Ngoại thương;

- Cơ quan Hải quan chỉ được cho xuất nhập hàng theo đúng những điều đã ghi trong hợp đồng hay giấy phép về số lượng, trọng lượng, quy cách , phẩm chất, bao bì, … (điều 17 điều lệ hải quan).

b) Nộp tờ khai hàng - Tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu (kể cả đối với hàng miễn thuế) phải làm theo mẫu do Sở Hải quan trung ương ấn định. Tờ khai hàng phải có kèm theo hoá đơn, vận đơn, bảng khai chi tiết hàng, các giấy chứng nhận quy cách, phẩm chất, các chứng từ về phí tổn liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng, giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch nếu là hàng phải kiểm nghiệm, kiểm dịch. Nếu hàng xuất khẩu được hưởng chế độ đặc biệt miễn hoặc giảm thuế, thì phải kèm theo đầy đủ những chứng từ cần thiết.

Tờ khai hàng chỉ được đăng ký vào sổ của Hải quan để kiểm hoá, sau khi được cơ quan Hải quan công nhận.

Trước khi khai hàng, đối với hàng nhập khẩu tạm gửi ở các kho, người khai hàng có thể xin phép xem hàng và lấy mẫu. Việc xem hàng phải tiến hành trước mặt nhân viên hải quan. Không được thay đổi hoặc lấy tài liệu gì có thể ảnh hưởng đến sự nhận xét về giá trị hàng hay số thuế phải nộp. Hàng lấy mẫu phải có sự đồng ý của cơ quan Hải quan và phải trả thuế như thường lệ.

c) Xuất trình hàng để kiểm hoá - Tất cả hàng hoá xuất nhập khẩu, kể cả hàng được miễn thuế, đều phải xuất trình để nhân viên hải quan kiểm hoá.

Việc kiểm hoá phải tiến hành ở địa điểm do cơ quan Hải quan ấn định công khai cho việc kiểm hoá. Trường hợp người khai hàng yêu cầu và được cơ quan Hải quan đồng ý kiểm hoá ở ngoài địa điểm công khai đã ấn định, người khai hàng phải bố trí mọi điều kiện thuận tiện (chỗ làm việc, phương tiện cân, đo…) và phải trả mọi phí tổn cần thiết, nếu có. Nhân viên hải quan phải kiểm hoá trước mặt người khai hàng, người khai hàng có nhiệm vụ trình bày hàng hóa để nhân viên hải quan kiểm hoá và chịu mọi phí tổn chuyển vận hoặc đóng, mở các kiện hàng (điều 20 điều lệ hải quan). Không ai được tự tiện mở các kiện hàng hoặc thay bao bì hay di chuyển các kiện hàng chưa làm thủ tục hải quan còn để trong kho, nếu không có sự đồng ý của cơ quan Hải quan. Trong khi kiểm hoá, người khai hàng không được làm điều gì cản trở việc kiểm hoá.

Ngày kiểm hoá do cơ quan Hải quan ấn định theo thứ tự đăng ký. Hàng dễ hư hỏng (hoa quả, rau, thịt, cá tươi, v.v…), động vật sống và hàng cần thiết để phục vụ kịp thời cho kế hoạch đột xuất thì được ưu tiên kiểm hoá trước. Nhân viên hải quan có thể hoãn việc kiểm hoá trong một thời gian để phân chất, điều tra thêm tài liệu hoặc đề nghị giám định và có thể kiểm hoá lại những hàng đã kiểm hoá, nếu xét cần thiết.

Nguyên tắc là phải kiểm hoá toàn bộ số hàng xuất nhập khẩu. Trường hợp hàng có đủ điều kiện đảm bảo chắc chắn, nhân viên hải quan có thể không kiểm hoá hoặc chỉ kiểm tra một phần. Phương pháp tiến hành kiểm hoá do Sở Hải quan trung ương ấn định.

Khi kiểm hoá, nếu thấy trọng lượng thực cân và trọng lượng đã khai chênh lệch nhau trong phạm vi tỷ lệ đối đa là 0,3% (ba phần ngàn) so với trọng lượng đã khai thì nhân viên hải quan có thể công nhận lời khai là đúng, trị giá phần chênh lệch và số thuế của phần chênh lệch phải dưới một mức tối thiểu do Sở Hải quan trung ương đề nghị lên Bộ Ngoại thương ấn định. Khi xét cần thiết cơ quan Hải quan có thể lấy mẫu hàng để nghiên cứu; việc lấy mẫu hàng phải có sự thỏa thuận của người khai hàng.

Sau khi kiểm hoá, nhân viên hải quan phải tự tay ghi kết quả nhận xét và ký tên vào tờ khai hàng. Trường hợp kiểm hoá lại thì nhân viên hải quan phải ghi rõ lý do kiểm hoá lại.

Trường hợp hàng nhập khẩu tạm gửi ở kho (của cảng, nhà ga sân bay hay Công ty kho ngoại thương) để đợi làm thủ tục hải quan, nhân viên hải quan được quyền ra vào kho để làm nhiệm vụ giám quản hàng hóa. Việc xuất kho, nhập kho, việc di chuyển hàng từ chỗ này ra chỗ khác trong kho, việc thay đổi bao bì hàng nhập tạm gửi ở kho phải được cơ quan Hải quan cho phép và phải có nhân viên hải quan giám sát.

Tuần kỳ, cơ quan Hải quan ở cửa khẩu phải báo cáo lên Bộ Ngoại thương tình hình bảo quản hàng nhập khẩu tạm gửi ở kho và tình hình hàng nhập khẩu quá hạn chưa làm thủ tục còn đọng lại ở kho.

d) Nộp các loại thuế đã quy định đới với hàng xuất nhập khẩu. Hàng hóa xuất nhập khẩu chịu thuế xuất nhập khẩu theo biểu chế áp dụng trong ngày đăng ký tờ khai (điều 21 điều lệ hải quan). Trường hợp có thay đổi thuế biểu thì nguyên tắc là những tờ khai đăng ký trước ngày công bố thuế biểu mới vẫn phải tính theo thuế biểu cũ và chỉ những tờ khai đăng ký sau ngày công bố thì mới tính theo thuế biểu mới. Việc thi hành thuế biểu mới phải thống nhất cho toàn quốc.

Nguyên tắc là chỉ được lấy hàng đi sau khi đã nộp xong các khoản thuế và thuế phải nộp chậm nhất là ba ngày sau khi nhận được giấy báo nộp thuế của cơ quan Hải quan. Quá hạn ấy thì mỗi ngày nộp chậm phải nộp thêm 0,5% (năm phần ngàn) số thuế thiếu (điều 21 điều lệ hải quan). Nếu người khai hàng có khiếu nại về số thuế đã báo, trong khi chờ đợi giải quyết vẫn phải nộp đủ số và trong thời hạn do cơ quan Hải quan đã ấn định.

Việc miễn, giảm, hoàn truy thu thuế quy định như sau:

1. Được miễn thuế xuất nhập khẩu (điều 22 điều lệ hải quan):

- Những hàng bị mất, thiếu, hư hỏng hoàn toàn đã được cơ quan Hải quan công nhận,

- Những trường hợp có quyết định miễn thuế của Bộ Ngoại thương.

2. Được giảm thuế xuất nhập khẩu những hàng đã mất một phần phẩm chất. Tỷ lệ giảm thuế căn cứ theo tỷ lệ phẩm chất kém đi và do cơ quan Hải quan xác nhận.

3. Được hoàn lại thuế xuất nhập khẩu (điều 22 điều lệ hải quan):

- Những hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế rồi những con đương dưới sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan và được cơ quan Hải quan cho tái xuất.

- Những hàng hóa xuất khẩu nộp thuế rồi, mà không xuất được, có lý do chính đáng được cơ quan Hải quan công nhận.

Ngoài hai trường hợp trên đây, nếu nhân viên hải quan tính thuế nhầm, hay định giá tính thuế cao quá, thì cũng được tính lại và phải hoàn lại số thuế thu thừa. Thời hạn hoàn hay xin hoàn là một năm kể từ ngày cơ quan Hải quan cấp biên lai thu thuế. Quá hạn ấy thì không hoàn nữa.

4. Phải truy thu thuế xuất nhập khẩu trong những trường hợp sau:

- Nếu nhân viên hải quan tính nhầm và số tiền nộp ít hơn số thuế đáng lẽ phải nộp,

- Nếu cơ quan Hải quan phát hiện ra những tài liệu để làm cơ sở tính thuế trước đây là không đúng, và do đó số tiền nộp chưa bằng số thuế đáng lẽ phải nộp.

Thời hạn truy thu là một năm kể từ ngày cơ quan Hải quan cấp biên lai thu thuế. Quá hạn ấy thì không truy thu nữa.

e) Trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu:

Các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu có nhiệm vụ phải thi hành đúng thủ tục giám quản hàng xuất nhập khẩu và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm thể lệ thủ tục hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu trong hoạt động kinh doanh của mình.

Coi là vi phạm thể lệ thủ tục hải quan và xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan, những trường hợp sau đây:

- Không nộp, nộp không đúng hạn, nộp không đầy đủ những giấy tờ đã quy định phải nộp cho cơ quan Hải quan,

- Không khai hoặc khai man tên hàng, loại hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá hàng hay các khoản phí tổn có liên quan.

- Có hành vi cản trở việc kiểm hoá của nhân viên Hải quan, cho xuất khẩu hay mang ra tiêu thụ hàng chưa kiểm hoá v.v…

2. Giám quản hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu:

Hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu là những hàng hay đồ vật không phải xuất nhập khẩu để buôn bán, thí dụ: hành lý, quà biếu, mẫu hàng, hàng triễn lãm, hàng tiếp tế, …Thủ tục đối với hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu cũng thi hành như đối với hàng mậu dịch xuất nhập khẩu. Người có hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu phải (điều 23 điều lệ hải quan):

- Xuất trình giấy phép xuất nhập hàng hoặc giấy tờ thay thế, tuỳ theo từng trường hợp quy định dưới đây,

- Nộp tờ khai hàng, theo mẫu của Sở Hải quan trung ương,

- Xuất trình hàng để kiểm hoá,

- Nộp thuế, nếu có, trước khi lấy hàng đi.

Riêng đối với sách, báo, tem và văn hoá phẩm, cần phải có thêm giấy phép của Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài.

Đối với hàng phi mậu dịch nhập khẩu tạm giữ ở các kho (của cảng, nhà ga, sân bay hay hải quan) người có hàng có thể xin phép Hải quan vào kho xem hàng để làm tờ khai. Việc xem hàng phải tiến hành trước mặt nhân viên hải quan (không được thay đổi hoặc lấy tài liệu gì có thể ảnh hưởng đến sự nhận xét về trị giá hàng hay về số thuế phải nộp).

Nếu trong thời hạn lâu nhất là 6 tháng, kể từ khi hàng tới cửa khẩu, người có hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu không tới làm thủ tục hải quan thì cơ quan Hải quan đem bán. Nếu để quá hạn 6 tháng mà có lý do chính đáng được cơ quan Hải quan công nhận, thì người có hàng có thể được trả lại tiền bán hàng, sau khi trừ các khoản thuế và phí tổn; nếu không có lý do chính đáng thì tiền bán hàng bỏ vào quỹ công (điều 23 điều lệ hải quan). Riêng đối với hàng hóa dễ hư hỏng, cơ quan Hải quan có thể đem bán ngay, tiền bán được cũng xử lý như trên.

a) Hành lý xuất nhập khẩu – Hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, nếu là đồ dùng cá nhân của hành khách và gia đình cũng đi theo, được miễn giấy phép và miễn thuế (điều 27 điều lệ hải quan). Nếu quá tiêu chuẩn sử dụng cá nhân quy định trong thông tư Liên bộ Ngoại thương, Tài chính số 17/LB ngày 19-12-1959, hành lý xuất nhập khẩu phải được Sở Hải quan trung ương cho phép. Sở Hải quan trung ương sẽ ấn định những trường hợp hành lý quá tiêu chuẩn ít, có tính chất để sử dụng, không phải để buôn bán, mà cơ quan Hải quan cửa khẩu có thể cho phép xuất nhập với điều kiện trả thuế nếu có.

b) Quà biếu xuất nhập khẩu – Quà biếu trong phạm vi mức độ do Thủ tướng Chính phủ quy định và không thuộc loại hàng cấm, hay hàng thống nhất thu mua, khi xuất hay nhập, được miễn giấy phép xuất, nhập và miễn thuế (điều 26 điều lệ hải quan). Nếu vượt quá mức quy định, quà biếu xuất nhập phải có giấy phép của Sở Hải quan trung ương và trả thuế, nếu có.

Quà biếu xuất nhập khẩu của những người lãnh đạo Nhà nước, của các cơ quan, đoàn thể, đoàn ngoại giao, trong nước gửi ra nước ngoài hoặc nhận từ nước ngoài gửi về được miễn giấy phép xuất, nhập và miễn thuế (điều 26 điều lệ hải quan) nhưng phải có giấy giới thiệu của cơ quan hay đoàn thể sở quan.

c) Hàng tiếp tế xuất nhập khẩu: - Hàng tiếp tế xuất nhập khẩu cho sinh hoạt gia đình hay cho con em ăn học phải có giấy phép của Sở Hải quan trung ương. Việc xuất nhập hàng tiếp tế của các cơ quan Ngoại giao hay cơ quan tương tự phải theo đúng chế độ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

d) Tài sản di chuyển: - Việc di chuyển tài sản bằng hàng hoá từ ngoài nước về hoặc từ trong nước ra phải được Bộ Ngoại thương cho phép. Tài sản di chuyển về nước bằng hàng hóa trừ phần được sử dụng miễn thuế, phải bán cho mậu dịch quốc doanh và chịu thuế, nếu có (điều 28 điều lệ hải quan).

Đối với Việt kiều ở nước ngoài trở về nước để làm ăn sinh sống, tài sản mang theo về được miễn giấy phép nhập khẩu và được hưởng chế độ chiếu cố cho từng trường hợp cụ thể do quyết định của Bộ Ngoại thương hoặc những án văn riêng quy định.

e) Mẫu hàng và vật phẩm quảng cáo- Mẫu hàng hay vật phẩm quảng cáo xuất nhập khẩu phải được Sở Hải quan trung ương cho phép. Mẫu hàng hay vật phẩm quảng cáo không có giá trị hàng hóa được miễn thuế. Mẫu hàng hay vật phẩm quảng cáo có giá trị hàng hóa, nếu chỉ dùng để giới thiệu mặt hàng, thì được miễn thuế, nên sau lại đem bán hay sử dụng thì phải chịu thuế (điều 24 điều lệ hải quan).

Đối với mẫu hàng và vật phẫm quảng cáo do các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu xuất hay nhập, trị giá từ 50 đồng trở xuống thì được miễn giấy phép xuất nhập khẩu (thông tư Liên bộ Ngoại thương – Tài chính số 16/LB ngày 16-12-1959). Nếu mẫu hàng, vật phẩm quảng cáo thuộc loại hàng cấm thì dù trị giá dưới 50 đồng cũng phải có giấy phép xuất nhập của Sở Hải quan trung ương.

g) Hàng triễn lãm – Hàng xuất nhập khẩu để triển lãm phải có giấy phép của Bộ Ngoại thương (điều 25 điều lệ hải quan). Hàng triễn lãm sau khi trưng bày, nếu tái nhập hay tái xuất thì được miễn thuế. Hàng nhập khẩu để triễn lãm, trừ số dùng làm tặng phẩm, nếu không tái xuất thì phải bán cho mậu dịch quốc doanh và chịu thuế.

h) Trách nhiệm của người có hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu - Người có hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu có nhiệm vụ thi hành đúng thủ tục giám quản hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm thể lệ thủ tục hải quan đối với hàng phi mậu dịch do mình gửi hay nhận. Coi là vi phạm thể lệ, thủ tục hải quan và xử lý theo điều lệ hải quan, những trường hợp sau đây:

- Không khai hàng hoặc khai man hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu,

- Không xuất trình hàng để nhân viên hải quan kiểm soát,

- Lợi dụng chế độ phi mậu dịch để xuất nhập khẩu hàng cấm hoặc hàng để buôn bán.

- Không nộp thuế đúng thời hạn quy định.

3. Giám quản bưu phẩm bưu kiện xuất nhập khẩu:

Bưu phẩm, bưu kiện là hàng mậu dịch hay phi mậu dịch do cơ quan bưu điện nhận để chuyển vận từ trong nước ra ngoài nước hay từ ngoài nước vào trong nước. Bưu phẩm và bưu kiện phải chịu sự giám quản của Hải quan khi xuất nhập khẩu.

Tuỳ trường hợp bưu phẩm, bưu kiện là hàng mậu dịch hay phi mậu dịch, thủ tục áp dụng sẽ là thủ tục đối với hàng mậu dịch xuất nhập khẩu hay thủ tục đối với hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu đã quy định trên đây.

Bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu qua các Bưu cục ngoại dịch có tổ chức hải quan. Cơ quan Bưu cục ngoại dịch phải xuất trình những bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu với cơ quan Hải quan và báo cho người có hàng tới cơ quan Hải quan để làm thủ tục. Bưu cục ngoại dịch chỉ giao và chuyển những bưu phẩm, bưu kiện đã làm xong thủ tục hải quan. Ở những nơi không có tổ chức hải quan, việc thu thuế vào bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu do cơ quan Bưu điện phụ trách (điều 29 điều lệ hải quan).

Nhân viên hải quan chỉ được mở bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu trước mặt nhân viên bưu điện. Trường hợp nghi ngờ trong phong bì thư có giấu hàng lậu, hàng cấm, cơ quan Bưu điện sẽ mời người có thư đến mở thư để cơ quan Hải quan kiểm soát. Khi đóng mở các bao, túi đựng bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu, nhân viên bưu điện báo cho nhân viên hải quan để thi hành nhiệm vụ giám quản (điều 30 điều lệ hải quan).

Trường hợp bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu có hàng cấm, cơ quan Bưu điện giao cho cơ quan Hải quan xử lý và báo cho người có hàng biết. Tuỳ trường hợp cơ quan Hải quan có thể không cho nhập hoặc tịch thu (điều 31 điều lệ hải quan) nếu xét thấy có hại về mặt đạo đức, chính trị hay vệ sinh.

Nhân viên bưu cục ngoại dịch có nhiệm vụ phải thi hành đúng thủ tục giám quản bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu (thông tư số 651/TTg ngày 27-2-1960 của Thủ tướng Chính phủ Mục I). Trường hợp vi phạm thể lệ thủ tục hải quan, người gửi hàng hay nhận hàng ở trong nước phải chịu trách nhiệm chính và nếu phạm pháp xảy ra do nhân viên bưu cục ngoại dịch chưa làm đầy đủ nhiệm vụ như điều lệ hải quan và thông tư 051-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định thì nhân viên bưu điện phải liên đới trách nhiệm.

Những vi phạm về thủ tục giám quản bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu sẽ xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan.

C. CÁC CHẾ ĐỘ RIÊNG.

Ngoài những thủ tục đã quy định trên đây, điều lệ hải quan có quy định những chế độ riêng.

1. Chế độ tạm xuất tạm nhập

a) Tạm xuất, tạm nhập dụng cụ, vật liệu không có tính chất buôn bán­ – Các dụng cụ, vật liệu tạm xuất, tạm nhập phải được Bộ Ngoại thương cho phép (điều 32 điều lệ hải quan). Coi như tạm xuất, tạm nhập, và được miễn thuế những trường hợp sau đây:

- Máy móc, dụng cụ, vật liệu , v.v… xuất nhập để sửa chữa, thí nghiệm, khảo cứu, phân chất.

- Bao bì xuất nhập để đóng gói hàng hóa nhập hay xuất.

- Trang bị của những đoàn văn hoá, nghệ thuật, (thể thao, xiếc, văn công, v.v…) xuất nhập cảnh,

Hàng tạm xuất phải được tái nhập toàn bộ và hàng tạm nhập phải được tái xuất toàn bộ, trừ trường hợp đặc biệt phải có lý do được Sở Hải quan trung ương công nhận và phải nộp thuế, nếu có.

b) Hàng tạm nhập để chế biến thành hàng xuất khẩu.

Hàng tạm nhập để chế biến thành hàng xuất khẩu được miễn thuế (điều 32 điều lệ hải quan và thông tư Liên bộ Tài chính- Thương nghiệp số 2477-TC/TN ngày 1-12-56), nhưng nếu sau không tái xuất thì phải chịu thuế nhập khẩu cho phần không tái xuất được.

Thủ tục đối với hàng hóa, dụng cụ vật liệu tạm xuất, tạm nhập, tiến hành như thủ tục đối với hàng xuất nhập, cơ quan Hải quan phải theo dõi việc tạm xuất, tạm nhập và quản lý chặt chẽ việc chuyển hàng tạm xuất, tạm nhập thành hàng buôn bán.

Người có hàng hóa, dụng cụ, vật liệu tạm xuất, tạm nhập có nhiệm vụ phải thi hành đúng thủ tục giám quản hàng hóa, dụng cụ, vật liệu tạm xuất, tạm nhập và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, dụng cụ, vật liệu nói trên.

Những hành vi vi phạm thể lệ, thủ tục giám quản hàng hóa, dụng cụ, vật liệu tạm xuất, tạm nhập sẽ xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan.

2. Chế độ miễn khám.

Chế độ miễn khám chỉ áp dụng cho những trường hợp quy định trong điều 33 và 34 điều lệ hải quan. Khi hành lý được hưởng chế độ miễn khám tới cửa khẩu, người có hành lý phải khai báo với cơ quan Hải quan cửa khẩu. Hình thức khai báo sẽ do Sở Hải quan trung ương ấn định tuỳ từng trường hợp.

Trường hợp hành lý được hưởng chế độ miễn khám nhưng có hiện tượng khả nghi, cơ quan Hải quan có thể kiểm soát, nhưng phải có lệnh của Giám đốc Sở Hải quan trung ương (điều 35 điều lệ hải quan).

3. Chế độ hàng thông qua và quá cảnh

Hàng hóa của một nước ngoài muốn chuyển vận qua lãnh thổ nước Việt nam dân chủ cộng hoà (nhập vào một cửa khẩu để rồi lại xuất ở một cửa khẩu khác của nước Việt nam dân chủ cộng hoà) phải có giấy phép của Bộ Ngoại thương (điều 36 điều lệ hải quan). Giấy phép có thể thay thế bằng bản sao hiệp định vận chuyển hàng hóa giữa Việt nam với nước ngoài.

Hàng hóa của nước Việt nam dân chủ cộng hoà chuyển qua nước ngoài để rồi chuyển về nước (xuất ở một cửa khẩu rồi lại nhập vào một cửa khẩu khác của nước Việt nam dân chủ cộng hoà) phải có giấy phép của Sở Hải quan trung ương.

Trong phạm vi lãnh thổ nước Việt nam dân chủ cộng hoà, những hàng hóa nói trên phải vận chuyển trên những đường đi nhất định, xuất nhập qua những cửa khẩu do Sở Hải quan trung ương ấn định và phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trong quá trình chuyển vận, nếu thay đổi công cụ vận tải, phải được cơ quan Hải quan cho phép; nếu cần tạm gửi hàng ở kho riêng, cần thay đổi bao bì cần đóng gói lại thì phải xin phép cơ quan Hải quan và kho tàng phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan (điều 36, 37 điều lệ hải quan).

Khi hàng hóa thông qua cảnh tới cửa khẩu, người có hàng hay cơ quan vận tải thay mặt phải khai báo và xuất trình hàng để cơ quan Hải quan giám quản. Thủ tục giám quản hàng thông qua quá cảnh sẽ do Sở Hải quan trung ương ấn định. Hàng hoá vận chuyển phải niêm phong và nếu xét cần, phải có nhân viên hải quan đi theo giám sát. Trường hợp nhân viên hải quan đi theo giám sát hàng, người phụ trách công cụ vận tải phải giúp đỡ nhân viên hải quan có điều kiện thi hành nhiệm vụ.

Những hành vi vi phạm thể lệ, thủ tục hải quan đối với hàng thông qua quá cảnh sẽ xử lý theo điều 40 điều lệ hải quan.

Hàng hóa thông qua quá cảnh được miễn thuế xuất nhập khẩu, nhưng phải nộp thủ tục phí hải quan. Trường hợp có hiệp định chuyển vận đã ký với nước ngoài, thì theo chế độ quy định trong hiệp định.

4. Chế độ hàng hóa xuất nhập khẩu trôi giạt và hàng hóa do công cụ vận tải xuất nhập cảnh bị tai nạn vứt bỏ.

Khi phát hiện có hàng hóa xuất nhập khẩu trôi giạt vì tàu thuyền bị đắm, và máy bay bị rơi hay hàng hóa xuất nhập khẩu do máy bay, tàu thuyền vứt bỏ cho nhẹ để tránh tai nạn, Uỷ ban hành chính địa phương có trách nhiệm tổ chức thu nhặt, bảo quản, đồng thời báo cho cơ quan Hải quan nơi gần nhất. Nhân viên hải quan được báo phải đến ngay tại chỗ để kiểm hoá và làm biên bản. Cơ quan Hải quan phải theo dõi số hàng đó, trong khi chờ đợi chủ hàng đến xin làm thủ tục, thanh toán mọi phí tổn và nhận hàng. Quá hạn sáu tháng, kể từ ngày thu nhặt, nếu không có người đến nhận hàng, cơ quan Hải quan đem bán. Số tiền bán hàng bỏ vào quỹ công sau khi trừ các khoản thuế và phí tổn (điều 39 điều lệ hải quan). Đối với những hàng dễ hư hỏng, cơ quan Hải quan có thể bán ngay, tiền bán được sẽ xử lý như trên.

III. THÁI ĐỘ CỦA NHÂN VIÊN HẢI QUAN

Trong khi thi hành nhiệm vụ, nhân viên hải quan phải mặc trang phục hải quan, đeo phù hiệu, mang giấy chứng minh, có thể được mang vũ khí để tự vệ (điều 6 điều lệ hải quan). Sở Hải quan trung ương sẽ ấn định những trường hợp nhân viên hải quan được mang vũ khí để tự vệ.

Khi thi hành nhiệm vụ, nhân viên hải quan phải:

1. Nâng cao đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,

2. Hoà nhã, đứng đắn, tôn trọng hành khách, giữ gìn hàng hóa, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách và pháp luật của Nhà nước,

3. Nâng cao cảnh giác chính trị, để phòng mọi âm mưu phá hoại và mua chuộc,

4. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa,

Trên đây, Bộ quy định những nguyên tắc chi tiết thi hành điều lệ hải quan, Sở Hải quan trung ương sẽ có những chỉ thị thi hành thông tư này.

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG




Phan Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 86-BNT/HQ năm 1961 quy định thủ tục giám sát và quản lý của Hải quan do Bộ Ngoại Thương ban hành.

  • Số hiệu: 86-BNT/HQ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/11/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại thương
  • Người ký: Phan Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: 05/12/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản