Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84 TC-GTBĐ

Hà Nội ngày 19 tháng 10 năm 1994

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN SỬA CHỮA CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Nghị định số 155/HĐBT ngày 15 tháng 10 năm 1988 của HĐBT (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính ;

Căn cứ nội dung thông báo số 46/TB của Văn phòng Chính phủ ngày 26 tháng 3 năm 1994 ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành đường sắt Việt Nam;

Để quản lý chặt chẽ vốn sự nghiệp kinh tế cho cơ sở hạ tầng đường sắt, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ cấp phát và quản lý vốn sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt như sau

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1/ Các đối tượng thuộc cơ sở hạ tầng đường sắt của ngành đường sắt bao gồm : hệ thống cầu, đường, hầm (cầu, hầm, đường chính tuyến, đường trong ga, ghi, cầu cạn, kè, tường chắn, cống các loại, thiết bị cố định dọc tuyến như biển báo, cọc, mốc chỉ dẫn, các gác chắn đường ngang), các thiết bị thuộc hệ thống thông tin tín hiệu (như tín hiệu ra vào ga, hệ thống cáp tín hiệu, thiết bị chống chế chạy tàu, hệ thống điều khiển và khống chế tập trung, hệ thống các đường truyền thông tin tín hiệu, máy móc thiết bị truyền tải, hệ thống nguồn, các trạm tổng đài), hệ thống kiến trúc nhà ga.

2/ Sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt bao gồm : Sửa chữa thường xuyên (duy tu) và sửa chữa lớn.

3/ Các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt thực hiện chế độ hạch toán sự nghiệp kinh tế; kinh phí hoạt động do Ngân sách Nhà nước đài thọ; các đơn vị này khi thực hiện các khối lượng sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt được miễn nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức và thu sử dụng vốn.

4/ Doanh nghiệp khai thác vận tải đường sắt có nghĩa vụ trích nộp vào Ngân sách Nhà nước một khoản tiền thuê sử dụng cơ sở hạ tầng đường sắt. Khoản tiền này được tính theo tỷ lệ % trên doanh thu vận tải thực hiện, do Bộ Tài chính xác định hàng năm. Trong năm 1995, tỷ lệ này được quy định là 10%.

II- LẬP VÀ GIAO KẾ HOẠCH

I- LẬP KẾ HOẠCH : Kế hoạch sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt bao gồm :

_Kế hoạch sửa chữa thường xuyên (duy tu) và

_Kế hoạch sửa chữa lớn.

1.Kế hoạch sửa chữa thường xuyên cơ sở hạ tầng đường sắt (Duy tu)

Hàng năm, căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của cầu, đường, các thiết bị kiến trúc thuộc cơ sở hạ tầng đường sắt . . . và nhu cầu vận tải trên từng tuyến khai thác và các định mức kinh tế kỹ thuật, các hướng dẫn lập kế hoạch, giá cả .... các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt lập kế hoạch về yêu cầu vốn duy tu sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt gửi về Liên hiệp đường sắt Việt Nam xem xét cân đối tổng hợp trình Bộ giao thông vận tải, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính phê duyệt.

Liên hiệp đường sắt Việt Nam phải xác định rõ ràng, ổn định nhiệm vụ và phạm vi quản lý được giao cho các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt, có quy định cụ thể về đối tượng, cấp sửa chữa các tài sản cố định thuộc cơ sở hạ tầng đường sắt, đồng thời xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cụ thể như sau :

Đối với các đơn vị quản lý cầu đường tính theo :

_Km đường chính tuyến

_Km đường ga

_Km đường nhánh

_Ghi (chia theo các loại)

_Mét cầu (chia theo các loại cầu sắt, beton . . .)

_Mét hầm

_Mét cống

_Mét vuông nhà ga, nhà làm việc, xưởng, kho khe bến bãi . . .

* Điểm gác chắn đường ngang . . .

Đối với các đơn vị quản lý thông tin tín hiệu đường sắt tính theo :

_Km đường dây Thông tin.

_Thiết bị Thông tin, Thiết bị Tín hiệu . . .

Nội dung chi sửa chữa thường xuyên cơ sở hạ tầng đường sắt bao gồm :

1.Lương và phụ cấp lương CBCNV.

2.BHXH, BHYT.

3.Nhiên liệu.

4.Vật liệu.

5.Công tác phí.

6.Các chi phí quản lý

7.Mua sắm thiết bị phục vụ sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt.

8.Dự phòng khôi phục giao thông khẩn cấp do tai nạn, thiên tai địch hoạ . . .

2-Kế hoạch sửa chữa lớn

Các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt phải lập Luận chứng kinh tế kỹthuật hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật và thiết kế dự toán các công trình, hạng mục sửa chữa lớn gửi về Liên hiệp đường sắt Việt Nam xem xét tổng hợp trình Bộ giao thông vận tải, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính . . . xem xét, phê duyệt, hoặc Liên hiệp đường sắt Việt Nam xét duyệt đối với các công trình, dự án thuộc phạm vi ngành quản lý.

Việc xây dựng và xét duyệt kế hoạch vốn sửa chữa lớn, thực hiện theo những quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý xây dựng cơ bản.

II- GIAO KẾ HOẠCH :

Căn cứ theo kế hoạch vốn đã được Nhà nước phê duyệt, Liên hiệp đường sắt Việt Nam phân bổ và thông báo cụ thể chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt để tổ chức thực hiện. Liên hiệp đường sắt Việt Nam phải gửi bản kế hoạch phân bổ nêu trên cho Bộ Tài chính và Cục Kho bạc Nhà nước để theo dõi và làm căn cứ cấp phát, thanh toán.

Trong quá trình thực hiện, nếu có các biến động lớn về chính sách tiền lương, giá vật tư, Liên hiệp đường sắt Việt Nam tổng hợp trình Bộ giao thông vận tải, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính để xử lý bổ xung kinh phí.

III- CẤP PHÁT VỐN

Hàng tháng Bộ Tài chính chuyển tạm ứng vốn sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt bằng lệnh chi sang Cục Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước cấp phát thanh toán cho chủ đầu tư theo từng đơn vị quản lý, từng công trình, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt thuộc Liên hiệp đường sắt Việt Nam , làm cơ sở phân bổ cho các đơn vị.

Đối với vốn sửa chữa thường xuyên, hệ thống Kho bạc Nhà nước cấp phát cho các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt khi có đủ :

1.Thông báo kế hoạch chi vốn sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt đã được phân bổ.

2.Báo cáo tình hình thực hiện số vốn đã cấp.

Đối với vốn sửa chữa lớn, hệ thống Kho bạc Nhà nước cấp phát khi có đủ:

1.Kế hoạch kinh phí được duyệt

2.Có luận chứng kinh tế kỹthuật (b/c kinh tế kỹ thuật) thiết kế dự toán được duyệt.

3.Có hợp đồng kinh tế.

4.Có biên bản nghiệm thu, phiếu giá thanh toán.

IV- CHẾ ĐỘ NỘP TIỀN THUÊ SỬ DỤNG CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT

1/ Hàng tháng các xí nghiệp liên hợp vận tải đường sắt khu vực 1, 2, 3 có nghĩa vụ trích nộp vào Ngân sách Nhà nước một khoản tiền thuê sử dụng cơ sở hạ tầng đường sắt theo tỷ lệ 10% tính trên doanh thu vận tải thực hiện.

2/ Các Cục thuế địa phương có trách nhiệm đôn đốc các xí nghiệp liên hợp vận tải đường sắt khu vực 1, 2, 3 nộp khoản thu này vào Ngân sách Trung ương (mục 35 “Tiền thuê sử dụng đường sắt” , Chương 19).

V- CHẾ ĐỘ BÁO CÁO - QUYẾT TOÁN

1.Báo cáo quyết toán vốn sửa chữa thường xuyên

A- TRÁCH NHIỆM QUYẾT TOÁN VÀ DUYỆT QUYẾT TOÁN :

Các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt nhận vốn quản lý và sửa chữa thường xuyên có trách nhiệm quyết toán quý, năm theo các nội dung và thời gian quy định với Liên hợp đường sắt Việt Nam và Kho bạc Nhà nước.

Liên hợp đường sắt Việt Nam sau khi nhận được quyết toán năm của đơn vị tiến hành xem xét, tổ chức xét duyệt quyết toán cho từng đơn vị, có sự tham gia của Bộ Tài chính và Bộ giao thông vận tải, đồng thời tổng hợp quyết toán gửi Bộ Tài chính để tổng quyết toán Ngân sách Nhà nước.

B- NỘI DUNG QUYẾT TOÁN :

Nội dung quyết toán vốn sửa chữa thường xuyên cơ sở hạ tầng đường sắt áp dụng theo biểu mẫu quyết toán quy định trong chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp kinh tế tại QĐ 257 ngày 1-6-1990 của Bộ Tài chính .

Ngoài ra còn phải thể hiện các nội dung sau :

_Tổng số vốn được cấp

_Vốn sửa chữa thường xuyên thực tế đã chi, phân tích nguyên nhân thừa, thiếu.

_Báo cáo tổng hợp các loại công việc sửa chữa thường xuyên thể hiện theo chỉ tiêu kế hoạch, dự toán được duyệt, giá trị thực hiện đã thanh toán.

C- THỜI GIAN GỬI BÁO CÁO QUYẾT TOÁN :

Các đơn vị phải tổng hợp và gửi báo cáo quyết toán cho Liên hiệp đường sắt Việt Nam sau 45 ngày đối với quyết toán năm và sau 30 ngày đối với quyết toán quý.

Liên hiệp đường sắt Việt Nam sau khi nhận được báo cáo quyết toán của các đơn vị, tổng hợp báo cáo về Bộ Tài chính 15 ngày sau khi nhận quyết toán quý và năm của các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt.

2- Báo cáo quyết toán vốn sửa chữa lớn

I- ĐỐI VỚI CƠ QUAN QUẢN LÝ VỐN :

Các Chi cục Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm quản lý, cấp phát, thanh toán vốn sửa chữa lớn theo các quy định hiện hành. Hàng quý, hàng năm Chi cục Kho bạc Nhà nước tổng hợp quyết toán tình hình sử dụng vốn, báo cáo gửi về Cục Kho bạc Nhà nước để tổng hợp quyết toán báo cáo Bộ Tài chính .

II- ĐỐI VỚI CƠ QUAN SỬ DỤNG VỐN :

Các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt, Liên hiệp đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định về chế độ quyết toán hiện hành.

VI- TRÍCH LẬP QUỸ KHEN THƯỞNG VÀ PHÚC LỢI

1.Các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt được hình thành 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi căn cứ vào kết quả tiết kiệm chi phí so với định mức được duyệt và kết quả kinh doanh dịch vụ, sản xuất phụ sau khi đã nộp thuế theo luật định.

2.Mức trích quỹ theo chế độ hiện hành đối với các đơn vị sự nghiệp kinh tế.

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Để thực hiện nội dung trong Thông tư này, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế, Liên hiệp đường sắt Việt Nam phải tổ chức bộ máy quản lý trong Liên hiệp đường sắt Việt Nam , để giám sát và hạch toán riêng biệt và đầy đủ việc sử dụng nguồn vốn nói trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1-1-1995. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
- Các Bộ, Uỷ ban NN và cơ quan trực thuộc Chính phủ
- Liên hiệp ĐSVN
- Các XNLHVTĐSKV 1, 2, 3
- Cục thuế Hà nội, Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh
- Lưu VF-GTBĐ-NSNN-ĐTXD-
Cục Kho bạc NN-TCT

KT BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Phạm Văn Trọng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 84 TC-GTBĐ năm 1994 về hướng dẫn chế độ cấp phát và quản lý vốn sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 84TC-GTBĐ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/10/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản